YES-or-NO-for-TPP



YES hay NO trong lựa chọn cho CSVN vào TPP?
Nguyễn Chính Kết
Hiện nay có ít nhất 2 điều tệ hại mà chúng ta không thể chấp nhận được, và lương tâm buộc chúng ta phải chống cả hai. Đó là:
1) Việt Nam bị Trung cộng biến thành một tỉnh của họ với sự tiếp tay của chế độ CSVN độc tài toàn trị.
2) Chế độ CSVN đang tìm đủ mọi cách để bảo vệ chế độ, bất chấp quyền lợi quốc gia dân tộc, nên họ:
− sẵn sàng bán đất bán biển bán nước cho Trung cộng, sẵn sàng tiếp tay giúp Trung cộng thôn tính Việt Nam (điều này đã quá rõ ràng);
− luôn luôn mạnh tay đàn áp những tiếng nói bất lợi cho mục đích của họ (đàn áp nhân quyền, khủng bố người dân để họ sợ hãi không dám phản kháng, v.v...);
− sẵn sàng bảo vệ và dung dưỡng cán bộ để họ trung thành bảo vệ chế độ (cho cán bộ được phép vi phạm pháp luật, được phép tham nhũng, cướp đất cướp của người dân, hành hung đánh chết người dân cách phi lý, v.v...)
Không cần phải nói nhiều về tội ác của chế độ CSVN vì đã có quá nhiều tài liệu và quá nhiều người nói về tình trạng này.
Tuy nhiên, giữa hai điều tệ hại này, tôi cho rằng tệ hại thứ nhất lớn và nguy hiểm gấp nhiều lần tệ hại thứ hai.
Nếu Việt Nam bị Trung cộng biến thành một tỉnh của họ, thì người dân Việt Nam chắc chắn sẽ khốn khổ hơn tình trạng hiện nay rất nhiều, vì người dân bị hai thế lực đều tàn ác chèn ép, bóc lột. Trong đó thế lực Tầu cộng tàn ác hơn Việt cộng nhiều lần. Cứ xem Cộng sản Tầu đối xử với chính người dân của họ thì biết (mổ sống người dân để cướp nội tạng, sẵn sàng bắn chết người dân biểu tình như vụ Thiên An Môn, sản xuất những thức ăn độc hại để đầu độc Người dân Việt Nam và thế giới, v.v...)
Nếu Việt Nam bị Trung cộng xâm chiếm thì việc khôi phục lại đất nước thành một nước tự do dân chủ sẽ khó hơn hiện nay rất nhiều.
Chúng ta cần so sánh giữa hai điều tệ hại để biết tệ hại nào lớn hơn tệ hại nào hầu chúng ta biết phải ưu tiên tránh tệ hại nào trước. Nếu tránh được cả hai thì đó là thượng sách. Nhưng nếu chỉ tránh được một thì phải chọn tránh tệ hại nào lớn hơn, và đó là trung sách. Nếu không thực hiện được thượng sách thì sự khôn ngoan đòi buộc phải chấp nhận trung sách.
Trước khi kết thúc, tôi xin đặt một câu hỏi để mọi người suy nghĩ về việc nên hay không nên cho CSVN vào TPP. Đó là:
Hiện nay, Trung cộng muốn Việt Nam vào TPP để Việt Nam không còn hoàn toàn lệ thuộc kinh tế Trung cộng như hiện nay, hay muốn Việt Nam không được chấp nhận vào TPP để nền kinh tế của CSVN đang gặp khủng hoảng phải hoàn toàn lệ thuộc vào họ?
Chắc chắn khi thành công vào được TPP, CSVN sẽ gia tăng đàn áp nhân quyền tương tự như khi họ đã vào được WTO khoảng 10 năm trước đây. Chúng ta đã có kinh nghiệm quá nhiều về CSVN rồi! Đừng ai mơ tưởng khác hơn! Tuy nhiên, việc đàn áp cũng sẽ không thực hiện được hoàn toàn như ý muốn của họ vì họ còn bị lệ thuộc vào các nước tự do dân chủ như Hoa Kỳ.
CSVN mà vào được TPP thì tôi không hy vọng rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam sẽ khá hơn hiện nay, nhưng tôi chắc chắn rằng tình trạng nhân quyền sẽ không tồi tệ bằng khi mà CSVN hoàn toàn bị lệ thuộc kinh tế vào Trung cộng do không vào được TPP.
Houston, ngày 11-05-2015
Nguyễn Chính Kết

Những ý kiến khác
Ý kiến của Vũ Đông Hà
Xem: Vài suy nghĩ về 5 lá phiếu thuận cho VN gia nhập TPP:
Ý kiến của Người Buôn Gió
Xem: Ý kiến của 15 tổ chức xã hội dân sự có khiến Việt Nam không gia nhập được TPP hay không?
Quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài:
"Tại sao tôi “bỏ phiếu” ủng hộ Việt Nam vào TPP?"
I/ Bản chất và mục đích của TPP
Trước hết cần phải hiểu về bản chất và mục đích của TPP: Chiến lược xoay trục của Mỹ về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm mục kiềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc về chính trị, quân sự, kinh tế và lãnh thổ. Bởi vậy Mỹ dựa vào 2 trụ cột chính để thực hiện chính sách xoay trục:
1/ Về quân sự: Mỹ sẽ chuyển dịch 60% lực lượng và thiết bị quân sự về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để bảo vệ an ninh hàng hải và răn đe Trung Quốc.
2/ Về kinh tế: Mỹ và Nhật Bản xây dựng TPP cùng 10 nước thành viên với mục đích từng bước hạn chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Thuế xuất khẩu hàng hóa trong các nước TPP chỉ từ 0-5%, bởi vậy hàng hóa xuất khẩu của các nước thành viên vào Mỹ và Nhật sẽ có giá rẻ hơn hàng hóa từ Trung Quốc. Do vậy hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên khác của TPP sẽ giảm dần. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cũng vì thế mà sẽ suy yếu.
II/ Việt Nam vào TPP có lợi gì cho việc cải thiện nhân quyền và dân chủ hóa Việt Nam?
1/ Việt Nam không vào TPP miễn phí.
Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra các yêu cầu cụ thể về việc cải thiện nhân quyền, xây dựng pháp luật và nhà nước pháp quyền với phía Việt Nam. Và chỉ khi nào phía Việt Nam đáp ứng các yêu cầu căn bản của Hoa Kỳ thì khi đó việc đàm phán TPP giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mới được kết thúc đàm phán. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ đạt những thỏa thuận tốt nhất về nhân quyền cho Nhân dân Việt Nam.
2/ Việt Nam vào TPP sẽ giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hiện tại kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về cả xuất và nhập khẩu. Nhưng khi Việt Nam vào TPP, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng nhanh chóng, từ khoảng 20 tỷ USD hiện nay, có thể lên tới 40-70 tỷ USD trong vòng vài năm. Như vậy kinh tế Việt Nam sẽ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và từng bước phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Lúc đó Hoa Kỳ có nhiều sức mạnh hơn trong việc thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền, cũng như cải cách dân chủ.
III/ Không có TPP, Việt Nam sẽ như thế nào?
1/ Chế độ CS sẽ không bao giờ sụp đổ vì không có TPP.
Chúng ta đều biết rằng cộng sản sinh ra từ nghèo đói, lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh. Họ đã từng chiến đấu chống lại các cường quốc trên thế giới. Họ chưa bao giờ bị khuất phục bởi nghèo đói, chiến tranh, bom đạn, áp lực từ bên ngoài. (Ví dụ điển hình là Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975 và giai đoạn bị cấm vận 1975-1995, Bắc Hàn, Cu Ba hiện nay).
Không có TPP, cộng sản VN sẽ càng phụ thuộc vào Trung Quốc, và phụ thuộc một cách toàn diện. Ông Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn đã từng nói là Trung Quốc sẵn sàng cho VN vay 20 tỷ USD để cứu nguy kinh tế. Như vậy Trung Quốc sẽ không bao giờ để cộng sản Việt Nam sụp đổ.
2/ Không có TPP, tình trạng nhân quyền còn tồi tệ hơn.
Chắc chắn là như vậy, lúc đó cộng sản VN không có gì để mất, họ sẽ gia tăng đàn áp, thậm chí đàn áp khốc liệt hơn hiện nay. Có thể, họ hoàn toàn làm theo mệnh lệnh từ Bắc Kinh.
IV/ Quan điểm của một vài dân biểu Hoa Kỳ
Buổi chiều ngày 6-5-2015, tôi có café với hai vị Dân biểu có quyền lực trong Quốc hội Hoa Kỳ là ông Alan Lowenthal và ông Matt Salmon. Khi họ hỏi tôi về TPP, tôi trao đổi với họ như trên. Họ đã ủng hộ quan điểm của tôi. (trong ảnh chụp tôi và hai vị Dân biểu vào chiều ngày 6-5).
V/ Kết luận:
Tôi “bỏ phiếu” để Việt Nam vào TPP bởi tôi tin tưởng vào Bộ ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để dành được kết quả tốt nhất trong việc đối thoại nhân quyền với Việt nam.
Tôi “bỏ phiếu” để Việt Nam vào TPP bởi tôi cho rằng chế độ CSVN sẽ không bị sụp đổ vì không có TPP. Nhưng chế độ CSVN được thay đổi khi Việt Nam vào TPP."
Quan điểm của Phạm Thanh Nghiên:
Tôi chỉ ủng hộ TPP theo đúng tinh thần đòi hỏi của Hiệp định này về các vấn đề Nhân quyền, Công đoàn độc lập, Minh bạch… Đây cũng chính là những vấn đề mà Nhà nước VN chưa đáp ứng (hoặc không muốn đáp ứng). Chính vì những “lấn cấn” này mà việc ký kết TPP đang lâm vào tình trạng bế tắc. Không Nhân quyền, không công đoàn độc lập, không minh bạch thì tôi nói KHÔNG với TPP.
Tái… bàn phím:
Trên tinh thần tôn trọng tất cả những ý kiến khác biệt. Vì vậy:
Tôi không cho rằng những người nói “Có” với TPP là ngu dốt, thiếu tầm nhìn, hai mang, cố tình hay hữu ý tiếp tay cho tham nhũng, củng cố địa vị độc tài cho cộng sản dẫn tới lệ thuộc vào tầu cộng.
Tôi cng không cho rằng những người nói “KHÔNG” với TPP là đang cố gắng làm cho đất nước mình nghèo nàn, nhân dân mình đói khổ, là ủng hộ cho Trung cộng.
Chả phải chúng ta đều đang nỗ lực để mang lại những điều tốt đẹp cho Dân tộc đấy sao.
Quan điểm của fb Nguyen Trung Ton:
Quan điểm của tôi về vấn đề việc Việt Nam gia nhập TPP:
Tôi là một người đang đấu tranh và sẽ tiếp tục đấu trành cho quyền và lợi ích của dân tộc. ( Mặc dù khả năng giới hạn) Tôi mong muốn xây dựng một nước Việt Nam Công bằng, dân chủ và văn minh. Muốn xã hội có công bằng, đương nhiên phải có một nên chính trị đa đảng, muốn dân chủ có thực lực thì dân trí phải được nâng cao, muốn xã hội văn minh thì ý thức cộng đồng phải được phát huy. Muốn Việt nam cường thịnh, người dân được âm no hạnh phúc chắc chắn phải tạo cho họ cơ hội tiếp xúc với các Quốc gia dân chủ tiến bộ, chủ động phát triển tiềm năng. Như vậy việc VN tham gia vào TTP cũng là một cơ hội để người dân VN tiếp xúc với thế giới tự do, nên kinh tế sẽ phát triển hơn, người dân sẽ có cơ hội nâng cao dân trí, phát huy tính cạnh tranh công bằng làm nền tảng cho một xã hội dân chủ. Nếu là người đâu tranh cho quyền lời dân tộc mà lại cố gắng làm cho đất nước mình nghèo nàn, nhân dân mình đói khổ thì thật sự là dù có dành thắng lợi cũng chẳng vinh quang chút nào. Đặc biệt là trong thời điểm này, đại đa sô người dân không bao giờ ủng hộ cho những ai đang cố tình làm cho đất nước nghèo nàn và lệ thuộc vào Trung Quốc. Tôi ủng hộ VN gia nhập TPP."
Quan điểm của anh Ngô Duy Quyền: "TPP - "YES or NO"
Mấy ngày vừa qua, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm về việc đồng tình hay phản đối với các lựa chọn "Yes" và "No" (về việc Việt Nam gia nhập TPP) trong buổi gặp gỡ giữa Đoàn Đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ với đại diện của một số tổ chức XHDS độc lập tại Hà Nội ngày 6/5/2015.
Các ý kiến đã phân tích cách khá thuyết phục lý do đưa ra cho cả lựa chọn "Yes" lẫn lựa chọn "No" và dường như ý kiến nào cũng rất đỗi hợp lý! Có nhiều ý kiến còn nhấn mạnh thêm để lý giải cho lựa chọn của mình - là người viết xuất phát từ việc đặt lợi ích dân tộc và đất nước lên trên hết (điều này quen quá vì đã nghe nhiều!).
Tôi không nghĩ rằng nếu 100% đại diện các TC XHDS có mặt chọn "No" thì Chính phủ Hoa Kỳ theo đó mà cự tuyệt VN gia nhập TPP.
Tôi cũng không nghĩ rằng 100% đại diện các TC XHDS có mặt chọn "Yes" thì Chính phủ Hoa Kỳ theo đó mà để VN gia nhập TPP vô điều kiện.
Tôi cũng biết rằng xu hướng là Hoa Kỳ sẽ chấp nhận để VN vào TPP và coi các vòng đàm phán, ngoài các thoả thuận về mậu dịch, là dịp gây sức ép lên Nhà cầm quyền VN trong việc cải thiện nhân quyền, trong đó đặc biệt là quyền của người lao động.
Tôi đã biểu quyết "NO" (nguyên văn: NO - cho đến khi thấy sự thành tâm và cải thiện trong thực tiễn) vì thực sự chưa thấy bất kỳ sự thành tâm nào từ phía Nhà cầm quyền cũng như chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc cải thiện nhân quyền ở VN trong vòng vài năm trở lại đây.
Theo hiểu biết của tôi, ngay từ khi khởi động đàm phán TPP, phía Hoa Kỳ đã thẳng thắn đặt điều kiện rằng VN muốn gia nhập TPP thì phải thể hiện thực tâm và phải có cải thiện có thể định lượng được về nhân quyền.
Hơn nữa, tôi chọn "No" vì nghĩ rằng khi có dịp được tham vấn thì ngay thẳng thể hiện những gì mình thấy và những đánh giá thực tâm về thực trạng nhân quyền ở nơi đang sống. Như vậy thì việc tham vấn mới có ý nghĩa.
Trong vài giây, trước khi biểu quyết, tôi đã băn khoăn rằng, nếu không thấy bất cứ sự thành tâm nào cũng như không có bất kỳ dấu hiệu cải thiện nhân quyền nào từ phía Nhà cầm quyền VN mà vẫn chọn "Yes" thì có phải là mình đã tỏ thái độ hoàn toàn đẩy quả bóng sang chân của phía Hoa Kỳ hay không.
Nếu có thể, quý anh chị cô bác hãy chỉ giùm:
Kể từ khi Nhà cầm quyền VN khởi động tham gia đàm phán gia nhập TPP (2010) thì họ có thực tâm cải thiện nhân quyền hay không và đâu là những dấu hiệu cải thiện - xin cảm ơn!
(Đừng quên rằng chỉ để đến buổi gặp, nhiều người đã phải dạt vòm từ vài ngày trước, nhiều người bị nhốt trong chính nhà mình, có người bị công an chế độ xông vào tận cửa nhà bắt bớ tuỳ tiện và câu lưu phi pháp!)"