Thuyết trình tại Na Uy về
Tình hình nhân quyền tại Việt Nam

(trong buổi họp mặt với đảng Høyre và cộng đồng người Việt
ngày 6/3/2007)
(4 đề mục tổng quát do đảng Høyre đề nghị)


I. Tổng quát về tình hình nhân quyền Việt Nam


Ở Việt Nam, tất cả mọi nhân quyền căn bản đều không được tôn trọng. Lý do chính yếu và tận gốc: Đảng CSVN, đảng nắm quyền, có tham vọng giữ vững độc quyền cai trị Việt Nam vô thời hạn, không nhiệm kỳ, không chấp nhận bị thay thế, bất chấp họ bất lực trước những vấn đề của đất nước, làm đất nước tụt hậu, đau khổ, nghèo đói, đạo đức suy đồi, bất chấp có những đảng khác có khả năng và xứng đáng cai trị nước hơn họ… Mục đích của họ chỉ là để bảo vệ những đặc quyền đặc lợi mà họ đã và đang hưởng kể từ khi họ cướp được chính quyền từ tay thực dân Pháp năm 1945 ở miền Bắc và từ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 ở miền Nam. Vì: nếu họ tôn trọng các nhân quyền và dân quyền, thì người dân sẽ sử dụng những quyền ấy để đòi buộc họ phải thay đổi hoặc từ bỏ quyền lực khi họ bất lực trước những vấn đề của đất nước… Điều này rất bất lợi và nguy hiểm cho tham vọng độc quyền cai trị vô thời hạn của họ. Do đó, muốn giữ vững độc quyền, họ phải coi nhẹ và sẵn sàng chà đạp mọi nhân quyền của dân chúng.

Những quyền căn bản bị nhà cầm quyền Việt Nam chà đạp:

1) Quyền Dân tộc tự quyết:

Đã có ít nhất hai cơ hội lịch sử rất thuận lợi là năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 trên cả nước, để Dân tộc khẳng định Quyền tự quyết của mình. Nhưng tất cả đều đã bị đảng CSVN tráo trở không thực hiện. Sự lựa chọn của toàn Dân tộc Việt Nam lúc ấy là Độc lập Dân tộc, nhưng đảng CSVN đã tự lựa chọn chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản và ép buộc toàn dân phải theo sự lựa chọn ấy. Từ đó, năm 1954, họ đã trở thành một công cụ của đệ tam quốc tế Cộng Sản đồng thời biến Việt Nam thành một tiền đồn tranh đấu cho chủ nghĩa này. Thế là Việt Nam trở thành chiến trường giữa một bên là miền Bắc tranh đấu để bành trướng chủ nghĩa cộng sản, và miền Nam tranh đấu để tự vệ, để bảo vệ tự do và nhân quyền cho dân tộc. Và từ 1975, sau khi chiếm được toàn Việt Nam, họ đã biến Việt Nam thành một quốc gia tuy thống nhất nhưng đau khổ, nghèo đói, tụt hậu về mọi mặt vì chủ trương độc đảng, độc tài toàn trị của họ. Cho đến nay, Điều 4 của Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện hành, vẫn còn ghi: “Đảng cộng sản Việt Nam... theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Chính hệ thống quyền lực không hề chấp nhận cạnh tranh và chấp nhận bị thay thế này đã triệt tiêu hoàn toàn các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, may ra chỉ còn vài mẩu vụn mà thôi !

2) Quyền tự do thông tin ngôn luận:

Đây là quyền quan trọng nhất để có thể có được những quyền khác, vì khi các quyền khác bị xâm phạm, thì người dân có thể dùng quyền này để tự vệ, để lên tiếng tố cáo và đòi hỏi những quyền đã bị xâm phạm. Tước bỏ quyền này là tước bỏ khả năng tự vệ của người dân trước những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền. Một người bị cướp mà lại bị bịt miệng thì không còn khả năng la lên để tự vệ. Cũng vậy, để duy trì độc quyền cai trị, thì việc trước tiên và ưu tiên mà kẻ độc tài phải làm tước đi quyền tự do ngôn luận của người dân. nhà cầm quyền Việt Nam đã làm đúng như vậy.

Hiện nay, trong nước có 600 tờ báo giấy, nhưng hoàn toàn do nhà nước Việt Nam chỉ đạo và quản lý, nên 600 tờ báo ấy chỉ phản ảnh lập trường chính trị duy nhất của đảng cầm quyền mà thôi. Ngoài ra, không một tờ báo tư nhân nào được phép xuất bản và phổ biến. Chỉ có một số trang web do tư nhân lập ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Nhưng nhà nước CSVN đã dựng lên những bức tường lửa để ngăn chặn những trang web mang tính đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, và kiểm soát chặt chẽ những người sử dụng internet tại các tiệm dịch vụ intenet không cho họ vào những trang này. Ngoài ra, ai lên tiếng phát biểu một lập trường chính trị khác với lập trường chính thống thì đều bị làm phiền cách này hay cách khác, từ bị sách nhiễu đến bị tù, bị giết, tùy mức độ nghiêm trọng.

3) Quyền tự do hội họp, lập hội, lập đảng

Bị xâm phạm nhân quyền mà người dân chỉ lên tiếng phản đối cách riêng rẽ, độc lập nhau thì nhà cầm quyền rất dễ bịt miệng họ. Nhưng nếu họ kết hợp với nhau thành tập thể hay lực lượng để cùng lên tiếng tranh đấu, thì người dân sẽ mạnh lên gấp bội, nhà cầm quyền khó bịt miệng họ hơn rất nhiều. Vì thế, để duy trì độc quyền cai trị, nhà nước CSVN luôn ngăn cấm việc lập hội, lập đảng, thậm chí cả việc tụ họp đông người (Nghị Ðịnh 38/2005/NÐ-CP cấm tụ tập từ 5 người trở lên trên các đường phố).

Hiện nay, tất cả những hội được phép hoạt động trong nước đều là những hội do chính nhà nước CS hoặc do người của họ lập ra để làm công cụ cho đảng cầm quyền. Những hội này vì thế luôn luôn ủng hộ đảng và củng cố cho quyền lực của đảng. Ngoài ra, tất cả những hội do nhân dân tự lập ra nằm ngoài sự kiểm soát hay quản lý của đảng đều không được phép thành lập hoặc bị cấm hoạt động. Chẳng hạn hai ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê xin thành lập hội “Nhân Dân Chống Tham Nhũng” vào tháng 9-2001 chẳng những không được chấp nhận mà hai ông còn bị đưa vào tù vì tội đang làm gián điệp. Mới đây, ngày 01-6-2006, ông Hoàng Minh Chính tự công bố phục hoạt đảng Dân chủ và Nguyễn Phong, ngày 8-9-2006 đã công bố thành lập Thăng Tiến, thì cả hai đều bị CA hạch hỏi, trù dập. Đặc biệt, sau khi tuyên bố thành lập Hiệp Hội Đoàn Kết Công-Nông Việt Nam ngày 30-10-2006, các anh chị Nguyễn Tấn Hoành, Nguyễn Thị Lê Hồng, Hoàng Huy Chương, Nguyễn Thị Tuyết, và Trần Quốc Hiền đều bị bắt và bị giam một cách không duyên cớ.

3) Quyền tự do ứng cử và bầu cử:

Để cho người dân có quyền ứng cử và bầu cử có nghĩa là cho họ quyền quyết định tự chọn người lãnh đạo cho mình. Điều này rất nguy hiểm cho độc quyền cai trị của họ, vì như thế, có thể người dân sẽ không bầu họ hoặc người của họ thì họ sẽ mất quyền cai trị. Vì thế, họ phải tước bỏ quyền này của dân bằng cách chỉ cho những người của họ ra ứng cử mà thôi, để người dân bầu bất kỳ người nào thì cũng đều là người của họ (thường thì chọn từ 8 đến 9 người trong số 10 người được nhà nước đề cử). Và tất cả mọi cuộc bầu cử đều chỉ mang tính hình thức nhằm “cho có vẻ dân chủ” ở ngoài mặt để che mắt thế giới. Tất cả mọi cuộc bầu cử từ Quốc Hội, tức cấp quốc gia cho đến cấp làng xã từ 60 năm qua đều đại loại là “đảng cử dân bầu”: bầu người nào thì cũng đều là người của đảng, chẳng người dân nào tự ra ứng cử mà được chấp thuận cả.

4) Quyền tự do tôn giáo:

Trong tất cả các tổ chức không do đảng hay người của đảng thành lập, thì chỉ có các tôn giáo. Các tôn giáo là những tổ chức tương đối độc lập với các thế lực cầm quyền, vốn có sẵn trước khi đảng lên cầm quyền. Các tôn giáo thường có tổ chức chặt chẽ, có trật tự trên dưới khá hoàn chỉnh. Đường lối của các tôn giáo vốn hữu thần luôn đi ngược lại với đường lối của đảng CSVN vốn chủ trương vô thần. Do đó, tự bản chất, mỗi tôn giáo là một lực lượng có khả năng quy tụ rất đông quần chúng và là một sức mạnh rất lớn. Sức mạnh này có thể đe dọa độc quyền cai trị của đảng độc tài CS.Vì thế, các chế độ CS luôn luôn coi các tôn giáo như những thế lực thù nghịch cần phải triệt hạ.

Nhưng kinh nghiệm quá khứ cho thấy họ không thể tiêu diệt được tôn giáo vì tôn giáo là một nhu cầu tự nhiên của con người: càng diệt thì càng gây sự thù nghịch, chống đối và càng bất lợi cho chế độ. Do đó họ chỉ tìm cách giới hạn phạm vi hoạt động, sự phát triển và nhất là tìm cách lũng đoạn, biến chất tôn giáo, đồng thời biến tôn giáo thành công cụ phục vụ cho đảng cầm quyền. Họ thực hiện điều này bằng cách:

-- cài người của họ vào trong nội bộ các tôn giáo làm nội ứng, gây chia rẽ, nghi ngờ nhau, khiến các tổ chức khó có thể thống nhất đường lối…

-- mọi việc bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo vào những vai trò lãnh đạo phải được sự chấp thuận của nhà nước. Điều này gây khó khăn cho các tôn giáo trong việc cử đúng người xứng đáng, tài đức vào các địa vị lãnh đạo. Nếu không cử được người tài đức lãnh đạo, tôn giáo sẽ bị thiệt hại rất nhiều.

-- dùng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” để đối xử với các vị lãnh đạo tôn giáo. Vị nào sẵn sàng vâng phục nhà nước thì sẽ được dành nhiều dễ dãi cho mình, cho cộng đoàn mình lãnh đạo, được tạo nhiều điều kiện để tiến thân trong tôn giáo mình. Vị nào vâng phục lẽ phải, tiếng lương tâm hơn mệnh lệnh nhà nước thì sẽ bị ngược đãi, cộng đoàn mình lãnh đạo cũng gặp khó khăn, phiền nhiễu…

Nói chung, chính sách của nhà nước CSVN về nhân quyền là chính sách hai mặt mâu thuẫn nhau: Về đối ngoại, nhà cầm quyền CSVN sẵn sàng ký các văn kiện như: Tuyên Ngôn quốc tế về nhân quyền (1948) , các công ước quốc tế về dân sự & chính trị, Văn hóa & Giáo dục,… nhưng thực chất của vấn đề là để đối phó với quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngọai giao … Còn với người dân trong nước thì hoàn toàn ngược lại. Có rất nhiều ví dụ để chứng minh, mà cuộc họp thượng đỉnh APEC vào T.11/2006 vừa qua là một ví dụ điển hình của sự tương phản: với quốc tế thì tươi cười, tay bắt mặt mừng, muốn giới thiệu một bộ mặt Việt Nam đổi mới tích cực đi lên hàng ngày. Nhưng với những người dân chủ, dân oan trong nước thì khủng bố khốc liệt và tàn bạo.


II. Chế độ CSVN bị áp lực nào từ bên ngoài đảng?

Áp lực mạnh nhất có thể đè nặng trên đảng cầm quyền CSVN và buộc họ phải thay đổi, thậm chí có thể lật đổ họ là sức mạnh của quần chúng nhân dân. Nhưng hiện nay, nhân dân đang còn bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi mà 60 năm qua đảng CSVN đã bao trùm lên họ bằng những màn khủng bố, giết chóc, tra tấn dã man… Do đó, dù bất mãn và chán ghét chế độ đến cùng cực, họ vẫn chưa dám mạnh dạn phản kháng. Nhưng sự sợ hãi ấy này ngày càng giảm. Càng ngày càng có nhiều người dân lên tiếng phản kháng và tranh đấu đòi đảng CSVN phải thay đổi, phải từ bỏ chế độ độc tài độc đảng để chuyển thành chế độ dân chủ đa nguyên. Các nhà tranh đấu đang tìm cách vận động quần chúng vì tin rằng chỉ có sức mạnh của quần chúng mới có thể buộc chế độ CS phải thay đổi mà thôi. Do đó, cuộc cách mạng dân chủ phải là do nhân dân Việt Nam tự làm mới có thể thành công và lâu bền.

Kế đến là áp lực quốc tế, nhất là từ những nước làm lợi cho Việt Nam như đang viện trợ hay đang làm ăn kinh tế với Việt Nam (như các nước Liên Âu, Hoa Kỳ, Na Uy, Úc, Nhật…). Nhờ những nước này, kinh tế Việt Nam mới được ổn định, nhờ đó dân chúng còn có thể chấp nhận chế độ (nếu không ổn định, dân dễ nổi loạn), và người hưởng được nhiều lợi nhuận nhất từ những nước này là các cán bộ CS: tham nhũng tiền viện trợ, tham nhũng cấu kết với gian thương để làm lợi cho nhau…

Nhưng áp lực quốc tế đó sẽ trở nên mạnh mẽ và nhắm vào CSVN là do các nhà tranh đấu hải ngoại biết vận động chính giới nước mình, và do những cuộc biểu tình của người Việt yêu nước hải ngoại gây tiếng vang và tạo sự chú ý nơi chính giới các nước khiến họ quan tâm đến CSVN với những màn đàn áp, vi phạm nhân quyền. Nhờ đó chính phủ các quốc gia yêu tự do dân chủ mới lên tiếng và gây áp lực đòi buộc nhà cầm quyền CSVN phải chùn tay đàn áp, phải tôn trọng nhân quyền, dân quyền như các luật quốc tế đòi buộc…

Nhưng điều quan trọng và tiên quyết phải có để có được những áp lực quốc tế ấy là phải có các nhà đấu tranh dũng cảm ở trong nước dám lên tiếng đấu tranh, tố cáo nhà cầm quyền CSVN vi phạm nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến… nhưng lại bất lực trước các tệ nạn xã hội (tham nhũng, xì ke ma túy, gái mại dâm, bán trẻ em và phụ nữ ra nước ngoài…), đồng thời đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng nhân quyền. Nhờ vậy các quốc gia mới có thể dựa vào đó để gây áp lực với nhà cầm quyền độc tài, nhất là khi họ ra tay đàn áp những người lên tiếng ấy.

Nói chung, nhà cầm quyền CSVN chỉ chấp nhận thay đổi khi có những áp lực đủ mạnh buộc họ phải thay đổi. Hầu như tất cả các chế độ độc tài, độc đảng chỉ chấp nhận thua cuộc khi và chỉ khi họ đã giở hết các “ngón nghề” bạo lực ra nhưng đành chịu bất lực trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân và áp lực quốc tế.


III. Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam và Khối 8406 đã có những hoạt động gì trong thời gian vừa qua?

Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam 2006 hoạt động theo một tiến trình mà Khối 8496 đã vạch ra gồm 4 giai đoạn và 8 bước. Sau đây là những giai đoạn đã thực hiện được:

Giai đoạn I: Thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đặt nền tảng cho các nhân quyền & dân quyền khác

-- lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng các nhân quyền căn bản của con người, đặc biệt và trước hết là quyền tự do ngôn luận. Trong chiều hướng này, Khối 8406 đã chủ động thực hiện quyền tự do ấy không chấp nhận xin phép bằng việc ra các tờ báo giấy như Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Dân Chủ, Tổ Quốc…

Giai đoạn II: Khuyến khích phục hoạt, thành lập và phát triển các chính đảng dân chủ không cộng sản.

-- Đã thành lập và tạo môi trường ra đời và hoạt động cho các tổ chức, đảng phái như đảng Thăng Tiến (8/9/2006), Công Đoàn Độc Lập (20/10/2006), Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân chính Trị và Tôn Giáo (27/10/2006), Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông (30/10/2006), Hội Dân Oan (9/12/2006), Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam (10/12/2006), v.v…

-- Thành lập Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam (16/10/2006) để liên kết các lực lượng, tổ chức đấu tranh, các đảng phái trong và ngoài nước thành một lực lượng tổng hợp hầu đấu tranh cho tự do dân chủ hữu hiệu hơn.

Ngoài ra, từ ngày thành lập, Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam 2006 còn:

-- lên tiếng bênh vực những trường hợp người dân hay các nhà tranh đấu bị nhà cầm quyền CS đàn áp, sách nhiễu, bắt bớ, tù đày… Kêu gọi sự quan tâm lên tiếng của thế giới.

-- kêu gọi dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội độc đảng (khóa 12, năm 2007), vốn chỉ mang tính hình thức để hợp pháp hóa cái Quốc Hội bù nhìn do “đảng cử dân bầu” để chỉ có người của đảng mới có thể lọt vào cái Quốc Hội ấy thôi. Rốt cuộc, Quốc Hội được bầu chỉ là công cụ phục vụ cho Đảng cầm quyền, để lập nên hoặc hợp pháp hóa tất cả những luật lệ mà mục đích cuối cùng là bảo vệ và duy trì chế độ độc tài mà Đảng muốn áp đặt lên người dân. Qua Quốc hội này, đảng cầm quyền muốn dùng luật pháp vi hiến để biến tất cả những hành vi tranh đấu cho dân chủ -- cho dù là ôn hòa bất bạo động -- thành những hành vi vi phạm pháp luật, để từ đó có thể khép họ vào việc vi phạm pháp luật.

-- phát động “Ngày Dân chủ cho Việt Nam”: ngày 01 và 15 mỗi tháng là ngày “toàn dân mặc áo trắng”.

-- cho người ra vận động ở nước ngoài (công tác ngoại vận, quốc tế vận…)


IV. Thế giới tự do có thể làm được gì để hỗ trợ phong trào dân chủ tại Việt Nam?

-- Điều ĐẶC BIỆT và ƯU TIÊN ĐỀ NGHỊ: Quyết liệt tranh đấu, can thiệp để đòi buộc CSVN phải chấp nhận cho ít nhất một tờ báo đối lập, một cách cụ thể tờ bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, được tự do in, phát hành, bán công khai trên toàn quốc tại các sạp báo, người dân được tự do đọc mà không bị CA sách nhiễu hay mời “làm việc”; tờ báo phải có nơi hợp pháp để làm tòa soạn và có cơ sở in.

-- Tạo áp lực trên nhà nước CSVN buộc họ phải tôn trọng những gì họ đã cam kết khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, khi vào WTO, đặc biệt trong lãnh vực tôn trọng nhân quyền.

-- Tất cả mọi viện trợ cho Việt Nam đều phải đi đôi với điều kiện đòi buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền đúng như họ đã ký kết với thế giới.

-- Lên tiếng ủng hộ và yểm trợ thực tế cuộc đấu tranh đòi nhân quyền, đòi tự do dân chủ đa nguyên của người dân ở trong nước.

-- Thiết lập danh sách các quốc gia đáng quan tâm về việc vi phạm quyền tự do thông tin ngôn luận với những biện pháp chế tài hiệu quả…

-- Đòi hỏi CSVN cho hội Hồng Thập Tự Quốc Tế được chăm sóc sức khỏe cho các tù nhân chính trị và tôn giáo, đặc biệt Lm Nguyễn Văn Lý và anh Nguyễn Vũ Bình.

-- Đòi hỏi chính quyền Việt Nam cho các cơ quan nhân quyền quốc tế được tự do tìm hiểu về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ở bất cứ nơi nào họ yêu cầu, đặc biệt trong các trại tù, nhà giam; được tự do gặp những người bất đồng chính kiến, kiểm tra các vi phạm về nhân quyền

-- Đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam sau WTO phải chấp nhận cho các công ty ngoại quốc được đầu tư trong lãnh vực thông tin, truyền thông, viễn thông như Internet, dịch vụ điện thoại, dịch vụ bưu điện… để nhà cầm quyền không còn độc quyền đầu tư trong những lãnh vực này, khiến họ không thể tùy tiện cúp các phương tiện liên lạc của các nhà đấu tranh một cách không lý do chính đáng.