Chitrichchupmucohuuhieukhong


Chỉ trích, chụp mũ…
có phải là phương cách đấu tranh hữu hiệu không?

Trong cuốn “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie, chương đầu tiên có tựa là “Muốn lấy mật đừng phá tổ ong”, tác giả kể nhiều chuyện về những người mà ai cũng cho là sai trái, nhưng chính đương sự lại cho rằng mình đúng mình phải.
Chẳng hạn với tên cướp Crowley, ông viết: “Khi bắt được y rồi, viên giám đốc sở cảnh sát tuyên bố: ‘Nó thuộc hạng tội nhân nguy hiểm nhất. Nó muốn giết người là giết, không vì một lý do nào hết’. Nhưng còn chính tội nhân, Crowley, y tự xét y ra sao? Muốn biết, bạn hãy đọc hàng sau này mà y viết để lại cho đời, sau khi y chống cự với lính: ‘Dưới lớp áo này, trái tim ta đập, chán ngán, nhưng thương người, không muốn làm hại ai hết’. Không muốn hại ai hết! Vậy mà trước đó mấy ngày, khi một cảnh sát lại gần y để hỏi y giấy phép lái xe thì y xả ngay một loạt súng, giết người đó tức thì. Một kẻ sát nhân không gớm máu như vậy mà còn tự khoe: ‘Trái tim thương người, không muốn làm hại ai hết!’.”
Một chỗ khác, Carnegie kể: “Viên Giám đốc khám Sing Sing, ông Lawes, viết: ‘Ở nhà tù Sing Sing, các tội nhân đều tự cho họ cũng có tâm trạng thông thường không khác đời chi hết. Cũng lý luận, giảng giải tại sao chúng bị bắt buộc phải cạy tủ sắt hoặc bóp cò... và tuyên bố rằng bỏ tù chúng thật là bất công’.”
Xin độc giả đọc tiếp chương sách này của Dale Carnegie để thấy rằng “Dù người ta có lỗi nặng tới đâu, thì trong 100 lần, có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội”. Vì thế cho nên: “Chỉ trích là vô ích (nó làm cho kẻ bị chỉ trích phải chống cự lại và tự bào chữa) mà còn nguy hiểm, tạo oán thù. Hơn nữa, kẻ bị ta chỉ trích tự nhiên sẽ hằn học, chỉ trích lại ta”. Do đó, chúng ta cần hiểu: “Tâm trạng con người là như vậy đó. Kẻ làm quấy oán trách đủ mọi người mà chẳng bao giờ tự oán trách bản thân mình cả. Bạn cũng như vậy, mà tôi cũng như vậy. Cho nên từ nay, mỗi lần muốn chỉ trích ai, ta nên nhớ tới hai tướng cướp Capone và Crowley, đồng thời nhớ rằng lời chỉ trích ta thốt ra cũng như con chim bồ câu bao giờ cũng bay về chỗ cũ. Kẻ bị ta chỉ trích sẽ tìm đủ mọi lý luận để tự bào chữa và trở lại buộc tội ta.”
Những lời Dale Carnegie viết ở trên có cần được áp dụng vào cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và chống cộng sản của chúng ta không? − Chắc chắn chúng ta không thể lấy đó làm nguyên tắc đấu tranh, nhưng thiết tưởng chúng ta cũng cần xét lại sự hữu hiệu của những lời chỉ trích chua cay, sự mạt sát, chụp mũ những người suy nghĩ khác chúng ta, có lập trường đấu tranh chống cộng khác hoặc ngược lại lập trường của chúng ta. Chúng ta muốn họ thay đổi, nhưng liệu những lời chỉ trích thậm tệ của chúng ta có làm cho họ thay đổi lập trường chút nào không, hay chỉ gây nên chia rẽ trầm trọng trong chính hàng ngũ đấu tranh của chúng ta? Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc xét lại xem những chỉ trích, chụp mũ ấy có lợi hay có hại cho công cuộc đấu tranh? Nó lợi cho phe đấu tranh dân chủ hay cho phía cộng sản?
Những tên ăn cướp rõ rệt là sai trái như thế vẫn tự cho mình là vô tội. Cũng vậy, những tên tướng cướp trong bộ chính trị CSVN cho đến những tên tay sai làm công an trong bộ máy cai trị của chế độ, tội ác họ gây ra dù cao như núi nhưng có bao giờ chúng nhận rằng chúng có tội không? Không bao giờ! Những lời chửi bới cộng sản trên các trang mạng hay trên các diễn đàn dù là email hay paltalk cũng chỉ giúp dân chúng hiểu rõ bộ mặt thật của chế độ để họ bất mãn mà chống lại chế độ hơn là làm cho chính những người cộng sản giác ngộ mà từ bỏ chế độ gian ác của họ.
Trước những lời chỉ trích và mạt sát thậm tệ, những kẻ gian ác như thế còn không nhận ra lỗi lầm của họ, huống gì những người cùng căm ghét chế độ cộng sản, cùng lý tưởng đấu tranh chống cộng với chúng ta! Ai cũng cho rằng điều mình suy nghĩ là đúng, chẳng ai tự cho mình là sai cho dù có thật sự là sai đi chăng nữa. Muốn người ta thấy được cái sai của họ thì việc chửi rủa mạt sát hay chụp mũ họ quả thật không mấy khi có tác dụng. Trái lại, những người vừa dùng tình cảm, sự quan tâm chăm sóc, vừa sử dụng những lý lẽ xác đáng để thuyết phục thường có hiệu quả hơn rất nhiều.
Trước khi kết luận người khác là sai trái, thiết tưởng chúng ta cần biết rằng: tuy cùng nhìn vào một vấn đề, nhưng mỗi người lại thấy vấn đề ấy một cách khác nhau, và ai cũng cho rằng điều mình nghĩ là đúng.
Những người làm chính trị, nhiều người chỉ nhìn thấy khía cạnh chính trị của vấn đề mà không thấy hay không hề quan tâm đến những khía cạnh khác. Những người làm kinh tế, những nhà hoạt động tôn giáo, những người làm công tác từ thiện, những nhà đạo đức… tất cả đều tương tự như vậy. Thông thường, trước bất cứ một vấn đề nào, ai cũng chỉ thấy khía cạnh mà mình quan tâm và bị thu hút hết tâm trí vào khía cạnh ấy, rất ít người để ý tới những khía cạnh khác, nên chỉ thấy mình hợp lý chứ khó mà thấy được sự hợp lý của người khác.
Chẳng hạn, những nhà hoạt động tôn giáo, dù là Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác thường chỉ nghĩ đến bổn phận chính yếu của họ là hoằng pháp, truyền giáo, cứu độ sinh linh… Họ thường có một vũ trụ quan, nhân sinh quan khác với những người hoạt động trong những lãnh vực khác.
Thật vậy, có những nhà hoạt động tôn giáo quan niệm thế giới này là vô thường, mọi sự xảy ra cho một cá nhân hay một tập thể đều là do nghiệp của cá nhân hay tập thể ấy. Những người mà kiếp trước gây nhiều tội ác tầy trời như Hồ Chí Minh, Staline, Lenine, Hitler, Sadam Hussein, Bin Laden…, thì những kiếp sau của họ sẽ phải chịu những đau khổ hay cực hình ghê gớm để đền tội. Khi họ phải trả quả cho những tội ác tầy trời ấy thì ta có ra tay cứu giúp họ cũng vô ích, thậm chí còn cản trở cho luật quả báo thực hiện sự công bằng cố hữu của vũ trụ. Nếu họ không đáng phải chịu những đau khổ ấy thì những đau khổ ấy không thể nào đến với họ. Vì thế, đối với những nhà hoạt động tôn giáo này, việc cứu giúp những người đang đau khổ không quan trọng bằng việc giúp họ diệt trừ nguyên nhân gây ra chính những đau khổ ấy.
Theo những nhà hoạt động tôn giáo này, nguyên nhân gây đau khổ cho mỗi người, mỗi tập thể hay mỗi dân tộc chính là những tội ác mà những người ấy hay những tập thể ấy đã gây ra. Giúp mọi người giác ngộ được luật quả báo đó để họ không làm ác nữa chính là diệt trừ đau khổ tận gốc và là phương pháp hữu hiệu nhất để cứu khổ. Vì quan niệm như thế, họ sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, từ bỏ mọi vui thú trần gian để hoằng pháp cứu độ chúng sinh. Đối với họ, làm chính trị, đấu tranh cho tự do dân chủ là điều tốt, rất nên làm để giúp dân tộc thoát cảnh khổ; nhưng đó không phải là phương cách có thể giải quyết tận gốc vấn đề đau khổ. Nếu đấu tranh hay làm chính trị mà tạo nên bất lợi cho lý tưởng của họ, họ sẽ không làm.
Một số nhà hoạt động tôn giáo khác cho rằng việc cứu linh hồn quan trọng hơn cứu thể xác; lo hạnh phúc vĩnh cửu cho tha nhân ích lợi hơn lo cho thứ hạnh phúc chóng qua của họ; lo cứu họ khỏi đau khổ trầm luân vô thời hạn hẳn nhiên cần thiết hơn lo cứu họ khỏi những đau khổ có thời hạn. Do đó, họ ưu tiên chọn những hoạt động tôn giáo hơn những hoạt động chính trị.
Nếu hiểu như thế, ta sẽ thấy dễ hiểu tại sao các nhà lãnh đạo tôn giáo ở trong nước khi ra hải ngoại lại tránh né lá cờ của VNCH cho dù trong lòng họ rất yêu mến lá cờ ấy. Chúng ta sẽ dễ hiểu lý do của họ khi xét thái độ của chính người Việt tị nạn khi thấy một ai đó mang danh là chống cộng nhưng lại đứng dưới lá cờ máu của CSVN trong một tấm hình nào đó. Chính những người gọi là tranh đấu cho tự do dân chủ mà còn chụp mũ những người chống cộng khác là cộng sản chỉ vì thấy họ đứng dưới lá cờ của cộng sản, thì làm sao các nhà lãnh đạo tôn giáo lại không sợ bị bọn công an cộng sản chụp mũ là phản động khi thấy họ đứng dưới lá cờ VNCH trong một tấm hình được phổ biến trên mạng? Lúc đó làm sao công an của chế độ để họ được yên ổn làm phận sự tôn giáo là cứu độ chúng sinh mà họ cho là chính yếu nhất trong cuộc đời họ?
Những nhà hoạt động chính trị đương nhiên không đồng ý với quan niệm hay cách suy nghĩ của các nhà hoạt động tôn giáo. Họ cho rằng thuyết nghiệp báo hay thứ hạnh phúc cũng như đau khổ vĩnh cửu sau khi chết cũng chỉ là một giả thuyết có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Các nhà hoạt động tôn giáo chỉ tin như vậy và chỉ chứng minh được sự khả tín của giả thuyết ấy chứ không thể chứng minh được chính giả thuyết ấy là đúng. Đối với những nhà đấu tranh hay những nhà chính trị thì điều quan trọng và ưu tiên là hành động theo những gì mình thấy trước mắt, những gì mình chắc chắn là sự thật, chứ không nên hành động theo những gì mà mình chỉ tin tưởng −vốn chỉ tương tự như một giả thuyết− chứ không phải là sự kiện không thể phủ nhận. Hiện nay, dân tộc mình đang đau khổ lầm than dưới ách thống trị vô cùng tàn ác và phi nhân của cộng sản, chúng sẵn sàng bán đứng tổ quốc cho ngoại bang, đó là sự kiện chắc chắn không thể chối cãi, thì việc ưu tiên là phải tranh đấu để cứu đất nước, và để được như vậy thì phải dẹp bỏ cái chế độ quái ác ấy đi.
Một trường hợp khác: Những người ở hải ngoại làm từ thiện trong nước, họ chỉ nhìn thấy hoặc đặt nặng những đau khổ cụ thể của những người dân nghèo khổ bị chế độ áp bức bóc lột cần họ ra tay cứu giúp. Đối với họ, việc cứu người là trên hết. Họ không nhìn thấy hay không đặt nặng khía cạnh chính trị của việc làm mà họ cho là tốt đẹp ấy. Còn người làm chính trị thì thấy đó là một hành động có lợi cho sự tồn tại của chế độ, làm thay cho chế độ một công việc nặng nhọc mà đúng ra chính chế độ phải làm. Nhờ đó chế độ sẽ rảnh tay mà đàn áp những người dân khác... Với những người làm chính trị, việc từ thiện kia không hẳn là tốt cho dân tộc. Đấy! ai cũng thấy mình có lý hơn người suy nghĩ khác mình.
Một trường hợp điển hình khác: Trong số những người đấu tranh cho tự do dân chủ, có người cho rằng đã là người đấu tranh dân chủ thì phải tố cáo tội ác của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản do ông thành lập. Ai không dám đả động đến cái núi tội ác của ông ta thì chứng tỏ họ không phải là người thật sự chống cộng, và có thể nói đó là dấu hiệu chứng tỏ họ thân cộng hay là người của cộng sản.
Nhưng cũng có những người cho rằng mình phải biến những người đang bất mãn với chế độ cộng sản, dù họ vẫn đang phục vụ trong chế độ cộng sản, thành những người có cảm tình hay ủng hộ phe đấu tranh dân chủ, và hơn nữa kéo họ đứng hẳn về phe dân chủ hay trở thành người đấu tranh dân chủ. Những người này đa số đã có thời bị cộng sản lừa dối đến nỗi họ tôn sùng Hồ Chí Minh như một thần tượng, như cha già của dân tộc, hay như một lãnh tụ vĩ đại. Nay, nhờ sự bùng nổ thông tin của thời đại Internet, thần tượng của họ bị sụp đổ, điều này gây một vết thương trong tâm lý của họ. Họ cảm thấy rất đau vì bị cộng sản lường gạt, lừa dối.
Trong số những người này, có những người phản ứng lại bằng cách căm thù cộng sản và quay lại chửi rủa Hồ Chí Minh hơn cả những người chống cộng. Nhưng cũng có rất nhiều người mỗi lần nghe người khác chửi rủa, mạt sát Hồ Chí Minh thì cảm thấy chua xót trong lòng. Mặc dù họ biết những lời chính trích ấy là sự thật, nhưng họ vẫn thấy mình bị tổn thương, vì đã có thời họ coi Hồ Chí Minh như thần tượng, như cha mẹ của mình. Tâm lý này quả là khó hiểu đối với hầu hết người bình thường, nhưng lại rất dễ hiểu đối với những người có cha mẹ mà từ nhỏ đến lớn mình tưởng là người tốt nhất trên đời, bỗng nhiên một ngày kia khám phá ra cha mẹ mình là những người độc ác, tàn bạo, hay là những tên ma cô đàng điếm, cặn bã của xã hội. Mặc dù họ biết cha mẹ họ không ra gì, đáng chê trách vô cùng, nhưng hễ ai nói động đến cha mẹ họ, thì lập tức họ cảm thấy bị xúc phạm, lòng họ bị tổn thương, và đương nhiên mất cảm tình với người đã lăng mạ cha mẹ họ. Nếu ta cứ làm thương tổn họ như thế, làm sao ta kéo họ về phía ta được?
Lực lượng đấu tranh dân chủ của chúng ta còn yếu so với lực lượng của chế độ cộng sản. Chúng ta lại dùng tay không để đối chọi với những kẻ có súng, có tiền và đầy quyền lực… Việc lật đổ chế độ cần sự góp sức của mọi thành phần dân tộc, trong đó có giới nông dân, công nhân, giới thương nhân, giới trí thức, giới sinh viên học sinh, và cả những người đang làm việc trong bộ máy của chế độ nữa. Cách Mạng Nhung ở các nước Đông Âu và ngay cả ở Liên Xô khiến chế độ cộng sản sụp đổ đều có sự góp phần rất lớn của những người lúc đó đang phục vụ cho chế độ cộng sản. Việc những người cộng sản trở ngược đầu súng chống lại chế độ là do những tấm gương anh dũng, những lý luận đanh thép đầy tính thuyết phục và khả năng cảm hóa đầy nhân tính của những người đấu tranh dân chủ trong những quốc gia ấy hơn là những lời chửi rủa.
Còn biết bao nhiêu những khác biệt trong tư tưởng, đường lối, chiến thuật, thậm chí có vẻ như nghịch lại nhau giữa những người đấu tranh chống cộng sản có cùng một lý tưởng xây dựng một thể chế tự do dân chủ cho đất nước mình. Người nào cũng đều có lý do mà họ cho là hợp lý nên luôn luôn nghĩ mình đúng cho dù thật sự là họ sai. Và rất có thể chính ta sai mà ta không thấy được mình sai, vẫn cứ tự cho mình là đúng.
Nếu chúng ta không biết biến thù thành bạn để lực lượng của mình ngày càng đông càng mạnh, và lực lượng của địch ngày càng ít và yếu đi, mà trái lại cứ biến bạn thành thù, cứ tự động loại trừ khỏi lực lượng của mình những ai suy nghĩ khác mình khiến lực lượng của mình ngày càng ít người và yếu đi, thì đến bao giờ chúng ta mới có đủ sức mạnh để lật đổ chế độ tàn bạo đầy quyền lực kia? Nếu chúng ta cứ chụp mũ để loại trừ những kẻ có lập trường đấu tranh khác mình, thì chúng ta khác gì cộng sản đâu?
Nguyễn Chính Kết