Donglucdautranhchotudodanchu

Động lực đấu tranh cho tự do dân chủ
Nguyễn Chính Kết
Như chúng ta đã biết, để bảo vệ độc quyền cai trị, quyền cưỡi đầu cưỡi cổ người dân và quyền ăn cướp trên đất nước Việt Nam một cách vô thời hạn, CSVN đã dùng hiến pháp, luật pháp, tòa án, toàn bộ bộ máy nhà nước, các phương tiện truyền thông, và các công cụ cụ thể như quân đội, công an… để thực hiện mục đích ấy. Như quá khứ đã chứng tỏ, họ đã sử dụng những phương tiện hữu hiệu trên một cách vô nhân đạo nhất, hèn hạ nhất, dã man nhất, bẩn thỉu và tồi tệ nhất, thậm chí sẵn sàng bán đất bán biển, bán cả giang sơn cho ngoại bang chỉ để bảo vệ cái độc quyền ăn cướp ấy.
Họ đã dùng biện pháp khủng bố làm cho mọi người dân sợ hãi: sợ chết, sợ tù, sợ mất việc làm, sợ bị phiền nhiễu, sợ người thân bị liên lụy… hầu người dân phải luôn luôn khuất phục, vâng lời họ. Nhiều người dân sợ đến nỗi chấp nhận làm tay sai cho họ, sẵn sàng tuân hành những mệnh lệnh phi lý và vô nhân nhất của họ. Cụ thể nhất là những tên công an hèn tới mức sẵn sàng đánh đập, tra tấn người dân vô tội chỉ để thực hiện lệnh cướp của giết người của cấp trên, không cần biết lệnh đó đúng sai, phải trái gì cả.
Tuy nhiên, trong số dân chúng vẫn luôn luôn có những người vượt thắng được những nỗi sợ hãi cố hữu đang đè nặng trên nhân dân để tranh đấu, để nói lên những điều mà chẳng mấy ai dám nói. Họ đã mạnh dạn nói lên những khát vọng sâu xa của người dân về tự do dân chủ đã bị đảng CSVN tước đoạt suốt gần 70 năm tại Miền Bắc, và gần 40 năm qua tại Miền Nam. Họ dám nói lên những bất công, những đau khổ mà người dân phải chịu do chế độ độc tài độc đảng đang gây ra cho người dân. Những người can đảm này dám nói lên sự vô nhân, thất đức, sự hèn hạ, bất xứng của giai cấp lãnh đạo đang quyết tâm bám lấy “ngai vàng” với bất cứ giá nào bất chấp sự bất lực, vô tài, thất đức của mình. Họ đã can đảm nói lên sự thật bất chấp bị đe doạ, sách nhiễu, bất chấp bị quản chế hay vào tù, thậm chí bất chấp cả cái chết… Họ là những người đang lên tiếng tranh đấu cho tự do dân chủ, cho quyền làm người, cho công lý xã hội như Lm Nguyễn Văn Lý, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Ls Cù Huy Hà Vũ, v.v… Trong đó có cả những liễu yếu đào tơ như Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh, Mai Thị Dung, Hồ Thị Bích Khương, v.v...
Cái gì đã thúc đẩy họ, khiến họ can đảm hy sinh tranh đấu như thế? Chính là tình yêu đối với quê hương dân tộc, đối với đạo pháp, đặc biệt đối với những người dân đang đau khổ. Nghĩ tới biết bao người bị tù, bị giết, bị tra tấn, bị bạc đãi vì lý do tôn giáo, vì chống bất công xã hội, vì khác quan điểm chính trị với những kẻ cầm quyền, vì thấp cổ bé miệng, hay chẳng vì một lý do nào cả, họ cảm thấy không thể im lặng hay ngồi yên như thể không có chuyện gì xảy ra. Nghĩ tới biết bao người đau khổ, trở nên trắng tay vì bị tước đoạt tài sản, nhà cửa, đất đai ruộng vườn do lòng tham vô đáy của những kẻ có chức có quyền, họ sẵn sàng chấp nhận vào tù ra khám để tranh đấu thay cho những người ấy. Họ cảm thấy những đau khổ mà họ phải chịu do việc tranh đấu của họ đâu nhằm nhò gì so với trăm triệu đau khổ mà người dân Việt đang phải gánh chịu vì chế độ độc tài. Nếu phải đau khổ hay phải chết mà hy vọng làm cho dân chúng bớt khổ thì họ sẵn sàng chấp nhận.
Họ thường không phải là những người có tiếng nói mạnh mẽ trong xã hội như các đại tướng trong quân đội hay các bộ trưởng trong chính phủ, hay như những ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch thành phố, cũng không phải như những vị giám mục hay hòa thượng có cả hàng vạn, triệu tín hữu sẵn sàng nghe lời dạy bảo của mình… Họ chỉ là những người bình thường, có tiếng nói rất hạn chế của một linh mục, một mục sư, một thượng tọa, hay một luật sư, một kỹ sư, một giáo sư, một nhà văn… thậm chí chỉ là một sinh viên, một nông dân, một công nhân rất bình thường… Họ đã chờ đợi những người nổi tiếng, những người có uy tín lẫy lừng, những người mà lời nói “có gang có thép” lên tiếng đấu tranh để họ ủng hộ. Nhưng chính những người này nhiều khi im lặng thụ động, có vẻ như đồng lõa hay sợ hãi mà đành chấp nhận bạo lực, hay không đủ tình yêu và can đảm để tranh đấu, không đủ ý thức trách nhiệm để thấy rằng trong hoàn cảnh đất nước như hiện nay, mình phải làm một cái gì hơn là những việc mình phải làm trong một xã hội bình thường.
Không thể chờ đợi những người khác lên tiếng rồi mình mới lên tiếng, vì nếu ai cũng chờ như thế thì sẽ chẳng ai lên tiếng cả. Ý thức được trách nhiệm của một người dân trong một đất nước lầm than: “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”, dù cảm thấy tiếng nói của mình rất nhỏ bé, họ vẫn cảm thấy trách nhiệm phải lên tiếng. Lên tiếng cho những kẻ không có tiếng nói, cho những kẻ không dám nói, cho những kẻ muốn nói mà không nói được, nhất là cho những kẻ đang bị áp bức cách bất công…
Trong bầu khí đón mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh, nhiều người đã suy tư từ sự kiện lịch sử đặc biệt này để có thêm những động lực đấu tranh mạnh mẽ, nhất là những Kitô hữu. Đối với họ, tranh đấu vì yêu thương quê hương dân tộc cũng là một cách thờ phượng Thiên Chúa, và có thể đó là cách tốt nhất, tuyệt vời nhất. Gương của Đức Giêsu cho chúng ta thấy điều ấy.
Ngài xuống thế làm người vì yêu thương nhân loại. Ngài sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau như mọi người cũng vì yêu thương nhân loại. Ngài chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá cũng vì yêu thương nhân loại. Chính vì yêu thương nhân loại, mà tất cả những hành vi yêu thương và sự hy sinh cho nhân loại của Ngài như xuống thế, sống đời trần thế, chịu khổ hình và chết trên thập tự, và hành vi lập phép Thánh Thể của Người cũng đều là những hành vi được Giáo Hội chính thức nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa, và là hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, đúng nghĩa nhất. Nơi Đức Giêsu, hành vi yêu thương nhân loại và hành vi thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một hành vi duy nhất, chứ không phải là hai hành vi khác nhau. Nói khác đi, đối với Ngài, yêu thương nhân loại, hy sinh cho hạnh phúc của nhân loại cũng chính là thờ phượng Thiên Chúa.
Dường như nơi Ngài không có sự phân biệt giữa hai việc: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Hễ yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu thương con người. Mà yêu thương và hy sinh để cứu khổ và mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân cũng chính là yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt hảo nhất. Hai điều đó, hai giới răn đó tự bản chất chỉ là một giới răn duy nhất, chỉ có thể phân biệt chứ không thể tách biệt. Tách rời nhau được thì chúng không còn là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân đúng nghĩa nữa. Cũng tương tự như cây thập giá mà Ngài chịu chết trên đó gồm hai thanh dọc và ngang, hai thanh tạo thành một thập giá duy nhất. Thanh dọc tượng trưng cho tình yêu đối với Thiên Chúa, và thanh ngang biểu tượng cho tình yêu đối với đồng loại. Tách rời hai thanh ấy ra thì không còn là thập giá nữa.
Thờ phượng Thiên Chúa bằng yêu thương và hy sinh cho tha nhân có giá trị hơn những nghi thức tôn giáo, vì điều cốt yếu nhất trong việc thờ phượng là sự hy sinh: mọi sự thờ phượng từ nguyên thủy −chẳng hạn trong Do Thái giáo− đều đòi hỏi sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi nào đó như sát tế lễ vật. Hy sinh một vật ngoài mình không giá trị bằng hy sinh chính mình hay hy sinh một cái gì đó thân thiết nhất của mình: mạng sống, hạnh phúc, an toàn bản thân, người mình yêu, vật mình quý, ý muốn, danh dự, uy tín, sức khỏe, thì giờ, tiền bạc, tiện nghi… Nhiều nghi thức thờ phượng trong tôn giáo không hề đòi hỏi kẻ thờ phượng phải hy sinh, chấp nhận đau khổ, nếu có thì chỉ đòi hỏi hy sinh những gì bên ngoài mình, không mấy thân thiết với mình. Nếu đòi hỏi phải hy sinh bản thân hay những thứ thân thiết nhất với mình mới là sự thờ phượng chân chính, ắt số người thờ phượng đúng nghĩa sẽ ít hơn rất nhiều.
Hành vi nào của Đức Giêsu ở trần gian cũng đều vừa là yêu thương con người, vừa là thờ phượng Thiên Chúa. Đó là một hành vi nhưng có hai giá trị không thể tách rời. Vì thế, cách thức yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài yêu chuộng nhất chính là coi nhân loại hay tha nhân như hiện thân của chính Thiên Chúa để yêu thương và hy sinh cho họ như yêu thương và hy sinh cho chính Thiên Chúa. Tha nhân là tất cả mọi người không trừ ai. Nhưng những người đáng cho chúng ta ưu tiên yêu thương và hy sinh chính là những người đang đau khổ, những người nghèo hèn, bệnh tật, những người bị áp bức, bị tước đoạt những quyền căn bản và chính đáng nhất của con người, bị chiếm đoạt nhà cửa, ruộng vườn khiến họ phải sống vất vưởng vô gia cư, những người bị tù đày, bị tra tấn, sách nhiễu, bị đối xử bất công…
Trong hoàn cảnh đất nước bị chế độ độc tài cộng sản đô hộ hiện nay, việc tranh đấu chống độc tài, áp bức, bất công, để đem lại tự do, công bằng và hạnh phúc cho quê hương chính là một trong những cách thức yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cụ thể và thiết thực nhất. Tất cả những người đang hy sinh bản thân, mạng sống, chấp nhận đau khổ, tù tội để làm cho tha nhân được ấm no, hạnh phúc, cho xã hội được tự do, công bằng, thăng tiến… nhất là những người đang liều mình tranh đấu cho tự do dân chủ của quê hương, dù họ thuộc bất kỳ tôn giáo nào, đều là những người yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cách đúng nghĩa nhất.
Chúa Giêsu xuống thế làm người, chịu biết bao đau khổ và chịu chết nhục nhã để cứu nhân loại chỉ vì Ngài yêu thương nhân loại. Những hành động yêu thương đều được Giáo Hội coi là những hành động thờ phượng Thiên Chúa đúng nghĩa nhất. Điều đó đáng chúng ta suy nghĩ để có những động lực tuyệt hảo mà hy sinh cho tha nhân, nhất là cho dân tộc Việt Nam của chúng ta đang đau khổ quằn quại dưới ách thống trị bạo tàn của Cộng sản.
Houston, ngày 24/12/2013.

Nguyễn Chính Kết