Mừng sinh nhật thứ 86
của hai nhà tranh đấu
cho quyền tự do ở trong nước
của hai nhà tranh đấu
cho quyền tự do ở trong nước
Nguyễn Chính Kết
Hai ngày liên tiếp 15&16-11-2005
là hai ngày kỷ niệm ngày sinh thứ 86 (tính theo kiểu Việt Nam)
của cụ Lm Chân Tín và của cụ Hoàng Minh Chính,
là hai vị lão thành tương đối lớn tuổi nhất đang tranh đấu cho tự do dân chủ,
chống tệ nạn xã hội và bất công áp bức ở trong nước.
Hai cụ cùng tuổi, sinh cùng tháng (11-1920) và chỉ hơn kém nhau một ngày tuổi.
là hai ngày kỷ niệm ngày sinh thứ 86 (tính theo kiểu Việt Nam)
của cụ Lm Chân Tín và của cụ Hoàng Minh Chính,
là hai vị lão thành tương đối lớn tuổi nhất đang tranh đấu cho tự do dân chủ,
chống tệ nạn xã hội và bất công áp bức ở trong nước.
Hai cụ cùng tuổi, sinh cùng tháng (11-1920) và chỉ hơn kém nhau một ngày tuổi.
Sàigòn – 6g00 chiều hôm qua (15-11-2005), tôi được cụ linh mục Chân Tín mời đến uống rượu với cụ, mừng sinh nhật thứ 86 của cụ. Cụ bảo chỉ có vài người thân tín thôi, và cùng uống rượu trong căn phòng khoảng 16 mét vuông của cụ, là văn phòng nơi cụ làm việc. Nhưng đến nơi, chúng tôi thấy có hai bàn tiệc, một trong phòng cụ và một trong phòng dạy giáo lý của cụ gần ngay đó, cũng chỉ bằng căn phòng cụ, nhưng không có đồ đạc nên có vẻ rộng hơn. Linh mục Phạm Trung Thành, một linh mục trẻ cùng dòng với cụ, bảo tôi: "Cụ chỉ dự định mời một vài người thân nhất đến chung vui với cụ thôi. Nhưng mấy linh mục trẻ trong dòng cho rằng cụ sống thêm được tuổi nào thì mừng và quý tuổi ấy, nên cần phải ăn mừng. Với tính khiêm nhường và tinh thần an bần lạc đạo, cụ chỉ chấp nhận cho các linh mục cùng dòng làm 2 bàn tiệc để cụ có thể mời đông hơn một chút thôi”. Cũng ngày này năm ngoái, nhà dòng đã tổ chức khá lớn để mừng cụ được 85 tuổi và được 60 năm khấn dòng, nên mời khoảng 100 người, tôi cũng được mời đến tham dự. Năm nay, số người đến dự tiệc chung vui với cụ chỉ được khoảng 20 người. Đương nhiên số người chỉ đến ngỏ lời chúc mừng cụ thì lớn hơn rất nhiều.
Tôi nhận thấy cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, sáng suốt, tinh thần tranh đấu vẫn kiên cường, bất khuất. Đó là điều đáng mừng không chỉ cho cụ, cho dòng của cụ, cho những cộng đoàn tôn giáo hay những người cụ đang trực tiếp phục vụ, mà còn cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ, đặc biệt cho tự do tôn giáo ở trong nước.
Thường tiếp xúc với cụ mấy năm nay, tôi nhận ra cụ là một linh mục rất gương mẫu, mực thước, hiền hòa, dễ chịu, sống rất thanh bạch, nhưng lại rất dũng cảm trong việc tranh đấu chống bất công xã hội, chống đàn áp tôn giáo, trong cả chế độ trước lẫn chế độ hiện nay. Điều đó chứng tỏ cụ chỉ hành động theo lương tâm và trách nhiệm của một công dân, và hơn thế nữa một linh mục công giáo, chứ cụ không chủ trương làm chính trị. Cứ thấy bất công, đàn áp, tệ nạn xã hội là cụ chống, chẳng cần biết những tệ nạn hay điều xấu ấy thuộc khuynh hướng chính trị nào. Chính vì thế, chính quyền nào có bất công, đàn áp người dân, tham nhũng… cũng đều coi cụ là cái gai trước mắt, nếu không nhổ đi được thì cũng phải làm sao để hạn chế tối đa khả năng gây tổn thương của cái gai ấy.
Cụ quan niệm: "giặc đến nhà đàn bà phải đánh", "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Dù là phụ nữ hay trẻ em cũng đều có trách nhiệm trước tình trạng thịnh suy, tiến lùi, tốt xấu của đất nước hay của tôn giáo mình, đừng nói gì tới một người trí thức hay một vị linh mục như cụ. Đành rằng việc tranh đấu chống bất công, chống đàn áp tôn giáo, chống vi phạm nhân quyền không ít thì nhiều đều liên quan đến chính trị, hay có ý nghĩa chính trị. Nhưng theo cụ, đó không thể là lý do để bất kỳ người công dân nào – chứ không chỉ những người Kitô hữu, giáo dân hay giáo sĩ – có thể dựa vào để miễn cho mình nghĩa vụ làm theo đòi hỏi của lương tâm, của trách nhiệm đối với quê hương và Giáo Hội. Nghĩ như thế, cụ đã không ngần ngại dấn thân vào công cuộc tranh đấu chống bất công xã hội, chống tham nhũng, chống đàn áp dân chúng… Ai nói cụ làm chính trị, cụ cũng đành phải bất chấp vì họ chưa ý thức được nghĩa vụ phải làm theo lương tâm và trách nhiệm của một người dân khi hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương như trong bốn thập niên qua.
***
Sáng nay (16-11-2005), uống cà-phê với nhau xong, anh Phương Nam Đỗ Nam Hải rủ tôi đến thăm sức khỏe cụ Hoàng Minh Chính. Cụ vừa mới đi chữa bệnh ung thư ở Hoa Kỳ về trước đây 4 ngày, hiện đang dưỡng bệnh ở nhà cô con gái út của cụ tại Sàigòn. Sau khi hỏi thăm sức khỏe cụ ông cụ bà Hoàng Minh Chính, chúng tôi mới biết hôm nay là ngày cụ ông tròn 86 tuổi, nên hai cụ có nhã ý mời hai chúng tôi ở lại dùng bữa trưa, để cùng mừng sinh nhật cụ.
Điều chúng tôi mừng nhất là thấy sức khỏe của cụ tương đối đã hồi phục sau thời kỳ bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi. Cụ vẫn nói năng sang sảng như thuở nào, chứng tỏ nội lực tinh thần của cụ vẫn còn rất dồi dào. Cụ kể lại cho chúng tôi nghe cụ đã cố gắng làm những gì có thể làm được cho phong trào dân chủ trong những ngày ngắn ngủi để chữa bệnh ở Hoa Kỳ. Lần đầu tiên tiếp chuyện với cụ, tôi nhận ra ngay lòng chân thành, tính thẳng thắn, quả cảm, kiên quyết và sự nhiệt tình của cụ đối với quê hương đất nước. Đó cũng là điều đáng mừng cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của dân tộc.
Sắp đến giờ ăn trưa, hai ông bà giáo sư Trần Khuê cũng đến đã tặng cụ một lẵng hoa để mừng sinh nhật cụ và mừng cụ trở về nước.
Sau bữa trưa, anh Phương Nam và tôi vì bận việc nên xin phép hai cụ về trước. Hai cụ đã tiễn chúng tôi ra tận cửa.
***
Đối với tôi, cụ Chân Tín và cụ Hoàng Minh Chính, hai cụ đều 86 tuổi, chỉ hơn kém nhau một ngày tuổi, là một tấm gương cho tôi về lòng yêu nước và tinh thần dấn thân cho công việc chung. Cả hai đều là những vị lão thành, đang là cánh chim đầu đàn trong hai lãnh vực tranh đấu, một đằng cho tự do tôn giáo, một đằng cho dân chủ đa nguyên. Mong rằng hai cụ mãi mãi là tấm gương yêu quê hương, yêu tôn giáo cho các thế hệ sau.
________________________________________________________________________