Cuộc du hành Na Uy để vận động cho cuộc
đấu tranh cho tự do dân chủ ở quê nhà

Nguyễn Chính Kết

Sau khi du hành Hoa Kỳ 2 tháng – từ 20-12-2006 đến 2-3-2007 – để vận động chính giới Mỹ và người Việt tại đây ủng hộ cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do dân chủ của VN, sáng 2-3-2007, tôi tới phi trường San Francisco (California) để lên đường qua Âu Châu tiếp tục công tác ngoại vận. Chiếc United Airlines 900 – chiếc máy bay chở tôi đi Na Uy – cất cánh lúc 2g13 chiều hôm ấy.

10g15 sáng 3-3-2007, máy bay đáp xuống phi trường Frankfurt (nước Đức). Tại đây, tôi chuyển sang chiếc Scandinavian 4752 để 13g40 chiều lên đường qua Na Uy. Khoảng 15g35 chiều hôm ấy, máy bay đáp xuống phi trường Oslo. Đến gần 4g30 chiều tôi mới lấy xong hành lý và ra khỏi phi trường. Có khoảng 10 anh em yêu dân chủ ở Oslo đón tôi tại cổng phi trường và cùng đưa tôi về nhà anh Nguyễn Đức Thọ, một thành viên của đảng Việt Tân tại Oslo. Là một người tranh đấu cho dân chủ trong nước và là một lãnh đạo Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam 2006, tôi cũng muốn có dịp tiếp xúc và tìm hiểu nhiều hơn về Việt Tân, một đảng thành viên của Liên Minh DCNQVN 2006, như đã từng tiếp xúc và tìm hiểu các đảng khác. Anh Thọ là người giúp tôi trong việc này nhân dịp tôi đến ở nhà anh trong thời gian tôi ở Na Uy.

Tôi công tác tại Na Uy một tuần, từ ngày 3 đến 10-3-2007, trước khi đáp máy bay sang Bỉ để tiếp tục công tác. Ngoài một số giờ đi bát phố Oslo và những sinh hoạt cần thiết, tôi dành hầu hết thì giờ để gặp chính giới Na Uy, tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại đây, trả lời các bài phỏng vấn, liên lạc với ng ười trong nước, ngoài nước và đọc mail.

Sau đây là một số những hoạt động đấu tranh ngoại vận và quốc tế vận của tôi tại Na Uy.
***

Chiều 4-3-2007, tôi tới đài phát thanh Tiếng Nước Tôi, là đài phát thanh duy nhất bằng tiếng Việt tại đây, để gặp anh Việt, người phụ trách phát thanh của đài, phỏng vấn về chuyến viếng thăm Na Uy của tôi, và về cảm tưởng trước việc nhà cầm quyền CSVN đàn áp Lm Nguyễn Văn Lý và các đảng viên Thăng Tiến chung quanh dịp tết Đinh Hợi.



Hình 1, từ trái qua phải: chuyên viên kỹ thuật, NCKết, anh Việt.

Oslo là một vùng đồi núi, nên các con đường thường quanh co và tương đối hẹp, nhà cửa mọc lên trên những độ cao khác nhau. Vì là vùng gần Bắc cực, khí hậu ở đây rất lạnh, tuyết phủ hai bên đường và phủ trên các mảnh đất ít người lai vãng. Thời tiết trong thời gian tôi ở đây dao động từ 0 ° đến 5°C. Vì thế, khi ra ngoài trời, tôi phải khoác thêm một chiếc áo choàng (pardessus) thật dầy và thêm một chiếc khăn quàng cổ.

21g00 tối thứ hai, 5-3-2007, tôi đến thăm Hòa Thượng Thích Trí Minh, một chức sắc cao cấp của Phật giáo tại Na Uy, trụ trì chùa Khuông Việt ở Oslo, để làm quen hữu nghị và vận động Hòa Thượng ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ bên nhà. Hòa Thượng cho biết ông luôn quan tâm đến vấn đề đất nước và sẵn sàng làm những gì lương tâm thúc đẩy, vì đó là điều mà một người theo lý tưởng cứu độ chúng sinh không thể sao lãng.


Hình 2: HT Đức Trí và NCK.

Ở Na Uy, trời lạnh, chỉ trừ những người phải thức dậy sớm để đi làm, nên mọi sinh hoạt thường bắt đầu tương đối trễ so với ở Việt Nam. Vì thế, sáng 06-3-2007, mãi đến 9g30 tôi mới xuống metro đến thăm Oslo Center (Trung Tâm Oslo). Hệ thống metro ở đây rất tiện lợi, giúp bộ hành Oslo có thể đi đến bất kỳ nơi nào trong thành phố.

Tại đây, 10g30, tôi gặp ông Einar Steensnæs, Giám Đốc Điều Hành trung tâm và bà Phụ Tá Giám Đốc để trình bày về tình trạng nhân quyền tại VN. Cùng đi với tôi, có bác sĩ Nguyễn Ngọc Khang, người thông dịch tiếng Na Uy giúp tôi. Trung tâm Oslo do cựu thủ tướng Na Uy vừa mãn nhiệm thành lập để cố vấn cho Quốc Hội Na Uy về những vấn đề Nhân Quyền. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Na Uy về nhân quyền rất cao, họ không chỉ tôn trọng nhân quyền trong nước họ, mà còn giúp thế giới bảo vệ nhân quyền nữa.

Hình 3: Ông Einar Steensnæs, Bs Khang, NCK và bà Phụ Tá Giám Đốc.

13g00 ngày 06-3-2007, tôi đến bộ Ngoại Giao Na Uy gặp các chuyên viên về nhân quyền đang làm việc cho bộ Ngoại Giao Na Uy. Các chuyên viên này rất vui mừng khi gặp một nhân chứng về vấn đề vi phạm nhân quyền từ Việt Nam đến với họ. Vì không muốn xuất hiện công khai trên Internet, nên họ từ chối chụp hình chung với tôi.

Đến 15g00, chúng tôi tới văn phòng của đảng Lao Động (Labor Party) thuộc Quốc Hội Na Uy. Đây là đảng đang nắm chính quyền tại nước này. Họ rất quan tâm tới tình trạng nhân quyền tại VN, nên cũng rất hứng thú khi lắng nghe tôi, với tư cách nhân chứng từ trong nước về vấn đề này. Họ đã nêu nhiều câu hỏi, và tôi đã trình bày trung thực, rõ ràng, khiến họ khá hài lòng.


Hình 4: NCK và Bs Khang với 4 đảng viên cao cấp đảng Lao Động.

15g00 chiều ngày 06-3-2007, tôi đến thăm Viện nghiên cứu giải thưởng Nobel Hòa Bình Quốc Tế (Nobel International Peace Research Institute) gặp Tiến sĩ Stein Tønnesson, Giám Đốc Viện. Ông cho biết dân tộc và chính phủ Na Uy luôn nỗ lực trong việc cổ võ hòa bình và tranh đấu cải thiện nhân quyền trên thế giới. Hiện nay, VN đang được Na Uy quan tâm.


Hình 5: NCK và ông Tønnesson, Giám Đốc Viện Nobel.

Khoảng 17g00 ngày 6-3-2007, tại cơ sở của Đảng Høyre (Đảng Bảo Thủ), bà đảng trưởng đã tổ chức một buổi hội thảo với người Việt ở Na Uy để nghe tôi trình bày về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong 3 tiếng. Tại đây, nhiều câu hỏi về tình trạng nhân quyền được đặt ra về tình trạng nhân quyền ở VN và về những phương cách mà đảng Høyre có thể yểm trợ cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở VN.

Hình 6: Ông Kristian Solkeos, nghị viên thành phố thuộc đảng Høyre,
bà Đảng trưởng Erna Solberg, Bs Khang và NCK.

Tham dự buổi hội thảo này có khoảng 80 người Việt và 4, 5 người Na Uy thuộc đảng Høyre.


Hình 7: Quang cảnh buổi hội thảo với đảng Høyre
và người Việt ở Oslo

19g00 ngày 6-3, phóng viên John Einar Sandvand của nhật báo Aftenposten đến phỏng vấn tôi về mục đích chuyến du hành Na Uy của tôi và về cuộc đấu tranh của tôi nói chung.


Hình 8: NCK, ký giả Sandvand, bác sĩ Khang.

Bài báo mang tựa đề "Hjem til Kam for demokrati" (Trở về nhà để chiến đấu cho dân chủ) của ký giả John Einar Sandvand đăng trên nhật báo Aftenposten ngày 8-3-2007 thuật lại nội dung cuộc phỏng vấn mà ông thực hiện với tôi chiều ngày 6-3-2007. Xin xem bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt bên dưới.


Hình 9: Bài báo của Sandvand bằng tiếng Na Uy.

11g30 ngày 07-3-2007, đến thăm Nobel Peace Center (Trung Tâm Hòa Bình Nobel) để nghe cô Cô Kirsti Svenning, chuyên viên về thông tin và trang web của Trung Tâm Hòa Bình Nobel (Nobel Peace Center) giải thích về những gì được trưng bày trong trung tâm này. Đây là một kiểu viện bảo tàng nhằm trưng bày và triển lãm những gì liên quan đến các nhân vật đã từng lãnh giải Nobel trên thế giới.


Hình 10: Cô Svenning và NCK trong "Vườn Hoa Nobel thế giới",
trong đó hình mỗi nhân vật là một bông hoa
giữa các cành lá là những ngọn đèn nhỏ đủ màu

Ông Nobel, người sáng lập giải Nobel Hòa Bình thế giới, năm với mục đích cổ võ cho thế giới được hòa bình hơn.


Hình 11: Hình ông Nobel.

16g00, chúng tôi thăm Human Rights House Foundation (Tổ chức Nhà Nhân Quyền). Tại đây, ông Niels Jacob Harbitz, Giám Đốc Dự Án của tổ chức này tiếp đón chúng tôi. Ông giới thiệu về tổ chức này và cùng chúng tôi hoạch định những gì có thể làm chung trong tương lai để nhân quyền được tôn trọng hơn tại VN.


Hình 12: Bs Khang, NCK, ông Harbitz.

12 giờ trưa ngày 8-3-2006, chúng tôi đến thăm ông Đô Trưởng thành phố Oslo. Ông tiếp tôi đúng một tiếng và tỏ ra thích thú lắng nghe tôi trình bày về tình trạng nhân quyền VN đang bị nhà cầm quyền vi phạm nghiêm trọng.


Hình 13: Tòa Đô Chính của thành phố Oslo.

Nhiều người tỏ ra rất ngạc nhiên về số lượng thì giờ mà ông dành để tiếp chuyện tôi. Trước khi ra về, ông tặng tôi hai cuốn sách về hình ảnh in rất đẹp viết về thành phố Oslo, một cuốn do chính ông là tác giả.


Hình 14: Ông phụ tá đô trưởng, NCK,
ông đô trưởng Pet Ditlev-Simonsen
.

15g30 chiều 8-3-2007, tôi đến bộ Ngoại Giao Na Uy. Tại đây, tôi đã được ông Raymond Johansen, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Na Uy, đón tiếp. Ông dành cho tôi 25 phút để trao đổi với tôi về tình hình nhân quyền VN. Ông biết tôi vừa bị nhà cầm quyền CSVN đọc lệnh truy nã tại nhà tôi ở VN và bị kết án 4 tháng tù vào ngày 5-3 vừa qua. Ông nói tôi nên nhớ tôi có một người bạn – là chính ông – ở Na Uy luôn theo dõi cuộc tranh đấu của tôi và sẵn sàng lên tiếng bênh vực tôi.


Hình 15: NCK và ông Raymond Johansen,
Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Na Uy
.

Sáng 9-3-2007, chúng tôi đáp máy bay tới thành phố Bjørgen, thuộc vùng bờ biển phía đông Na Uy. Sở dĩ tôi tới Na Uy là do lời mời của hội Rafto Foundation. Tương tự Trung tâm Hòa Bình Nobel, Hội Rafto Foundation cũng trao giải thưởng hàng năm, nhưng cho những người tranh đấu nhân quyền nổi tiếng trên thế giới. Năm 2006, hội này đã quyết định trao giải thưởng nhân quyền của hội cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, một nhà đấu tranh cho nhân quyền nổi tiếng ở VN.


Hình 16: Trong buổi hội thảo ban chiều về nhân quyền VN,
Giáo sư Arne Liljedahl Lynngard đang ngỏ lời với cử tọa
.

Tại đây, chúng tôi được Giáo sư Arne Liljedahl Lynngǻrd, chủ tịch hội Rafto, và vợ ông, tiếp đón suốt ngày. Ông Lynngǻrd đã bị CSVN từ chối cấp visa vào VN năm nay chỉ vì ông đã quyết định trao giải Rafto 2006 cho HT Thích Quảng Độ.


Hình 17: Quang cảnh buổi hội thảo.

17g30 chiều 9-3-2007, ông Lynngǻrd đã tổ chức một buổi hội thảo về tình hình nhân quyền tại VN và mời tôi làm diễn giả. Buổi hội thảo gồm khoảng 40 người trong phòng, đa số là người Việt. Đặc biệt có sự tham dự của bà cựu đại sứ Na Uy tại Hà Nội vào năm 1996-2000.


Hình 18: Ông Lynngǻrd trao tặng tôi món quà của ông.

Điều làm tôi rất cảm động trong buổi hội thảo là khi tôi nói tôi sẽ trở về VN để tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền bất chấp nhà cầm quyền vừa kết án tôi 4 tháng tù mà tôi sẵn sàng chấp nhận, thì cả phòng hội thảo cùng đứng dậy một lúc để tỏ lòng ngưỡng phục. Sau buổi hội thảo, trước khi chia tay, ông Lynngǻrd đã trao tặng cho tôi một cuốn sách của hội để kỷ niệm.

Sau cuộc hội thảo, ông Lynngǻrd đã gặp lại chúng tôi để bàn về những gì ông và hội Rafto có thể làm để nhân quyền ở VN được tôn trọng hơn.

21g00 tối 9-3, chúng tôi trở về phi trường Bjørgen để bay về Oslo ngay tối hôm ấy, để trưa hôm sau, 10-3-2007, tôi sẽ bay sang Bỉ để tiếp tục công tác ngoại vận và quốc tế vận của tôi tại Âu Châu.


Nguyễn Chính Kết






________________________________________________________________________