Đọc báo chui của Lm Chân Tín,
một trí thức bị Công an hù dọa

(http://www.hungviet.org/nguyenchinhket071101.html)

Nguyễn Chính Kết

Sáng thứ tư 31-10-2001, anh CA khu vực của tôi đến tận nhà đưa cho tôi "Giấy Triệu Tập", yêu cầu tôi sáng hôm sau (1-11-2001) 8g00, đến Phòng An Ninh Điều Tra, thuộc CA TP. Hồ chí Minh, số 4 Phan đăng Lưu, Quận Bình Thạnh, lý do "sẽ cho biết trực tiếp". Thế là sáng thứ năm 1-11-2001, tôi và vợ tôi tới địa chỉ trên (đối diện xéo xéo với chợ Bà Chiểu). Vợ tôi đòi đi theo vì sợ lỡ tôi có bị bắt thì biết ngay bị ở chỗ nào, để có thể kịp thời thăm nuôi và cung cấp những gì cần thiết. Trong khi tôi làm việc với CA bên trong, thì vợ tôi ngồi chờ tại phòng chờ đợi ở cổng vào.

Anh CA phụ trách làm việc với tôi là ông Trần văn Song, 48 tuổi (ít hơn tôi một tuổi), trông rất trí thức và đẹp trai. Phải nói rằng tất cả những anh CA phụ trách làm việc với tôi lần trước cũng như lần này, đều là CA của thành phố, họ đối xử với tôi rất nhã nhặn, lịch sự. Phần tôi, theo tinh thần Ki-tô giáo, tôi luôn luôn coi họ là anh em, là đồng bào với tôi, mà tôi có bổn phận phải yêu thương, tôn trọng. Vì thế, mọi cuộc tiếp xúc giữa tôi với tất cả mọi anh CA đều xảy ra trong một bầu khí tương đối thông cảm, không đến nỗi căng thẳng. Những gì họ gạn hỏi nhiều lần, chờ đợi tôi trả lời mà tôi không chịu trả lời, thì họ cũng không tìm cách ép buộc. Và tôi cũng luôn luôn sẵn sàng nói thẳng, nói thực, nhưng cố gắng nói cách ôn hòa, không quá khích, không hận thù, không gây xúc phạm, không thóa mạ, đôi khi hài hước, vì thế chẳng tạo nên những căng thẳng không cần thiết. Và thường là đôi bên chia tay trong một bầu khí vui vẻ, thông cảm.

Tôi xin thuật lại nội dung buổi nói chuyện sáng hôm ấy, bắt đầu từ 8g15 và kết thúc khoảng 11g15. Tôi chỉ ghi lại đại ý một cách cố gắng trung thực chừng nào có thể, chắc chắn không thể tránh được thiếu sót, nhất là trong những lời không phải do tôi nói ra.

Khởi đầu anh Song cho biết là hồ sơ của tôi do anh Ba Phương (tức Phạm thế Phương, là người làm việc với tôi lần trước) chuyển sang cho anh. Trong đó có một vài vấn đề cần làm sáng tỏ thêm, nên tôi mới được mời đến làm việc. Nhưng cả buổi sáng hôm ấy, cuộc nói chuyện chủ yếu chỉ xoay quanh hai số báo Thư Nhà (số 1 và 3) mà chính quyền tịch thu cùng với nhiều tài liệu khác sau khi khám xét nhà tôi vào tối 5-4-2001. Còn những vấn đề khác chưa có giờ bàn tới, vì thế, có thể tôi còn được mời tới những lần khác nữa, sẽ được báo sau.

Sau đây là cuộc đối thoại. Anh Song vừa hỏi, vừa nghe trả lời, vừa ghi lại tất cả trong biên bản.

***

- Tại sao anh có những tờ báo "Thư Nhà" này?

- Sáng ngày 3-4, tôi đến cha Chân Tín tại dòng Chúa Cứu Thế để xin ngài. Tôi gặp ngài tại phòng khách, và xin ngài 3 số báo mới ra. Nhưng ngài chỉ còn có 2 số để đưa cho tôi: số 1 và số 3.

- Anh có quen ông Chân Tín à?

- Tôi biết cha Chân Tín đã lâu, vì ngài rất nổi tiếng. Nhưng tôi chưa có dịp gặp ngài. Tôi gặp ngài lần đầu tiên hôm đến xin báo. Vì trước đó tôi đã lên tiếng ủng hộ linh mục Nguyễn Văn Lý trên internet, nên ngài cũng nghe tiếng tôi. Vì thế, khi tôi xưng tên thì ngài biết và tin ngay. Vì ngài bận nhiều việc, nên tôi cũng chỉ gặp ngài trong chốc lát.

- Làm sao anh biết ông Chân Tín có báo này để đến mà xin?

- Tôi biết được nhờ những email tự động gửi đến cho tôi giới thiệu về tờ báo mới ra. Từ khi tôi lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của cha Lý, thì rất nhiều người biết tôi và họ tự động gửi cho tôi những tin tức và những tài liệu. Họ gửi đến rất nhiều, nhiều bài tôi không có giờ để đọc hay chỉ đọc lướt qua, vì còn phải dành thì giờ cho việc làm ăn sinh sống. Lúc ấy có một email thông báo cho biết tờ Tin Nhà đã đóng cửa, và sẽ có tờ Thư Nhà do cha Chân Tín làm chủ nhiệm (được ghi trong tờ báo). Lúc đó đã ra được 3 số rồi. Tôi muốn biết nội dung những tờ báo này ra sao, nên nghĩ tới gặp cha Chân Tín thì may ra sẽ có được.

Tờ Thư Nhà chắc hẳn là một tên mới và hình thức mới của Tin Nhà (đã đóng cửa). Trước đây tôi có có dịp đọc một vài số Tin Nhà do tình cờ gặp được qua bạn bè. Tôi thấy đó là một tờ báo khác chính kiến với nhà nước, thỉnh thoảng tố giác những linh mục hay giám mục trong Giáo Hội Công giáo có khuynh hướng thân chính quyền. Nhưng lúc đó tôi chẳng quan tâm tới những vấn đề trong đó, vì đầu óc tôi chỉ quan tâm đến những vấn đề thuần túy tôn giáo của Giáo Hội Công giáo mà thôi. Tôi chỉ bắt đầu quan tâm đến những vấn đề đấu tranh sau khi tôi lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của linh mục Nguyễn văn Lý.

- Khi tới gặp ông Chân Tín, ông tự đưa báo cho anh hay anh xin rồi ông cho?

- Tôi chủ động tới gặp cha Chân Tín vì nghĩ rằng ngài là chủ nhiệm ắt ngài có. Tôi xin ba số (1,2,3), nhưng ngài nói ngài chỉ còn hai số 1 và 3. Như vậy tôi nghĩ ngài không có sẵn những tờ báo ấy ở trong phòng. Vả lại, tôi nghĩ một người như ngài thì có thể bị khám xét phòng bất cứ lúc nào, thì dại gì mà in nhiều báo để ở phòng mình.

- Đây là một tờ báo chui, bất hợp pháp, có nội dung chống lại chế độ, anh nghĩ gì về tờ báo này?

- Hợp pháp hay không là do nhà nước có cho phép hay không. Nếu nhà nước cho phép ra, thì nó là hợp pháp. Nếu không cho phép thì nó là bất hợp pháp. Vấn đề hợp pháp hay không hợp pháp tùy thuộc nhà nước hơn là tùy thuộc tờ báo. Đây là một tờ báo tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Ở trong những nước dân chủ như nước Mỹ, nước Pháp v.v... thì việc một tờ báo khác chính kiến với chính quyền như vậy không có gì là bất hợp pháp cả. Tờ báo này cũng tương tự như những tờ báo của Bác Hồ trong thời thực dân Pháp. Người nào tranh đấu thì phải tìm cách lên tiếng nói, vì nếu không dùng bạo lực thì đâu còn phương cách nào để tranh đấu? Tờ báo của cha Chân Tín là một hình thức tranh đấu bất bạo động.

- Tôi hiểu điều anh nói. Ở các nước chủ trương đa nguyên chính kiến thì một tờ báo như thế không phải là bất hợp pháp. Nhưng nước ta không phải là đa nguyên chính kiến. Anh thấy những bài báo trong này thế nào?

- Tôi thấy chủ yếu các bài trong ấy đều đã có trên internet, chỉ có một vài bài khác lạ thôi. Tất cả đều có mục đích xa gần là đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo.

- Tác giả của những bài trong hai số báo này, anh có quen ai và đã từng gặp ai?

- Linh mục Chân Tín thì tôi đã nói rồi. Ông Nguyễn ngọc Lan thì tôi nhìn thấy nhiều lần, nhưng chưa có dịp nói chuyện. Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi thì tôi cũng biết mặt khi tôi được mời dự hai cuộc tọa đàm nổi tiếng tại Huế do Đức Cha Thể tổ chức vào cuối tháng 10 năm 1999 và năm 2000. Trong hai cuộc tọa đàm ấy, cha Lợi là một trong những người hay nêu thắc mắc, nên ai có mặt cũng biết. Đức Đan viện phụ Huỳnh quang Sanh (tác giả đơn trình bày về vụ chính quyền chiếm đất của tu viện để làm khu giải trí) thì tôi cũng đã từng gặp và nói chuyện. Vì khi đến thăm tu viện của ngài có nhà nguyện kiến trúc rất đẹp và nổi tiếng, thì chính ngài tiếp đón tôi và hướng dẫn tham quan. Còn những người khác thì tôi chỉ nghe tên và đọc bài của họ, chứ chưa từng gặp mặt.

- Trong lần làm việc trước với anh Ba Phương, anh nói rằng anh ủng hộ ông Chân Tín, có đúng vậy không?

- Đúng. Tôi thấy cha Chân Tín tranh đấu cho tự do tôn giáo, nên tôi ủng hộ. Bất kỳ ai tranh đấu cho tự do tôn giáo, tôi cũng ủng hộ, cho dù tôi không quen biết. Đối với cha Lý, cha Lợi, cha Giải, hay thượng tọa Quảng Độ, ông Lê quang Liêm v.v... cũng thế. Tôi chỉ ủng hộ họ về mặt ấy mà thôi, còn những mặt khác của họ, tôi không quan tâm lắm. Rất nhiều người khác nghe tin tôi tranh đấu cho tự do tôn giáo, họ cũng ủng hộ tôi dù chẳng biết tôi là ai, cũng chỉ vì lý do ấy mà thôi. Có một mối dây tự nhiên liên kết tất cả những người đang tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo lại với nhau, cho dù mới chỉ nghe tên chứ chẳng gặp nhau bao giờ.

- Theo anh thì tờ báo này xuất bản ở đâu?

- Một tờ báo như thế này thì xuất bản ở đâu chả được. Biên soạn một tờ báo này thì trình độ của một người giỏi vi tính cỡ thường cũng làm được. Các bài thì chủ yếu lấy những bài đã đăng trên internet rồi. Chỉ cần có một bản gốc là người ta có thể photocopy thành nhiều bản. Cần tới đâu thì photo tới đấy.

- Theo anh thì bản gốc làm ở đâu? Ban biên tập ở đâu?

- Bây giờ là thời đại internet, ban biên tập một tờ báo có thể ở nhiều quốc gia khác nhau, người làm việc này, kẻ làm việc khác, giao việc và chuyển việc bằng internet rất nhanh chóng. Bản gốc thì hễ ai có phần mềm lấy từ internet xuống thì đều có thể dùng máy in của mình để in ra một bản gốc rồi photocopy ra thành nhiều bản. Vì thế, có thể có nhiều bản gốc khác nhau với nội dung y như nhau. Thời đại này thì ngoài những tờ báo bằng giấy như thế này, còn có nhiều tờ báo điện tử, hễ vào mạng internet là có thể đọc được những tờ báo ấy. Muốn in ra thì cũng dễ dàng.

- Anh thấy những bài của ông Chân Tín thế nào?

- Tôi chưa đọc nhiều bài của cha Chân Tín, nên chưa có nhận định.

- Đọc bài của ông Nguyễn Ngọc Lan anh thấy thế nào?

- Ông Lan nhận định rất sâu sắc nhưng lại có giọng khá châm chích. Đó là phong cách tranh đấu của ông ấy. Còn tôi thì theo phong cách khác. Phong cách nào cũng có cái hay và cái dở của nó. Tôi không thích châm chích, vì bản tính tôi là như vậy. Vả lại tôi nghĩ người bị châm chích sẽ chạm tự ái, và một khi đã bị chạm tự ái thì họ sẽ tìm cách trả thù hơn là phục thiện. Phong cách tranh đấu của tôi là cố gắng tránh không chạm tự ái hay làm tổn thương người khác, vì nếu bị tổn thương, họ sẽ không thèm đọc tôi nữa, thì tôi sẽ không ảnh hưởng được họ nữa. Tôi cố gắng trình bày vấn đề thật rõ ràng, dễ hiểu, dễ nghe, nhất là khách quan, để người đọc nhận ra chân lý. Tôi nghĩ cứ lấy công tâm ra mà nói, không thiên vị bên nào cả, thì người ở phía ngược với tôi vẫn có thể chấp nhận được. Đối với tôi, điều quan trọng không phải là tôi thắng, hay phe tôi thắng, hay tôn giáo của tôi thắng, mà là lẽ phải, chân lý hay công lý được tôn trọng. Chủ trương ấy – tôi nghĩ – được thể hiện khá rõ nét trong các bài viết của tôi.

- Anh có định viết cho tờ báo Thư Nhà này không?

- Về những vấn đề liên quan đến chính trị, tôi chủ trương chỉ viết những gì cần thiết khi lương tâm tôi đòi buộc, không viết linh tinh.

- Nếu bài anh viết lãng đãng ở đâu đó mà người ta bắt gặp rồi đăng lên báo, anh có phản đối không?

- Phản đối làm chi!?

- Tờ báo Thư Nhà là một tờ báo có nhiều bài không thích hợp với tình hình đất nước hiện nay. Nếu anh đọc hay tôi đọc thì không có gì gây tai hại cả. Nhưng dân trí của chúng ta còn thấp, họ đọc thì họ có thể có những phản ứng không phù hợp, có thể gây mất an ninh trật tự. Vì thế, với tư cách là người bảo vệ an ninh cho xã hội, chúng tôi có nhiệm vụ phải hạn chế sự phổ biến của nó. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là vấn đề tự do báo chí. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, tự do báo chí có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Vì thế, nhà nước phải hạn chế.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với anh rằng tự do nào cũng đều phải có giới hạn. Nếu tôi là chính quyền, trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, chắc chắn tôi cũng phải hạn chế phần nào sự tự do báo chí, nghĩa là không cho báo chí được hoàn toàn tự do, mà chỉ cho tự do ở một mức độ nào đó hợp lý. Nhưng cho tự do tới mức độ nào mới là hợp lý? Đó là vấn đề. Tôi không tranh đấu để tôn giáo hay báo chí được tự do hoàn toàn, hay được tự do không giới hạn, điều đó có thể nguy hại cho an ninh quốc gia hay xã hội vì tự do đó có thể bị lạm dụng. Nhưng tôi tranh đấu để được tự do trong mức độ hợp lý của nó.

Một thí dụ rất điển hình là Giáo Hội Công giáo hiện nay chiếm 8% dân số trong nước, thế mà không có được một tờ báo chính thức của mình. Chỉ có tờ Công giáo và Dân tộc bị coi là tờ báo của nhà nước về Công giáo. Như thế chẳng phải là hạn chế tự do báo chí một cách quá đáng sao? Qua sự kiện ấy người ta thấy tôn giáo bị bóp nghẹt.

Tôi không nói rằng ở nước ta không có tự do tôn giáo, mà chỉ muốn nói rằng tôn giáo chưa được tự do đúng mức hợp lý của nó, khiến các tôn giáo không thể phát triển và trở nên ích lợi đúng mức cho xã hội được. Nếu chỉ được tự do trong những chuyện bên ngoài thấy được như tự do hành lễ, tự do xây nhà thờ v.v... mà không được tự do trong việc tổ chức nội bộ, thì tôn giáo sẽ bị chết ngạt.

Cứ thành thật theo lương tâm mà nói, tôi nhận thấy rằng nếu tôn giáo chỉ được tự do ở mức độ như hiện nay tại Việt Nam thì các tôn giáo tuy vẫn tồn tại, nhưng không phát triển được, không có chất lượng, không làm được những chức năng mà các tôn giáo phải có. Cuối cùng tôn giáo chỉ còn là hình thức bên ngoài, không còn cốt lõi bên trong nữa. Chính vì thế mà lương tâm tôi buộc phải lên tiếng cho tự do tôn giáo.

Điều tôi rất mong là chính quyền cho tôn giáo được tự do trong mức độ hợp lý để tôn giáo có thể tồn tại và phát triển, có thể làm đúng chức năng của nó là giáo hóa dân chúng một cách hữu hiệu. Khả năng giáo hóa của các tôn giáo rất cao, có thể đóng góp rất nhiều vào công việc giáo dục công dân, đào tạo lương tâm con người, là điều rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, mà những cách giáo dục khác khó có thể làm được.

Tôi nghĩ rằng, đối với vấn đề tự do tôn giáo, chính quyền không nên quá cứng rắn, mà nên mềm dẻo đáp ứng theo nhu cầu đích thực của dân chúng. Điều đó sẽ có lợi cho đất nước và mọi người dân.

***

Trước khi kết thúc buổi làm việc, anh Song đưa tôi đọc biên bản. Tôi thấy anh ghi rất trung thực những ý tôi đã nói ra, và tôi ký tên ghi nhận.

Buổi làm việc kết thúc lúc 11g15 trong một bầu khí cảm thông. Anh Song đưa tôi ra tận cổng. Vợ tôi vẫn chờ ở phòng đợi từ đầu giờ làm việc đến lúc đó. Và cả hai chúng tôi đã về nhà với tâm hồn tương đối nhẹ nhõm.

Gò Vấp, ngày 7-11-2001

Nguyễn Chính Kết





________________________________________________________________________