Nentangcuadanchu


Nền tảng của dân chủ là
người dân phải chủ động làm chủ đất nước
Nguyễn Chính Kết
Hiện nay, những người yêu nước đều cảm thấy chế độ độc tài đảng trị và toàn trị của CSVN là một chế độ chính trị tệ hại nhất trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Nó tệ hại hơn chế độ quân chủ phong kiến của các vua chúa xưa, chế độ tài phiệt, chế độ thần quyền, thậm chí tệ hại hơn tất cả các chế độ độc tài khác như chế độ quân phiệt, chế độ độc tài cá nhân, v.v... Nói chung, tất cả các chế độ độc tài đều dùng đủ mọi cách để bảo vệ và duy trì sự độc quyền cai trị của mình. Nhưng không có chế độ nào làm được điều đó hữu hiệu bằng chế độ độc tài đảng trị và toàn trị như chế độ cộng sản hiện nay tại Việt Nam. Việc quyết tâm thay thế chế độ cộng sản bằng chế độ dân chủ cách này hay cách khác, bằng cách lật đổ, đảo chánh, hay bằng cách chuyển biến ôn hòa từ bên trong… là điều là điều tối cần thiết để cứu đất nước khỏi cảnh tụt hậu, nghèo khổ, mất nước, v.v...
Khi chế độ độc tài cộng sản không còn nữa, thì đất nước ta nên theo chế độ nào, đó là việc chúng ta cần suy nghĩ chọn lựa. Những người đã từng sống trong chế độ dân chủ như tại Hoa KỳCanada, Pháp, Úc, v.v... đều thấy chế độ dân chủ là chế độ tương đối tốt; điều đó không có nghĩa là nó luôn luôn tốt trong mọi trường hợp. Về vấn đề này, Winston Churchill phát biểu: “Democracy is the worst form of government except for all those others that have been tried” (tạm dịch là «Không kể những hình thức cai trị đã được thử nghiệm thì dân chủ là hình thức tồi tệ nhất»). Câu này phải hiểu ngầm ý mà ông không nói ra là: nếu kể cả những hình thức cai trị đã được thử nghiệm, thì dân chủ là hình thức tốt nhất; nó chỉ là tệ nhất khi so với những hình thức cai trị tốt hơn sẽ được áp dụng trong tương lai. Điều đó có nghĩa là thể chế dân chủ không phải là thể chế không có khuyết điểm. Nó có nhiều mặt tốt hơn hẳn các chế độ độc tài hay phong kiến, nhưng nó vẫn có những hạn chế của nó.
Hiện nay, rất nhiều người Việt trong nước cũng như hải ngoại đang tích cực tranh đấu để Việt Nam có được một thể chế dân chủ như những nước tiên tiến trên thế giới. Các nước ấy sở dĩ trở nên tiên tiến như hiện nay là nhờ áp dụng thể chế dân chủ, tự do. Nhưng để thể chế dân chủ có thể thể hiện được sự tốt đẹp của nó thì đòi buộc người dân phải có trình độ dân trí ở mức độ tương đối nào đó. Nếu dân trí quá thấp, thể chế dân chủ không hẳn là tốt đẹp.
Chính vì thế, để chuẩn bị một thể chế dân chủ tốt đẹp cho dân tộc, cụ Phan Chu Trính chủ trương: “Hậu dân sinh, Khai dân trí, Chấn dân khí”. Nghĩa là phải “Thỏa mãn các nhu cầu thể chất của dân, Nâng cao trình độ hiểu biết của dân, và Củng cố sức mạnh tinh thần của dân”.
Chế độ dân chủ mà chúng ta đang đấu tranh để dân tộc chúng ta có được, cần phải có nền tảng chắc chắn. Nếu không, nó sẽ không tồn tại được lâu dài, và sớm muộn cũng sẽ bị thay thế bằng một chế độ độc tài. Quả thật, chuyển từ thể chế dân chủ sang độc tài thì rất dễ, nhưng chuyển từ độc tài thành dân chủ thì phải tốn biết bao xương máu như lịch sử đã từng chứng tỏ. Nền tảng của dân chủ chủ yếu nằm ở phía người dân hơn là ở phía những nhà lãnh đạo. Muốn dân chủ có nền tảng thì phải xây dựng dân chủ từ dưới lên (grassroot democracy), nghĩa là từ hạ tầng cơ sở, từ tâm thức người dân và từ cơ sở xã ấp, chứ không phải xây từ trên xuống. Không phải những người lãnh đạo đất nước hay những nhà nhà dân chủ cứ lật đổ được chế độ độc tài rồi soạn thảo ra một hiến pháp dân chủ thì đất nước sẽ trở thành dân chủ. Dân chủ đến từ những nhà lãnh đạo không phải là thứ dân chủ có nền tảng.
Muốn có dân chủ đích thực, ngoài việc lật đổ chế độ độc tài hiện hành như điều kiện tiên quyết, thì điều tối cần thiết sau đó là phải thực hiện 3 yếu tố: “Hậu dân sinh, Khai dân trí, Chấn dân khí” như cụ Phan Chu Trinh đã chủ trương.
Nếu người dân không muốn, không chịu làm chủ, hay không có khả năng làm chủ, thì họ không thể làm chủ đất nước được. Nếu như thế, chế độ dân chủ dù có được “tặng miễn phí”, được “cho không biếu không”, hay có phải trả giá bằng biết bao xương máu thì cũng không thực hiện tốt đẹp được.
Chúng ta thử tìm hiểu 3 yếu tố: “Chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh”.
1) Chấn dân khí
Làm chủ là gì? − Làm chủ thì phải đảm trách nhiều trách nhiệm hơn là làm khách hay làm công. Người khách đến nhà thăm ta không có nhiệm vụ phải làm gì khi nhà ta dơ bẩn, đầy rác, hay bừa bãi, bê bối. Người làm công trong công ty của ta chỉ cần làm xong công tác ta giao là hết trách nhiệm, chứ không chịu trách nhiệm về việc lời lỗ, sự thịnh đạt hay khả năng tồn tại của công ty. Nếu ta không muốn làm gì khi nhà ta dơ bẩn, hay cứ thờ ơ vô trách nhiệm đối với tình trạng thịnh đạt hay lời lỗ của công ty ta, thì ta chỉ đóng vai trò của người khách, người tham quan hay người làm công chứ không phải người làm chủ. Người chủ là người chịu trách nhiệm chính, nên phải đầu tư nhiều đầu óc, hy sinh thì giờ, công sức và tiền bạc cho thực tại mà mình làm chủ. Thiếu tinh thần làm chủ này thì sớm muộn gì cái địa vị “làm chủ” cũng mất vào tay người khác.
Người dân có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, có lo lắng cho số phận, sự thịnh suy của đất nước, thì mới có thể làm chủ đất nước được. Tinh thần làm chủ này chính là Dân Khí.
2) Khai dân trí
 Muốn làm chủ thì cũng phải có đầu óc, có trí tuệ thì mới làm chủ một cách sáng suốt và hữu hiệu.
Xã hội con người vốn đa dạng và đầy sự khác biệt do “bá nhân bá tánh”, “chín người mười ý”, nên muốn thống nhất ý chí hầu tạo trật tự và đoàn kết trong xã hội thì thể chế dân chủ theo nguyên tắc lấy ý kiến của đa số làm ý kiến chung. Nhưng không phải ý kiến của đa số lúc nào cũng hay và sáng suốt hơn ý kiến của thiểu số.
Khi người trong tập thể có khả năng nhận thức tương đối ngang nhau, hoặc chỉ có một thiểu số kém cỏi, thì khi ấy ý kiến của đa số mới tốt hơn, sáng suốt hơn ý kiến của thiểu số. Còn trong những tập thể mà nhận thức của đa số còn kém cỏi, chỉ được một thiểu số có nhận thức cao, thì việc áp dụng nguyên tắc “đa số thắng thiểu số” trong tập thể ấy ắt hẳn không phải là khôn ngoan.
Do đó, muốn thể chế dân chủ thật sự phát huy được lợi ích của nó, thì phải nâng cao dân trí của quần chúng. Nếu đa số nhân sự trong tập thể chỉ biết nhìn vấn đề một cách thiển cận, nhận định sự việc một cách nông cạn, hời hợt, dễ bị tuyên truyền phỉnh gạt bởi những thế lực xấu… thì cao kiến của thiểu số khôn ngoan sẽ không được chấp nhận, thậm chí còn bị đa số chê là dở. Nếu đa số thành viên trong tập thể chỉ là những con cừu, chỉ biết nhắm mắt làm theo hay đi theo sự hướng dẫn của người khác, và nếu người này là người xấu, thì khi tập thể quyết định theo ý kiến của đa số, ắt nhiên sẽ sinh ra những hậu quả không tốt.
3) Hậu dân sinh
Dân khí và dân trí là hai yếu tố tối cần thiết để người dân có thể làm chủ được đất nước. Nhưng nếu dân chúng thiếu thốn những phương tiện vật chất để sinh sống, để khỏe mạnh, để được thoải mái tâm trí… thì lúc ấy “cái khó bó cái khôn”, và dân khí cũng nhưdân trí khó mà phát triển được. Người xưa nói: “Có thực mới vực được đạo”, “Mens sana in corporo sano” (thể xác có khỏe thì tâm trí mới lành mạnh), nghĩa là có được no ấm, có đủ cơm áo gạo tiền thì con người mới khỏe mạnh và có đủ đầu óc để phát triển những khả năng tinh thần. Do đó, việc nâng cao đời sống của dân chúng cũng là một yếu tố quan trọng để giúp người dân làm chủ.
Tóm lại, để thực hiện một thể chế dân chủ cho Việt Nam, việc tranh đấu để lật đổ chế độ độc tài chỉ là điều tiên quyết phải làm. Nhưng không chỉ có thế. Nếu chính bản thân những người đấu tranh không có tinh thần làm chủ và không tập người dân làm chủ, thì sau đó đất nước cũng sớm muộn gì cũng bị một tập đoàn khác có thế lực tiếm quyền làm chủ để trở thành một chế độ độc tài. Do đó, ngay từ bây giờ, trước khi chế độ độc tài sụp đổ, chúng ta cần phải Chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh” như cụ Phan Chu Trinh chủ trương, để tạo điều kiện cho người dân muốn làm chủ và có khả năng làm chủ đất nước. Có như thế, nên dân chủ của Việt Nam mới lâu bền và không ai phá đổ được.
Houston, ngày 06/12/2013.
Nguyễn Chính Kết