Thư gửi Nguyễn Khắc Toàn

Anh Toàn thân mến,

Mọi việc xảy ra đều vượt ra khỏi dự tính ban đầu. Đúng là tính một đằng, thực tế lại xảy ra một đằng. Nhưng vấn đề của chúng ta là phải thích ứng với tình thế và biến đổi tình thế cách nào để có lợi nhất cho mình, nghĩa là cho quê hương dân tộc, và cho việc dân chủ hóa, tự do hóa đất nước.

Sự việc xảy ra như sau:

Khi anh Khuê và Phương Nam ra Bắc, cụ Hoàng Minh Chính giao cho Phương Nam chấp bút bản tuyên ngôn của PTDCVN và sau đó mấy anh em trong Nam bàn thảo sửa chữa và quyết định bản cuối cùng. Cụ Chính giao cho anh Khuê quyền quyết định cuối cùng, không cần phải bàn lại với cụ nữa. Đó là ở trong nước. Còn ở hải ngoại, nhóm Bs Nguyễn Xuân Ngãi – đại diện cho PTDCVN hải ngoại – đã chuẩn bị để công bố bản tuyên ngôn này một cách long trọng. Nghĩa là đúng ra, họ sẽ công bố bản tuyên ngôn duy nhất mà Phương Nam chấp bút và mấy anh em góp ý sửa đổi với nhau. Nếu sự việc xảy ra như thế thì không có gì đáng nói cả, và mọi sự đều tốt đẹp. Tuy nhiên…

Sáng 7-4, Phương Nam viết xong bản dự thảo tuyên ngôn và đem đến anh Khuê để cùng bàn thảo với 2 anh em khác. Nhưng sáng hôm ấy lại có một anh mà anh em nghi là người của công an đến thăm, rất có thể là để dò hỏi. Anh Khuê không muốn tỏ ra có sự gì khác thường, nên đã tiếp người này. Thấy ở lâu không tiện, Phương Nam và tôi rút lui, hy vọng sẽ có thể tiếp tục làm việc vào ban chiều hay ngày hôm sau. Đến 2g00 trưa, Phương Nam về thì đã thấy 2 anh công an đang nói chuyện với ông bà thân sinh của anh. Sau đó họ làm việc với anh, in bản dự thảo tuyên ngôn ra, rồi niêm phong máy vi tính. Ngay tối hôm ấy PN phải làm với CA đến 9g00, và cả ngày hôm sau cũng phải làm nữa. Phương Nam và mấy anh em ở Sàigòn trong tình thế này không thể gặp nhau để tiếp tục hoàn chỉnh bản tuyên ngôn.

Vấn đề gây rắc rối nằm ở chỗ là: trước khi Phương Nam đem bản dự thảo đến anh Khuê để bàn thảo, thì đã gửi bản thảo ấy cho 7 người để xin góp ý, trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý. Khi biết Phương Nam bị kẹt, thì cụ Chính đã điện thoại nhờ Lm Lý tiếp tục. Có điều sau khi Lm Lý hoàn chỉnh bản tuyên ngôn này, thì ông gửi lên mạng với tư cách là coordinator của 118 người ký tên, và giữ bản quyền bản tuyên ngôn này.

Bên kia, PTDCVN hải ngoại đã chuẩn bị hết tất cả để công bố bản tuyên ngôn mà họ nghĩ là PN chấp bút và anh em hoàn chỉnh rồi sẽ chuyển cho họ, nhưng bây giờ thì bản đó không còn do anh em trong nhóm TK hoàn chỉnh nữa, mà do nhóm LM Huế hoàn chỉnh. Vì thế, bên hải ngoại muốn công bố bản tuyên ngôn chính thức của PTDCVN do cụ Hoàng Minh Chính thành lập với ông Khuê là đại diện trong nước và ông Ngãi làm đại diện hải ngoại, thì không có bản nào cả. Đang khi ấy, mọi sự đều đã được chuẩn bị hết tất cả mà không có bản tuyên ngôn. Vì Lm Lý không chấp nhận cho bên ông Ngãi lấy bản tuyên ngôn do 118 người ký tên công bố với tư cách là của PTDCVN. Do đó bên ấy đã thúc giục ông TK phải hoàn thành gấp một bản tuyên ngôn khác để có tuyên ngôn mà công bố. Nếu không thì bên ông Ngãi không có một bản tuyên ngôn nào để công bố cả. Thế là họ hoàn toàn bị động và ở trong một tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Ra một bản tuyên ngôn khác thì sẽ bị mọi người hiểu lầm là gây chia rẽ. Mà không ra tuyên ngôn thì không được vì mọi chuyện đã được quyết định khó có thể thay đổi. Thái độ cứng rắn của Lm Lý cũng làm cho họ rất kẹt.

Bất kể Lm Lý đã ra lời minh định khá bất lợi cho ông Khuê, nhưng ông Khuê vẫn tin rằng Lm Lý hơi vội vàng và ông rất thông cảm với tính rất nhiệt tình của Lm. Ông hy vọng về sau linh mục sẽ hiểu ông và sẽ lại cùng đoàn kết để cùng tranh đấu cho sự nghiệp chung.

Tôi nhận xét như sau:

Sở dĩ có sự rạn nứt giữa Lm Lý và Gs Khuê là vì hai người tuy cùng theo đuổi một mục đích, một chiến lược, nhưng sách lược của hai người khác nhau. Cả hai đều chủ trương huy động lực lượng của toàn dân, gồm hai phần:

- Người Việt trong nước, trong đó có những người dân chủ gốc cộng sản, còn hoặc không còn là đảng viên, còn hoặc không còn làm việc trong bộ máy nhà nước).

- Người Việt hải ngoại…

Tuy nhiên, Lm Lý ít chú trọng tới sức mạnh của những người dân chủ gốc cộng sản hơn, còn Gs Khuê thì đặt nặng sức mạnh này hơn. Theo ông Khuê thì sự thay đổi sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu những người bên trong đảng cộng sản thức tỉnh lương tâm, giác ngộ con đường dân chủ để trở về với dân tộc. Vì thế, song song với lực lượng các nhà dân chủ bên ngoài đảng, phải huy động cả lực lượng bên trong đảng nữa. Vì thế, tạm thời không nên nói gì xúc phạm đến niềm tin và định kiến của họ về lý thuyết Marxism và thần tượng HCM của họ bao lâu họ chưa hoàn toàn từ bỏ những thứ ấy. (Phải nói rằng từ bỏ một định kiến đã được nhồi sọ từ 5, 6 chục năm không phải chuyện dễ). Nếu không tôn trọng nguyên tắc ấy, rất khó lôi kéo họ về phía các nhà dân chủ. Mà mất họ là mất đi một sức mạnh rất đáng kể. Do đó, phải trân trọng cả hai thứ sức mạnh trên. Ông Khuê hy vọng rằng sau này Lm Lý sẽ hiểu ông. Rất tiếc là từ xưa đến nay Lm Lý và ông chưa có dịp gặp nhau lâu giờ để cùng bàn về vấn đề sách lược nên mới có sự hiểu lầm đáng tiếc này. Ông không trách Lm Lý vì cho rằng Lm đã hành động theo lương tri của ông, chỉ đáng tiếc là Lm chưa nắm vững thông tin về ông và chưa hiểu ông. Thế thôi.

Vấn đề bây giờ là mình phải tương kế tựu kế: biến đổi thực tại đang có – dù nó không như ý chúng ta hay theo một hướng khác với hướng chúng ta đã dự định – thành ra có lợi nhất cho chúng ta. Chứ chúng ta đừng trách móc nhau, đổ lỗi cho nhau làm chi, chỉ có hại chứ chẳng lợi ích gì. Việc cho ra đời một tuyên ngôn khác không có gì là tai hại hay gây chia rẽ cả. Cần nhìn vấn đề theo một cách nhìn khác. Thể chế dân chủ và thể chế độc tài khác nhau ở chỗ: một bên tôn trọng tính đa dạng và tính khác biệt giữa mọi người mọi nhóm, một bên chỉ chấp nhận duy nhất một dạng và loại trừ tất cả các dạng khác. Khi chúng ta chấp nhận tính đa dạng và coi đó như là một biểu hiện của tính dân chủ, thì chúng ta sẽ chứng tỏ được tính ưu việt của dân chủ. Nếu chúng ta cũng loại trừ nhau chỉ vì người khác, nhóm khác có quan điểm khác chúng ta, thì như thế chúng ta lại theo gót chân của những người độc tài rồi còn gì? Và thể chế mà chúng ta thiết lập sau này có khác gì thể chế hiện nay đâu? Chúng ta phải suy nghĩ và hành xử khác với những người độc tài mới được.

Hiện nay, chuyện cần thiết nhất đối với chúng ta là với bất cứ giá nào phải duy trì tình đoàn kết giữa các nhà đấu tranh dân chủ ở trong nước và tôn trọng tính đa dạng, khác biệt của nhau.

Vài hàng chia sẻ với Anh. Rất mong Anh chuyển những suy nghĩ của tôi đến với cụ Chính. Chân thành cám ơn Anh.

Kính

Nguyễn Chính Kết



________________________________________________________________________