Ông bà Hoàng Minh Chính
vẫn chưa được yên thân
khi trở về Hà Nội

Nguyễn Chính Kết

Theo các bản tin trên internet tháng qua, sau hơn 2 tháng chữa trị trọng bệnh ung thư tại Hoa Kỳ, ngày 13-11-2005 ông Hoàng Minh Chính đã cùng với phu nhân là bà Lê Hồng Ngọc trở về Việt Nam. Từ đó đến cho đến ngày 1-12-2005, ông cùng với phu nhân nghỉ an dưỡng tại nhà cô con gái út của ông bà tại Phường Bến Thành, Quận 1, Sàigòn. Ông dự tính nghỉ an dưỡng ở đây khoảng vài tháng. Nhưng một anh công an tại phường ông tạm trú đã đến ra lệnh miệng rằng ông chỉ được ở đây 10 ngày rồi phải ra Hà Nội, và cho biết họ không bảo đảm an ninh cho ông nếu ông không tuân lệnh. Ngoài ra, gia đình ông còn bị tạt axít vào nhà bởi một vài hàng xóm và bị một đám thanh niên đến quấy phá. Thấy ở đây không được yên ổn để dưỡng bệnh như đã dự trù, ông quyết định trở về Hà Nội, hy vọng sẽ được an ổn hơn. Hai ông bà đã mua vé máy bay để về Hà Nội vào ngày 1-12-2005 cùng với người con rể.


Hình ông bà Hoàng Minh Chính còn ở nhà
trước khi ra sân bay Tân Sơn Nhất

Trong tinh thần liên đới, các ông Trần Khuê, Phương Nam Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết, đã ra sân bay Tân Sơn Nhất để tiễn hai ông bà lên máy bay về Hà Nội. Ông bà Hoàng Minh Chính, vợ chồng cô con gái của ông bà, và ba ông đã có mặt tại sân bay lúc 8g00. Trước khi chia tay hai ông bà, chúc hai ông bà lên đường bình yên. Đặc biệt chúc ông luôn giữ được sức khỏe, tinh thần cũng như thể chất, để tiếp tục con đường tranh đấu cho quê hương dân tộc đi đến tự do dân chủ thật sự; và chúc bà luôn vững vàng bên cạnh ông để nâng đỡ, khích lệ ông, nhất là cùng chia sẻ với ông những nguy hiểm, gian nan, vất vả trong cuộc đấu tranh đầy cam go này. Họ đã cũng đã cùng chụp với hai ông bà một số tấm hình kỷ niệm. Ngoài ra, cũng có hai người đàn ông đã đến lén lút quay phim hai ông bà từ xa.


Hình ông Hoàng Minh Chính
đứng trước chiếc xe chở ông ra phi trường
(đằng sau là căn nhà mang số 96/2
đối diện với nhà con gái ông,
là nhà đã tạt axít vào nhà ông)

Lúc 8g30 sáng, hai ông bà cùng với người con rể, đã vào phòng cách ly để chuẩn bị chuyến bay lúc 9g30. Tại phi trường, công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã trả lại những gì tịch thu của hai ông bà trước đây khi hai người từ Mỹ về. Mọi sự đều xảy ra tốt đẹp cho hai ông bà tại phi trường Tân Sơn Nhất. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, hai ông bà và người con rể báo tin đã về đến phi trường Nội Bài (Hà Nội) bình yên. Tại đây, hai ông bà đã được khoảng 20 người gồm những người thân, bạn bè của hai ông bà và những người bạn cùng đấu tranh cho dân chủ với ông Chính tiếp đón rất nồng nhiệt vui vẻ.

Theo thông tin từ các người thân và bạn bè của hai ông bà từ Hà Nội, khi ông bà Chính về đến nhà thì đã có khoảng 50 người dân đang tập trung tại ngõ dẫn vào nhà ông bà, số người này càng lúc càng đông hơn, dần dần lên đến cả trăm người. Khi thấy ông bà Chính về đến, họ la ó ồn ào, một số người chửi bới ông Chính, lấy cớ rằng khi còn ở Hoa Kỳ ông đã lên tiếng tố cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, nói chính sách của đảng Cộng Sản là độc tài làm đất nước tụt hậu, như vậy ông là đồ vô ơn và phản quốc. Họ còn đánh vào người ông Chính, đồng thời ném nhiều thứ dơ bẩn vào ông. Hai ông bà liền chạy vào trong nhà đóng cửa lại. Đám đông liền tràn qua cổng nhà, vào trong sân, đánh 3 người con rể và cô con gái của ông đang đứng trước cửa chịu trận không cho họ tràn vào nhà. Các con của ông bà chấp nhận chịu đòn chứ không đánh lại vì sợ gây thêm rắc rối. Người con rể cùng đi với ông bà từ Sàigòn ra bị hành hạ nặng nhất. Còn cô con gái đã bị một phụ nữ túm lấy tóc để đánh cô bằng gậy, may mà anh An, chồng cô, đã kịp thời làm văng cây gậy ra. Các con ông không cản được đám đông, nên họ đã đập phá cửa, làm vỡ cửa kiếng, thế là họ ném đá và đủ thứ dơ bẩn vào nhà.


Gs Trần Khuê đang ngỏ lời
cầu chúc hai ông bà lên đường bình an

Theo lời ông Chính trả lời phỏng vấn đài RFA, có 4 anh công an 113 hiện diện ở đấy nhưng không can thiệp. Khoảng 2g00, khi đám đông hung hăng đến cao độ, bà Chính bèn gọi điện thoại cho ông Phạm Chuyên, nguyên giám đốc sở công An Hà Nội, đang làm đại biểu Quốc Hội, để cầu cứu, nhưng ông bảo ông không can thiệp được, lấy cớ là ông không còn làm việc nữa. Thấy chính quyền bỏ mặc, ông Chính bèn cầu cứu các bạn hữu của ông như các ông Trần Khuê, Đỗ Nam Hải ở Sàigòn, và Lm Nguyễn văn Lý ở Huế. Những người này liền lập tức thông tin ra bên ngoài để tìm sự giúp đỡ hữu hiệu cho đồng bạn của mình đang gặp nguy nan cùng tột. Và đài RFA và BBC khi vừa nhận được tin liền phỏng vấn hai ông bà qua điện thoại, và mỗi đài đã phát thanh cuộc phỏng vấn của mình ngay tối hôm ấy.


Ks Phương Nam đang cầu chúc bà Chính
những điều tốt đẹp, và khích lệ bà
làm hậu phương vững chắc
cho công cuộc tranh đấu của ông
Vẫn theo lời ông Chính, chỉ khi đám đông quyết phá cửa xông vào nhà và thấy tình hình quá nguy cấp như thế mới có một anh Công An lên tiếng can thiệp. Anh hô to: "Thôi đủ rồi! đừng làm quá nữa! Thôi đi về!" Thế là đám đông đã làm theo lệnh anh công an và lục tục rút lui hết. Lúc đó, khoảng gần 3g00, hai ông bà mới dám mở cửa cho các con rể và con gái mình vào.

Trước những chuyện đã xảy ra cho ông Chính tại Sàigòn và Hà Nội mấy tuần qua, các bác sĩ chữa bệnh cho ông cũng như gia đình ông rất ái ngại cho ông: liệu những ngày sắp tới, ông cụ 86 tuổi đang bị bệnh tật này có được yên ổn để dưỡng bệnh tại nhà cho khỏi bệnh không?

Các bạn hữu ông chắc cũng tự hỏi: liệu ông có sai lầm khi quyết định nghe theo lời đe dọa của anh công an ờ Sàigòn mà về Hà Nội, hy vọng sẽ được yên ổn để chữa bệnh hơn, ngờ đâu tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa?

Những người quan tâm đến luật pháp sẽ thắc mắc: nghị định số 38/2005/NĐ-CP của chính phủ phải chăng chỉ được dùng để ngăn chặn và xử lý những trường hợp tụ họp và biểu tình gây mất trật tự xã hội để chống chính quyền, chứ không áp dụng cho trường hợp tụ họp và biểu tình để đánh phá những người đang tranh đấu cho tự do dân chủ như ông Hoàng Minh Chính? Phải chăng những người như ông thì không còn là đối tượng để luật pháp bảo vệ nữa?

Quan sát cách hành xử của các nhân viên công lực và của đám đông dân chúng, chắc hẳn phải có người tự hỏi: đây là một phản ứng tự nhiên của dân chúng hay là họ bị "giật dây"?

Còn những người đang tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ khi thấy cách hành xử của chính quyền đối với một nhà dân chủ như vậy thì sẽ sợ hãi và không dám "ngo ngoe" nữa, hay họ sẽ căm phẫn để rồi chờ cơ hội thỏa mãn căm phẫn đó?

Và cuối cùng, một thắc mắc mang tính tâm linh: liệu những người làm điều sai trái, điều ác, thì trời có dung túng mãi cho họ tiếp tục làm không? Họ có phải "trả quả" cho những hành vi của họ không?

Sàigòn, ngày 2-12-2005

Nguyễn Chính Kết




________________________________________________________________________