TaisaoCSVNquyettamgiulaidieu4hienphap


Tại sao CSVN quyết tâm giữ lại điều 4 hiến pháp
với bất cứ giá nào?
Nguyễn Chính Kết
Khi lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp 1992, chúng ta thấy rõ CSVN quyết tâm giữ lại điều 4 hiến pháp với bất cứ giá nào, dù phải thực hiện những hành động bịp bợm, phản trắc, bỉ ổi và đê tiện hay những trò khỉ mà thế giới văn minh không thể chấp nhận được. Chẳng hạn:
– Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố rằng việc góp ý hủy bỏ điều 4 hiến pháp là một hành động suy thoái đạo đức và chính trị, là không hợp lệ, cần phải trừng trị...
– Tổ chức “Trưng Cầu Dân Ý” kiểu bịp bợm và trơ trẽn bằng cách tung cán bộ đến từng nhà yêu cầu họ ký tên đồng ý với bản Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Nhà nào chấp nhận ký tên đồng ý sẽ không bị gây khó, nhà nào không chấp nhận thì… bị đe dọa, và tương lai chắc chắn bị gây phiền phức, quấy nhiễu (1).
Đảng CSVN không chấp nhận hủy bỏ điều 4 hiến pháp mà dùng quyền lực ngăn cấm không cho một đảng phái nào được thành lập, được hoạt động, và được cạnh tranh với mình. Điều này chứng tỏ đảng CSVN biết chắc chắn 100% mình sẽ thua nếu để cho bất kỳ một đảng phái nào được thành lập và cạnh tranh với mình trong những cuộc bầu cử dân chủ. Chính Nguyễn Minh Triết, cựu chủ tịch nước, đã xác nhận mặc cảm thua kém đó khi ông nói: “Hủy bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát”. Ông biết chắc chắn rằng nếu phải cạnh tranh công bằng với những đảng phái khác, chẳng hạn trong một cuộc trưng cầu dân ý có quốc tế giám sát, thì nhân dân sẽ bầu một đảng phái khác xứng đáng hơn, và đảng CSVN hẳn nhiên bị truất phế. Chính vì biết chắc chắn như vậy, đảng CSVN phải quyết giữ lại điều 4 hiến pháp cho bằng được và nhất định không cho phép bất kỳ một đảng phái nào được cạnh tranh với mình.
Không chỉ thời này đảng CSVN mới sợ phải cạnh tranh với những đảng phái khác, mà ngay từ đầu, từ năm 1945, khi cướp được chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim. Thật vậy, khi hiến pháp đầu tiên của CSVN ra đời năm 1946, thì chỉ vì hiến pháp này tương đối mang nhiều tính dân chủ, chấp nhận cho những đảng phái khác hiện hữu và hoạt động, mà ông Hồ Chí Minh, chủ tịch nước lúc đó, đã không dám công bố. Vì thế, bản hiến pháp này không có giá trị pháp lý, và tính dân chủ đa đảng mà hiến pháp này chủ trương không được áp dụng. Tuy nhiên, để lừa mị nhân dân và quốc tế, thời ấy, có hai đảng được đảng Cộng sản cho phép hiện hữu làm cảnh cho có vẻ dân chủ đa đảng, đó là đảng Dân Chủ (2) và đảng Xã Hội (3) mà những người chủ chốt đều là đảng viên cộng sản. Hai đảng này, tóm lại, chỉ là công cụ trình diễn hay là “phân thân” của đảng CSVN mà thôi.
Ngay từ khi nắm được chính quyền trong tay, CSVN đã không dám để cho một đảng phái nào có điều kiện cạnh tranh với mình. Vì đảng CSVN biết rằng, với chính sách khủng bố, đàn áp –ai không theo thì giết, thà giết lầm hơn bỏ sót– thì nhân dân không ai tự ý chấp nhận đảng này cả. Người dân phải miễn cưỡng chấp nhận do bị ép buộc, vì không chấp nhận thì chết.
Để tránh nguy cơ có đảng phái khác cùng cạnh tranh với mình, nên trước và sau khi nắm quyền, đảng CSVN đã tìm cách thanh toán tất cả những đảng viên các đảng phải khác như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Dân Đảng, v.v... Chính Phan Bội Châu, người sáng lập Việt Nam Quang phục Hội, cũng bị Hồ Chí Minh chỉ điểm cho Pháp bắt.
Hiện nay, CSVN đang ra sức bách hại và tiêu diệt các đảng mới thành lập sau 1975 đang hoạt động trong nước như Đảng Thăng Tiến, Đảng Dân Chủ 21, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, Đảng Vì Dân, Đảng Nhân Dân Hành Động, Đảng Dân Chủ Nhân Dân… Họ vu cáo thành viên các đảng này là khủng bố, là phản động, là âm mưu lật đổ chính quyền, v.v...
Đảng CSVN thường tuyên truyền bằng cách tự đề cao mình như một đảng ưu việt, xứng đáng đại diện nhân dân lãnh đạo đất nước. Nhưng thái độ sợ phải cạnh tranh công bằng với các đảng phái khác và việc dùng bạo lực tiêu diệt các đảng phải khác của họ cho thấy thực tế hoàn toàn phản ngược lại với những tuyên truyền láo khoét ấy (4). Nếu đảng CSVN thật sự ưu việt như họ tuyên truyền, tất nhiên họ đâu sợ cạnh tranh, vì “vàng thật đâu sợ lửa!” Nếu họ tự cho rằng toàn dân tín nhiệm họ, muốn họ là đảng duy nhất cầm quyền, thì họ hãy thử chấp nhận một cuộc Trưng Cầu Dân Ý thật khách quan và công bằng có quốc tế giám sát xem. Chứ đừng chơi trò “trưng cầu dân ý” kiểu bịp bợm là đến từng nhà đề nghị dân viết “đồng ý”, ai không đồng ý thì sẽ xử lý “nguội” sau.
Trong chế độ CSVN, hiến pháp là do Quốc hội soạn thảo, mà Quốc hội là do đảng lập ra chứ không phải do dân (5). Vì thế Quốc hội này là Quốc hội của đảng chứ không phải của dân. Từ đó hiến pháp do Quốc hội này soạn thảo là chỉ nhằm duy trì quyền cai trị vô thời hạn của đảng CSVN chứ không hề nhằm hạnh phúc hay quyền lợi của người dân. Hiến pháp chỉ là dụng cụ pháp lý để đảng CSVN cưỡi đầu cưỡi cổ người dân mà thôi. Tóm lại, chế độ CSVN từ 1945 đến nay là chế độ đảng chủ chứ không phải là dân chủ. Đảng CSVN là chủ, dân chúng chỉ là bầy nô lệ mà đảng chủ trương phải nắm toàn quyền sinh sát, quyền cướp đoạt tất cả những gì dân có (6). Hiến pháp chính là công cụ mà đảng CSVN dùng để hợp hiến hóa và hợp pháp hóa những quyền tối thượng ấy.
Houston, ngày 15-3-2013
Nguyễn Chính Kết
___________________

(1)  Người dân còn lạ gì cái mánh “Trăm hoa đua nở” của cộng sản nữa! Cứ khuyến khích người dân tự do phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình. Nhờ đó họ biết rõ người dân nào không đồng tình với họ, có đầu óc phản đối, để họ biết mà tiêu diệt, bách hại hoặc gây khó dễ.
(2) Đảng Dân chủ Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 1944, mang danh là “chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức yêu nước và tiến bộ Việt Nam”, đã giải thể năm 1988, khi trào lưu đa nguyên đa đảng bắt đầu nảy nở ở một số nước cộng sản Đông Âu.
(3) Đảng Xã hội Việt Nam mang danh là đảng của giới trí thức Việt Nam, có khuynh hướng thiên tả và thiên xã hội chủ nghĩa, được thành lập năm 1946 dưới sự vận động của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm mục đích “tập hợp, đoàn kết mọi trí thức yêu nước và dân chủ”. Đảng tự quyết định giải thể năm 1988.
(4)  Sự mâu thuẫn quá lớn giữa lời nói và việc làm, giữa tuyên truyền và thực tế của đảng CSVN khiến người ta nghĩ ngay đến lời của Cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm”. Ông nói quá đúng!
(5) Việc bầu cử Quốc hội tại Việt Nam kiểu “đảng cử dân bầu”, “cử mười chọn chín” chỉ là một màn trình diễn để lừa bịp nhân dân cho có vẻ là “được dân bầu”.
(6) Bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 hiện nay vẫn giữ nguyên điều 4 (về sự lãnh đạo đất nước vô thời hạn của đảng cộng sản), điều 17, 18, điều 58 (về quyền sở hữu đất đai thuộc toàn dân do nhà nước quản lý), có nghĩa là đảng CSVN vẫn còn đòi vĩnh viễn nắm quyền cai trị đất nước, quyền quản lý (trên thực tế là quyền làm chủ) mọi đất đai, tài sản và tài chánh của quốc gia. Tệ hơn nữa, đảng còn đang muốn chia quyền sinh sát người dân cho bọn công an qua dự thảo luật cho phép công an được bắn những ai chống người thi hành công vụ. Dựa vào những điều luật này, đảng cộng sản dành hết những quyền quan trọng về cho mình, người dân chỉ như người nô lệ chẳng còn gì ngoài việc phải cúi đầu làm theo lệnh chủ, hay như “cá nằm trên thớt” mặc tình cho đảng muốn làm thịt lúc nào thì làm.



TRỞ VỀ MỤC LỤC

____________________