Một vài thắc mắc của một số chính trị gia
về vấn đề tự do dân chủ cho Việt Nam

Nguyễn Chính Kết

Khi làm công tác ngoại vận tại Hoa Kỳ và Âu Châu, gặp các nhà chính trị tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu, họ đã đặt cho tôi nhiều câu hỏi. Trong số những câu hỏi ấy, có vài câu hỏi mà tôi nghĩ là quan trọng, vì cách trả lời cho những câu hỏi này có thể phần nào ảnh hưởng đến lập trường và đường lối hành động của các nhà chính trị ấy. Vì thế, trong giới hạn của bài viết, tôi chỉ đưa ra 3 câu hỏi quan trọng nhất cùng với câu trả lời của tôi.

1) Hễ phát triển kinh tế thì tự nhiên sẽ có tự do dân chủ chăng?

Câu hỏi:
Hiện nay Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế. Theo tôi nghĩ, một khi nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện tốt đẹp, thì chính trị cũng sẽ được cải thiện theo, nghĩa là sẽ có tự do dân chủ. Các ông phải biết chờ đợi, không thể đốt thời gian được.

Trả lời:
Giữa nhà tù và nhà dân cư có sự khác biệt như sau:

-- Tại nhà dân cư, người dân tự do, muốn làm gì thì làm, không phải xin phép ai; nếu có ai xâm phạm quyền tự do hay làm điều gì bất công cho họ thì họ sẽ được luật pháp can thiệp, bênh vực họ; kẻ xâm phạm ấy sẽ bị pháp luật trừng phạt.

-- Còn trong nhà tù, tù nhân không được tự do, vì làm gì hay đi đâu cũng phải xin phép; không được phép mà cứ làm, cứ đi là bị phạt. ngoài ra, cai tù muốn đối xử với tù nhân ra sao cũng được, muốn ăn hiếp, hành hạ họ cách bất công, muốn cúp phần ăn hay ngang nhiên trấn lột đồ đạc của họ cũng chẳng bị sao cả; hầu như không có luật pháp nào can thiệp hay trừng phạt cai tù cả.

Tại những quốc gia tự do dân chủ và phát triển, nhà tù thường được cải thiện đủ mọi mặt: nhà cửa, chế độ ăn uống, tiện nghi, v.v… chẳng kém hay còn hơn một số các nhà dân cư thuộc loại nghèo. Nhưng nếu tù nhân vẫn bị giam giữ, và nếu làm gì, đi đâu cũng phải xin phép, thì nhà tù ấy vẫn là nhà tù. Ai có lương tri cũng thấy: không phải cứ cải thiện nhà tù đủ mọi mặt thì nhà tù tự nhiên sẽ biến thành nhà dân cư tự do được.

Việt Nam hiện nay về chính trị đang theo thể chế độc tài độc đảng, toàn Việt Nam chẳng khác nào một nhà tù lớn, với đầy đủ đặc tính căn bản đã nói trên của một nhà tù. Chỉ có các cán bộ cộng sản  giống như những viên cai tù  mới được tự do thôi. Thậm chí họ còn tự do hơn những cán bộ ở những nước khác, vì trong chế độ nhà tù, họ có thể tự do hiếp đáp, bóc lột dân chúng (tức tù nhân của họ) mà không sợ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Nạn tham nhũng, cửa quyền và tình trạng dân oan lan tràn hiện nay chứng tỏ điều ấy.

Do đó, nếu chỉ cải thiện kinh tế mà không thay đổi chính trị thì Việt Nam muôn đời vẫn là một nhà tù lớn. Dân Việt Nam khao khát ra khỏi cái nhà tù khổng lồ ấy chứ không hề muốn ở mãi trong nhà tù ấy để thụ hưởng những cải thiện hay phát triển trong đó.

Con chim bị nhốt trong lồng chỉ mong muốn được bay ra ngoài, chứ không bao giờ muốn ở lại trong lồng để hưởng thú được sống trong một cái lồng dù đã thành vàng, hay để hưởng những đồ ăn thức uống trong ấy dù đã trở nên ngon và nhiều hơn trước gấp bội.  Trong dụ ngôn của Lafontaine, con chó rừng tuy thiếu thốn và phải kiếm ăn vất vả, nhưng nó thà chấp nhận sống khổ cực nhưng tự do, hơn được làm con chó nhà tuy ăn ngon uống đủ nhưng bị cột một chỗ và phải nô lệ chủ.

Tâm lý của tất cả mọi người đều như vậy cả. Họ thích được tự do và tự quyết hơn là được đầy đủ vật chất.


2) Các con cái của cán bộ cộng sản Việt Nam du học Mỹ sẽ biến Việt Nam thành một nước tự do dân chủ chăng?

Câu hỏi:

Hiện nay rất nhiều lãnh đạo cộng sản cho con cái du học ở Mỹ, Pháp, Đức, và nhiều nước tự do khác. Những đứa trẻ này sẽ học được ở đấy bài học về sự ưu việt của thể chế dân chủ, nên khi về nước lãnh đạo, chúng sẽ áp dụng thể chế dân chủ trong nước. Các ông hãy kiên nhẫn chờ đợi, chuyện gì cũng đòi hỏi thời gian.

Trả lời:

Tôi biết chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay ai cũng biết sự ưu việt của thể chế dân chủ. Chẳng lẽ suốt mấy chục năm cuộc đời họ, họ không nhận ra các nước theo chủ nghĩa cộng sản đều thua xa những nước tự do dân chủ về mọi mặt sao? Biết bao nhiêu người trong nước, trong đó có các nhà tranh đấu dân chủ, đã nói lên điều ấy nhiều lần. Họ biết tất cả nhưng vẫn nhất quyết giữ vững chế độ độc tài toàn trị.

Vấn đề quan trọng để có thể thay đổi là các nhà lãnh đạo Việt Nam có muốn thay đổi sang dân chủ hay không, chứ không phải có thấy được sự ưu việt của dân chủ hay không. Cũng y hệt như thế đối với các con cái của họ, là những nhà lãnh đạo đất nước sau này. Nếu chúng vẫn có tham vọng nắm quyền cai trị đất nước một cách vĩnh viễn như cha mẹ chúng hiện nay để tận hưởng những đặc quyền đặc lợi do chế độ độc tài toàn trị đem lại, thì dù họ có biết rõ hơn ai sự ưu việt của dân chủ, họ vẫn cố thủ chế độ độc tài. Sự việc này không khác gì trường hợp những tên cướp: khi đã cướp được gia tài của một người, có bao giờ chúng ta hy vọng rằng chúng sẽ tự nguyện trả lại những thứ cướp được ấy cho khổ chủ, khi có ai nói cho chúng biết rõ việc làm của chúng là sai trái, là vi phạm luật và có thể ngồi tù chăng?

Cũng vậy, hy vọng con cái những nhà độc tài du học tại Mỹ sau này khi nắm quyền lãnh đạo đất nước sẽ tự động chuyển đất nước sang thể chế dân chủ, hoàn toàn là ảo tưởng. Một khi họ vẫn còn tham vọng muốn giữ vững độc quyền cai trị, thì những kiến thức học được về dân chủ, ngược lại, còn giúp họ khôn khéo và mánh khoé hơn trong việc giữ vững thể chế độc tài ấy.


3) Tại sao các vị chức sắc tôn giáo lại đấu tranh chính trị?

Câu hỏi:

Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn khi muốn ủng hộ các chức sắc tôn giáo như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cụ Lê Quang Liêm… vì những vị này không chỉ đấu tranh thuần túy cho tự do tôn giáo như trước kia, mà còn đi vào những lãnh vực chính trị như tranh đấu cho dân chủ, yêu cầu bỏ điều 4 hiến pháp, đòi thay thế chế độ độc tài độc đảng hiện nay bằng thể chế dân chủ đa đảng… Nếu các vị chỉ đấu tranh thuần túy cho tự do tôn giáo hay nhân quyền, thì chúng tôi ủng hộ rất dễ, không gặp trở ngại nào. Nhưng khi các vị chuyển sang đấu tranh chính trị thì việc ủng hộ của chúng tôi và của nhiều tổ chức khác dành cho các vị trở nên khó khăn. Tại sao các vị lại hành động như vậy?

Trả lời:

− Tôi cũng là người đã từng đấu tranh thuần túy cho tự do tôn giáo suốt 5 năm, từ đầu năm 2001 đến giữa năm 2005. Sau đó, kể từ năm 2005, tôi bắt đầu chuyển sang đấu tranh nhân quyền rồi cho tự do dân chủ như các vị mà ông vừa nêu, nên tôi rất hiểu các vị ấy. Vì thế, tôi có thể trả lời ông một cách rõ ràng và chính xác.

Sau khi đấu tranh thuần túy cho tự do tôn giáo được 5 năm, tôi tự nhiên ý thức rằng tôn giáo chỉ là một trong những mặt sinh hoạt của con người. Con người còn có nhiều mặt khác nữa, những mặt này cũng bị tước đoạt tự do không kém gì mặt tôn giáo. Vậy tại sao tôi lại chỉ đấu tranh cho tự do tôn giáo? Sự hợp lý mà một người dạy triết học như tôi phải có là phải đòi tự do cho tất cả mọi mặt của con người chứ không phải chỉ đòi hỏi một cách cục bộ cho mặt tôn giáo mà thôi. Giả như CSVN có chấp nhận cho tự do tôn giáo nhưng không chấp nhận tự do trong những sinh hoạt khác, thì tôi vẫn phải tiếp tục tranh đấu. Vì thế, tôi đã chuyển sang đấu tranh một cách toàn diện hơn, là đấu tranh cho các quyền của con người, tức nhân quyền.

Đấu tranh nhân quyền một thời gian, tôi tự hỏi: tại sao đảng CSVN lại không tôn trọng nhân quyền của người dân?  Chính vì họ độc tài, muốn mọi người dân phải tư tưởng và hành động theo ý của họ, không được suy nghĩ khác hay làm khác. Như vậy, đấu tranh cho nhân quyền chỉ là đòi hỏi cái ngọn. Sự hợp lý buộc tôi phải đòi hỏi tận gốc, nghĩa là phải chống độc tài và đòi hỏi tự do dân chủ. Vì thế, tôi đã dấn thân đấu tranh cho tự do dân chủ đa đảng từ giữa năm 2005.

Như vậy sự hợp lý đòi buộc tôi phải chuyển đổi mục đích đấu tranh như thế. Tôi nghĩ các vị chức sắc tôn giáo mà ông thắc mắc cũng bị sự hợp lý đòi hỏi phải suy nghĩ và hành động như vậy.


Nguyễn Chính Kết