Thư gởi Hội Ðồng GMVN về vụ xử án Cha Lý

Sàigòn, ngày 01-11-2001

Trọng kính

– Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang,
– Chủ Tịch Hội Ðồng Giám mục Việt Nam.
– Ðức TGM Gioan B. Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận TP. Hồ chí Minh,
– Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Giám mục Việt Nam.
– Cùng Quý Ðức Cha trong Hội Ðồng Giám mục Việt Nam.

Con là một giáo dân Việt Nam nhỏ bé nhưng rất thao thức trước sự tồn tại và phát triển của Ðất Nước và Giáo Hội. Vì thế, con xin mạo muội trình bày với Quý Ðức Cha những suy nghĩ của con về một vài vấn đề mà con nghĩ rằng rất quan trọng trong tình trạng Giáo Hội và Ðất Nước hiện nay.

Ðầu thư con xin kính chúc Quý Ðức Cha luôn mạnh khỏe và an vui để chu toàn được trách vụ cao cả mà Thiên Chúa giao phó, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Con cũng muốn nói lên lòng hiếu thảo, quí mến của con đối với Quý Ðức Cha, và sự cảm thông sâu xa của con với những khó khăn rất lớn mà Quý Ðức Cha đang gặp phải trong hoàn cảnh hết sức éo le của Ðất Nước và Giáo Hội hiện nay. Con vẫn luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa hằng phù trợ và soi dẫn trong những quyết định của Quý Ðức Cha.

Hiện nay, một trong những vấn đề làm cho Quý Ðức Cha hết sức khó xử, đó là cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của dân chúng Việt Nam trong và ngoài nước. Trong đó, cha Nguyễn Văn Lý, một trong những người làm cho cuộc đấu tranh ấy bùng nổ, đã bị chính quyền quản chế, bắt giam, rồi ngày 19-10 mới đây, đã bị kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế. Cho tới nay, Quý Ðức Cha vẫn chưa lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh này, hoặc có một thái độ nào trước sự việc cha Lý bị kết án. Con nghĩ Quý Ðức Cha có những lý do hợp lý cũng như những khó khăn riêng, có thể chưa thể nói ra được. Con rất tôn trọng sự chọn lựa và quyết định của Quý Ðức Cha mặc dù con chưa hiểu được những lý do ấy. Và con cũng rất muốn nói lên sự cảm thông với Quý Ðức Cha trong tình huống hết sức khó xử này.

Dù vậy, con vẫn cảm thấy có nhiệm vụ trình bày cho Quý Ðức Cha những cảm nghĩ và sự góp ý chân thành của mình, với mục đích xây dựng tích cực.


1- Về cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo của dân chúng VN trong và ngoài nước

Một thực trạng không thể chối cãi được là hiện nay tại Việt Nam, tự do tôn giáo bị hạn chế rất nhiều. Nếu có tự do thì chỉ là tự do trong những sinh hoạt tôn giáo liên quan đến hình thức bên ngoài như việc phụng tự 0_(thánh lễ, cử hành các bí tích), xây nhà thờ. Việc tổ chức cơ cấu nội bộ Giáo hội hoàn toàn phải có sự xét duyệt và đồng ý của chính quyền mới được thi hành. Ðiều này gây nhiều khó khăn và bất lợi cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội Việt Nam. Vì thế, việc tranh đấu đòi tự do tôn giáo là một cuộc tranh đấu có chính nghĩa mà mọi người dân có lương tâm đều cảm thấy có bổn phận phải ủng hộ.

Thế nhưng cho tới nay, thái độ của HÐGMVN là im lặng, khiến cho nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước chưa hiểu được. Nhưng một sự kiện xảy ra mới đây có thể hé mở phần nào cho thấy lý do sự im lặng của HÐGM. Ðó là vấn đề ỡnhân thân và cung cách của linh mục Nguyễn văn Lý, người đã làm cho cuộc tranh đấu đòi tự do tôn giáo này bùng nổ.

Trong nguyệt san Công giáo và Dân tộc số mới nhất 0_(số 82, tháng 10-2001), con có đọc thấy một đoạn trong bài Lương tri của người theo Thiên Chúa giáo do Lm Trương bá Cần viết: Về vụ linh mục Nguyễn văn Lý bị bắt giam, thì ở Việt Nam ai cũng đã rõ. Vừa qua, khi phái đoàn Tòa Thánh Vatican tới thăm và làm việc ở Việt Nam, vấn đề có được đặt ra, nhưng sau khi được nghe trình bày về nhân thân và cung cách của linh mục Nguyễn văn Lý, không ai còn có thắc mắc 0_(giữa trang 63).

Con nghĩ có thể chính vì lý do ấy mà HÐGM đã im lặng bấy lâu nay. Con không biết là cha TBC đã viết sai sự thật, hay sự thật là như vậy. Nếu cha TBC viết sai, thì phần 1 của lá thư này Quý Ðức Cha không cần phải đọc nữa. Còn nếu cha TBC nói đúng, thì con cảm thấy lương tâm Ki-tô hữu buộc con phải lên tiếng vì lợi ích của Giáo Hội.

Chắc chắn nếu người của nhà nước mà nói về nhân thân và cung cách của cha Lý thì phái đoàn Tòa Thánh sẽ không tin. Mà nếu phái đoàn đã tin và không còn thắc mắc đúng như bài báo đã nói, thì người nói lên điều ấy chỉ có thể là các giám mục, là những người duy nhất có đủ uy tín để phái đoàn Tòa Thánh tin tưởng. Dư luận cho rằng một chức sắc trong phái đoàn đã trả lời như thế cho nhiều người khác nhau, nghĩa là lời nói của Lm TBC về việc này chắc không phải là vu vơ. Và đó chính là điều khổ tâm khiến con phải viết thư này.

Những điều mà ba linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi đã công khai lên tiếng, bất chấp sóng gió tư bề, thì về nội dung, con thấy không có gì đi ngược lại sự thật lịch sử và giáo huấn của Giáo Hội.

Ba linh mục đã lên tiếng theo sự đòi hỏi của lương tâm mình về nhân quyền, và đặc biệt về mảng tự do tôn giáo. Lên tiếng như thế là sử dụng một quyền đương nhiên của con người theo văn hóa và luật đời 0_(Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền), và cũng là thi hành bổn phận thiêng liêng của một Ki-tô hữu theo giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề xã hội.

Tư cách và đời sống riêng của ba linh mục ấy là chuyện cá nhân mà toàn thể GH phải tôn trọng, không chỉ trong khuôn khổ tôn giáo mình, mà ngay cả trong cuộc sống dân sự người ta cũng không có quyền đụng đến. Trong trường hợp này, việc nêu lên tư cách của linh mục này linh mục nọ, nhất là lại do Phái Ðoàn Tòa Thánh sau khi nghe lời giám mục nào đó 0_(mà dư luận cho là Bản Quyền), thì con nghĩ rằng không ai có lương tri bình thường mà tưởng tượng ra nổi.

Linh mục Phan Văn Lợi vì lý do chế độ chính trị mà không được trao công tác mục vụ chính thức, điều đó không có gì đáng nói về tư cách lên tiếng cho nhân quyền. Còn hai linh mục Giải và Lý là hai linh mục chính xứ được bản quyền chính thức của Giáo Hội Công giáo trao trách nhiệm coi sóc hai giáo xứ, nghĩa là có quyền và có bổn phận rao giảng Nước Chúa, tế lễ Con Thiên Chúa, nhân danh Chúa Ki-tô và Giáo Hội để tha tội. Tại sao trong hai vị ấy lại có vị không đủ tư cách nói tiếng lương tâm như người bình thường? Phải chăng là bất công và tự mâu thuẫn với mình 0_(dẫu người ấy ở cương vị nào) khi vừa trao quyền làm linh mục chánh xứ để coi sóc tín hữu, lại vừa báo cáo linh mục ấy - vốn vừa là con cái vừa là người cộng tác của mình - là thiếu tư cách! Và thật lạ lùng khi rao truyền một ý niệm nghịch đời là phải có tư cách nào đó thì mới được lên tiếng cho nhân quyền. Người người đều tự hỏi, theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, phải có tư cách thế nào để làm việc nghĩa? Kẻ được xem là tội lỗi thì chỉ có thể làm điều ác mà thôi sao? Và ai là kẻ đủ tư cách và đủ thánh thiện để lên án sự ác?

Về tư cách quản trị và mục vụ, làm sao một người lãnh đạo tôn giáo được tín đồ và cả người ngoài tôn giáo mình gọi là CHA, mà lại nêu lên tư cách thế này thế nọ của con cái mình, nhất là trước phái đoàn Tòa Thánh! Trong Giáo Hội, chúng ta đang chứng kiến những lời nũng nịu, đôi lúc mỉa mai chống đối đối với các chức sắc của Giáo Hội. Nhưng làm sao một chủ chăn lại có thể trực tiếp hay gián tiếp tố giác tư tưởng và bôi nhọ danh dự của một linh mục!

Vì trách nhiệm riêng đi kèm với những phương cách rao truyền Tin Mừng một cách đặc loại, các chức sắc của Giáo Hội, nhất là các giám mục Việt Nam trong hoàn cảnh của mình và Tòa Thánh Vatican, có thể có phản ứng hoặc không có phản ứng trước việc lên tiếng của ba vị linh mục Giải, Lý, Lợi. Cả ba linh mục đều khẳng định là hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về sự lên tiếng của mình. Sự việc xảy ra là có những nhóm này hay nhóm khác gây áp lực buộc HÐGMVN phải lên tiếng cùng một phương cách như ba linh mục ấy. Nhưng nếu chỉ vì thế và để biện minh cho sự im lặng của mình mà HÐGMVN phải nêu lên tư cách cá nhân của con cái mình một cách tiêu cực, thì con thấy đó là một việc làm không đúng. Nó trái với truyền thống nhân đạo bình thường của văn hóa Việt Nam và truyền thống tôn trọng phẩm giá cá nhân của Giáo Hội Công giáo chúng ta. Nhất là khi nạn nhân đang bị cô thế trong cảnh tù đày.

Vả lại, cuộc đấu tranh đòi nhân quyền và tự do tôn giáo hiện nay không phải là cuộc đấu tranh của riêng cá nhân cha Lý, mà là một sự đòi hỏi của công lý. Cha Lý chỉ là người lên tiếng đầu tiên rồi được nhiều người trong và ngoài nước hưởng ứng, chứ không phải là người lãnh đạo. Không đời nào một cuộc đấu tranh có chính nghĩa chỉ vì nhân thân và cung cách đấu tranh của người lên tiếng đầu tiên mà nó trở thành mất chính nghĩa, hoặc trở nên không đáng ủng hộ nữa.


2- Về cuộc xử án cha Lý vừa qua

Ngày 19-10 vừa qua, chính quyền đã đưa cha Nguyễn văn Lý ra tòa xử và kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế với hai tội danh:

1) phá hoại tình đoàn kết dân tộc,
2) chống lại lệnh quản chế và lệnh cấm thi hành nhiệm vụ linh mục.

Con nhận thấy việc kết án như vậy quả có nhiều điều không ổn. Phiên tòa là một phiên tòa kín, chỉ kéo dài khoảng hai tiếng, chỉ có công tố viện đơn phương kết án, không có luật sư, bị cáo chỉ có thể nhận tội chứ không có quyền bào chữa, không có thân nhân hay người thân tín tham dự 0_(kể cả đại diện của tòa TGM Huế), không có báo chí và truyền thông quốc tế. Tóm lại là không có bất cứ một yếu tố nào mà công ước quốc tế buộc phải có cho một phiên tòa nhằm giúp cho việc xử án được khách quan hầu đảm bảo được sự tôn trọng công lý và phẩm giá con người, nhất là khi người bị xử lại là người được rất nhiều người trên thế giới và chính quyền một số nước bênh vực và ủng hộ. Sự kết án hoàn toàn mang tính một chiều, độc đoán. Con không thể ngờ được khi nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba mà ở tại chính đất nước của chúng ta lại xảy ra một cuộc xử án kiểu như thế.

Những điều cha Lý đã công khai lên tiếng bất chấp sóng gió để yêu cầu nhà nước tôn trọng tự do tôn giáo nói riêng và nhân quyền nói chung, con không thấy có điều gì trái với lương tâm, với giáo luật, hoặc với hiến pháp hay pháp luật hiện hành của đất nước cả. Hành động của cha Lý chẳng những không trái với lương tâm và luật pháp, mà còn là những gì mà lương tâm của con người và của một Ki-tô hữu đòi hỏi phải làm. Vì thế, Ngài phải được ủng hộ và bảo vệ chẳng những bởi luật Nhân Quyền Quốc tế, luật pháp quốc gia mà còn bởi những người có lương tâm, đặc biệt những người đồng đạo với ngài nữa.

Vì ngài là con người, nên đương nhiên trong cách đấu tranh của ngài không thể tránh được những thiếu sót, lầm lỗi, có thể do quá bức xúc mà đâm ra quá khích phần nào, hoặc do thiếu thông tin, hoặc do tình thế buộc phải quyết định quá gấp rút v.v... Do đó, không thể vin vào những lầm lỗi nhỏ nhoi không thể tránh được do sự yếu đuối và hạn chế của bản tính con người - trong đời tư hay trong cách đấu tranh - để rồi phủ nhận sự chính đáng rất sáng tỏ, cùng thiện chí và nỗ lực to lớn của ngài trong công cuộc tranh đấu cho Giáo Hội và Ðất Nước. Về những lầm lỗi hay yếu đuối ấy, ta lại càng không nên nghe nói một chiều, vì ngược lại, cũng có những dư luận rất tốt về phong cách và đời sống riêng tư cũng như phong cách tranh đấu của Ngài.

Trước sự can đảm và hy sinh phi thường của ngài, con chỉ biết cúi đầu khâm phục, vì thấy chính mình và vô số người khác không thể làm được. Nếu không phải vì tình yêu to lớn đối với Ðất Nước và Giáo Hội, thì con không thể cắt nghĩa được ngài làm như thế để làm gì. Thử hỏi nếu cuộc tranh đấu của ngài thành công, thì ngài với tư cách một linh mục Công giáo, ngài sẽ hưởng được những gì cho cá nhân ngài? Chắc chắn ngài tranh đấu không phải để có một địa vị cao trong xã hội hay Giáo Hội: vì ngài là linh mục nên những địa vị xã hội như thế không thích hợp với ngài, và những địa vị trong Giáo Hội thì còn tùy thuộc nhiều điều kiện rất nghiêm túc của Giáo Hội. Nếu vì hy vọng những điều mong manh ấy mà hy sinh và liều mình đến mức như thế - "Tự Do Tôn giáo hay là Chết" - thì quả là ngu xuẩn, không thể cắt nghĩa được!

Chính lương tâm con cũng đòi hỏi con phải hành động như ngài, nhưng hoàn cảnh và năng lực của con chưa cho phép con làm như vậy. Con chỉ biết tỏ ra thông cảm và lên tiếng ủng hộ ngài mà thôi. Ðó cũng là một điều đáng tiếc cho con, là một Ki-tô hữu, một môn đệ Ðức Giê-su, tín đồ một tôn giáo luôn luôn chủ trương phải yêu thương, phải tranh đấu cho công lý, phải ưu tiên đứng về phía người nghèo, người bị áp bức.

Trước mặt con, tình yêu cùng với những hy sinh của cha Lý đối với Ðất Nước và Giáo Hội Việt Nam đã đủ sức che mờ hết tất cả những lầm lỗi cá nhân - nếu có - của Ngài. Ðiều này cũng tương tự như: những người đã đổ máu đào ra làm chứng cho Thiên Chúa - theo giáo huấn của Giáo Hội - đều trở nên thánh, bất chấp những lầm lỗi của họ trước đó. Chấp vào những lầm lỗi nhỏ của ngài để phủ nhận sự hy sinh lớn lao của ngài là một bất công và phản lại tinh thần của Giáo Hội.

Trong mấy tháng vừa qua, cha Lý đã phải tranh đấu trong cô đơn. Ngoài cha Giải và cha Lợi ra, ngài không được sự ủng hộ rõ rệt của hàng giáo phẩm và giáo sĩ trong nước, nếu có chỉ là trong thầm lặng. Thế nhưng ngài vẫn kiên quyết tranh đấu thật dũng cảm! Một lần nữa, con phải nói lên sự nể phục của con đối với ngài.

Nay ngài đã bị nhà nước kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế, với lý do đích thực mà nhà nước không muốn công bố, là ngài đã dám thẳng thắn đứng lên tranh đấu một cách quyết liệt bất chấp sống chết cho tự do tôn giáo và nhân quyền. Họ phải dùng những tội danh khác không mấy thuyết phục để kết án hầu có lý do kết thúc "vụ án Cha Lý" sau nhiều tháng giam giữ Ngài, và để có thể tiếp tục bỏ tù ngài hầu dằn mặt và dập tắt những nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền đang ngày càng lớn mạnh trong nước.

Trước sự bất công ấy xảy ra cho cha Lý, ngài vốn vừa là con cái, vừa là người cộng tác và đồng đạo của HÐGMVN, con tha thiết đề nghị Quý Ðức Cha LÊN TIẾNG YÊU CẦU CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM LÀM RÕ SỰ VIỆC CỦA CHA LÝ, BẰNG MỘT PHIÊN XỬ CÓ ÐẦY ÐỦ NHỮNG TIÊU CHUẨN KHÁCH QUAN THEO CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ, ÐỂ CÔNG LÝ ÐƯỢC SÁNG TỎ. Con nghĩ Quý Ðức Cha không cần phải bênh vực cha Lý hay xin trả tự do cho ngài, mà chỉ cần lên tiếng đòi hỏi những điều kiện để công lý đích thực được thực hiện.

Con thiết tưởng vì đức ái Ki-tô giáo cũng như vì tình người tự nhiên, Quý Ðức Cha không thể nào im lặng trước cảnh đau thương của một người con vì đức tin và lương tâm Ki-tô hữu đã dám hy sinh cho Ðất Nước và Giáo Hội. Biết bao người trên thế giới, lương cũng như giáo, trong cũng như ngoài nước, người Việt cũng như người các nước, đang chờ đợi tiếng nói của HÐGMVN trước tình cảnh này.

Sự im lặng của HÐGMVN tư trước đến nay là một điều mà cộng đồng Dân Chúa trong và ngoài nước chưa cắt nghĩa được một cách ổn thỏa. Con thiết nghĩ sự im lặng ấy có hại cho uy tín của HÐGMVN. Hiện nay, vì còn mặc nhiên tôn trọng thiên chức và uy tín cần phải có để làm việc của hàng giáo phẩm và giáo sĩ mà rất nhiều người còn e dè chưa dám nói hết ý nghĩ của mình, e xúc phạm. Nhưng trong tư tưởng, người trong và ngoài Giáo Hội bắt buộc phải tự đưa ra những giả thuyết có thể chủ quan để cắt nghĩa sự im lặng ấy. Con e rằng những giả thuyết ấy có thể gây nên những hiểu lầm đáng tiếc về thái độ của hàng giám mục.

Vì thế, con nghĩ đây là dịp thuận tiện nhất để HÐGMVN lên tiếng - hoặc với tư cách tập thể, hoặc với tư cách cá nhân - hầu xóa tan đi những thắc mắc không thuận lợi về sự im lặng khó cắt nghĩa của Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Con chắc chắn rằng sự lên tiếng ấy sẽ phải trả một giá nào đó: chẳng hạn việc xin phép nhà nước để xuất ngoại, để thuyên chuyển các linh mục trong giáo phận, để xây nhà thờ v.vẨ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong một thời gian. Nhưng rõ ràng chúng ta không thể vì những ích lợi riêng tư của Giáo Hội mà đành phải lỗi những bổn phận "không thể tránh né hay từ khước được" của chúng ta (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 332). Những khó khăn và thiệt hại nhất thời ấy dù lớn đến đâu cũng không sánh được với sự thiệt hại gây ra do việc lỗi bổn phận quan trọng ấy.

Sự im lặng hay sự lên tiếng của HÐGMVN đều có trọng lượng và giá trị to lớn trước thế giới nói chung, và trước nhà cầm quyền Việt Nam nói riêng. Nếu Xã Huấn của Giáo Hội 0_(trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội) không chủ trương quá dứt khoát và mạnh mẽ về bổn phận phải lên tiếng chống bất công, thì sự im lặng ấy có thể được hiểu là sự im lặng trung tính. Nhưng với chủ trương quá rõ rệt như thế của Giáo Hội, sự im lặng ấy dù muốn dù không cũng là một lời chứng rất có trọng lượng trước thế giới về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam và về sự đồng thuận của HÐGMVN trước sự kết án của chính quyền đối với cha Lý ngày 19-10 vưa qua. Uy tín của HÐGMVN càng cao bao nhiêu, thì lời chứng càng có trọng lượng bấy nhiêu. Như vậy, qua sự im lặng của HÐGMVN, thế giới sẽ hiểu rằng tại Việt Nam không có bất công, không có sự vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, và HÐGMVN đã đồng ý với chính quyền trong việc cha Lý bị kết án như thế. Vì nếu có bất công và bất hợp lý thì trên nguyên tắc các giám mục đã phải lên tiếng rồi theo như chủ trương cố hữu của Giáo Hội.

Nếu vì lý do nào đó HÐGMVN không thể lên tiếng được, thì con cũng tha thiết xin HÐGM với bất cứ giá nào hãy tìm cách cho thế giới biết những lý do ấy, để sự im lặng của HÐGM không được hiểu là một lời chứng bất lợi cho công lý và cuộc đấu tranh cho công lý hiện nay của những người thiện chí trong và ngoài nước.

Ðó là những lời hết sức chân tình của con muốn bày tỏ với Quý Ðức Cha trong tâm tình quý mến, yêu thương, kính trọng, và trong ý chí quyết tâm xây dựng Ðất Nước và Giáo Hội. Nếu có điều gì sai sót trong thư này, kính xin Quý Ðức Cha niệm tình bỏ qua.

Trân trọng kính chúc Quý Ðức Cha luôn khang an.

Kính thư

Một Ki-tô hữu tại Việt Nam

Nguyễn Chính Kết