NenhaykhongnenchoCSVNvaoTPP



Nên hay không nên cho CSVN vào TPP?
Nguyễn Chính Kết
Cách đây 20 năm, khi Hoa Kỳ muốn bình thường hóa quan hệ với CSVN và bãi bỏ lệnh cấm vận, rất nhiều người Việt trong và ngoài nước không đồng ý.
Nhưng thử đặt ngược lại vấn đề: giả sử Hoa Kỳ tiếp tục lệnh cấm vận CSVN đến ngày nay, thì trong 20 năm qua, vấn đề nhân quyền sẽ tệ hơn hay tốt hơn tại Việt Nam?
Và những vận động chính giới tại hải ngoại yêu cầu Hoa Kỳ và các nước dân chủ áp lực CSVN phải tôn trọng nhân quyền có thực hiện được không? và thực hiện thì kết quả được bao nhiêu? Có kết quả bằng hiện nay không?
Làm sao Hoa Kỳ có thể áp lực CSVN khi mà giữa Hoa Kỳ và CSVN không hề có tương quan ngoại giao?
Và khi CSVN không có tương quan ngoại giao và thương mại với thế giới, nhất là với Hoa Kỳ, thì Trung cộng sẽ ảnh hưởng mạnh hơn trên CSVN hay sẽ yếu đi?
Đừng nghĩ rằng CSVN sẽ thay đổi bản chất tàn bạo hay sẽ tôn trọng nhân quyền hơn khi vào được TPP. Đó là một ảo tưởng. Nhưng chắc chắn khi CSVN vào được TPP, thì Hoa Kỳ và thế giới có thể áp lực CSVN nhiều hơn, và CSVN sẽ bớt lệ thuộc vào Trung cộng hơn… Và những nỗ lực vận động chính giới tại hải ngoại mới có hy vọng buộc CSVN phải chùn tay đàn áp? (“Chùn tay đàn áp” chứ không phải “tôn trọng nhân quyền”. CSVN không bao giờ chấp nhận tôn trọng nhân quyền, nhưng có thể buộc phải “chùn tay đàn áp” khi bị áp lực từ dân chúng và từ quốc tế). Điều này thuận lợi cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước hơn.
Theo Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam tại Việt Nam giống như một tảng cao-su, hễ nhấn vào thì nó lõm xuống. Nhưng hễ rút ra thì nó trở lại tình trạng cũ.
Vì thế, đừng bao giờ hy vọng CSVN vào được TPP thì sẽ tôn trọng nhân quyền hơn, mà hãy hy vọng rằng Hoa Kỳ và thế giới có khả năng áp lực CSVN về vấn đề nhân quyền nhiều hơn. Muốn CSVN chùn tay đàn áp nhân quyền, thì phải luôn luôn áp lực CSVN bằng mọi cách, không bao giờ nên ngừng nghỉ. Cho CSVN vào TPP để CSVN giao thương với thế giới thì thế giới có nhiều phương tiện để áp lực CSVN hơn.
Lòng hận thù CSVN là một động lực rất tốt cho cuộc đấu tranh. Nhưng để lòng hận thù lấn át lý trí, và đóng vai trò chủ đạo hướng dẫn cuộc đấu tranh thì cũng rất bất lợi.
Cần phải thấy được cùng một lúc nhiều hậu quả xấu khi CSVN vào được TPP và không vào được TPP. Chúng ta cần phải so sánh những hậu quả ấy với nhau để biết được hậu quả nào xấu nhất, hậu quả nào xấu hơn, và sự khôn ngoan đòi buộc chúng ta phải chấp nhận hậu quả xấu nhỏ để tránh được hậu quả xấu lớn hơn.
Bị thôi miên bởi một hậu quả xấu khiến ta không thấy được hậu quá xấu lớn hơn, nên cố tránh hậu quả xấu nhỏ để rồi "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa" thì thật là điều chẳng ai trong chúng ta mong muốn!
Chúng ta cần có viễn kiến khi nhìn mọi vấn đề!
Hiện nay, CSVN đang theo chính sách đu giây giữa Trung cộng và Hoa Kỳ. Đó là điều mà chúng ta không muốn, thậm chí không chấp nhận. Chúng ta muốn CSVN “thoát Trung”, bỏ hẳn Trung cộng và nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ. Đó là do chúng ta so sánh hiện trạng còn rất xấu bây giờ với tình trạng mà chúng ta mong muốn.
Nhưng cách đây 20 năm, khi CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung cộng và Liên Xô, thì phải nói rằng việc tạo được tình trạng CSVN đu giây giữa Trung cộng và Hoa Kỳ là một thắng lợi, nghĩa là khiến Trung cộng và Liên Xô không còn "độc quyền" ảnh hưởng trên CSVN nữa.
Chúng ta nên nhìn nhận tình trạng xấu hiện tại để tìm cách cải thiện nó, chứ đừng làm cho nó xấu hơn. Đừng đẩy CSVN trở lại vào thế hoàn toàn lệ thuộc vào Trung cộng, về kinh tế cũng như chính trị. Đừng bít đường cho việc CSVN giao thương với thế giới và Hoa Kỳ, khiến CSVN phải bám chặt vào Trung cộng nhiều hơn để tồn tại.
Houston, ngày 18/5/2015
Nguyễn Chính Kết