Chinhnghiavadoanket


Chính nghĩa và đoàn kết

Trong cuộc đấu tranh, yếu tố nào là yếu tố căn bản nhất, quan trọng nhất để thành công? Đó chính là sức mạnh. Không sức mạnh thì không thể chiến thắng được.
Sức mạnh của cộng sản nằm ở cây súng, ở vũ khí, bom đạn, ở bạo lực, khủng bố… Còn chúng ta, những người đấu tranh dân chủ bất bạo động, chúng ta không sử dụng những thứ ấy, thì sức mạnh chúng ta nằm ở đâu? Chúng ta lấy gì để chống lại sức mạnh của bạo lực, súng đạn? Liệu với chủ trương “bất bạo động”, chúng ta có thể chiến thắng cộng sản?
Với lý luận thông thường, chúng ta khó có thể chứng minh hay thuyết phục được rằng với chiến lược “bất bạo động”, chúng ta dù ít người, vẫn có thể chiến thắng được cả một lực lượng hùng mạnh, đông đảo, có vũ khí đầy đủ trong tay. Thật là một điều vô cùng khó tin!
Nhưng trong lịch sử thế giới, nhân loại đã từng nhiều lần chứng kiến điều vô cùng khó tin ấy trở thành sự thật. Trang web Wikipedia mục “Bất bạo động” viết: “Trong lịch sử hiện đại, đấu tranh bất bạo động đã trở thành một công cụ mạnh mẽ cho sự phản đối. Mahatma Gandhi đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động kéo dài hàng thập kỷ để chống lại sự đô hộ của Anh ở Ấn Độ và cuối cùng giúp nước này giành độc lập vào năm 1947. Khoảng 10 năm sau, Martin Luther King áp dụng thành công phương pháp bất bạo động của Gandhi trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen. Vào thập niên 1960, César Chávez, tổ chức một chiến dịch bất bạo động để phản đối chế độ đối với nông dân ở California. Chávez giải thích rằng “Bất bạo động không phải là không hành động. Nó không phải là sự hèn nhát hoặc yếu đuối. Nó là một việc khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn để giành chiến thắng.” Một phong trào bất bạo động gần đây là cuộc Cách mạng Nhung, một cuộc cách mạng bất bạo động đã lật đổ chính quyền cộng sản ở Tiệp Khắc vào năm 1989. Nó được coi là một trong những phong trào quan trọng nhất vào năm 1989. Đây cũng là phương pháp đấu tranh của nhiều nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam hiện nay.[1]
“Cách mạng Hoa Lài” tại Trung Đông và Bắc Phi chủ yếu cũng là những cuộc đấu tranh bất bạo động (dù có ít nhiều bạo động và đẫm máu do sự đàn áp tàn bạo của các chế độ độc tài) cũng đã thành công.
Những tên tuổi lớn của thế giới đã và đang áp dụng hình thức bất bạo động trong đấu tranh là Mahatma Gandhi (1869-1948), Martin Luther King (1929-1968), César Chávez (1927-1993), Stephen Biko (1946-1977), nhiều vị vẫn còn sống như Đạt-lai Lạt-ma Tenzin Gyatso (1935-), Nelson Mandela (1918-), Lech Wałęsa (1943-), Aung San Suu Kyi (1945-), v.v...
Làm sao những cuộc đấu tranh không dùng bạo lực và vũ khí sát thương để đối đầu, mà chỉ “chấp nhận một cách thụ động sự đàn áp của phía đối lập kể cả bằng vũ trang” lại có thể chiến thắng đối phương vừa đông, vừa dã man tàn bạo, lại vừa có đầy đủ tiền bạc, nhà tù, súng đạn? Họ chỉ “dùng nhiều phương pháp khác nhau để thay đổi xã hội bao gồm nhiều dạng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, bất phục tùng, hành động bất bạo động trực tiếp và phát biểu trên thông tin đại chúng”, thế mà họ đã đấu tranh thành công. Sức mạnh để chiến thắng của họ nằm ở đâu?
Sức mạnh của họ nằm ở chính nghĩa và sự đoàn kết.
Chính nghĩa lôi cuốn những người có lương tâm, thích lẽ phải, chuộng công bằng, yêu tha nhân, yêu quê hương dân tộc… dấn thân vào con đường đấu tranh cho chính nghĩa ấy, hoặc sẵn sàng hưởng ứng, ủng hộ, yểm trợ cuộc đấu tranh. Không có chính nghĩa, không nêu cao được chính nghĩa thì không tạo được động lực thúc đẩy người dân dấn thân cho đại cuộc, sẵn sàng hy sinh mạng sống, sức lực, tiền bạc, thì giờ cho đại cuộc.
Cuộc đấu tranh chống cộng sản của chúng ta có chính nghĩa, vì chúng ta đang tranh đấu để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của dân tộc như quyền tự quyết, những nhân quyền tự nhiên của người dân đang bị đảng, chế độ và nhà nước CSVN chà đạp trầm trọng, đồng thời để thiết lập một chế độ tự do dân chủ tạo điều kiện cho hạnh phúc của toàn dân và sự thịnh vượng của đất nước. Do đó, chính nghĩa thì chúng ta đã có và rất sáng tỏ, nhất là khi đối chiếu hay so sánh với chế độ độc tài phi nhân, gian trá, tàn bạo, phản quốc, buôn dân, bán nước mà chúng ta đang chống. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm cho chính nghĩa của chúng ta ngày càng sáng tỏ bằng những hành động phù hợp với lương tâm, lòng nhân ái và tình người của chúng ta.
Chính nghĩa càng trong sáng, càng cao thượng thì càng lôi cuốn được nhiều người tham gia. Vì thế chính nghĩa tạo nên số đông. Nếu cuộc đấu tranh bất bạo động không được số đông hưởng ứng thì không có tác dụng, không gây được áp lực nào trên đối phương. Cuộc đấu tranh bất bạo động của Gandhi sở dĩ thành công là nhờ hầu hết người Ấn Độ hưởng ứng tạo thành một đám rất đông tham gia. Nhưng nếu chỉ là đám đông thì không đủ để thành công, mà đám đông ấy phải đoàn kết lại.
Đoàn kết, hay nói cụ thể hơn là khả năng thống nhất ý chí và đường lối đấu tranh. Đó chính là yếu tố quan trọng để chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc đấu tranh bất bạo động này. Điều này ai cũng hiểu và công nhận. Ai cũng xác tín những câu như “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, “Đoàn kết tạo sức mạnh”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”… Ai cũng biết dụ ngôn bó đũa: bẻ từng chiếc thì rất dễ, nhưng bẻ cả bó thì… khó lắm! Đoàn kết tạo nên sức mạnh cho đám đông.
Thực dân Anh đã phải nhượng bộ cuộc đấu tranh bất bạo động do Gandhi khởi xướng là nhờ những người hưởng ứng và tham gia đấu tranh biết đoàn kết. Đoàn kết là đồng một lòng, cùng quyết tâm thực hiện một quyết định chung, cùng tuân theo một đường hướng chỉ đạo. Nói khác đi, dân Ấn đã bảo được nhau để cùng thống nhất một đường lối, một quyết định... Cụ thể là tất cả đều làm theo sự chỉ đạo của Gandhi là cùng nhau bất phục tùng, bất hợp tác với thực dân Anh đang thống trị họ. Nhờ đó, họ trở thành sức mạnh, buộc thực dân Anh phải trả lại độc lập cho họ. Cuộc đấu tranh bất bạo động của họ đã thành công tốt đẹp, trở thành gương mẫu cho một phương cách đấu tranh mới đang được thế giới ủng hộ.
Đặt mình vào trường hợp của dân Ấn, thử hỏi dân Việt ta có thể thống nhất với nhau để làm theo sự chỉ đạo của một người như Gandhi không? Hay chúng ta sẽ có hàng trăm ý kiến khác nhau: kẻ ủng hộ thì cho đường hướng ấy là khôn ngoan, sáng suốt, hợp thời, kẻ đả phá thì mạt sát đường lối ấy là ngu xuẩn, bất khả thi, không phù hợp, có khi còn chụp những mũ cối cho người đưa ra đường hướng ấy… Dù ủng hộ hay đả phá, đương nhiên ai cũng đều có lý của mình, đều cho rằng mình đúng. Điều đó dường như xảy ra nhan nhản trên các diễn đàn Internet của chúng ta.
Có phải là do người Việt chúng ta ai cũng tự cho mình giỏi, khôn ngoan và thông minh hơn dân Ấn, ai cũng cho ý kiến của mình là hay, là tuyệt vời, nên luôn luôn muốn mọi người phải làm theo ý kiến của mình, chứ không chấp nhận làm theo ý kiến của người khác? Phải chăng ai cũng thấy mình mới là người xứng đáng lãnh đạo, nên chẳng ai muốn bị người khác lãnh đạo mình cả? Phải chăng chính vì thế mà chúng ta không đoàn kết được?
Chính nghĩa, chúng ta có; nhưng đoàn kết, chúng ta thiếu!
Câu chuyện dưới đây tuy giả tưởng nhưng phản ánh một tình trạng có thực đáng chúng ta  suy nghĩ:
Một tổ chức đấu tranh rất đông, lên tới 1000 người, gồm toàn những người tài giỏi, ưu tú, có học vị cao, họ đưa ra được 5 đường hướng đấu tranh khác nhau, đường hướng nào cũng toát ra tính thông minh và kiến thức. Chỉ có một điều bất lợi là họ không thể cùng thống nhất với nhau một đường hướng duy nhất. 5 đường hướng ấy chia tổ chức thành 5 nhóm khác nhau, không nhóm nào chịu phục nhóm nào. Nhóm nào cũng cho đường hướng của mình là khôn ngoan nhất, nên muốn những nhóm khác phải theo đường hướng của mình. Do không cùng đường hướng với nhau, họ đã tan rã thành 5 tổ chức khác nhau. Cuối cùng họ chẳng làm được gì ra trò.
Một tổ chức khác ít người hơn, chỉ được 500 người, gồm toàn những người trí tuệ kém cỏi hơn so với những người ưu tú trong tổ chức trên. Họ ít ý kiến nên họ dễ dàng cùng chấp nhận đường hướng mà người giỏi nhất trong tổ chức đề ra. Đường hướng này về mặt trí tuệ quả thật kém xa 5 đường hướng của đám trước. Nhưng nhờ thống nhất được đường hướng đấu tranh, họ đã trở thành một lực lượng có sức mạnh. Nhờ đó họ làm được nhiều chuyện lớn lao mà tổ chức trước không làm được.
Câu chuyện có thực dưới đây chứng minh tình trạng trên:
Tiến sĩ Scott Flipse, hiện là Phó Giám đốc Phụ trách Chính sách và Nghiên cứu của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, từng góp ý với những tổ chức người Việt tại Hoa Kỳ đến Ủy hội của ông (cũng như đến các cơ quan khác của chính giới Hoa Kỳ) để lobby họ ủng hộ cuộc đấu tranh trong nước và áp lực CSVN phải tôn trọng nhân quyền. Ông cho biết số người Việt đến lobby rất nhiều nhưng không đạt kết quả bằng một vài sắc dân thiểu số khác. Những sắc dân này tuy không đông bằng dân gốc Việt, lại lobby ít hơn người gốc Việt, thế nhưng họ lại đạt được nhiều kết quả hơn. Lý do là khi lobby, họ có một tiếng nói chung và chỉ tập trung vào một số những yêu cầu quan trọng. Còn người gốc Việt thì mạnh tổ chức nào tổ chức ấy lobby, mỗi tổ chức lobby một kiểu, không có được một tiếng nói chung. Chính giới không biết nên nghe theo tổ chức nào, do không một tổ chức nào chính thức đại diện được cho cả khối người Việt tại Hoa Kỳ.
Tóm lại, người Việt của chúng ta tại Hoa Kỳ rất đông, rất nhiều người thành công về kinh tế, tài chánh cũng như văn hóa, vì thế tiềm lực của chúng ta rất lớn, nhưng thực lực của chúng ta không lớn, vì chúng ta không bảo được nhau để thống nhất được với nhau hầu có chung một tiếng nói, một đường hướng duy nhất. Chính vì thế, chúng ta chưa đủ sức mạnh để có thể làm được những việc tương xứng với tiềm năng của mình hầu góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh dẹp bỏ chế độ độc tài và xây dựng một thể chế tự do dân chủ cho quê hương mình.
Nguyễn Chính Kết


[1] Xem: http://vi.wikipedia.org/wiki/Bất_bạo_động