Thư góp ý cho HÐGMVN
nhân dịp họp vào tháng 9-2001



Nguyễn Chính Kết


Trọng kính
– Ðức Hồng Y
– Quý Ðức Cha
– Quý Cha Thư Ký
trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam


Con chỉ là một tín hữu nhỏ bé trong cộng đồng Ki-tô hữu Việt Nam xin được góp một số ý kiến xây dựng Giáo hội nhân dịp HÐGM họp vào ngày 15-9-2001 này.

Tất cả những ý kiến bầy tỏ trong thư này :

– hoàn toàn là của cá nhân con, không đại diện cho bất cứ ai, mặc dù con biết rất nhiều người khác cũng muốn nói lên những ý kiến này, nhưng vì một lý do nào đó đã không nói lên được.

– hoàn toàn do sự thúc đẩy của lương tâm con, một Ki-tô hữu đang đứng trước hiện trạng của Giáo hội và Ðất nước, không do một động lực nào khác, và cũng bất chấp phải trả giá ít hay nhiều cho việc làm này.

Rất mong Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha và Quý Cha tin tưởng rằng con luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương, luôn quí trọng tất cả những ai được Thiên Chúa trao cho trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội, Xã hội. Con hy vọng rằng trong quá khứ, con đã chứng tỏ được điều ấy qua thái độ và việc làm của con. Chính lòng yêu mến và quí trọng ấy cũng thúc đẩy con mạnh dạn góp ý xây dựng.

Bối cảnh Giáo hội hiện nay

Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng như Giáo hội của các tôn giáo khác hiện nay được phép hoạt động trong khuôn khổ qui định của nhà nước, cụ thể là nghị định 26/CP. Những sinh hoạt tôn giáo tương đối được tự do là việc phụng tự (thánh lễ, cử hành các bí tích), xây nhà thờ... nói chung là những sinh hoạt liên quan đến hình thức bên ngoài của tôn giáo hơn là tổ chức bên trong. Việc tổ chức cơ cấu nội bộ Giáo hội hoàn toàn phải có sự xét duyệt và đồng ý của chính quyền mới được thi hành. Dẫu sao, cũng phải nhìn nhận rằng nhờ sự tranh đấu của một số thức giả, chính sách đối với tôn giáo ngày càng thông thoáng hơn, nhưng với tốc độ rất chậm, không đáp ứng được nhu cầu tâm linh và thực tế của tôn giáo.

Vì thế, trong những thập niên qua, Giáo hội Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là :

Việc thông tin liên lạc với thế giới và Giáo hội toàn cầu bị gián đoạn một thời gian khá dài, khiến Giáo hội Việt Nam nhất là ở miền Bắc bị lỗi nhịp so với đà tiến của Giáo hội toàn cầu.

Việc đào tạo những người làm việc cho Giáo hội không được dễ dàng như những thập niên trước : bị giới hạn về thời gian và phương tiện đào tạo, về việc mở chủng viện và tuyển người để đào tạo theo tiêu chuẩn của Giáo hội, về việc chọn những người có khả năng huấn luyện... Do đó, chất lượng về tâm linh và tri thức của những người được đào tạo để làm việc cho Giáo hội bị giảm sút rất nhiều, đang khi nhu cầu thực tế đòi buộc phải tăng chất lượng ấy lên rất nhiều. Ðây là một nguy cơ rất lớn cho tương lai Giáo hội.

Việc bổ nhiệm những người làm việc trong Giáo hội bị lệ thuộc chặt chẽ vào chính quyền, vào Ban Tôn Giáo. Giáo hội có tiêu chuẩn riêng của Giáo hội, chính quyền lại có tiêu chuẩn của chính quyền, hai tiêu chuẩn khác biệt nhau khiến cho việc bổ nhiệm nhiều khi không thực hiện được (chẳng hạn tình trạng trống ngôi giám mục rất lâu ở một vài giáo phận, hoặc tình trạng không có linh mục kéo dài ở một số giáo xứ hoặc khu vực... bất chấp nhu cầu cấp bách của Giáo hội và tín hữu).

Ðã 27 năm nay, Giáo hội không có một tờ báo hay nguyệt san chính thức nào của mình, của HÐGM, nên dân Chúa ít được nghe những tiếng nói chính thức của Giáo hội. Do đó, người tín hữu bị mất đi một nguồn thông tin và hướng dẫn quan trọng để được bồi dưỡng về tâm linh, hầu sống đúng theo tinh thần của Chúa Kitô và Giáo hội.

Nhiều việc mà Giáo hội ở hầu hết các Quốc gia trên thế giới có thể tự động làm như một quyền tự nhiên và căn bản của con người, không phải xin xỏ ai, thì ở nước ta hiện nay Giáo hội phải ngửa tay xin xỏ chính quyền như xin những ân huệ, họ có cho phép thì mới được làm. Và họ đã ban cho Giáo hội những "ân huệ" ấy một cách nhỏ giọt.

v.v...

Vì thế, sự phát triển của Giáo hội Việt Nam bị ngưng trệ hoặc chậm lại so với sự phát triển của các Giáo hội địa phương khác, trong những Quốc gia khác. Do đó, về nhiều mặt, Giáo hội Việt Nam đã tụt hậu lại càng tụt hậu hơn. Vì thế, đứng trước tương lai không mấy khả quan của Giáo hội, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa, làm sao để Giáo hội phát triển, thăng tiến đúng với tầm vóc phải có của mình, hầu theo kịp với đà tiến chung của Giáo hội toàn cầu. Nhất là cần phải đấu tranh để tôn giáo được tự do một cách thỏa đáng, đó cũng là điều kiện tối cần thiết để thực hiện sự thăng tiến ấy.

Về việc thăng tiến Giáo hội

Ðể thăng tiến Giáo hội trong hoàn cảnh khó khăn này, con tha thiết đề nghị với HÐGM :

1. Hãy khuyến khích và tạo mọi điều kiện đồng đều để mọi thành phần dân Chúa - nhất là những người có tâm huyết và khả năng - đóng góp vào việc xây dựng Giáo hội, ngay cả trong những việc quan trọng. Không nên dành độc quyền xây dựng Giáo hội cho hàng giáo phẩm hoặc giới giáo sĩ, và chỉ dành cho những giới khác góp phần trong những chuyện thuộc hàng thứ yếu. Thiết tưởng Giáo hội là toàn thể dân Chúa, và cũng là của toàn thể dân Chúa, chứ Giáo hội không phải chỉ là hàng giáo phẩm hay giáo sĩ, càng không phải là của hàng giáo phẩm hay giáo sĩ. Trong những điều kiện khó khăn như hiện nay, Giáo hội cần phải tận dụng năng lực của mọi thành phần dân Chúa để phát triển.

Từ thời xa xưa, các vua ở nước ta cũng như các nước Á châu khác đã biết tuyển dụng người tài đức trong dân chúng thuộc bất kỳ thành phần nào để họ ra giúp nước, chứ không dành riêng việc giúp nước cho một giới hay một đảng phái nào. Nhờ vậy Ðất nước mới đi lên được. Cái họa của một Ðất nước hay một Giáo hội có thể đến từ tình trạng người bất tài thiếu đức thì được trọng dụng chỉ vì họ gia nhập hoặc thuộc về một giới hay một đảng phái được ưu đãi nào đó ; còn kẻ có tài đức thì bị gạt ra ngoài chỉ vì họ không thuộc về giới hay đảng phái được ưu đãi ấy. Giáo hội hay Xã hội như thế hẳn không phải là vì Chúa, vì dân, vì nước, cho bằng vì giới hay đảng phái được ưu đãi ấy.

2. Ðối với những cuộc họp quan trọng của HÐGM có tầm quan trọng quyết định hướng đi cho toàn dân Chúa, HÐGM nên khuyến khích và lắng nghe sự góp ý rộng rãi của mọi thành phần dân Chúa, và nên có đại diện của những thành phần đó trong cuộc họp. Các giám mục dù có khôn ngoan và sáng suốt tới đâu cũng không thể thấy hết mọi vấn đề và mọi khía cạnh của đời sống dân Chúa, cũng không dồi dào sáng kiến và năng lực để làm dân Chúa phát triển hữu hiệu cho bằng có sự góp ý góp sức của mọi thành phần dân Chúa.

Vả lại, đây là cách tạo điều kiện để hình thành một "Giáo hội tham gia" (participatory Church) theo tinh thần của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á châu năm 1999 tại Rôma (xem Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 25ớ2 và 45ớ3). HÐGM không nên đơn phương suy nghĩ, làm việc và quyết định một mình. Thời nay, cách làm việc như thế xem ra không còn thích hợp nữa. Trước những quyết định đơn phương của HÐGM, dân Chúa sẽ có cảm tưởng bị áp đặt. Ðiều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần Giáo hội tham gia mà chính Quý Ðức Cha đã góp phần chủ trương trong Tông huấn Giáo hội tại châu Á.

3. Giáo hội đã rao giảng về Ðức Ki-tô và giáo thuyết của mình suốt 2000 năm nay, nhưng cho tới nay, dân số Giáo hội không tăng lên, dù mới được khoảng một phần ba thế giới, hay khoảng 7-8% tại Việt Nam, và đang có nguy cơ giảm sút. Thiết tưởng đã tới lúc Giáo hội cần chú trọng tới việc làm chứng hơn rao giảng. Rao giảng đã quá nhiều và quá đủ so với việc làm chứng trong thực tế chưa được đặt nặng đủ. Thế giới và đồng bào Việt Nam đang nhìn vào Giáo hội để xem các tín hữu - nhất là giới chuyên rao giảng - thực hành những điều mình rao giảng và chủ trương như thế nào.

Ðiều quan trọng không phải là cứ rao giảng cho xong bổn phận của mình, không cần biết người nghe có "tâm phục khẩu phục" để tin và nghe theo hay không. Rao giảng những điều mà chính mình không chịu làm thì Ẩ sẽ làm cho người ngoài dần dần nhìn đạo như một mớ lý thuyết không thực tế, và do đó chẳng hấp dẫn được ai. Nếu người Ki-tô hữu chúng ta miệng thì rao giảng tinh thần Ðức Ki-tô, còn đời sống và cách hành xử lại đi ngược với tinh thần ấy, thì hóa ra chúng ta đã trở thành những kẻ "đội lốt chiên" (Mt 7,15) trước mặt người khác!

4. Giáo hội cần phải gắn bó với Dân tộc và Quê hương nhiều hơn, đừng chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng của Giáo hội, đừng chỉ lo cho Giáo hội mình được ưu đãi và dễ dàng, mà quên đi quyền lợi chung của toàn Dân tộc và của tất cả các tôn giáo. Thái độ cục bộ ấy không thích hợp với người Ki-tô hữu, nó sẽ làm cho Giáo hội tách rời khỏi Dân tộc và các tôn giáo bạn. Ðấy cũng là một thứ ích kỷ và thiển cận, đi ngược lại tinh thần Ki-tô giáo.

Chẳng hạn thái độ sẵn sàng ngửa tay xin những ân huệ nhỏ giọt của kẻ cầm quyền để mọi sinh hoạt tôn giáo của mình được thuận lợi (chẳng hạn được chấp thuận cho phong chức một số linh mục hay giám mục, được xuất ngoại dễ dàng, được xây những ngôi nhà thờ lộng lẫy...). Thái độ ấy có thể chỉ góp phần làm cho tình trạng "có vẻ có tự do tôn giáo" tăng lên, chỉ làm cho thế giới lầm tưởng và ngộ nhận, gây bất lợi cho tự do tôn giáo đích thực, cho cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo của dân chúng.

Giáo hội cần có một cái nhìn toàn cục và lâu dài, chứ không phải một cái nhìn cục bộ và nhất thời. Chẳng lẽ Giáo hội cứ bằng lòng với kiểu cách ngửa tay xin đó mãi, không mong muốn gì khác hơn?! Và bắt Vatican cũng phải ngửa tay xin theo! Người Ki-tô hữu cần bất khuất và anh dũng hơn một chút vì lợi ích và sự phát triển lâu dài của mình! Lý do gì khiến Giáo hội ta không thể tự do làm những việc thuộc nội bộ tôn giáo như hầu hết các Giáo hội địa phương khác trên thế giới, mà cứ phải xin phép mới được làm ? Giáo hội chúng ta không thể tự ý quyết định được điều gì bảo đảm không có hại cho Ðất nước nên cần phải xin phép trong hầu hết mọi chuyện, không khác gì một đứa trẻ sao ? Giáo hội chúng ta chưa trưởng thành cần được chính quyền giám sát và bảo hộ, hay Ðất nước ta chưa có tự do tôn giáo?

Về cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo hiện nay

Trong tinh thần gắn bó với Quê hương và Dân tộc, Giáo hội cũng cần gắn bó với những cuộc đấu tranh có chính nghĩa của dân chúng trong nước.

Hiện nay, cao trào đấu tranh đòi tự do dân chủ và thực thi nhân quyền trong đó có tự do tôn giáo tại Việt Nam đã bùng nổ, đặc biệt từ cuối năm 2000. Con nhận thấy cuộc đấu tranh này hết sức chính nghĩa, vì rõ ràng là dân Việt chúng ta, so với rất nhiều Dân tộc khác, chưa có tự do dân chủ ở mức độ thỏa đáng, và những quyền căn bản của con người chưa được tôn trọng đủ. Ðó là điều mà ngoài những dữ kiện có được, con còn cảm nhận bằng chính kinh nghiệm bản thân.

Khi con chỉ mới lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của cha Lý, chưa hề làm một điều gì mà con nghĩ là vi phạm pháp luật, thậm chí chưa hề nói xấu chính quyền một điều gì, thì đã bị cúp điện thoại, cúp email, xét nhà, "1_tạm giữ" máy vi tính cùng khá nhiều dĩa mềm và dĩa CD suốt từ 5-4-2001 đến nay, và phải làm việc với chính quyền cả tuần lễ. Từ đó đến nay là 5 tháng trời, con và gia đình con đã phải chịu đựng biết bao khó khăn trong đời sống do hậu quả của những phiền nhiễu ấy. Thử hỏi người dân ở đa số các nước trên thế giới mà hành động như con thì có bị phiền phức như thế không? (không nói tới một vài nước đang bị dư luận thế giới kết án vi phạm nhân quyền).


Con còn nhớ tác giả cuốn Ruồi Trâu là bà Ê-ten Vôi-nít-sơ, cách đây cả nửa thế kỷ, đã viết cuốn sách ấy tại Nữu Ước - một thành phố lớn của Mỹ - có nội dung bêu xấu tôn giáo và chế độ tư bản, được xuất bản khắp thế giới Cộng Sản, thế mà bà ấy vẫn có thể tiếp tục sống an bình trên đất Mỹ (theo lời tựa của cuốn sách)!

Khi con viết thư này, con cũng đang phải chuẩn bị đón nhận một sự phiền hà và sách nhiễu khác có thể sẽ xảy ra cho con và những người thân của con ngay sau khi gửi bức thư này cho HÐGM. Những chuyện vừa mới xảy ra đây với những người tranh đấu cho tự do dân chủ dù hết sức ôn hòa như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, các ông Trần Ðộ, Phạm Quế Dương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Ðan Quế, Trần văn Khuê, Vũ Cao Quận, v.v... khiến con phải dự phòng như thế !

Cuộc tranh đấu đòi tự do tôn giáo và dân chủ lần này con cảm thấy rất hãnh diện vì bên cạnh tín đồ các tôn giáo khác, còn có sự góp phần rất tích cực của người Ki-tô hữu trong và ngoài nước. Nếu chỉ có tín đồ các tôn giáo khác tranh đấu, chỉ có các tôn giáo khác tỏ ra tha thiết với sự sống còn và phát triển của Dân tộc, mà không có người Ki-tô hữu, thì chắc chắn con sẽ buồn và xấu hổ biết bao! Nhưng rất may không phải như vậy !

Trong thư chung của HÐGMVN năm 1980, các Ðức Cha đã tha thiết yêu cầu người Ki-tô hữu phải gắn bó với Dân tộc và Ðất nước. Con nghĩ, điều ấy cần phải thực hiện vào lúc này hơn bao giờ hết. Lương tâm tự nhiên - chưa cần phải là luân lý Ki-tô giáo - đòi hỏi như thế. Nhìn về quá khứ, biết bao người Việt Nam nói riêng và Á Ðông nói chung đã coi mạng sống và sự an nguy của mình, của gia đình mình nhẹ như lông hồng trước sự sống còn và an nguy của Ðất nước. Trong số những người hào hùng như thế có rất nhiều thường dân chứ không chỉ có trí thức, tu sĩ, hay chức sắc tôn giáo! Khi đọc lại lịch sử, con lấy làm lạ và cảm phục đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật xưa đã đào tạo nên biết bao gương anh dũng cao quí như vậy. Con hy vọng rằng vào thời đại này các tôn giáo ấy, và cả Ki-tô giáo, vẫn tiếp tục đào tạo được những con người hào hùng như thế.

Chắc hẳn Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha và Quý Cha đều biết cuốn "Chí khí người thanh niên", một cuốn sách nổi tiếng do Ðức Giám mục Tihamer Toth viết. Ngay đầu cuốn sách, tác giả đã đưa ra gương hết sức can đảm của chàng Regulus thành Carthage, sẵn sàng chịu đủ mọi cực hình và cái chết trước mắt vì ích lợi của Ðất nước mình, và cũng để khỏi phải thất hứa với kẻ thù. Ðiều làm con phải suy nghĩ rất nhiều là câu nói của tác giả : "Ðó là chí khí và lương tâm của một người ngoại giáo! Thế còn chí khí và lương tâm của người Ki-tô hữu thì sao ?" Câu nói ấy đã làm con bị dằn vặt, trăn trở và thao thức rất nhiều trong hoàn cảnh hiện tại của Ðất nước và Giáo hội. Lương tâm con không cho phép con khoanh tay ngồi nhìn mọi sự xảy ra với con mắt bàng quan ! Nó đòi buộc con phải làm một cái gì đấy cho Ðất nước, Giáo hội trong khả năng dù rất hạn hẹp của mình !

Con bản tính nhút nhát, rất ngại phải lên tiếng như thế này. Nghĩ đến việc phải đối chất với những người cầm súng trong tay, có thể còng tay mình, có quyền bắt và đưa mình vào tù, có thể thủ tiêu mình cách này cách khác, hay nghĩ tới những đau khổ mà mình và gia đình mình có thể phải chịu, nhiều khi con sợ run lên và muốn tháo lui, thụ động. Nhưng lương tri và lương tâm hỏi con: "Thế thì ai lên tiếng đây? Anh chờ đợi người khác à? Tại sao người ấy không phải là anh mà phải là người khác? Nếu ai cũng đều chờ đợi như anh cả, thì Ðất nước và Giáo hội sẽ ra sao?" Ðiều làm con ngại nhất là gia đình con, nếu con có bị phiền phức gì thì cha mẹ, vợ con của con sẽ phải khổ, con cái không được chăm sóc giáo dục đầy đủ. Con là người duy nhất tạo kinh tế cho gia đình và là người không thể thiếu vắng trong việc giáo dục con cái vào thời buổi nhiều tệ nạn Xã hội như hiện nay. Nhưng lương tâm con lại hỏi: "Vậy là anh chờ những người độc thân lên tiếng à?" Quả thật, con cũng chờ những người độc thân và những người có tiếng nói mạnh trong Giáo hội lên tiếng đấy, nhưng chỉ thấy một vài người. Những người này dường như cũng đang chờ những người có gia đình, hay những người thấp cổ bé miệng lên tiếng trước!

Lương tâm con không chấp nhận cho con cứ chờ người khác làm để mình khỏi phải làm, hoặc làm sau cho đỡ nguy hiểm! Con nhớ lại lời Chúa : "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" (Mt 10,37-39). Vả lại, trên đầu mình còn có Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương, quan phòng và làm chủ lịch sử! Những tư tưởng này làm con an tâm và can đảm hơn.

Trước sự sống còn, phát triển và hạnh phúc của cả một Dân tộc, của Giáo hội, biết bao người theo tôn giáo khác đã dám coi thường hạnh phúc cá nhân và gia đình mình. Chẳng lẽ con là người theo Ðức Ki-tô, đã từng lãnh nhận ơn can đảm của Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, đã từng được đào tạo trong các chủng viện, lại không dám làm những gì lương tâm đòi buộc?! Ơn can đảm trong bí tích Thêm Sức tác động thế nào nơi các Ki-tô hữu?

Ðạo của chúng ta, con nghĩ, cũng không thể kém cỏi trong lãnh vực này : đã có biết bao Ki-tô hữu xả thân cho Giáo hội và Ðất nước ! Nếu không như thế thì niềm tự hào của người Ki-tô hữu về tôn giáo của mình quả thiếu căn cứ cụ thể! Ðức tin phải làm cho người ta thêm can đảm và xả thân hơn cho Quê hương, cho Giáo hội, cho tha nhân, chứ không thể không có tác dụng gì ! Ðức Ki-tô đã dạy chúng ta theo gương tự hủy của Ngài, từ bỏ bản thân và vác thập giá mình mà theo Ngài, để xây dựng Nước Trời. Xây dựng Nước Trời là xây dựng một Xã hội và Giáo hội lý tưởng, trong đó công lý và tình thương ngự trị, mọi người đều tôn trọng và yêu thương nhau, nhờ đó hạnh phúc. Ðối với Nước Trời, Ngài đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải sẵn sàng hy sinh tất cả (xem Lc 14,26-27).

"Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", huống gì là những người có học, có chức quyền, địa vị. Ðức Giê-su cũng đòi hỏi những người được ban nhiều "nén bạc", nhiều tài năng, nhiều điều kiện thuận lợi hơn người phải làm lợi cho Thiên Chúa, tha nhân nhiều hơn những người khác, và họ phải trả lẽ trước mặt Ngài về việc sử dụng những thuận lợi hơn người ấy (xem Lc 19,12-27). Trước sự sống còn và phát triển của Ðất nước, của Giáo hội, nếu người dân hay tín hữu ai cũng lo bảo vệ lấy bản thân mình, gia đình mình, tập thể mình, sẵn sàng chấp nhận tình trạng "cha chung không ai khóc", bỏ mặc Ðất nước hay Giáo hội cho ai muốn làm gì thì làm, thì Giáo hội hay Ðất nước sẽ ra sao ? Người Ki-tô hữu mà có não trạng ích kỷ như thế, làm sao có thể tự hào hay mạnh dạn rao giảng về đạo của mình ? Rất có thể chúng ta sẽ bị Thiên Chúa kết án, không phải vì đã làm điều gì gian ác, mà chỉ vì đã bỏ qua không làm những việc mà lương tâm và tình yêu đòi buộc, nhất là khi ta có điều kiện và khả năng làm những việc ấy nhiều hơn những người khác (xem Mt 25,31-46; Lc 19,16-31)

Trong hoàn cảnh của Ðất nước hiện nay, người Ki-tô hữu phải chứng tỏ tinh thần Ki-tô hữu của mình hơn lúc nào hết. Nếu trước bất công và bạo lực, chúng ta sẵn sàng cúi đầu, im lặng, không dám nói lên tiếng nói của lương tâm, không dám bênh vực cho công lý, cho những kẻ đang chịu cảnh bất công, mà lại sẵn sàng ngửa tay ăn xin ân huệ của những kẻ cầm quyền, xin cả những điều chúng ta có quyền có một cách chính đáng, thì chúng ta đã sống đúng tinh thần Ki-tô giáo chưa ?

Song song với việc loan báo Tin Mừng, việc lên tiếng và tranh đấu để bảo vệ công lý là một trong những nghĩa vụ cao quý đòi buộc mọi người Ki-tô hữu. Ðức Ki-tô nói: "Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín" (Mt 23,23). Ðiều ấy đã được Thượng Hội Ðồng các Giám mục Á châu - trong đó có các giám mục Việt Nam - xác định và quảng diễn cụ thể hơn: "Các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng ý thức rất rõ tại nhiều nơi trên thế giới quyền con người vẫn liên tục bị xâm phạm, nhất là tại Châu Á, nơi có biết bao nhiêu triệu người đang phải chịu sự kỳ thị, bóc lột, nghèo đói và bị gạt ra bên lề Xã hội. Các ngài đã nói lên nhu cầu đặt ra cho toàn thể Dân Chúa tại Châu Á là phải nhận thức rõ về sự thách đố không thể né tránh hay từ khước được, là phải bênh vực các quyền con người, và cổ vũ cho công lý và hòa bình" (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 33§ 2).

Một khi các giám mục công khai chủ trương phải lên tiếng chống lại bất công, bênh vực các quyền con người như một "thách đố không thể né tránh hay từ khước được", nếu trong một Ðất nước có bất công, có sự vi phạm nhân quyền thật sự và trầm trọng, mà hàng giám mục Ðất nước ấy lại không lên tiếng hay không làm gì chống lại bất công, thì sự im lặng ấy, vô tình hoặc cố ý, là một hình thức làm chứng dối. Sự im lặng ấy chính là một cách nói rằng Ðất nước ấy không có bất công; bởi nếu có bất công thì hàng giám mục đã lên tiếng rồi, vì chính các ngài đã chủ trương phải lên tiếng trong trường hợp ấy. Nếu im lặng nhằm gây ích lợi cho cuộc đấu tranh chống bất công, thì đó là "im lặng đồng tình" với cuộc đấu tranh. Nếu biết im lặng là có lợi cho phía gây bất công mà vẫn cứ im lặng, thì đó là "im lặng đồng lõa" với bất công.


Các giám mục ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước châu Mỹ La tinh, và mới đây nhất tại Philippine, đã dám công khai lên tiếng bênh vực người nghèo, người bị áp bức, tố cáo những kẻ gây bất công. Sự lên tiếng ấy nhiều khi phải trả giá bằng tù đày và cái chết. Ðiều đó làm con nghĩ tới câu của thánh Phanxicô Salê mà nhiều giám mục hay linh mục khi huấn đức thường trích dẫn: "Ông kia bà nọ nên thánh được, tại sao tôi không?"


Ít lâu nay HÐGMVN im lặng trước cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi những quyền căn bản của con người, trong đó có tự do tôn giáo. Con nghĩ HÐGM có lý do và khó khăn riêng của mình, và con rất tôn trọng sự lựa chọn đó. Tuy nhiên, con thiết tưởng, nếu đã chấp nhận thái độ im lặng, thì nên trung thành với lập trường đó tới cùng. Nghĩa là nếu đã im lặng thì im lặng cho trót, không nói một điều gì thuận lợi hay bất lợi cho cuộc đấu tranh ấy, cho dù có phải chấp nhận hàm oan vì người ta hiểu lầm mình. Nhưng thái độ im lặng cho bên này, nhưng lại lên tiếng cho bên kia, con nghĩ không phải là một thái độ tốt. Và một khi đã lên tiếng, thì một giám mục hay linh mục phải luôn luôn đứng về phía đa số người dân, về phía những người nghèo, những người bị áp bức, đúng theo lựa chọn căn bản của Giáo hội. Thượng Hội Ðồng các giám mục xác quyết : "Trong khi tìm cách thăng tiến phẩm giá con người, Giáo hội tỏ ra ưu tiên yêu thương người nghèo và những người không có tiếng nói, vì Chúa đã tự đồng hóa mình với họ một cách đặc biệt (x. Mt 25,40)" (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 34§1). Biết bao người thấp cổ bé miệng không có tiếng nói, nên phải chịu biết bao đau khổ và bất công. Vì thế, tiếng nói của các giám mục và linh mục phải là tiếng nói của họ.

Phương thức đấu tranh

Không có đấu tranh thì Xã hội không thể tiến bộ được. Không có đấu tranh thì không thể có tự do dân chủ, vì đó là những thứ không ai cho không. Lịch sử của Ðất nước và thế giới chứng minh điều ấy. Chính người Cộng Sản cũng chủ trương như thế và chủ trương mạnh hơn ai hết. Chính Lê-Nin cũng nói: "chỗ nào có bất công, chỗ đó có đấu tranh".

Do đó, đấu tranh cho dân chủ tự do đích thực luôn luôn là một hành động chính đáng. Chỉ có những Quốc gia không dân chủ, không tự do, không tôn trọng nhân quyền mới tìm cách dập tắt mọi hình thức tranh đấu của dân chúng. Ðối với người Ki-tô hữu, đấu tranh cho chân lý, cho công lý, cho tình thương, cho sự hợp lý... còn là một đòi buộc "không thể né tránh hay từ khước được" của lương tâm. Vậy thì tính hợp pháp và hợp lý của việc tranh đấu cho tự do dân chủ là điều hiển nhiên, ai cũng công nhận, không cần phải bàn tới nữa.

Nhưng tranh đấu thế nào là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ. Chúng ta cần phải chọn lựa một phương thức tranh đấu phù hợp nhất, hữu hiệu nhất trong hoàn cảnh, địa vị của chúng ta.

Trước hết, sự tranh đấu của chúng ta không được nhằm chống lại bất kỳ ai, vì đối với người Ki-tô hữu, ai cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, là anh chị em của chúng ta, mà chúng ta có bổn phận phải yêu thương. Theo tinh thần Ki-tô hữu, chúng ta không nên chống ai cả, nhưng bổn phận của chúng ta phải là chống lại điều ác, xấu, bất công, phi nhân, phi lý, hoặc những gì sản sinh ra những cái xấu, ác để mọi người được sống yên ổn và hạnh phúc. Những điều xấu ác mà chúng ta phải chống có thể nằm ngay trong bản thân mỗi người, trong mọi tập thể, trong Giáo hội và trong Xã hội. Chúng luôn luôn phát sinh ra và mặc lấy những hình thức mới, có thể được ngụy trang rất tinh vi, nên việc đấu tranh chống lại điều xấu ác không bao giờ kết thúc.

Chống lại điều xấu ác trong Giáo hội hay Xã hội không có nghĩa là chống lại Giáo hội hay Xã hội, mà trái lại là xây dựng Giáo hội hay Xã hội. Sự phân biệt dễ dàng ấy rất quan trọng trong cuộc tranh đấu của chúng ta: phân biệt giữa người và việc, người và phương pháp làm việc, người và cách ứng xử hay hành động của người Chẳng hạn, giả như HÐGMVN có điều gì không đúng, không hợp lý, không hợp lương tâm người Ki-tô hữu, nếu có tác hại lớn, thì con cảm thấy có bổn phận phải lên tiếng chống lại một cách có văn hóa và lễ độ. Ðiều đó không có nghĩa là con chống lại HÐGM, mà đúng hơn là con xây dựng cho HÐGM.

Vậy, người Ki-tô hữu có quyền và có bổn phận lên tiếng chống lại những gì xấu, sai trái, không hợp lý, bất công trong Giáo hội, Xã hội, trong cách cai trị, trong phương thức điều hành, quản lý của giáo quyền hay chính quyền các cấp.

Theo con nghĩ và chủ trương, chúng ta cần tranh đấu trong ôn hòa, bất bạo động, tôn trọng pháp luật, trong yêu thương chứ không phải trong hận thù, xây dựng chứ không phá đổ, cố gắng tôn trọng sự kiện và tính khách quan chứ không chủ quan, thiên kiến hoặc hồ đồ. Mục đích tối hậu cho cuộc tranh đấu của chúng ta không phải là đưa ai lên cai trị, mà là làm sao để mọi người dân đều được tự do, ấm no và hạnh phúc, nhất là những người cô đơn, yếu thế, nghèo khổ, thất học, mà trong chế độ nào cũng bị thiệt thòi, áp bức. Giáo hội phải đứng hẳn về phía những người này, đúng với chọn lựa căn bản của mình.

Nếu chính quyền tôn trọng nhân quyền, ắt phải chấp nhận và tôn trọng sự tranh đấu đúng đắn như thế của chúng ta. Nếu họ khó dễ chúng ta, thì chính họ tự chứng tỏ cho thế giới thấy họ có tôn trọng nhân quyền hay không. Chúng ta cũng nên tạo cơ hội cho họ chứng tỏ điều ấy.

Cần phải tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chỉ mang tính tương đối, vì pháp luật do con người đặt ra, nên có thể có ít nhiều thiếu sót. Theo luân lý Ki-tô giáo, người Ki-tô hữu phải tuân theo luật của Thiên Chúa, của lương tâm, của sự công bằng và yêu thương hơn luật của con người. Nếu luật của con người phù hợp với luật của Thiên Chúa và lương tâm, thì con người phải tuân hành luật đó như luật của Thiên Chúa. Nếu luật của con người đi ngược lại với luật của Thiên Chúa và lương tâm, thì người Ki-tô hữu phải "vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm" (Cv 5,29). Vả lại, dù là luật của Thiên Chúa hay của người phàm, thì "lề luật được lập nên vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì lề luật" (xem Mc 2,27). Do đó, luật nào phản lại con người, phản lại công lý và tình thương, thì luật đó không có giá trị, và lương tâm không buộc con người phải tuân giữ. Chính Ðức Giê-su đã cố tình vi phạm một số những lề luật phản lại hạnh phúc của con người, và Ngài đã bị bọn kinh sư bắt bẻ, kết án (xem Mt 12,1-8; 12,9-14; Ga 5,1-18; 9,1-34).

Con người có bổn phận bảo vệ và tuân hành pháp luật, nhưng đồng thời cũng có bổn phận góp phần làm cho pháp luật ấy trở nên hoàn chỉnh hơn, nhân bản hơn, dân chủ hơn, tôn trọng các quyền tự nhiên và căn bản của con người hơn. Vì thế, người Ki-tô hữu cũng có bổn phận góp ý làm cho luật của Giáo hội và Xã hội nên hoàn chỉnh hơn.

Một cách cụ thể, trong một Xã hội hay Giáo hội có dân chủ, bất cứ người dân hay tín hữu nào cũng có quyền góp ý xây dựng hiến pháp và pháp luật. Người dân cứ việc góp ý, và chính quyền có nhiệm vụ xét duyệt, bàn thảo và nếu thấy sự góp ý ấy là cần thiết và hợp lý thì nên thay đổi. Vậy, đối với hiến pháp và luật pháp, HÐGM có quyền góp ý theo lương tâm của mình, để xây dựng Ðất nước. Nếu hiến pháp hay luật pháp phản lại những nguyên tắc căn bản của hạnh phúc con người, thì việc góp ý ấy còn là một bổn phận và trách nhiệm của người Ki-tô hữu, nhất là của những người có tiếng nói trong Xã hội như HÐGM.

Theo thiển ý con, hiện nay, hiến pháp và luật pháp của Ðất nước ta cần phải được sửa đổi lại một vài điểm quan trọng để nó hoàn chỉnh và phù hợp với nguyện vọng của toàn dân hơn. Chẳng hạn:

1. Ðiều 4 hiến pháp qui định sự độc quyền của đảng Cộng Sản trong việc lãnh đạo Ðất nước, đồng thời không chấp nhận sự hiện hữu của bất kỳ một đảng phái nào khác. Hiện nay, đảng Cộng Sản nắm quyền lực tối cao, không một cơ quan nào kể cả cơ quan quyền lực cao nhất của Ðất nước là Quốc hội có quyền giám sát đảng Cộng Sản. Ðó là một điều không hợp lý sản sinh ra biết bao tệ trạng trong Xã hội.

Chúng ta cần xác định rõ là chúng ta không chống lại đảng Cộng Sản, nhưng chúng ta có quyền lên tiếng chống lại sự độc quyền và độc tôn ấy nếu chúng ta thấy nó không hợp lý. Nếu đảng Cộng Sản thật sự là vì dân, do dân, và tôn trọng dân chủ, thì phải làm theo ý muốn của đại đa số nhân dân. Ðảng không nên dành cho mình quá nhiều độc quyền: độc quyền cai trị, độc quyền giáo dục, độc quyền chính trị, độc quyền thông tin, độc quyền kinh doanh, v.vẨ Trong các nước dân chủ, không có một cơ quan quyền lực nào mà lại không bị giám sát bởi một cơ quan khác, hoặc lại được phép tự dành cho quá nhiều độc quyền như thế. Nhờ đó nước họ tránh được biết bao tệ nạn.

Con rất thích sự kiện xảy ra cách đây một vài năm, đó là cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton - lúc đó đương nắm quyền - phải trả lời trước tòa án vì bị một phụ nữ nhỏ bé như Monica Lewinsky thưa kiện về một hành động có tính đời tư cá nhân. Ðưa sự kiện này ra con không có ý ca tụng nước Mỹ đâu, nước Mỹ không phải là lý tưởng, nó cũng vẫn có những tệ trạng của nó. Nhưng sự kiện ấy thật là cụ thể tiêu biểu cho tính dân chủ mà ở Ðất nước ta hiện nay chưa có được. Thử hỏi nếu đảng Cộng Sản làm sai, hoặc có tội, thì ai có quyền buộc tội? Ai dám bảo đảm rằng những độc quyền trên không bị lạm dụng ?

2. Nghị định 26/CP qui định và hạn chế quyền tự do tôn giáo, buộc các tôn giáo phải xin phép cả trong những điều mà thế giới công nhận là quyền tự nhiên và căn bản của con người. Nhiều Ki-tô hữu trí thức đã lên tiếng góp ý cho nghị định này, tuy có kết quả nhưng không bao nhiêu. Thiết tưởng về vấn đề tự do tôn giáo, để có một tiêu chuẩn thỏa đáng, nhà nước nên tham khảo tiêu chuẩn mà đại đa số các nước trên thế giới đang theo. Thử hỏi những nước ấy cho tôn giáo được tự do thì bị thiệt hại gì? Tại sao nhà nước quản lý tôn giáo quá chặt chẽ, đang khi lại quản lý những người trong đảng một cách quá lỏng lẻo, đến nỗi rất nhiều người đã lạm dụng chức quyền để tham nhũng, hối lộ, trầm trọng đến nỗi đã trở thành quốc nạn, làm thiệt hại biết bao đến ngân quỹ Quốc gia ? Như thế có phải là bất công đối với tôn giáo không ?

3. Nghị định 31/CP cho phép công an bắt giam, quản chế bất cứ ai, bất cứ lúc nào mà không cần đưa ra tòa xét xử xem có tội hay không. Ðiều này rõ ràng phản lại hiến pháp, và tạo điều kiện cho kẻ này người kia hành động mờ ám để hại người khác mà vẫn "hợp pháp". Ðiều 72 hiến pháp có ghi: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Ðiều 2 Bộ Luật Hình Sự cho thấy sự vi hiến của nghị định này: "Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp". Vậy thì trong nước ai bảo đảm cho người vô tội không thể bị bắt và giam một cách bất công? Ai dám bảo đảm là nghị định này không bị lạm dụng? Nguyên tắc của của các nhà làm luật là phải soạn làm sao để tránh tối đa những kẽ hở mà kẻ xấu có thể lạm dụng.

Còn nhiều chuyện khác phải sửa đổi, nhưng đó là những điều căn bản nhất. Sửa đổi những điều này không phải là những chuyện quá lớn lao hoặc gây xáo trộn trong nước. Nó chỉ có thể có lợi cho Ðất nước và dân chúng chứ không thể có hại. Vì thế, chúng ta cần mạnh dạn lên tiếng để Ðất nước có dân chủ và tự do thật sự, các tôn giáo được phát huy tối đa khả năng giáo hóa để góp phần xây dựng Ðất nước, người dân ngay chính được an tâm và bảo đảm trong đời sống của mình.



***

Ðó là một số thiển ý mà con muốn nói lên để góp ý xây dựng Giáo hội và Ðất nước nhân dịp HÐGMVN họp vào một thời điểm hết sức đặc biệt của Giáo hội và Ðất nước. Chắc chắn sự góp ý này không tránh khỏi ít nhiều thiếu sót, thiển cận, chủ quan, thành kiến mà con cũng đã cố gắng tránh hết sức có thể.

Con cũng hết lòng xin Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha và Quý Cha tha thứ, nếu con chưa đủ tế nhị khi phải nói lên những điều mà lương tâm con buộc phải nói, khiến Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha và Quý Cha cảm thấy bị xúc phạm. Thực ra, thâm tâm con vẫn luôn hết lòng quí mến và tôn trọng Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha và Quý Cha mà con coi là những người đại diện cho Thiên Chúa.

Sau cùng, con xin kính chúc Ðức Hồng Y, Quý Ðức Cha và Quý Cha thư ký luôn mạnh khỏe, được ơn sáng suốt và can đảm trong việc lãnh đạo dân Chúa, nhất là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn và đặc biệt này.

Tp. Hồ chí Minh, ngày 14-9-2001

Một Ki-tô hữu Việt Nam
Gioan Nguyễn Chính Kết
6/8A, Quang Trung, Phường 12,
Quận Gò Vấp, Tp. Hồ chí Minh.
Email: sntm_nck@yahoo.com