Thử vạch phương hướng
cho cuộc đấu tranh hiện nay
cho cuộc đấu tranh hiện nay
Cuộc tranh đấu đòi lại quyền tự do và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam đang có những bước tiến triển tốt đẹp. Đó là một cuộc tranh đấu ôn hòa, bất bạo động, hợp hiến hợp pháp, mà bất cứ một thể chế dân chủ nào cũng đều chấp nhận. Chỉ có chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở Việt Nam, vì muốn quyết tâm bảo vệ sự độc quyền cai trị vĩnh viễn trên đất nước này mới không chấp nhận và ra tay đàn áp mà thôi.
Tuy nhiên, để đi đến thành công mà mọi người dân đều mong đợi, chúng ta cần vạch ra một phương hướng chung rõ ràng để mọi người tranh đấu cùng theo. Phương hướng chung này phải là một tổng hợp những ý kiến khác nhau của mọi người. Do đó, mọi người đều nên phát biểu ý kiến hay lập trường của mình, để sau đó tổng hợp lại tìm ra phương hướng sáng suốt nhất. Đây cũng là một hình thức trưng cầu dân ý nho nhỏ.
Người viết bài này cũng xin được góp ý kiến riêng của mình vào việc vạch ra phương hướng đấu tranh ấy.
I. Mục tiêu của cuộc tranh đấu hiện nay
Để thực hiện biết kỳ điều gì, muốn thành công, chúng ta cần phải xác định thật rõ mục tiêu của mình. Do đó, việc xác định mục tiêu của cuộc đấu tranh hiện nay là cần thiết. Theo tôi, mục tiêu của cuộc đấu tranh hiện nay là:
1/ Thay thế thể chế hay cách cai trị độc tài toàn trị hiện nay bằng thể chế tự do dân chủ đa nguyên
– Vì thể chế độc tài toàn trị hiện nay khiến người dân không được tự do, nhân quyền không được tôn trọng, dân bị tước mất quyền tự quyết… và còn là nguyên nhân phát sinh không biết bao tệ nạn xã hội, làm cho đất nước chậm tiến.
– Thể chế độc tài toàn trị của cộng sản đã được thí nghiệm suốt 70-80 năm qua và đã chứng tỏ là một thể chế thất sách, không hợp lý, lỗi thời, phản khoa học, làm đất nước tụt hậu. Các nước đàn anh của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, kể cả nước đã phát sinh ra chủ nghĩa ấy, đã từ bỏ chủ nghĩa không tưởng hàng chục năm nay vì thấy nó phản dân tộc và làm đất nước họ tụt hậu với bao thứ tệ nạn. Bây giờ đến phiên đất nước ta.
– Đất nước ta cũng đã thí nghiệm thể chế này suốt 60 năm qua, mà không có kết quả tốt đẹp như những nước theo thể chế tự do dân chủ. Cái thể chế đã được chứng tỏ bằng kinh nghiệm xương máu là không có kết quả này, nếu chúng ta cứ ngoan cố đi theo, không thèm áp dụng những kinh nghiệm khác của những nước đang thành công, tiến bộ hơn chúng ta, đó chẳng là phải một sự ngu xuẩn sao? Dân tộc Việt Nam không chấp nhận sự ngu xuẩn ấy.
– Sau bao kinh nghiệm đau thương trong lịch sử, nhân loại đã tìm ra được một thể chế tương đối tốt đẹp hơn những thể chế trước đây (phong kiến, quân chủ, phát xít, cộng sản…), đã từng đem lại cho các dân tộc sự tiến bộ, hạnh phúc hơn trong hai thế kỷ qua. Đó là thể chế tự do dân chủ đa nguyên, tuy chưa phải là một thể chế lý tưởng, còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nó đang là một thể chế tiến bộ nhất, kết tinh bao khôn ngoan của con người về thể chế chính trị.
2/ Tạo một “sân chơi công bằng, hợp lý, lành mạnh”, trong đó mọi người, mọi đảng phái được đối xử bình đẳng
– Chế độ độc tài hiện nay giống như một sân chơi chỉ có một đội bóng, không có đội bóng đối thủ… Điều này tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, trong đó không có sự cạnh tranh lành mạnh. Chế độ này không chấp nhận một đối thủ nào được quyền cạnh tranh với mình, hoặc thay thế mình, nên họ chẳng cần phải nỗ lực cải tiến để cạnh tranh, do đó đất nước không sao tiến bộ được. Muốn tiến bộ, phải có cạnh tranh, trong kinh tế cũng như trong chính trị. Đó là một quy luật tự nhiên.
– Trong “sân chơi công bằng, hợp lý, lành mạnh” mà chúng ta đang tranh đấu để đạt được, đảng cộng sản vẫn có thể tồn tại một cách bình đẳng với tất cả mọi người, mọi đảng phái khác, nghĩa là họ không có những quyền lợi nhiều hoặc ít hơn các đảng phái khác. Họ sẽ phải cạnh tranh với những đảng khác, và các đảng phái khác cũng phải cạnh tranh với họ. Nếu họ còn xứng đáng, nhân dân sẽ tín nhiệm họ. Nếu nhân dân không tín nhiệm họ, thì họ vẫn tồn tại và trở thành một đảng đối lập, và họ phải tự cải thiện hầu được nhân dân tín nhiệm trong lần bầu cử sau.
– Đây là một cách thức để họ có một lối thoát an toàn, nghĩa là họ phải chấp nhận từ bỏ ý muốn được duy nhất cai trị, để trở nên bình đẳng về quyền lợi với tất cả mọi người, mọi đảng phái. Nếu không, sẽ đến lúc người dân bị dồn vào chân tường buộc phải lật đổ họ. Lúc ấy họ sẽ bị thiệt hại hơn rất nhiều. Hiện nay, đảng cộng sản không chấp nhận sự bình đẳng này.
– Là một đảng độc tài toàn trị, đảng cộng sản không chấp nhận cho một đảng phái nào hiện hữu. Họ muốn độc quyền cai trị đất nước này đến muôn ngàn đời, bất chấp họ đã bị thoái hóa đến cùng cực, tỏ ra bất lực trước những vấn đề nan giải của đất nước do chính họ gây nên, và không còn xứng đáng để cai trị đất nước nữa. Họ muốn người cộng sản phải có những đặc quyền đặc lợi về chính trị và xã hội hơn tất cả những người khác ở ngoài đảng. Và chỉ có đảng cộng sản mới được tồn tại trên đất nước này mà thôi. Điều này thật là phi lý và ngược ngạo! Hiện nay đảng cộng sản đang đứng trên dân tộc, trên quốc hội, trên chính phủ, chi phối và điều khiển tất cả theo ý riêng của mình. Lẽ ra phải ngược lại mới đúng.
– Trái lại, trong các thể chế dân chủ, đảng nào cũng chỉ được nắm chính quyền trong thời hạn thường là 4 năm. Nếu được dân chúng tái tín nhiệm qua cuộc bỏ phiếu, đảng ấy mới được tiếp tục nắm quyền. Nếu không được tín nhiệm, đảng ấy phải nhường quyền cho đảng khác xứng đáng hơn. Do đó, đảng nào cũng phải cố gắng tự hoàn thiện để xứng đáng được dân chúng tín nhiệm. Quyền lựa chọn đảng nào và người nào cai trị đất nước hoàn toàn nằm trong tay người dân.
II. Tinh thần cần có trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ hiện nay:
Muốn thành công trong cuộc tranh đấu này, ngoài việc xác định mục tiêu rõ ràng, chúng ta cần phải có một số đức tính căn bản.
1/ Đặt đại cuộc trên tiểu cuộc
– Đặt quyền lợi dân tộc trên quyền lợi của đảng phái, gia đình và cá nhân.
– Gương của Trần Hưng Đạo: dẹp bỏ thù nhà (tiểu cuộc) để cùng liên kết với kẻ thù của mình là Trần Thủ Độ để cùng chống lại kẻ thù chung là quân Nguyên đang muốn xâm lăng nước nhà (đại cuộc).
– Hiện nay, nhiều nhà dân chủ chưa đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, mà vẫn đặt dưới những quyền lợi của đảng phái mình hay dưới việc thỏa mãn tự ái của mình khi bị xúc phạm.
2/ Sẵn sàng chấp nhận trả giá thật cao cho đại cuộc
Điều mà chúng ta muốn đạt tới cho cuộc tranh đấu này là tự do dân chủ cho cả một dân tộc. Đó là một giá trị vô cùng lớn, chúng ta không thể mua nó với giá rẻ được.
Muốn tranh đấu để đạt được cái giá trị vô cùng to lớn ấy mà không muốn hy sinh, không muốn chịu thiệt thòi mất mát, không dám chấp nhận gian khổ, cứ sợ bị sách nhiễu, tù đày, v.v… thì đó là chuyện không tưởng.
Tất cả mọi cuộc tranh đấu cho tự do dân tộc đều phải trả giá bằng xương máu của những người yêu nước. Nếu không chấp nhận trả giá thì không nên nghĩ tới chuyện tranh đấu.
Một khi chấp nhận tất cả những đau thương có thể xảy đến, chúng ta mới có đủ can đảm để dấn thân tranh đấu và luôn được an tâm. Nếu không chấp nhận đau thương mà cứ đấu tranh, chúng ta sẽ luôn luôn phải sống trong lo sợ, bất an.
3/ Đặt nặng tinh thần đoàn kết dân tộc
Đoàn kết mới có sức mạnh. Không có sức mạnh, cuộc tranh đấu chỉ như “trứng chọi đá”, chắc chắn không thành công. Rất tiếc, dường như chúng ta chưa đặt nặng tinh thần này.
Đoàn kết chỉ đem lại sức mạnh hữu hiệu khi đi đến sự thống nhất:
– Đoàn kết: muốn đoàn kết, phải chấp nhận quy luật tự nhiên trong xã hội là sự đa dạng, tính khác biệt, không ai giống ai, “bá nhân bá tính”.
Nhưng đoàn kết mà không đi đến thống nhất thì cũng chẳng có được sức mạnh.
– Thống nhất: là cùng đi đến một lập trường chung, đường lối chung để cùng hành động. Nếu mỗi người một lập trường, một đường lối riêng thì nhiều khi chúng ta phá lẫn nhau (như mấy con kiến hợp nhau khiêng một hạt gạo, nhưng mỗi con kéo hạt gạo về một hướng, nên hạt gạo dường như vẫn đứng một chỗ).
Muốn thống nhất, có hai cách:
– Cách độc tài: người lãnh đạo hay thiểu số lãnh đạo đưa ra lập trường, đường lối, bắt mọi người phải theo, và tiêu diệt những người có lập trường khác. Cộng sản Việt Nam hiện đang theo cách này.
– Cách dân chủ: biểu quyết theo đa số, thiểu số phải chấp nhận quyết định của đa số. Và thiểu số trở thành phe đối lập để cân bằng quyền lực với phe đa số, đồng thời để tự bảo vệ quyền lợi của thiểu số. Chúng ta đang đấu tranh để đất nước đi theo cách này.
4/ Tôn trọng sự thật, sự công bằng, đặt nặng tình yêu thương
= Tôn trọng sự thật: Đảng cộng sản dùng sự gian dối, xảo trá. Muốn thắng họ, chúng ta phải dùng phương pháp ngược lại là sự chân thật: chỉ nói những gì đúng sự thật. Có thế, chúng ta mới tạo được sự tin tưởng và tín nhiệm của mọi người.
= Tôn trọng sự công bằng: Đảng cộng sản chuyên tạo ra bất công, muốn dành cho đảng mình và các đảng viên những đặc quyền đặc lợi mà người ngoài đảng không có, họ không chấp nhận sự bình đẳng… Muốn thắng họ, chúng ta phải coi trọng sự công bằng, quyết tâm đạt cho được sự công bằng trong xã hội. Trước hết, ngay trong cuộc đấu tranh, phải tôn trọng sự công bằng, không đối xử bất công với các chiến hữu của mình, hay với những đảng phái cùng đấu tranh cho tự do dân chủ như mình. Phải sòng phẳng với tất cả mọi người.
= Đặt nặng tình yêu thương: Đảng cộng sản chủ trương lấy hận thù làm động lực đấu tranh và phát triển, gây nên biết bao đau thương cho dân tộc. Chúng ta phải lấy tình thương làm động lực. Tình thương có khả năng hóa giải hận thù, đem lại hạnh phúc thật sự cho con người.
Đó là những điểm tinh thần tạo nên uy tín cho người đấu tranh dân chủ. Điều này rất cần trong cuộc tranh đấu ôn hòa bất bạo động hiện nay.
III. Phương cách đấu tranh
1/ Ôn hòa, bất bạo động
Đây là cách đấu tranh đúng đắn nhất của người dân mà bất cứ một chế độ dân chủ nào cũng đều chấp nhận. Nếu đấu tranh ôn hòa mà bị đàn áp thì kẻ đàn áp đã vi phạm pháp luật. Sự ôn hòa bất bạo động trong đấu tranh nói lên tư cách, thiện chí, chính nghĩa của người tranh đấu. Nó có sức mạnh là do có chính nghĩa và được rất đông những người thiện chí khác ủng hộ. Ôn hòa bất bạo động là không dùng bạo lực, không kích động bạo lực, không khiêu khích dù chỉ bằng lời nói, chỉ dùng lời nói để tranh luận, dùng lẽ phải để thuyết phục, phân tích phải trái, v.v… (Nước mắt phụ nữ là một sức mạnh hữu hiệu đối với nam giới, đó là một thí dụ rất cụ thể cho sức mạnh của sự ôn hòa bất bạo động).
2/ Tôn trọng pháp luật
Một tính chất của ôn hòa bất bạo động là việc tôn trọng pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, trong chế độ độc tài cộng sản, nếu chúng ta hoàn toàn tuân theo pháp luật, kể cả những điều luật phi lý và vi hiến thì chúng ta sẽ không thể tranh đấu được. Vì cộng sản Việt Nam đã dùng chính pháp luật vi hiến như một vũ khí để đàn áp, bịt miệng những người tranh đấu, dù là ôn hòa bất bạo động. Chẳng hạn, theo pháp luật Việt Nam, muốn biểu tình thì phải xin phép; nhưng xin phép mà họ không cho phép – vì họ thấy bất lợi cho họ – thì chẳng lẽ ta chịu thua? Lương tâm ngay thẳng chỉ buộc chúng ta tuân theo những luật lệ hợp lý, hợp hiến, chứ không buộc tuân theo những luật phi lý, phản hiến pháp, phản dân tộc.
Cuộc tranh đấu bất bạo động cần phải dựa trên cơ sở pháp lý. Có những cơ sở pháp lý mà chúng ta phải tôn trọng theo thứ tự ưu tiên như sau:
– Luật quốc tế: là luật mà mọi quốc gia phải tuân theo (gồm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các Công Ước Quốc tế). Mọi hiến pháp, mọi luật lệ của các quốc gia đều phải phù hợp với luật quốc tế.
– Hiến pháp: là luật mà mọi người trong nước dân và mọi điều khoản luật pháp phải tuân theo, ngoại trừ những điều khoản hiến pháp trái ngược với luật quốc tế.
– Luật pháp: là luật mà mọi người dân phải tuân theo, ngoại trừ những điều luật vi hiến.
Khi tôn trọng các cơ sở pháp lý này, chúng ta phải tôn trọng luật mẹ hơn luật con. Nếu có sự mâu thuẫn giữa luật mẹ và luật con, thì ta phải giữ luật mẹ mà bỏ luật con. Việc không tuân hành luật con khi nó mâu thuẫn với luật mẹ chắc chắn sẽ khiến chế độ kết án ta, nhưng càng kết án ta họ càng bị mất chính nghĩa, càng chứng tỏ họ không có chính nghĩa. Điều này rất bất lợi cho họ.
Việc phê bình điều 4 hiến pháp và yêu cầu nhà cầm quyền bãi bỏ khi thấy nó bất lợi cho quốc gia dân tộc chẳng những không vi phạm, không chống lại luật pháp hay hiến pháp, mà còn xây dựng hay hoàn thiện hiến pháp nữa. Phê bình xây dựng không có nghĩa là chống phá.
Tất cả mọi luật của con người, dù là luật mẹ hay luật con, luật quốc tế hay quốc gia, hiến pháp hay luật pháp đều có thể lỗi thời, và khi đã lỗi thời thì cần phải thay đổi cho phù hợp với thời đại. Quốc gia nào cũng đều có lúc phải tu chính hiến pháp hay luật pháp cho phù hợp với tình trạng mới của đất nước, và điều này chỉ có thể xảy ra khi có người phê bình và đề nghị tu chính mà thôi. Những người phê bình, đề nghị hay đòi hỏi tu chính hoàn toàn không vi phạm luật pháp hay hiến pháp.
Điều 4 trong hiến pháp Việt Nam tự nó đã là ngược ngạo và phi lý, vì nó qui định chỉ có đảng cộng sản mới được cai trị đất nước một cách vô thời hạn, không xác định đến bao giờ, bất chấp đảng này đã bị xuống cấp đến cùng cực, hoặc bất lực không giải quyết được những khó khăn to lớn cho đất nước do chính họ gây ra. Điều 4 này không chấp nhận một đảng nào thay thế đảng cộng sản, cho dù đảng ấy có xứng đáng và có khả năng gấp nhiều lần đảng cộng sản. Một điều khoản như thế trong hiến pháp sẽ làm đất nước tụt hậu và khốn khổ vô thời hạn. Nhưng đảng cộng sản hiện nay coi tất cả những ai phê bình, đề nghị tu chính hay bãi bỏ điều 4 hiến pháp là chống lại hiến pháp để có cớ bắt bớ họ. Điều này thật là nghịch lý và hồ đồ!
3/ Chủ động sử dụng các quyền mà hiến pháp công nhận
Suốt 6 thập niên qua, người dân thường cứ phải yêu cầu, xin xỏ kẻ cầm quyền cho phép mình làm, ngay cả những điều mà theo hiến pháp mình có quyền làm. Nhưng khi xin phép thì kẻ cầm quyền có thể tùy tiện cho phép hoặc không cho phép. Điều gì có lợi cho sự toàn trị của họ thì họ cho phép, điều nào bất lợi thì không cho phép. Nếu họ đã không cho phép mà dân cứ làm, cho dù là quyền của mình, thì cũng bị họ vu cáo là vi phạm pháp luật.
Các quyền tự do của con người trong hiến pháp Việt Nam có thể ví nó to như cái đầu voi. Nhưng trong luật pháp Việt Nam thì các quyền ấy bị teo lại như thân một con mèo, và trong thực tế thì nó nhỏ hẳn lại như một cái đuôi chuột. Quyền tự do của con người trong chế độ hiện nay giống như một con quái vật đầu voi, mình mèo, đuôi chuột. Thật vậy, trong hiến pháp Việt Nam thì người dân có tất cả mọi quyền tự do không khác gì những nước dân chủ, nhưng luật pháp thì đòi hỏi phải xin phép mới được sử dụng quyền tự do ấy. Còn trong thực tế thì kẻ cầm quyền cho hay không cho phép một cách rất tùy tiện: lợi cho mình thì cho phép, bất lợi thì cấm.
Do đó nếu cứ tôn trọng cả những điều luật vi hiến thì chúng ta sẽ không bao giờ tranh đấu được. Họ sẽ dựa vào pháp luật vi hiến để dẹp bỏ tất cả mọi nỗ lực tranh đấu của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải dựa vào chính hiến pháp để chủ động thực hiện những quyền chính đáng mà hiến pháp đã công nhận cho mọi người dân, bất chấp luật pháp vi hiến có cho phép hay không. Theo sự hợp lý thì luật pháp vi hiến cần phải sửa đổi trước và kẻ làm ra luật vi hiến phải bị trừng trị, chứ không thể bắt lỗi người dân khi họ đã thi hành đúng hiến pháp được. Ở Việt Nam, kẻ ra luật vi hiến thì không sao, còn kẻ làm đúng hiến pháp nhưng không đúng điều luật vi hiến thì lại bị trừng trị; quả thật là ngược đời!
Chúng ta chủ động thực hiện các quyền chính đáng mà hiến pháp cho phép một cách ôn hòa. Hiện nay, nhiều người đấu tranh đã tự động thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do lập đảng được hiến pháp công nhận bằng cách tự động ra báo giấy, tự động lập đảng mà không xin phép, vì có xin cũng chẳng được. Nếu nhà cầm quyền đàn áp, bắt bớ hay bỏ tù chúng ta vì chúng ta thực hiện những quyền hợp hiến ấy, thì họ đã tự chứng tỏ trước thế giới và người dân trong nước sự vi hiến, sự vi phạm nhân quyền, và tính phi nhân của họ. Và mọi người sẽ thấy rõ là họ không có chính nghĩa. Điều này rất bất lợi cho họ và rất thuận lợi cho công cuộc đấu tranh của chúng ta.
4/ Công khai hóa mọi việc
Xưa nay, đảng cộng sản đàn áp dân chúng, vi phạm nhân quyền nhưng thế giới không biết, vì một đằng họ tuyên truyền bên ngoài rất hay, còn bên trong thì họ bưng bít tất cả những cái xấu, những bất công, những trấn áp man rợ… không cho lọt ra bên ngoài. Nhưng hiện nay, với phương tiện thông tin Internet tối tân nằm trong tầm tay người dân, đảng cộng sản không còn bưng bít hết được nữa nếu người dân biết nỗ lực thông tin ra bên ngoài.
Do đó, để tranh đấu bảo vệ quyền lợi mình, chúng ta phải công khai hóa cuộc tranh đấu đầy chính nghĩa của mình. Vì chúng ta chỉ làm những gì hợp hiến, hợp pháp, nên chúng ta cứ việc hành động công khai, đừng sợ. Khi thực hiện các quyền hợp hiến, chúng ta cứ ngang nhiên mà thực hiện, chấp nhận cho họ đàn áp. Họ càng đàn áp thì người dân và thế giới càng thấy rõ họ không có chính nghĩa. Nhà nước cộng sản thường chỉ nghĩ đến chuyện đàn áp để dập tắt những tiếng nói đòi hỏi dân chủ mà quên rằng làm như vậy thì mọi người sẽ nhìn ra sự bất nhân, phi lý và man rợ của họ. Điều này còn làm cho họ bị thiệt hại nhiều hơn.
Do đó cũng cần phải công khai hóa cả những hành vi đàn áp, vi phạm nhân quyền của nhà nước cộng sản. Nhờ đó công luận trong nước và thế giới mới biết mà lên tiếng bênh vực chúng ta. Vả lại kẻ làm sai bao giờ cũng sợ ánh sáng, sợ mọi người biết, nên sẽ chùn tay không dám đàn áp mạnh mẽ nữa.
Sự công khai của chúng ta cũng cần được thực hiện ngay trong những cú điện thoại, những email, những thư từ, vì nhà nước cộng sản đang nắm trong tay quyền kiểm soát tất cả những thứ ấy. Sự công khai ấy cũng là một thứ khí giới lợi hại, vì nhờ đó nhà nước có muốn đàn áp, bịt miệng chúng ta cách vi hiến hay vi luật, thì hành động của họ cũng bị trở thành công khai.
Chúng ta phải hành động theo cách thức của một kẻ yếu thế và đơn độc bị một đám đông bất lương muốn hành hung hãm hại: để được bảo vệ an toàn thì sự khôn ngoan đòi hỏi người ấy đi đâu cũng phải đi giữa chốn đông người, chỗ có ánh sáng chan hòa… Nếu đi vào chỗ vắng, chỗ tối thì có rất nhiều nguy cơ bị hãm hại. Và khi bị hãm hại ở chỗ vắng, chỗ tối, thì phải chạy ngay ra chỗ đông người, chỗ đầy ánh sáng để mọi người nhìn thấy việc hãm hại bất lương ấy.
Chính vì thế, vũ khí để tự vệ của các nhà dân chủ hiện nay chính là công khai mọi hoạt động của mình và những hành vi đàn áp của nhà cầm quyền trên mạng lưới Internet toàn cầu, để nhất cử nhất động của mình và của họ đều được phơi bày ra trước ánh sáng. Nhờ công khai hóa mọi việc mà mọi người đều thấy được chính nghĩa của chúng ta và thấy sự bất nhân phi nghĩa của chế độ.
***
Đó là những suy nghĩ của tôi về phương hướng cho cuộc đấu tranh hiện nay. Rất mong được mọi người cùng góp ý thêm để chúng ta có một phương hướng đấu tranh hoàn chỉnh và rõ ràng hơn.
Nguyễn Chính Kết
________________________________________________________________________