Cháy nhà
Một khu phố nọ gồm những căn nhà xây san sát nhau bị cháy. Cháy lan từ nhà này sang nhà khác. Người có nhà đang cháy thì than van kêu khóc thảm thiết vì mất nhà mất của. Người có nhà chưa cháy thì lo khuân vác đồ đạc ra khỏi nhà. Một số người thiện nguyện lo săn sóc những người bị phỏng, bị thương vì cháy. Chỉ một số rất ít người nghĩ đến việc giập tắt đám cháy, và họ đã dùng tất cả những cách thô thiển trong tầm tay hạn hẹp của họ để giập tắt đám cháy. Nhưng điều rất ngược đời là những người lo chuyện giập tắt đám cháy đa số lại là những ông già bà cả không còn bao nhiêu sức lực, những phụ nữ chân yếu tay mềm, những đứa trẻ chưa có kinh nghiệm…
Còn những chàng thanh niên lực lưỡng, thậm chí rất lực lưỡng, thì lại chỉ lo khuân vác đồ đạc hoặc săn sóc những nạn nhân bị phỏng. Có những chàng nhìn đám cháy như kẻ bàng quang. Một số còn đi “hôi của” những nhà sắp cháy... Một số chàng đã không làm gì lại còn bình phẩm những người chữa cháy: “Chân yếu tay mềm thế kia mà cũng đòi chữa cháy!”. Có chàng lại còn trách những người chữa cháy, nhất là khi họ bị phỏng hay bị thương nặng vì làm việc ấy: “Thật dại dột! Không biết lượng sức mình!” Hoặc phê bình: “Mấy người này ngu quá, không biết cách chữa cháy! Đáng lẽ phải làm thế này mà họ lại làm thế kia!” Khi bị trách tại sao không chịu chữa cháy, có những chàng nói: “Cháy to quá chữa làm sao được! Thôi cứ chờ lính cứu hỏa đến chữa! Thế nào rồi cũng đến lúc đám cháy chấm dứt thôi! Bây giờ chưa tới lúc ấy! Phải biết chờ đợi!” Nói đến lính cứu hỏa, nhưng chẳng ai trong họ nghĩ đến chuyện gọi điện cầu cứu xe cứu hỏa cả. Khá nhiều chàng nói: “Tôi còn phải lo biết bao nhiêu chuyện khác, lại phải lo cứu lấy đồ đạc cho nhà tôi và nhà anh chị em tôi nữa!” Hoặc “Tôi sợ lắm! Tôi cứu hỏa nhỡ có thế nào thì ai nuôi vợ con tôi đây?” Một vài chàng nói: “Công việc chính của tôi là lo về tâm linh, nâng cao trình độ trí thức cho mọi người, chữa cháy đâu phải là việc của tôi!” Cũng có người nói: “Công việc của tôi là chạy xe ôm, là buôn bán, là xây nhà…, chữa cháy đâu phải là việc của tôi!”.
Vì thế, đám cháy cứ tiếp tục tràn lan, và số người than van kêu khóc, số nạn nhân bị phỏng, bị thương, số người lo săn sóc người bị phỏng, và số người khuân vác đồ đạc cứ ngày càng tăng lên, tăng lên mãi. Vì thế, không ai biết đám cháy đến bao giờ mới kết thúc. Tuy nhiên, phải công nhận rằng những người chữa cháy, tuy già cả hoặc chân yếu tay mềm, cũng làm cho ngọn lửa bớt hung hãn hơn, và tốc độ cháy cũng giảm đi, nhờ đó khá nhiều nhà đã thoát được thần hỏa trước khi xe cứu hỏa tới quá trễ.
Một kho vũ khí được khám phá
Một đảo nhỏ nọ ở giữa biển, trên đó có một làng cũng nhỏ. Dân chúng trong làng xưa nay vẫn sống trong cảnh thanh bình, nên chính quyền cũng lơ là việc quản lý dân. Trong làng có một ngôi chùa, một nhà thờ Công Giáo và một nhà nguyện Tin Lành, dân làng luôn giữ được tâm trạng yên ổn, chất phác, hiền lành nhờ những vị lãnh đạo tinh thần này. Cuộc sống trong làng đang thật thanh bình, bỗng nhiên nổi lên một bọn cướp làm dân tình khốn khổ, bất an một thời gian. Sự việc xảy ra thế này:
Một hôm, có một dân làng nọ đi vào khu rừng cạnh làng để đốn củi. Tình cờ anh khám phá ra một hầm bí mật thông đến một kho vũ khí. Anh cảm thấy có trách nhiệm về việc khám phá này, nên về báo ngay cho vị cao tăng trụ trì ngôi chùa trong làng. Ông là người mà anh tín nhiệm và hay bàn hỏi nhất. Vị tăng nói: “Vũ khí là thứ giết người, mà tôi là người tu hành, đâu bao giờ tôi muốn giết hay làm hại ai, tôi đâu dùng vũ khí ấy làm gì?”. Thất vọng vì câu trả lời ấy, anh liền đến báo cho vị linh mục và vị mục sư trong làng. Hai vị này cũng trả lời tương tự. Anh có đến báo cho chính quyền trong làng thì họ cũng làm ngơ. Chuyện bí mật ấy lâu ngày cũng xì ra, nhiều người biết những cũng chẳng quan tâm, vì chẳng ai thấy cần đến thứ vũ khí ấy làm gì.
Tập thể nào cũng có những người tốt và những người ít tốt hơn. Trong làng thỉnh thoảng vẫn có một vài vụ trộm do những người ít tốt này gây ra. Đang khi mọi người chẳng quan tâm gì đến kho vũ khí ấy, thì những người ít tốt này lại rất quan tâm, và họ âm thầm tìm cho ra cái hầm bí mật ấy. Cuối cùng họ đã tìm ra. Thế rồi lương tâm họ đã không thắng nổi những cám dỗ đến với họ… Chẳng bao lâu, trong làng bắt đầu xảy ra những vụ cướp bóc có vũ khí. Rất nhiều nhà chẳng những bị cướp hết của cải mà còn có người bị giết hay bị trọng thương… Cảnh thanh bình trong làng kể từ đó không còn nữa. Dân làng suốt nhiều năm phải sống trong lo sợ vì nạn cướp.
Trách nhiệm này thuộc về ai?
Nguồn nước bị ô nhiễm
Cả một vùng lớn hai bên dòng sông nọ mấy năm nay bị khốn khổ do nước sông bị ô nhiễm. Nhiều người bị bệnh và chết vì uống nước ấy. Cây cối, lúa bắp, mùa màng cũng bị nhiễm chất độc. Thấy tình trạng thiệt hại nghiêm trọng như thế, chính quyền địa phương liền đề ra những dự án: nào là thuê các kỹ sư hóa chất đến phân tích xem nước sông bị nhiễm những chất độc nào để tìm cách xử lý; nào là thiết lập những nhà máy lọc nước với kinh phí hàng chục tỉ đồng để cung cấp nước uống và nước tưới cho dân; nào là in sách, in báo, vận dụng đủ mọi phương tiện truyền thông để hô hào và giáo dục dân chúng uống nước sạch, chế tạo nước sạch, biết cách phòng ngừa dịch bệnh, v.v… và v.v…
Có mấy sinh viên trong vùng đề nghị: cần phải điều tra xem nguyên nhân nước bị ô nhiễm là do đâu, chỉ cần giải quyết nguyên nhân ấy là xong, nhưng chẳng mấy ai thèm để ý đến ý kiến ấy. Tất cả đều mải miết lo chuyện xử lý nước ô nhiễm. Thấy thế, các sinh viên này bèn vì lợi ích của cả vùng, hy sinh bỏ tiền túi ra để đích thân đi điều tra. Kết quả cuộc điều tra là trên thượng nguồn, cách đó khoảng mấy trăm cây số, có một nhà máy hóa chất rất lớn xả chất thải bừa bãi ra sông, nên toàn bộ khúc sông từ đó chảy ra biển đều bị ô nhiễm. Các em đề nghị với mọi người rằng phải yêu cầu chính quyền cấm nhà máy đó thải chất độc ra sông, và cần xử lý nghiêm khắc nếu họ tiếp tục sai phạm. Như vậy chẳng cần phải tốn quá nhiều tiền cho việc xử lý nước nữa. Nhưng những cái đầu rất lớn kia chẳng có đầu nào thèm nghe. Ngay cả chính quyền cũng không muốn động chạm đến cái nhà máy gây tai hại ấy, vì chủ của nhà máy này là … “ông tổ” của nhiều người trong chính quyền!
***
Thay lời giải thích
Hai người bạn nói chuyện với nhau.
A– Xưa nay nước mình có cả giặc ngoại xâm lẫn nội xâm. Hiện nay giặc nội xâm là chủ yếu. Người ta nói: “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”. Đàn bà ngày xưa thường chỉ phải lo việc nhà, nhưng khi giặc đến thì cũng có trách nhiệm phải ra tay chống giặc, huống gì những bậc trí thức, những bậc đang nắm quyền bính trong tay, những người có tiếng nói gây ảnh hưởng lớn lao, v.v…
B– Nhưng thời này thì khác, anh ạ! Có một số trí thức, khoa bảng, có ảnh hưởng lớn lao trên quần chúng, có tiếng nói rất ảnh hưởng, nhưng họ được miễn trách nhiệm này!
A– Anh nói sao? Đàn bà mà còn có trách nhiệm, huống gì những vị ấy!? Những vị ấy là những vị nào vậy?
B– Tôi nói thật đấy! Chúng ta phải tha trách nhiệm cho những tăng lữ đang có những trách nhiệm về tôn giáo, do luật của tôn giáo đâu chấp nhận cho họ đánh giặc, vì đánh giặc là làm chính trị! Luật tôn giáo không cho phép làm chính trị, anh ạ! Họ đã có trách nhiệm về tâm linh trên mọi người, mà trách nhiệm về tâm linh là trách nhiệm cao cả nhất rồi, trên cả việc đánh giặc cứu nước nữa kia đấy!
A– Tôi tưởng rằng tôn giáo nào cũng dạy người ta yêu thương, giúp đỡ và cứu giúp lẫn nhau. Cá nhân đau khổ hay gặp nguy hiểm mà còn phải cứu, huống gì cả một quốc gia, một dân tộc đang khốn khổ, bị áp bức mà mình lại không cứu giúp.
B– Đúng thế. Cứu người khi họ đau khổ hay nguy hiểm là bổn phận của mọi người, tôn giáo nào cũng dạy như vậy. Nhưng khổ nỗi cứu nước tức là làm chính trị, nên các tăng lữ không được cứu. Theo luật tôn giáo, họ chỉ được cứu cá nhân hay tập thể nào đó thôi, chứ cứu đất nước hay đánh giặc, nhất là giặc nội xâm như hiện nay là làm chính trị, họ không được phép làm.
A– Lạ nhỉ, dường như có cái gì đó không ổn về mặt lý luận. Như vậy việc cứu nước chỉ dành cho đám dân ngoài đời thôi, còn giới tăng lữ, dù có uy tín và có tiếng nói ảnh hưởng lớn lao, thì được miễn trừ, phải không?
B– Đúng vậy!
A– Thế à! Tôi nhát lắm! Tôi sợ phải đánh giặc lắm, nhất là giặc nội xâm như hiện nay, vì nó rất nguy hiểm! Chắc tôi cũng phải làm tăng lữ cho đỡ mệt! Tôi đã có trách nhiệm đối với cha mẹ, vợ con, gia đình, lại còn trách nhiệm với nghề nghiệp, với công ty tôi đang làm, rồi với xã hội (nào là đám cưới, đám tang, giỗ chạp, đủ thứ)… Bấy nhiêu thứ trách nhiệm đã làm tôi oằn cả cổ, khom cả lưng rồi. Nay lại thêm trách nhiệm đánh giặc nữa, thật khổ và nguy hiểm, tôi gánh không nổi! Thế thì tôi phải tìm cách tránh cho được cái trách nhiệm nguy hiểm ấy mới được!
B– Sáng kiến của anh cũng hay đấy! Tôi cũng ngán chuyện đánh giặc quá, thế mà tôi nghĩ không ra!
TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN
________________________________
TRANG ĐẦU TIÊN
________________________________