Nhungnhantogaychiare


Những nhân tố gây chia rẽ

Nhiều người than phiền về tình trạng chia rẽ hiện nay trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức hay đảng phái bị vỡ thành hai hay ba mảnh khác nhau, đôi khi những mảnh vỡ này lại chống báng lẫn nhau. Cùng làm một việc như nhau, nhưng các cá nhân hay tập thể chống cộng không thể làm chung với nhau được. Chẳng hạn cùng trong một thành phố, mà hai ba tổ chức tưởng niệm ngày quốc hận vào những giờ và địa điểm khác nhau; hay vận động chính giới với những nội dung và mục đích tương tự nhau nhưng không kết hợp với nhau để trở thành một tiếng nói chung đủ sức mạnh để chính giới phải tôn trọng.
Ai cũng biết yếu tố tối cần thiết để chiến thắng là sức mạnh nên tình trạng chia rẽ như vậy là làm suy yếu cộng đồng, rất bất lợi cho cuộc đấu tranh. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ chia rẽ suốt bao nhiêu năm nay, thậm chí có người nhận xét rằng càng ngày càng bị chia rẽ. Phải chăng chúng ta chưa quyết tâm chiến thắng mà chỉ đấu tranh cho có, cho vui thôi? Tại sao từ trước đến nay, có biết bao người hay tổ chức kêu gọi và tạo điều kiện để đoàn kết mà vẫn thất bại?
Muốn đoàn kết, muốn tránh chia rẽ thì phải xác định được những nguyên nhân nào gây chia rẽ khiến chúng ta không đoàn kết được?
Có hai thứ nguyên nhân: nguyên nhân ngoại tại và nguyên nhân nội tại.
Nguyên nhân ngoại tại:
Nhiều người cho rằng sở dĩ chúng ta chia rẽ là do tác động của Cộng sản nằm vùng tại hải ngoại, chúng thực thi nghị quyết 36 của đảng Cộng sản. Không thể phủ nhận rằng có những tên Cộng sản nằm vùng được cài vào cộng đồng người Việt hải ngoại qua những cuộc vượt biên bán chính thức được sự hỗ trợ ngầm của nhà nước hay công an CSVN, hoặc bằng cách làm những giấy tờ giả để nộp đơn vào những chương trình tị nạn mà chính phủ các nước tự do chủ trương, hay qua diện du học, diện người thân bảo lãnh, v.v...
Những tên cộng sản nằm vùng này đã được đào tạo có căn bản tại trường lớp để xâm nhập vào các cộng đồng người Việt tị nạn tại hải ngoại. Nhiệm vụ của chúng là làm công tác tình báo, làm tai mắt cho chế độ cộng sản trong nước, đồng thời phá hoại, gây chia rẽ và làm suy yếu hàng ngũ đấu tranh tại hải ngoại. Chúng được huấn luyện để biết tâm lý, sở thích, sở đoản, tính chất của từng tổ chức đấu tranh cũng như từng cá nhân nổi tiếng chống cộng tại hải ngoại để tương kế tựu kế khiến những người đấu tranh chống cộng nghi ngờ nhau, chống báng lẫn nhau. Lợi dụng tính dễ tin, tin không cần kiểm chứng hay lý luận của nhiều người để phao tin thất thiệt bất lợi cho những người thật sự bất lợi cho chúng. Cộng đồng người Việt bị chia rẽ, xào xáo một phần do bọn chúng gây nên.
Nguyên nhân nội tại:
Nhưng sở dĩ những tên cộng sản nằm vùng tác động hữu hiệu và gây chia rẽ được cộng đồng người Việt hải ngoại cũng là nhờ một số người chống cộng vô tình tiếp tay cộng tác với chúng. Những người này tiếp tay với chúng mà trong thâm tâm vẫn đinh ninh rằng mình đang chống cộng một cách tích cực hơn ai hết. Bọn cộng sản nằm vùng chỉ có thể tác dụng và kín đáo điều khiển được những người ham danh, tự kiêu, tự phụ, thích được khen, thích nổ, những người có tính đố kỵ, ghen tương, dễ nóng giận, những người có tính bè phái, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay đảng phái mình hơn đại cuộc, những người dễ tin, tin không cần kiểm chứng, không cần suy xét xem điều đó có hợp lý không, những người hành động theo cảm xúc hơn là lý trí… Mỗi một loại người trên chúng tác động một kiểu để họ chống cộng theo cách có lợi cho chúng, hay ít ra là không gây tác hại nhiều cho chúng, hoặc để tạo nên tình trạng những người chống cộng tập trung vào việc chống lẫn nhau nhiều hơn là chống cộng. Điều thành công nhất đối với bọn cộng sản  nằm vùng là làm cho những người thật sự chống cộng bị nghi ngờ là thân cộng, bị chụp mũ là cộng sản… khiến họ bị cô  lập và bất tín nhiệm.
Chúng biết rất rõ là người Việt tị nạn cộng sản rất ghét hay rất căm thù cộng sản, nên ai tỏ ra thân cộng hay không có lập trường chống cộng rõ ràng thì đều bị nghi ngờ hay chống đối. Chúng có thể lợi dụng ngay đặc tính này của những người chống cộng để gây chia rẽ, để làm những người chống cộng trở thành chống lẫn nhau. Bằng cách nào? Chúng thường tung lên mạng Internet những tin bất lợi cho một người chống cộng đang gây thiệt hại cho chúng, hoặc tìm cách cắt nghĩa theo chiều hướng xấu một hành vi có thật của người ấy, hoặc tạo những hình ảnh giả bằng kỹ thuật photoshop… Trong số những người chống cộng có nhiều người dễ tin, tin dễ dàng những thông tin trên Internet, nhất là khi những thông tin ấy phù hợp với những cảm xúc hay thành kiến của họ. Chẳng hạn khi họ đang xung đột quyền lợi với ai, hoặc đang ghét ai, nghĩ xấu về ai thì họ tin ngay những lời chê bai, chỉ trích hay nói xấu người ấy, và sẵn sàng phổ biến những thông tin bất lợi ấy cho bạn bè, đồng thời coi việc làm ấy là một cách chống cộng.
Tâm lý tự nhiên của con người là dễ dàng nghĩ xấu và thích tin những chuyện xấu của người khác hơn là nghĩ tốt hay tin những chuyện tốt của người khác. Sự ghen tương hay đố kỵ thường nằm ngay trong bản tính của con người, nhất là người Á Đông, nó trở thành một cái  gì rất tự nhiên đến nỗi người ta không còn nhận thức được tính xấu ấy nơi mình nữa. Ai giỏi hơn mình, làm được nhiều việc tốt hơn mình, hoặc làm được những việc mà mình làm không nổi, được mọi người ca tụng nhiều hơn mình, được hưởng nhiều quyền lợi hơn mình... thế là tự nhiên mình ghét người ấy, nghĩ xấu, sẵn sàng nói xấu hoặc cắt nghĩa xấu những lời nói hay hành động của người ấy... Tâm lý tự nhiên ấy được diễn tả phần nào qua câu ca dao: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê: cao chê ngỏng thấp chê lùn… ”. Những tên nằm vùng cộng sản đặc biệt tận dụng tâm lý thường tình này, nhất là tính đố kỵ, để gây chia rẽ, đánh phá lẫn nhau trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Rất khó nhận ra được những tên cộng sản nằm vùng này. Để hoạt động dễ dàng, chúng thường ẩn danh, không ra mặt, chỉ gián tiếp tác động đến những người mà chúng có thể tác động được. Khi chúng muốn chia rẽ giữa ông A và bà B, chúng sẽ phao tin bịa đặt rằng ông A nói xấu bà B chuyện gì đó khiến bà B nổi sùng với ông A, chúng cũng làm tương tự như vậy để ông A giận bà B. Và chúng cứ tiếp tục làm như vậy. Nếu hai người không tỉnh táo thì có thể sẽ đi đến thù ghét nhau, đánh phá lẫn nhau. Mạng Internet là một công cụ rất thuận lợi cho chúng làm công việc gây chia rẽ này. Chúng cũng làm tương tự như vậy đối với các tập thể mà chúng muốn gây chia rẽ.
Việc loại trừ những tên cộng sản nằm vùng trong cộng đồng hay trong hàng ngũ người Việt tị nạn nếu làm được là một chuyện rất ích lợi, nó làm trong sạch hoá hàng ngũ chống cộng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những người làm công việc ấy phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt và khách quan để xác định được chính xác những tên nằm vùng ấy là ai. Nếu lại hồ đồ sẵn sàng kết án một cách không đủ bằng chứng, tương tự như mới thấy 2 tam giác có một hay hai cạnh bằng nhau liền nhanh chóng kết luận chắc chắn như đinh đóng cột rằng chúng bằng nhau, thì rất nguy hiểm. Nhất là những người làm công tác này lại có khuynh hướng “thà bắt lầm hơn bỏ sót” thì sẽ có biết bao người bị kết án oan và cộng đồng sẽ bị suy yếu đi vì mất người. Như thế thì rõ ràng là lợi bất cập hại.
Ngay cả trường hợp chúng ta biết chắc chắn người đó là thân cộng, nhưng nếu người đó đang được một số đông người trong cộng đồng rất tin tưởng, thì việc tố cáo người ấy mà không đủ bằng chứng thuyết phục thì có thể sẽ gây ra tình trạng cộng đồng bị chia thành hai phe chống lẫn nhau. Trường hợp này cần phải cân nhắc thật kỹ, kẻo cái hại gây ra do sự chia rẽ cộng đồng lớn hơn nhiều lần so với cái hại do người thân cộng kia có thể gây ra. Giữa hai cái hại không thể tránh được cả hai, ta đành phải chọn tránh cái hại nhỏ hơn. Đừng vì quá chú trọng đến cái hại này mà không thấy cái hại kia lớn hơn gấp bội ở đằng sau.
Trong cộng đồng, chúng ta cũng thấy có những người vì muốn được mọi người biết đến mình, nên tìm cách đánh phá những người chống cộng nổi tiếng. Họ tìm đủ cách để bới lông tìm vết sao cho những phê bình chỉ trích của mình có vẻ hợp lý để được nhiều người tin. Nhờ đó họ được nhiều người biết đến, được nổi danh, và điều ấy thỏa mãn tính ngông hay “cái tôi” của họ!
Tinh thần phe phái là chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của phe mình, của tổ chức hay đảng phái mình, của tôn giáo mình… mà quên đi quyền lợi dân tộc, cũng tạo nên sự chia rẽ trầm trọng như chúng ta từng thấy trong lịch sử nước nhà những thập niên qua và vẫn còn đang tiếp diễn…
So sánh lợi hại giữa hai nguyên nhân
Giữa hai nguyên nhân nội tại và ngoại tại, nguyên nhân nào quan trọng hơn? Cả hai nguyên nhân đều quan trọng, nhưng nguyên nhân ngoại tại chúng ta khó có thể thay đổi được. Chúng ta không thể cấm hay ngăn cản hữu hiệu được bọn cộng sản nằm vùng hoạt động gây chia rẽ cộng đồng. Chúng ta tự thay đổi chúng ta thì dễ hơn. Nếu không có những nguyên nhân nội tại ở trong chính chúng ta, thì cộng sản có muốn gây chia rẽ cũng hết sức khó khăn. Chúng gây chia rẽ được là do những nguyên nhân nội tại trong bản thân và hàng ngũ chúng ta.
Nếu chúng ta không ham danh, không tự kiêu, tự phụ, không thích được khen, thích nổ, không có tính đố kỵ, ghen tương, nếu chúng ta không nhiều tự ái, dễ nóng giận, không có đầu óc bè phái, không dễ tin những điều chúng tuyên truyền, vu khống, nếu chúng ta biết kiểm chứng, suy xét xem những thông tin bất lợi cho những người cùng chống cộng với mình có hợp lý không, nếu chúng ta hành động theo lý trí chứ không theo cảm xúc… thì làm sao cộng sản có thể gây chia rẽ chúng ta được?
Hoạt động gây chia rẽ là việc tất nhiên của chế độ cộng sản; việc mình mắc bẫy của cộng sản mà trở nên chia rẽ là việc của mình. Khi ta đi đâu không khóa cửa cho cẩn thận nên bị kẻ trộm vào nhà, thì chúng ta chỉ biết tự trách chính mình thôi. Trách kẻ trộm hay chửi nó ầm lên thì có ích gì đâu? Nếu mình khóa cửa nhà cẩn thận thì làm sao trộm vào nhà được? Cách tốt nhất là quyết tâm cẩn thận hơn, không để chuyện sơ xuất như vậy xảy ra nữa.
Nếu một đằng chúng ta tìm đủ mọi cách để tranh đấu chống cộng sản, làm chế độ của chúng sụp đổ, nhưng chúng ta lại dễ dàng để cho bọn chúng gây chia  rẽ hàng ngũ mình vì những tính tình kém cao thượng của chúng ta, thì làm sao chúng ta có đủ sức mạnh để thắng chúng được?
Houston, ngày 13/11/2013
Nguyễn Chính Kết