Nhungbuoctiendautranhdanchu



Những bước tiến
trong cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam
Nguyễn Chính Kết
(Bài tham luận trong Tĩnh hội "Họp Mặt Dân Chủ"
tại đại học San Jose các ngày 30/5 đến 1/6/2014)
Từ khi đảng Cộng sản cướp được chính quyền tại Miền Bắc rồi Miền Nam Việt Nam và áp dụng một thể chế độc tài đảng trị lên người dân, người dân luôn luôn bị ức hiếp, bóc lột, tước đoạt tài sản, nhất là nhân quyền và dân quyền của người dân bị chà đạp một cách tàn bạo. Trong dân chúng, luôn luôn có những người bất mãn, muốn tranh đấu để đòi lại những quyền tự nhiên hay những gì bị cộng sản tước đoạt, hoặc để buộc chế độ cộng sản phải sụp đổ để thay thế bằng một chế độ tự do dân chủ. Nhưng tất cả những cuộc đấu tranh đó trong quá khứ, sớm hoặc muộn, đều bị cộng sản dẹp tan. Với sự trả thù và khủng bố vô cùng dã man đối với những người dân tỏ ra bất bình với chế độ, người dân thường rất ngại tỏ ra bất bình hay phản kháng lại chế độ. Vì thế, các thập niên 70, 80, 90 sự phản kháng của người dân lâu lâu mới bộc phát lên, và chỉ bộc phát được một thời gian trước khi bị dẹp tan. Và những người phản kháng chủ yếu là những người tuổi trung niên, và phương thức đấu tranh chủ yếu là những bài viết phê bình chính sách, đường lối hoặc những sai lầm của chế độ, được phổ biến hạn chế cách này hay cách khác.
Nhưng đến đầu thế kỷ 21, tình hình thế giới cũng như Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng. Trước hết là sự toàn cầu  hóa, các quốc gia bị lệ thuộc nhau nhiều hơn, các phương tiện Internet ngày càng được phổ biến… Vì thế, nếu muốn  tồn tại, CSVN không thể cứ “bế quan tỏa cảng” mãi, mà phải hội nhập và giao thương với thế giới, nhất là với các quốc gia dân chủ. Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước nhờ đó bắt đầu có những bước đột phá rất mạnh so với quá khứ, và tạo nên một bước ngoặt mới.
Nhờ phương tiện Internet, CSVN không thể cứ bưng bít thông tin mãi được. Những gì xảy ra trong nước, thậm chí trong nội bộ đảng CSVN, Cộng sản có muốn dấu kín cũng không được. Do muốn giao thương với thế giới, mà trong đó, những nước giầu mạnh đều là những nước tự do dân chủ, CSVN đã bị áp lực của những quốc gia này thường xuyên đòi buộc CSVN tôn trọng nhân quyền. Vì thế, khi phải tranh thủ một quyền lợi hay mục tiêu nào đó đối với quốc tế, CSVN buộc phải chùn tay đàn áp người dân cho đến khi chúng đạt được mục tiêu.
Khối 8406
Năm 2006, để giải quyết tình trạng kinh tế bị bế tắc, CSVN phải vận động quốc tế để được gia nhập BTA, WTO, nên bị quốc tế áp lực rất mạnh về nhân quyền. Chính trong bối cảnh đó, Khối 8406 ra đời quy tụ được hàng ngàn người trong và ngoài nước ghi danh tham gia, trong đó nổi bật lên những người đấu tranh rất tích cực, khiến phong trào đấu tranh trong nước cũng như hải ngoại bừng bừng khí thế. Khối 8406 được nhiều tổ chức chính trị và nhân quyền trên thế giới lên tiếng ủng hộ. Nhưng sau khi CSVN đạt được mục đích là vào được WTO và một số tổ chức quốc tế khác, chúng bắt đầu ra tay đàn áp Khối 8406. Hầu hết những thành viên tích cực của Khối đều bị đưa vào tù.
Qua bản Tuyên Ngôn của mình, Khối 8406 đã vạch ra cho mình một đường lối, sách lược đấu tranh cho tự do dân chủ. Đó là đấu tranh một cách kiên quyết, nhưng trong ôn hòa, bất bạo động nhằm thay thế chế độ độc tài toàn trị phi nhân bằng một chế độ tự do dân chủ; đồng thời tranh đấu đòi CSVN phải tôn trọng nhân quyền, trả lại quyền tự quyết cho người dân.
Điều quan trọng mà Khối 8406 đã làm được là tạo nên một khí thế đấu tranh rất mạnh mẽ, cả trong nước lẫn hải ngoại mà CSVN cho tới nay vẫn không giập tắt được, trái lại khí thế này ngày càng gia tăng. Kể từ khi Khối 8406 thành lập, cuộc đấu tranh ngày càng lớn mạnh. Cho dù hiện nay Khối 8406 không còn hoạt động mạnh mẽ được như ban đầu, vì đa số những thành viên tích cực của Khối đã vào tù, một số đã ra tù nhưng bị quản chế, một số phải ra hải ngoại tị nạn.
Nhiều thành viên Khối 8406, dù còn trong nước hay ra hải ngoại, dù bị quản chế hay còn được chút ít tự do, vẫn tích cực hoạt động hoặc công khai hoặc âm thầm. Một số đã thành lập hoặc trở nên những thành viên nòng cốt của những tổ chức xã hội dân sự, và những tổ chức này thường đấu tranh theo tinh thần và đường hướng mà Khối 8406 đã vạch ra.

Những bước tiến nhiều mặt của cuộc đấu tranh hiện nay
a) Nhân sự
Số người lên tiếng tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước mà quốc tế biết đến trong khoảng 3 thập niên, kể từ 1975 đến năm 2006 trước khi Khối 8406 được thành lập, chỉ được khoảng 50 người ([1]), đa số là những người lớn tuổi. Sau khi Khối 8406 thành lập, chỉ trong vòng một hai năm, ngoài 50 người đã kể, đã có thêm 50 người công khai đấu tranh đối kháng với nhà cầm quyền CSVN ([2]). Và cho đến nay (2014), sau khi Khối 8406 thành lập 8 năm, số người công khai đấu tranh mà thế giới biết đến đã lên đến hàng trăm, thậm chí có thể đến hàng ngàn người. Một số người mới tham gia đấu tranh khoảng 4,5 năm nay đã nổi tiếng như Việt Khang, Phương Uyên, v.v...
b) Về thành phần tham gia đấu tranh:
Kể từ thời điểm mốc 2006, người dân trong nước tham gia đấu tranh ngày càng nhiều. Nhất là hiện nay, trước nguy cơ đất nước bị Trung cộng xâm lăng, nhiều cán bộ cộng sản đã bỏ đảng và tham gia đấu tranh.
Các thành phần tham gia đấu tranh, chúng ta có thể kể:
Giới trẻ và giới sinh viên học sinh như Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, v.v…
− Giới trí thức, doanh nhân như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, v.v…
− Các cán bộ cộng sản phản tỉnh như Trần Anh Kim, Vi Đức Hồi, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, v.v…
− Các dân oan bị cướp đất cướp nhà thường xuyên biểu tình đòi công lý tại Hà Nội, Sàigòn...
− Giới công nhân với những cuộc đình công thường xuyên xảy ra tại các công ty, xí nghiệp đòi trả công xứng đáng, đòi tôn trọng nhân phẩm, đòi bảo hộ lạo động…
− Tín đồ các tôn giáo đòi quyền tự do tôn giáo, kể cả giới tu sĩ…
c) Về các tổ chức xã hội dân sự
Với tinh thần đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng nhưng lại ôn hòa và bất bạo động, những năm gần đây rộ lên nhiều tổ chức xã hội dân sự từ quần chúng nổi lên, tự động thành lập và tham gia đấu tranh, không xin phép và cũng không cần sự cho phép của nhà cầm quyền CSVN. Nhờ những phương tiện đa dạng của Internet, những tổ chức này được thành lập trên không gian mạng. Vì thế, qua Internet, các thành viên của các tổ chức này có thể thường xuyên họp hành, bàn thảo công việc, với nhau hoặc với những người đấu tranh tại hải ngoại, một cách tương đối an toàn, không sợ bị công an quấy nhiễu.
Qua lời kêu gọi biểu tình chống Trung Cộng đặt giàn khoan vào tháng 5/2014 vừa qua, chúng ta biết ít nhất có 20 tổ chức xã hội dân sự do họ đồng ký tên, trong đó có những tổ chức nổi tiếng như: Khối 8406, Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền, Hội Anh Em Dân Chủ, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Truyền thông Chúa Cứu Thế, No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn, Hội Đồng Liên Tôn, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, Phong trào Liên Đới Dân Oan,, v.v…
d) Về đối tượng đấu tranh
Ngoài những đòi hỏi về các quyền của con người, quyền tự quyết của dân tộc, quyền tư hữu đất đai, đòi công lý… trong thập niên mới đây còn có thêm những đòi hỏi:
− Đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải: chống Trung cộng xâm lược đồng thời chống thái độ nhu nhược, tiếp tay bán nước của CSVN
− Đấu tranh đòi thay đổi hiến pháp, sửa đổi luật pháp (luật đất đai, luật 258, v.v…)
Tố cáo trên Internet hoặc kiện lên toà án những quan chức nhà nước vi phạm nhân quyền, tham nhũng, hối lộ, v.v…
e) Về kỹ thuật đấu tranh:
Trong thời đại Internet, khí giới đấu tranh hiện nay là máy tính, điện thoại thông minh, máy chụp, máy quay phim, email, Skype, blog, facebook, v.v... Nhờ những phương tiện này, các nhà đấu tranh dân chủ trẻ tuổi biết tận dụng những kỹ thuật tối tân hiện đại khiến những tin tức hiện nay từ trong nước được phát tán một cách hết sức nhanh chóng, thường kèm theo đầy đủ hình ảnh, có khi là những video rất sống động. Với các điện thoại thông minh (smart phone), các nhà đấu tranh có thể chụp hình, quay phim một cách kín đáo; và chụp hình hay quay phim xong là có thể lập tức gửi ngay đến người khác. Những người này lập tức forward đến mọi người qua các phương tiện Internet: facebook, paltalk, emails, webs… Do đó, CSVN không còn có thể bưng bít thông tin về những tội ác, những vụ đàn áp phi nhân của họ được nữa.
Ngoài ra, nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại, các nhà đấu tranh có thể liên lạc, thông tin, kêu gọi, bàn thảo với nhau một cách rất dễ dàng và kín đáo. Họ không cần phải gặp gỡ nhau bên ngoài nhà của mình, mà có thể ngồi nhà mà họp bàn với nhau hàng chục người suốt mấy tiếng đồng hồ không sợ bị công an gây khó dễ. Việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, với những người đấu tranh ở hải ngoại cũng trở nên dễ dàng mà công an khó có thể ngăn cản hay theo dõi.
f) Về những hình thái đấu tranh:
Ngoài những hình thái đấu tranh mà chúng ta vẫn thường thấy như biểu tình, viết bài phổ biến trên các trang mạng, trả lời phỏng vấn trên các đài ở hải ngoại, thả bóng bay, rải truyền đơn… trong những tháng mới đây, người ta thấy xuất hiện một hình thức đấu tranh mới như:
− Tổ chức dã ngoại nhân quyền để các nhà đấu tranh có cơ hội gặp gỡ, làm quen, hiểu biết nhau… đồng thời phối hợp với việc phát tuyên ngôn nhân quyền cho các người đi đường...
− Biểu tình với biểu ngữ ngay trước cửa nhà mình khi bị công an canh chừng không cho ra khỏi nhà để biểu tình ngoài đường
Vận động chính giới ngay từ trong nước. Các nhà đấu tranh dân chủ và các dân oan chủ động đến gặp gỡ các viên chức ngoại giao của các nước dân chủ, hoặc tại tòa đại sứ hay lãnh sự của nước họ hoặc hẹn họ đến một nơi nào đó, để xin được bảo vệ, đồng thời làm nhân chứng tố cáo các hành vi sai phạm luật pháp của giới cầm quyền…
g) Về cách đối phó với bạo quyền:
Qua Internet, những người đấu tranh từng trải có thể trực tiếp truyền thụ những kinh nghiệm, sự khôn ngoan và gương can đảm hy sinh của mình cho những người mới tham gia đấu tranh. Nhờ đó, những người trẻ mới tham gia đấu tranh tránh được rất nhiều những điều bất lợi khi đối phó với công an những lần đầu. Trong cách đối phó với sự quỷ quyệt đầy thủ đoạn của công an cộng sản, họ dễ dàng có được những khôn ngoan mà các thế hệ đấu tranh trước đó phải trả giá bằng những kinh nghiệm hết sức đau thương mới có được.
Để kết luận
Cuộc đấu tranh ở trong nước hiện nay vẫn còn là một cuộc đấu tranh không cân sức. Lực lượng đấu tranh còn yếu về nhiều mặt so với lực lượng của chế độ độc tài cộng sản đang cai trị. Chúng đang nắm ưu thế về nhiều mặt: quyền lực, tiền bạc, vũ khí, quân đội, công an, lại tự do sử dụng những thủ đoạn đê hèn xấu xa mà lực lượng đấu tranh không thể làm được.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm trong quá khứ suốt 4 thập niên qua, ta thấy lực lượng đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước có nhiều bước tiến bộ, nhất là từ khi Khối 8406 được thành lập. Kể từ thời điểm mốc ấy, lực lượng đấu tranh trong nước tiến bộ có gia tốc, mới đầu tuy hơi chậm nhưng tiến bộ càng ngày càng nhanh theo cấp số nhân. Trong khi đó, lực lượng của chế độ tuy hiện nay vẫn còn mạnh, nhưng trong thập niên qua đã trở nên càng ngày càng càng suy yếu; và sự suy thoái ấy vẫn đang tiếp tục, không chỉ suy thoái liên tục theo cấp số cộng mà còn suy thoái theo gia tốc, theo cấp số nhân.  Cứ tiếp tục như thế, chắc chắn tới một thời điểm nào đó, có lẽ cũng rất gần, lực lượng đấu tranh cho tự do dân chủ sẽ ngang bằng với lực lượng của chế độ độc tài, và cũng sẽ nhanh chóng lớn mạnh vượt khỏi lực lượng của chế độ độc tài.
Sự tiến bộ có gia tốc của lực lượng đấu tranh dân chủ trong nước sở dĩ thực hiện được một phần khá lớn là nhờ sự yểm trợ từ hải ngoại. Nhưng để lực lượng đấu tranh dân chủ trong lớn mạnh theo gia tốc như thế thì sự yểm trợ từ hải ngoại cũng cần phải thích ứng theo, nghĩa là cũng cần phải gia tăng theo gia tốc. Lực lượng đấu tranh trong nước càng đông, càng tiến bộ thì nhu cầu được yểm trợ từ hải ngoại cũng gia tăng theo.
Một cách cụ thể, các nhà đấu tranh dân chủ trong nước cần được yểm trợ cụ thể:
− Bằng tài chánh để có thể tồn tại mà tiếp tục tranh đấu. Họ không thể vừa tiếp tục đấu tranh vừa nhịn đói hay nhìn thấy cảnh gia đình nheo nhóc vì bị công an bao vây kinh tế .
− Bằng các phương tiện đấu tranh hiện đại: smart phone, laptop,  máy thu âm thu hình, v.v...
− Bằng những góp ý khôn ngoan về chiến lược, chiến thuật, về phương thức đấu tranh…
− Bằng những hỗ trợ về chính trị tại hải ngoại như việc vận động chính giới, những cuộc biểu tình... để nói với thế giới thay cho người dân trong nước đang bị bịt miệng trước những đàn áp, ức hiếp, bóc lột hết sức bất công và tàn bạo của chế độ cộng sản…
− Bằng sự tiếp tay trong việc vận động quần chúng khi người Việt hải ngoại có dịp về nước tiếp xúc với người thân của mình...
Nguyễn Chính Kết


[1] Khoảng 3 thập niên trước khi Khối 8406 thành lập, số người đã từng công khai lên tiếng tranh đấu cho tự do dân chủ trong nước được ít nhất khoảng 50 người sau (xếp theo thứ tự A,B,C): 1) Nguyễn Vũ Bình, 2) Hoàng Minh Chính, 3) Tiêu Dao Bảo Cự, 4) Phạm Quế Dương, 5) Nguyễn Văn Đài, 6) Nguyễn Kim Điền, 7) Thích Quảng Độ, 8) Trần Độ, 9) Nguyễn Thanh Giang, 10) Nguyễn Hữu Giải, 11) Thích Thiện Hạnh, 12) Đỗ Nam Hải, 13) Trương Trí Hiền, 14) Nguyễn Hộ, 15) Dương Thu Hương, 16) Nguyễn Đình Huy, 17) Nguyễn Chính Kết, 18) Trần Khuê, 19) Nguyễn Ngọc Lan, 20) Đoàn Thanh Liêm, 21) Đoàn thanh Liêm, 22) Lê Quang Liêm, 23) Phan Văn Lợi, 24) Trần Văn Lương, 25) Nguyễn Văn Lý, 26) Thích Thiện Minh, 27) Tuệ Minh, 28) Hà Sĩ Phu, 29) Vũ Cao Quận, 30) Thích Huyền Quang, 31) Lê Chí Quang, 32) Nguyễn Hồng Quang, 33) Nguyễn Đan Quế, 34) Bùi Minh Quốc, 35) Phạm Hồng Sơn, 36) Thích Tuệ Sỹ, 37) Bùi Ngọc Tấn, 38) Thích Không Tánh, 39) Hoàng Tiến, 40) Trần Dũng Tiến, 41) Chân Tín, 42) Nguyễn Khắc Toàn, 43) Nguyễn Văn Trấn, 44) Nguyễn Thị Thanh Xuân, v.v...
[2] Sau khi Khối 8406 thành lập, chỉ trong vòng mấy năm, ngoài số người công khai đấu tranh kể trên, thế giới còn biết thêm ít nhất 52 người sau (xếp theo thứ tự A,B,C): 1) Đoàn Huy Chương, 2) Huỳnh Nguyên Đạo, 3) Đoàn Văn Diên, 4) Hoàng Thị Anh Đào, 5) Nguyễn Bá Đăng, 6) Trương Minh Đức, 7) Bạch Ngọc Dương, 8) Lư Thị Thu Duyên, 9) Phạm Bá Hải, 10) Vũ Hoàng Hải, 11) Nguyễn Hoàng Hải, 12) Trần Thị Lệ Hằng Nữ13), 14) Trần Mạnh Hảo , 15) Trần Quốc Hiền, 16) Trần Văn Hòa, 17) Vi Đức Hồi, 18) Lê Nguyên Hồng, 19) Vũ Hùng, 20) Trương Quốc Huy, 21) Hồ Thị Bích Khương, 22) Trần Anh Kim, 23) Nguyễn Thượng Long, 24) Nguyễn Tiến Nam, 25) Nguyễn Xuân Nghĩa, 26) Phạm Thanh Nghiên, 27) Lê Thị Công Nhân, 28) Ngô Hoài Nở, 29) Tân Vĩnh Phát, 30) Nguyễn Phong, 31) Vũ Thanh Phương, 32) Lê Quốc Quân, 33) Nguyễn Ngọc Quang, 34) Phùng Quang Quyền, 35) Ngô Quỳnh, 36) Lê Nguyên Sang, 37) Trần Đức Thạch, 38) Bùi Kim Thành, 39) Nguyễn Bình Thành, 40) Lê Thị Phương Thi, 41) Đỗ Duy Thông, 42) Lê Thị Kim Thu, 43) Trần Khải Thanh Thủy, 44) Nguyễn Thị Thu Trâm, 45) Lê Bá Triết, 46) Phạm Văn Trội, 47) Nguyễn Bắc Truyển, 48) Nguyễn Văn Túc, 49) Lê Trí Tuệ, 50) Lê Thanh Tùng, 51) Nguyễn Thị Tuyết, 52) Dương Thị Xuân, v.v…







________________________________________________________________________