Tình hình tự do tôn giáo hiện nay ở Việt Nam

Nguyễn Chính Kết

Hiện nay, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam so với 10 năm về trước đã trở nên dễ thở hơn khá nhiều. Nhiều người cho rằng Việt Nam đã tới thời phải nới rộng tự do như vậy, vì những lý do này lý do nọ. Điều đó không phải là phi lý. Nhưng một trong những lý do quan trọng và chủ yếu, đó là nhờ sự tranh đấu của người Việt trong và ngoài nước. Chẳng hạn, ta thử nhớ lại tình hình tôn giáo trước tháng 11-2000 – tức trước thời điểm linh mục Nguyễn Văn Lý lên tiếng cho tự do tôn giáo – xem. Lúc đó, các chức sắc tôn giáo xuất ngoại rất khó khăn, không dễ dàng như sau thời điểm ấy. Phải nói rằng đó là một phản ứng của nhà nước đáp lại những tố cáo thẳng thừng quyết liệt của Lm Nguyễn Văn Lý về tình trạng thiếu tự do tôn giáo trầm trọng ở Việt Nam. Việc cho phép các sinh hoạt khác của tôn giáo cũng trở nên dễ dàng hơn. Công bằng mà nói đó là một thành quả trước mắt của cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo mà Lm Lý đã khởi xướng cách mạnh mẽ, được một số người trong nước hưởng ứng cũng như cộng đồng hải ngoại tích cực tiếp tay.

Điều ấy cũng dễ hiểu thôi, vì những kẻ độc tài đang nắm quyền chẳng bao giờ tự nhiên cho người dân được tự do cả. Phải có một áp lực nào đấy mới có thể bắt buộc họ phải nới rộng tự do cho người dân. Đúng như một nhân vật nào đó nói: "Tự do phải tranh đấu mới có được. Chẳng ai cho không tự do bao giờ". Chứ tự do không thể tự dưng từ trời rớt xuống cho người dân, hoặc chờ ai đó tự động ban phát cho.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người hài lòng với những "mảnh tự do" mà nhà nước mới ban phát cho tín đồ các tôn giáo trong hơn nửa thập nien qua. Họ thấy nhiều chùa, nhiều nhà thờ được xây dựng thêm; vào các ngày chủ nhật, ngày lễ, số tín hữu đi chùa, đi nhà thờ đông như kiến. Thế là họ cho rằng các tôn giáo đã được tự do, đâu cần đòi hỏi gì nữa. Họ làm như sứ mạng của tôn giáo chỉ là làm sao để các tín hữu đi chùa, đi nhà thờ cho đông, và chỉ thế thôi. Nhà nước Việt Nam chắc chắn sẽ rất hài lòng với một quan niệm đơn sơ và hời hợt như vậy.

Thật ra, những cái thấy được dễ dàng ấy chỉ là mặt ngoài của tôn giáo. Khi xét một vấn đề, cần phải phân biệt hai mặt của nó: mặt ngoài và mặt trong. Nói theo ngôn ngữ triết học là hiện tượng và bản chất. Nếu chỉ xét bề ngoài thì hai quả trứng – một quả còn nguyên, một quả bị rút hết ruột – thì cả hai hoàn toàn giống nhau. Hay hai chiếc cầu bê tông, một đằng cốt thép một đằng cốt tre, thì chẳng ai đi trên cầu phân biệt được. Nhưng giá trị và bản chất của hai quả trứng ấy hay hai chiếc cầu ấy hoàn toàn khác nhau. Cũng vậy, nếu chỉ biết nhìn sự việc qua hiện tượng, đặc biệt trước cảnh chùa, nhà thờ mọc như nấm, cảnh tín hữu đến những nơi thờ phượng đông như kiến ở các thành thị, thì ai cho rằng như thế là thiếu tự do tôn giáo? thậm chí xem ra còn tự do hơn cả phương Tây!?

Do đó cần biết nhìn sự việc theo bản chất chứ không theo hiện tượng. Bản chất rất ít khi thay đổi, nhưng hiện tượng thì hay thay đổi, lúc thế này lúc thế kia, tùy theo tình hình. Hiện nay nhà nước Việt Nam đang chủ trương vào WTO nên phải đáp ứng những yêu cầu của tình thế, tức là phải nới rộng dân chủ, phải nới rộng tự do tôn giáo, v.v... Nhưng trong thâm tâm của nhà cầm quyền, việc đáp ứng ấy chỉ là điều bất đắc dĩ, ngược lại với chủ trương hay bản chất của họ. Nếu không đáp ứng như vậy thì việc vào WTO sẽ trở nên rất xa vời, và đương nhiên bất lợi cho họ.

Muốn xét tình hình tự do tôn giáo theo bản chất thì phải xác định được bản chất của tôn giáo là gì? Đó là sự phát triển tâm linh, việc tổ chức các tín hữu thành cộng đoàn với những sinh hoạt cộng đồng, và việc phát triển cộng đoàn. Muốn thực hiện được bản chất ấy thì một trong những điều kiện quan trọng nhất là những người lãnh đạo tôn giáo phải là những người tài đức, có đời sống tâm linh cao, có bản lãnh. Càng lãnh đạo ở cấp cao thì đòi hỏi ấy càng lớn và càng bức thiết. Nhưng tại Việt Nam, các tôn giáo đâu được tự do tuyển chọn và bổ nhiệm người lãnh đạo xứng đáng nhất, hợp với tiêu chuẩn của mình nhất! Thật vậy, các tôn giáo tại Việt Nam không thể thực hiện điều đó theo đúng tiêu chuẩn của mình. Những người xứng đáng nhất, hợp tiêu chuẩn nhất mà mà tôn giáo muốn đưa lên để lãnh đạo, thì nhiều khi nhà nước không công nhận hay không chấp nhận. Trường hợp giám mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận hay giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi trong Giáo Hội công giáo tại Sàigòn là một điển hình. Là người công giáo, tôi chắc chắn hai vị này không bao giờ có ý muốn chống lại bất kỳ chính sách nào xét thấy hợp lý của nhà nước. Nhưng họ là những người có bản lãnh dám bảo vệ tôn giáo của mình, không để cho quyền lợi của tôn giáo mình bị xâm phạm cách bất công. Trong các tôn giáo khác và trong đủ mọi cấp độ lãnh đạo cũng đầy những trường hợp tương tự.

Nhà nước Việt Nam chỉ chấp nhận những người lãnh đạo mà họ xét thấy là vô hại hoặc có lợi cho đường lối của họ, hoặc những người mềm dẻo, dễ chấp nhận nhượng bộ trước những áp đặt của họ, hay dễ dàng im lặng thụ động trước những gì họ gây bất lợi cho tôn giáo mình. Nói chung đó là những người ít nhiều thiếu cứng rắn trước các áp lực của nhà nước. Một linh mục nọ – xin giấu tên vì không muốn gây phiền phức cho đương sự – kể lại lời của một anh công an nói với ông: "Trong một giáo phận, chúng tôi chỉ cần nắm được giám mục giáo phận ấy là kể như giáo phận ấy không còn vấn đề gì đáng ngại nữa". Tôi nghĩ anh công an ấy đã rất thành thực khi nói câu ấy. Vì thế, một trong những nỗ lực rất lớn của nhà cầm quyền là làm sao chi phối được những vị lãnh đạo cao nhất của một tôn giáo hay một cộng đoàn để có thể điều khiển được cả tôn giáo hay cộng đoàn ấy. Để dễ dàng thực hiện điều ấy, họ chỉ chấp nhận những vị nào tương đối dễ chi phối. Vì hễ chi phối được người lãnh đạo cao nhất thì cũng chi phối được những lãnh đạo các cấp thấp hơn, và cả các tín đồ nữa, vì bình thường trong các tôn giáo, bề dưới phải vâng phục hay theo lập trường của bề trên.

Cái quan trọng nhất trong một tôn giáo cũng như trong một đất nước là phải có được những vị lãnh đạo khôn ngoan, sáng suốt và can đảm. Thế nhưng các tôn giáo lại không được quyền chọn người lãnh đạo của mình theo đúng ý mình. Còn người mà nhà nước chấp nhận được có những trường hợp không đủ khả năng, đủ bản lãnh đúng mức cần thiết để bảo vệ và phát triển tôn giáo, và để đứng vững trước những áp lực phi lý của nhà nước đối với tôn giáo. Vì thế, tôn giáo có nhiều nguy cơ không phát triển được hoặc bị thoái hóa, tai hại nhất là đánh mất bản chất đích thực của mình. Những vị lãnh đạo được nhà nước cộng sản chấp thuận tuy cũng có tài đức, nhưng tài đức ấy rất có thể chưa xứng với chức vụ của mình. Vì trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, phải có những người rất sáng suốt và rất can đảm mới có thể làm cho tôn giáo đi lên được. Những cái biểu lộ ra bên ngoài như việc xây chùa chiền, nhà thờ, các lễ nghi trang trọng đông người tham dự, v.v… chỉ là cái vỏ, là hình thức bên ngoài thôi. Đời sống tâm linh tôn giáo không chỉ là cái vỏ bên ngoài ấy, mà chủ yếu là sự giáo dục tâm linh bên trong và sự phát triển cộng đồng, giúp các tín hữu thay đổi đời sống, thay đổi cách suy nghĩ để sống tốt hơn, có những động lực sống mạnh mẽ hơn. Muốn giúp các tôn giáo thực hiện điều ấy, nhà nước phải để cho các tôn giáo được tự do chọn lựa những người lãnh đạo tôn giáo đúng theo tiêu chuẩn của họ.

Hiện nay, nhà nước Việt Nam đang giành cho mình quyền tối thượng là quyền phủ quyết (veto) trong việc chọn lựa và bổ nhiệm các vị lãnh đạo các cấp trong các tôn giáo, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Các tôn giáo chỉ có quyền đề cử những người mà mình nghĩ là xứng đáng nhất, đương nhiên theo một thứ tự ưu tiên nào đó (nghĩa là có thượng sách và hạ sách). Và nhà nước là người cuối cùng quyết định chọn ai trong số những người được đề cử, đương nhiên không hẳn là người mà các tôn giáo ưu tiên đề cử, nhưng là người mà nhà nước xét thấy có lợi cho họ nhất. Ngay cả những người muốn đi tu để sau này trở thành những người lãnh đạo tôn giáo cũng phải qua sự xét duyệt và được nhà nước chấp thuận mới đi tu được. Đó là chưa nói tới việc nhà nước gài người của họ vào trong nội bộ của tôn giáo để dễ dàng kiểm soát, thực hiện mục đích của họ đối với tôn giáo. Những người này thường được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để thăng tiến và nắm những chức vụ then chốt trong tôn giáo. Đương nhiên những người này càng có nhiều trong nội bộ tôn giáo và càng nắm những chức vụ cao thì tôn giáo càng gặp nhiều bất lợi. Còn những người có lập trường tôn giáo vững mạnh mà nhà nước xét thấy có thể bất lợi của họ, thì thường bị chế tài cách này hay cách khác khiến cho tôn giáo bị thiệt hại.

Trở lại vấn đề bản chất và hiện tượng. Bản chất không phải là không thể thay đổi, mà khó thay đổi hơn là hiện tượng rất nhiều. Cho tới bây giờ, với những thay đổi quá ít về tự do tôn giáo cho dù chỉ xét về mặt hiện tượng – vì tại những nơi vùng sâu vùng xa, tôn giáo vẫn bị cấm đoán và đàn áp, nhiều giáo hội không được công nhận, v.v… – có thể thấy rằng bản chất của tự do tôn giáo ở Việt Nam chưa thay đổi bao nhiêu. Nếu nhà nước thật sự đã thay đổi bản chất, thì chắc chắn họ sẽ phải đối xử với các tôn giáo cách khác hẳn. Nghĩa là họ phải bãi bỏ những luật lệ hạn chế tự do tôn giáo ở trong luật pháp, cụ thể nhất là bãi bỏ pháp lệnh tôn giáo mà họ ban hành cuối năm 2003.

Pháp lệnh tôn giáo, theo tôi, cũng chỉ là một công cụ pháp luật để hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân thôi. Nó phản ảnh sự mâu thuẫn cố hữu giữa hiến pháp và luật pháp của Việt Nam. Theo hiến pháp thì người dân có tất cả mọi quyền tự do, nhưng ngay trong hiến pháp đã có những câu ngầm cho phép luật pháp được tự do đi ngược lại tinh thần của hiến pháp rồi. Vì câu nào trong hiến pháp công nhận một quyền tự do nào đấy thì câu kế tiếp thường là: “nhưng phải theo quy định của pháp luật”. Và pháp luật thì dường như hạn chế những quyền tự do đó tới mức không còn tự do gì cả, thay vì hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện quyền tự do đó. Pháp lệnh tôn giáo được ban hành cũng rập khuôn "đầu voi đuôi chuột" ấy. Vì thế, nó cũng chỉ là một hình thức bên ngoài để tỏ ra thiện chí trước việc thế giới đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện chính sách về tôn giáo. Đó chỉ là một biện pháp đối phó thôi, chứ bản chất thì chẳng thay đổi bao nhiêu.

Muốn phải thay đổi tình hình tự do tôn giáo từ bản chất, nhà nước phải chấp nhận thay đổi tận gốc, tức là bỏ chủ trương độc tài đảng trị, chấp nhận cho tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu không thay đổi cái gốc đó thì tất cả mọi thay đổi khác cho dù có hay ho đến đâu, cũng chỉ là thay đổi cái ngọn, rồi cuối cùng cái gốc không tốt đó cũng sẽ làm hư hoại cái ngọn.

Biết bao người nhận thấy nếu nhà cầm quyền cứ theo phương sách cai trị hiện nay thì chỉ làm cho đất nước băng hoại tụt lùi và không biết đến bao giờ đất nước mới ngóc đầu lên được, rất có hại cho người dân Việt Nam. Nhưng những kẻ đang cầm quyền hiện nay cứ quyết tâm bám lấy cách cai trị thất sách ấy bất chấp sự góp ý của bất kỳ người dân nào.

Nguyễn Chính Kết
(Báo Tự do Ngôn luận, số ra mắt 15-4-2006)




________________________________________________________________________