Công Nhân Đình Công
Lần Đầu Tiếp Xúc Với Các Nhà Dân Chủ


Bản tin sau đây của Giáo Sư Nguyễn Chính Kết gửi từ Sài Gòn, ghi nhận lần đầu tiên các nhà hoạt động dân chủ quê nhà – nơi đây là Giáo sư Kết và Phương Nam Đỗ Nam Hải – tới thăm các công nhân đình công ở Thủ Đức.

Bước chuyển biến mới của phong trào dân chủ này cho thấy thêm nỗi bất mãn của công nhân, trong đó anh Hoàng Long, một công nhân nơi đây, đã nói rằng anh sẵn sàng nói hết các nỗi đau khổ của người thợ. Bản tin của Giáo Sư Nguyễn Chính Kết viết như sau:


Công nhân công ty giày Gia Định đình công đã 3 ngày nay

Sàigòn, 14-2-2006
– Sáng nay, khi nghe tin trên internet rằng công nhân của công ty Giày Gia Định đình công đã ba ngày (từ Chúa Nhật 12-2 đến hôm nay 14-2), chúng tôi liền đến ngay công ty này để nắm bắt tình hình tại địa chỉ: 1/27, quốc lộ 13, Phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, Sàigòn


(Tên của Công ty giày Gia Định ở bức tường phía trước công ty)

Đến nơi, nhìn qua cổng của công ty, chúng tôi thấy một phần số công nhân đang đình công ở bên trong (theo mũi tên số 1 trong hình dưới), và một vài công nhân đứng bên ngoài (mũi tên số 2).


(Quang cảnh phía trước khi công nhân đang biểu tình ở bên trong)

Chúng tôi liền tìm cách gặp một vài người công nhân để hỏi thăm và đã gặp được

– 2 nữ công nhân: một người làm được 7 năm, và một người làm hơn một năm. Lương dưới 1 triệu đồng VN một tháng. Làm 2 năm thì được tăng lương 25.000 đồng (tỷ giá: 1 USD = 15.900 đồng

– một nhóm gồm 4 nam công nhân, tuổi trên 20


(Anh Phương Nam Đỗ Nam Hải đứng trước công ty)

Theo lời kể lại của các công nhân này, chúng tôi được biết:

° Chủ nhân của Công ty giày Gia Định là người Đài Loan. Phía Việt Nam chỉ đóng góp mặt bằng và một số người tham gia quản lý công ty

° Cuộc đình công bắt đầu ngày Chúa Nhật 12-2-2006. Hôm nay 14-2-2006 vẫn đang tiếp tục. Thế là đình công đã được 3 ngày

° Tinh thần của cuộc đình công là không manh động, nhưng quyết tâm đòi tăng lương, đòi chế độ bảo hiểm lao động theo luật định và các quyền lợi hợp lý khác

° Tình trạng của các công nhân đang làm việc trong công ty

– Có nhiều người không có hợp đồng bảo hiểm lao động. Vì thế, khi có đoàn kiểm tra nào xuống, thì công ty cho những người này nghỉ ở nhà để tùy nghi đối phó

– Có nhiều công nhân hiện chỉ có 15 tuổi (sinh 1991). Và cũng có những công nhân hiện 18 tuổi, nhưng đã có thâm niên làm việc ở công ty này từ 1 đến 3 năm

– Bữa ăn trưa rất tồi tệ, trị giá 3.000 đồng (# 0,2 USD, hay 20 cents

– Có một công nhân nữ nọ bị tóc cuốn vào bánh xe môtơ khiến da đầu bị lột hết. Nhưng công ty hoàn toàn tỏ ra vô trách nhiệm về tai nạn này. Tiền taxi đưa đến bệnh viện, chi phí tại bệnh viện thì do công ty tạm ứng. Nhưng về sau công ty đều trừ tất cả những chi phí ấy vào lương của đương sự, khiến cho các công nhân khác phải hùn tiền để giúp đỡ công nhân ấy

– Trong số 4 nam công nhân mà chúng tôi gặp được, có bạn HL, 22 tuổi, làm công nhân tại đây trên 2 năm, đã cho chúng tôi số điện thoại và cho biết sẵn sàng nói lên tiếng nói của mình cho thế giới bên ngoài. Như thế nghĩa là anh L đã dám vượt qua nỗi sợ vì ý thức rằng: nếu không đấu tranh thì quyền lợi của họ sẽ không bao giờ được cải thiện, vì không thể chờ đợi hay hy vọng gì vào tính tự giác của chủ


(Phương Nam Đỗ Nam Hải và bạn Hoàng Long

Lập trường của chúng tôi là:

° Nhận thức rằng: thực chất của vấn đề là sự mâu thuẫn về mặt quyền lợi giữa chủ và thợ trong công ty đã có từ rất lâu mà không được giải quyết

° Không kích động công nhân đình công, lãng công hay bãi công.

° Điều cần xác định: Vai trò của chúng tôi chỉ là những người làm cầu nối để các công nhân có thể nói lên tiếng nói trung thực của họ cho thế giới bên ngoài biết mà thôi. Chúng tôi không nói hay làm thay cho họ

Nguyễn Chính Kết



________________________________________________________________________