Những ngày bị canh chừng,
theo dõi, kiểm tra hộ khẩu
Nguyễn Chính Kết

Mấy ngày nay, kể từ lúc Phương Nam Đỗ Nam Hải bị bắt vào sáng thứ năm, 23-3, ít nhất là đến bây giờ, khi tôi viết những dòng này (1g00 sáng ngày ngày 29-3), thì công an đã cho người đóng chốt ở trong sân căn nhà đối diện với ngõ vào nhà tôi, cách cổng nhà tôi khoảng 30 mét, phía bên kia một đường nhựa nhỏ. Sáng hôm 23-3 (hôm anh Phương Nam bị bắt), có người báo cho tôi biết ít nhất có 5 người lạ mặt bắt đầu xuất hiện trong sân nhà này với 3 chiếc gắn máy luôn luôn quay đầu ra ngoài trong tư thế sẵn sàng lên đường. Họ hầu hết là những thanh niên khoảng 25-30 tuổi, chỉ có một người đứng tuổi khoảng 50. Tôi tưởng họ chỉ ở đấy ban ngày, không ngờ họ ở luôn cả ban đêm.

Sáng thứ sáu, 24-3, tôi được báo là chỉ còn có 3 người. Nhưng đến sáng Chúa Nhật, 26-3, có người cho tôi biết có khoảng 7,8 người canh chừng trước ngõ nhà tôi. Họ vừa ở trong sân nhà mà họ đóng chốt, vừa ngồi ở mấy hàng quán gần đó. Người ta cũng thấy một vài người làm việc ở địa phương tới liên hệ với những người này. Lúc đó tôi không hiểu vì sao nhà cầm quyền lại đột ngột cho tăng cường so người theo dõi tôi lên như thế. Có người làm việc ở tổ dân phố còn đến dò hỏi người nhà tôi xem có tôi ở nhà không. Tôi nghi ngờ rằng họ có thể đến bắt tôi theo kiểu bắt Phương Nam Đỗ Nam Hải cách đây mấy ngày, mục đích chỉ là để xét xem trong máy vi tính của tôi có gì thôi. Tôi luôn bình tĩnh chờ đợi tất cả những gì xảy đến. Trong máy vi tính của tôi, ngoài những dữ liệu bình thường, còn có những bài do tôi viết tranh đấu cho tự do tôn giáo và cho dân chủ mà tôi đã từng đưa lên mạng Internet, và những tài liệu về dân chủ mà tôi thu thập được từ các trang web dân chủ. Tôi cho việc lưu trữ những tài liệu này thuộc quyền tự do căn bản của mọi người mà hiến pháp và luật pháp Việt Nam cũng như Công Ước Quốc Tế công nhận.

Lúc đó may quá, linh mục Nguyễn Văn Lý điện thoại cho tôi, ông cho biết là sáng hôm ấy (26-3), Gs Trần Khuê sẽ đến gặp Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện. Bấy giờ tôi mới hiểu ra tại sao họ lại tăng cường số người canh chừng và theo dõi tôi như vậy. Cách đây mấy tháng, Gs Trần Khuê cùng Ks Đỗ Nam Hải và tôi đã từng gặp Hòa Thượng tại một bệnh viện, nơi Hòa Thượng đến khám bệnh. Cuộc gặp gỡ khoảng nửa tiếng tại một góc nhỏ gần cầu thang bệnh viện. Cuộc gặp gỡ xảy ra bất ngờ đối với nhà cầm quyền, nên chúng tôi không gặp một cản trở nào cả.

Trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai này, có lẽ họ đã tìm cách cản trở Gs Trần Khuê nhưng không được, nên cuộc gặp gỡ đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Gs Trần Khuê đã gặp được hai vị chức sắc cao cấp của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất là HT Thích Quảng Độ và TT Thích Không Tánh tại Thanh Minh thiền viện. Có lẽ nhà cầm quyền nghi anh Phương Nam và tôi cũng sẽ đến gặp Hòa Thượng như đã xảy ra lần trước. Nhưng vì mấy ngày nay hai chúng tôi đều bị canh chừng nghiêm nhặt như vậy, nên Gs Khuê đã không mời chúng tôi đi. Rất có thể sáng hôm ấy, anh Phương Nam cũng ở trong hoàn cảnh đặc biệt tương tự như tôi.

Ban chiều, tôi phải đi lễ Chúa Nhật tại nhà thờ Hạnh Thông Tây. Đây là lần đầu tiên tôi ra khỏi nhà kể từ khi có những người canh chừng tôi đóng chốt gần nhà. Một người chứng kiến cho biết: tôi vừa ra khỏi ngõ nhà tôi (đối diện với nhà họ đóng chốt) thì họ liền đứng dậy nhanh như cắt. Ra khỏi ngõ, tôi vừa quẹo mặt là họ đã mở cổng và phóng xe ra liền. Người ra đầu tiên là một người đứng tuổi, đi một mình một xe vọt lên phía trước tôi để ra đường Quang Trung (cách ngõ nhà tôi 90 mét), và kế đó là hai thanh niên trên cùng một chiếc xe (xem hình bên dưới).


Nhờ coi trong hình này mà tôi biết được rằng trước lúc tôi đi lễ,
có ít nhất 5 người canh chừng tôi:
4 người có mũi tên trong hình và một người đã vọt đi trước rồi.

Anh thanh niên (mũi tên số 3), người ở lại trong sân, liền đóng cửa lại và lập tức gọi điện thoại di động cho ai đó. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng ngoài cái chốt đóng trước ngõ nhà tôi, có thể còn có một chốt nào khác nữa gần đó mà anh thanh niên này đã gọi điện thoại để báo động họ theo dõi. Người số 4 còn trong sân đang ngồi dưới một cái thang loại gấp được, đang dựng đứng ở góc sân, và ngồi trên một thanh ngang phía trong của thang.

Tôi vừa đi được 50 mét thì quay xe lại để xem những ai cũng phải quay xe lại như tôi. Đi được một khoảng, tôi lại quay xe lần nữa. Tôi quay xe lại mấy lần như vậy trên chỉ một khoảng đường 50-60 mét. Nhờ vậy, bà con ở ngoài đường đều để ý và biết mặt họ. Thấy tôi làm như vậy, họ đều tấp vào những ngõ hẻm trên đường và quay đầu xe trở ra. Khi đi qua những ngõ hẻm đó, tôi đều nhìn thấy chính những khuôn mặt đó đang nhìn tôi, và họ phóng xe theo. Đi được mấy trăm mét, tôi lại vào tiếp một ngõ hẻm khác và ngừng lại để chờ họ. Nhưng dường như họ biết là tôi sẽ dừng lại, nên họ không mắc mưu. Chờ mấy phút không thấy họ vào hẻm, tôi đi luôn con hẻm đo để ra đường.

Có anh bạn cùng đi lễ với tôi, thấy chuyện xảy ra liền quan sát và biết mặt mấy người theo dõi. Anh bạn liền đi sau xe tôi. Đến nhà thờ, tôi gửi xe vào bãi xe và vào dâng lễ. Vì tới trễ, tôi ngồi ở hàng ghế đá phía hông bên phải nhà thờ. Dâng lễ được khoảng 10 phút, anh bạn cùng đi lễ với tôi nhận thấy anh thanh niên (mũi tên số 2 trong hình) đi bộ một mình vào nhà thờ theo lối vào bãi giữ xe, nhưng bị những người giữ trật tự mời ra, vì anh ta không gửi xe nên khi anh ta đi vào lối này liền bị ban trật tự nghi ngờ là có gian ý. Sau đó, anh ta vào thẳng khuôn viên nhà thờ và đứng sau những hàng ghế đá mà tôi ngồi. Anh bạn tôi vẫn tiếp tục để ý anh này cho biết: khi tôi lấy xe ra về thì anh ta đã theo sát sau lưng tôi. Nhưng khi về nhà, tôi không thèm để ý việc họ theo dõi tôi nữa.

Sáng thứ hai, 27-3, tôi được biết là không còn ai ở trong sân nhà mà họ đóng chốt nữa, mặc dù đêm trước họ vẫn còn qua đêm ở đấy. Rất có thể họ thấy việc canh chừng tôi bị bại lộ trước khu xóm, nên tìm một chỗ đóng chốt khác. Cũng có thể họ thấy việc ngăn trở tôi gặp HT Quảng Độ đã xong, nên chỉ theo dõi toi cách lỏng lẻo thôi. Nhưng mấy người để ý chuyện xảy ra phát hiện là những khuôn mặt “quen thuộc” kia vẫn có mặt tản mác ở khu quanh nhà tôi (trong các quán, hai đầu ngõ đi vào nhà tôi, và xa xa đâu đó…) Lúc nào họ cũng có sẵn điện thoại để có thể báo cho nhau biết khi phát hiện tôi ra khỏi nhà. Điều này khiến tôi đoán rằng họ đang muốn tìm cách hạn chế tối đa việc tôi đi gặp các nhà dân chủ khác.

Tôi còn thử ra khỏi nhà nhiều lần và lần nào cũng đột ngột quay xe lại thì luôn luôn thấy có ít nhất hai khuôn mặt “quen thuộc” cố bám theo tôi.

Nghĩ về những thanh niên này, tôi thấy rất ái ngại cho họ. Họ phải mất công chờ đợi tôi suốt mấy ngày nay, lúc nào cũng phải ở trong tình trạng báo động, với tư thế sẵn sàng lên xe đuổi theo tôi ngay tức khắc. Lúc nào cũng phải trong tình trạng chờ đợi mà không sao đoán được lúc nào họ phải lên xe đuổi theo. Họ phải ngồi chờ trong trạng thái ấy đã hơn 3 ngày rồi, suốt ba ngày ấy tôi chẳng hề ra khỏi nhà. Thế mà khi xe tôi vừa ra khỏi ngõ là họ chạy bám theo ngay tức khắc, tài thật! Nếu tôi phải làm công việc như họ, chắc chắn tôi sẽ hết sức mệt moi và căng thẳng. Giả như tôi đến một nhà nào đó và ở nhà ấy cả buổi hay cả ngày, thì họ cũng phải quanh quẩn trước nhà đó suốt thời gian ấy. Trời nắng thì họ phải giãi nắng, trời mưa thì phải giãi mưa… Phải nói đây là công việc rất cực nhọc và vất vả, nhưng tiếc thay lại không phải là những công việc ích nước lợi dân, mà là ngược lại.

Vì họ phải canh gác tôi cả ngày lẫn đêm, nên tôi đoán có người thay thế họ ban đêm, nghĩa là số người canh chừng tôi còn nhiều hơn nữa. Vì họ không thể nào thức luôn cả ngày lẫn đêm trong tình trạng căng thẳng như thế.

Nhưng điều tôi ái ngại hơn cho họ, đó là họ đã hy sinh tuổi trẻ của họ để phải vất vả khó nhọc làm những điều phi lý, phi nghĩa này. Họ không ý thức được rằng họ đã hy sinh tuổi trẻ của họ để tự biến mình thành tay sai, thành công cụ cho một đảng cầm quyền phi nhân, gian ác, coi toàn dân như một bầy tôi. Thực tế cho thấy đảng này chỉ muốn dân chúng phục tùng suy tôn họ, và họ muốn giành lấy quyền bắt buộc dân chúng thế nào thì dân phải chịu như vậy, không được thở than, phê phán đảng. Ai phê phán đảng dù có đúng đến đâu thì đều là “phản động”, cần phải khống chế ngay. Để rồi một ngày kia, những thanh niên ấy sẽ thấy cả một cuộc đời của họ là một cuộc đời phi lý. Có biết bao đảng viên cộng sản trong nước cũng như trên thế giới đã cảm nghiệm được sự phi lý ấy nhưng quá muộn màng. Rất có thể ông bà cha mẹ họ, bà con thân yêu của họ đã từng là nạn nhân của cái đảng mà họ đang chấp nhận làm tay sai. Tay sai nghĩa là lệnh trên bảo theo dõi ai thì theo dõi, bảo phải đánh đấm ai thì đánh đấm, bảo không được đánh ai thì không đánh, v.v… Họ chỉ biết làm theo lệnh, không cần biết lệnh đó sai hay đúng, tốt hay xấu, chứ không biết làm theo lương tri của mình. Dần dần lương tri họ không còn là lương tri nữa. Họ đã bị vong than một cách thê thảm.

Tội nghiệp thay! Biết bao thanh niên đang phải chấp nhận một tình trạng sống như thế! Rất có thể vì áp lực của miếng cơm manh áo mà họ không sao thoát ra được!

***

Đến 12g10 đêm 28 rạng 29-3, anh công an khu vực dẫn theo một số người đến kiểm tra hộ khẩu nhà tôi như đã từng kiểm tra nhiều lần trước đây. Sau khi kiểm tra tất cả các phòng trong nhà thấy nhà tôi không vắng ai cũng không có thêm ai, họ bèn lập biên bản kiểm tra xác nhận hộ tôi chấp hành tốt quy định quản lý nhân hộ khẩu. Lần này, tôi yêu cầu họ ghi hai biên bản để tôi lưu giữ một bản.


Lần lượt từ trái qua phải: 1) Tổ trưởng dân phố: Dương Văn Quảng,
2) Công an quận Gò Vấp: Thiếu úy Trịnh Xuân Tình,
3) Công an khu vực: Đại úy Phan Văn Sáng (đang lập biên bản)

Tôi có cảm tưởng việc kiểm tra hộ khẩu này là một cách khủng bố tinh thần tôi và gia đình tôi. Những người bình thường khác dường như chẳng bao giờ bị công an đến kiểm tra hộ khẩu giữa đêm như vậy cả.

Xin những nhà thông thạo luật pháp cho tôi biết việc kiểm tra hộ khẩu gia đình tôi vào giữa đêm như thế có phù hợp với pháp luật của Việt Nam hiện hành và với công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết không. Xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Chính Kết



________________________________________________________________________