Cộng sản làm gì?
Cộng sản sợ gì?
Nguyễn Chính Kết
“Đừng sợ những gì cộng sản làm, hãy làm những gì cộng sản sợ”. Đó là một trong những khẩu ngôn của nhiều người chống cộng. Nhưng muốn đi vào thực hành, cần phải xác định cho rõ cộng sản làm gì và cộng sản sợ gì, nếu không thì chúng ta sẽ chẳng áp dụng được hữu hiệu khẩu ngôn ấy.
Cộng sản làm gì?
Ở trong nước, đối với những người chống cộng, những nhà đấu tranh dân chủ, bất đồng chính kiến, dám nói sự thật về chế độ thì bị cộng sản khủng bố, sách nhiễu, tra tấn, nếu cần thì thủ tiêu, v.v... Nói chung, ai cũng sợ những phiền toái ấy. Chính sách khủng bố của cộng sản có tác dụng gây sợ hãi, làm tê liệt tinh thần đấu tranh hay chống đối của những người sợ đau, sợ khổ, sợ chết; nhưng nó không tác dụng bao nhiêu đối với những người vì lòng yêu nước, vì lương tâm đòi buộc mà sẵn sàng chấp nhận đau đớn, cực khổ, thiệt thòi, mất mát và ngay cả cái chết. Hiện nay, số người vượt qua ngưỡng cửa sợ hãi ấy để dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do dân chủ ngày càng đông, khiến nỗi sợ kia đâm ra quay trở ngược lại về phía cộng sản.
Đó là ở trong nước, còn ở hải ngoại, việc khủng bố tàn bạo ấy không có đất để thực hiện. Vậy thì chúng làm gì? − Ở hải ngoại, chúng tìm đủ mọi cách gây chia rẽ, hoang mang, làm tan nát các cộng đồng người Việt, khiến cộng đồng tuy đông người nhưng chỉ là một tập thể ô hợp, không sức mạnh. Đó là điều đáng sợ nhất đối với tất cả mọi cộng đồng, vì nếu chia rẽ, không đoàn kết, không có sức mạnh thì những người chống cộng chỉ có thể làm “trầy da tróc vẩy” được bọn chúng thôi, còn chuyện làm cho chúng sụp đổ thì còn xa vời lắm!
Do đó, chúng ta cần vô hiệu hóa nỗi sợ này, nhưng bằng cách nào đây? − Bằng cách thực hiện vế thứ hai của khẩu ngôn trên, tức là “hãy làm những gì cộng sản sợ”.
Cộng sản sợ gì?
Ở trong nước, điều làm chúng sợ nhất là người dân không còn sợ chúng nữa. Còn ở hải ngoại thì sao? Có phải chúng sợ nhất là bị chúng ta vạch mặt chỉ tên bọn nằm vùng trong hàng ngũ chống cộng không? − Bị lộ diện hẳn nhiên là bất lợi cho chúng và đương nhiên là chúng sợ. Nhưng chúng có cách đối phó và còn có thể tương kế tựu kế để dùng trò “gậy ông đập lưng ông” hầu hại lại chúng ta.
Để đối phó với chính sách ‘vạch mặt chỉ tên bọn nằm vùng’ của chúng ta, chúng có thể chủ trương: lộ người nào thì kiếm người khác thay thế. Là một đảng cướp tàn bạo và nham hiểm, chúng có dư tiền để mua chuộc những người ham tiền, ham giàu, chúng đủ phương cách để mua chuộc những người ham danh, ham sắc, ham quyền… hầu thay thế những tên nằm vùng bị lộ. Và chúng ta sẽ mất rất nhiều thì giờ và năng lực để "vạch mặt chỉ tên" bọn chúng, một công việc không biết đến bao giờ mới hết được.
Mặt khác, chúng sẽ tương kế tựu kế để lợi dụng chính sách vạch mặt này của chúng ta hầu đánh tan nát hàng ngũ chúng ta bằng cách cho bọn nằm vùng chưa lộ diện chụp mũ lung tung những người chống cộng đích thực, đồng thời khích động những người chống cộng chụp mũ lẫn nhau. Thế là hàng ngũ chống cộng hoang mang, bối rối không còn nhận ra ai chống cộng đích thực và ai là người của cộng sản nữa. Hàng ngũ chống cộng trở thành nghi ngờ lẫn nhau, khiến cộng đồng chẳng còn đoàn kết được nữa. Tình trạng này đã và đang xảy ra trong các cộng đồng Người Việt tị nạn, và hậu quả trước mắt là nhiều cộng đồng bị tan nát, bị chia hai chia ba và đánh phá lẫn nhau.
Vì thế chống cộng kiểu “vạch mặt chỉ tên” này thì lợi bất cập hại. Lợi thì hẳn nhiên có lợi, nhưng hại không phải là ít. Nhất là khi người chống cộng lại áp dụng chính phương châm của cộng sản là “thà chụp mũ lầm hơn bỏ sót”, nghĩa là mới chỉ nắm được vài điều gây nghi ngờ đã vội vàng kết án, chụp mũ. Do đó, cộng sản không sợ người chống cộng vạch mặt chỉ tên bọn chúng, thậm chí chúng còn mong điều đó vì nhờ đó, chúng mới dễ dàng phá nát cộng đồng. Trong khi chúng chỉ phải hy sinh một số tên bị lộ, còn phía chúng ta thì có biết bao người chống cộng bị nghi ngờ, bị vô hiệu hoá những nỗ lực đấu tranh của họ.
Do đó, vạch mặt chỉ tên bọn nằm vùng không phải là điều cộng sản sợ. Điều chúng sợ chính là sự đoàn kết của những người chống cộng. Chính vì thế, chúng mới ra sức phá hoại sự đoàn kết trong các cộng đồng của chúng ta bằng mọi giá. Vì nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta bảo được nhau, thống nhất được đường lối, thì chúng ta có sức mạnh. Có sức mạnh thì việc gì chúng ta cũng làm được. Đây mới chính là điều cộng sản sợ nhất. Có sức mạnh về tài chánh, chúng ta dễ dàng yểm trợ cuộc đấu tranh trong nước vốn rất cần phương tiện để đấu tranh như laptop, Internet, máy chụp, máy quay phim, máy thu âm, điện thoại… Có tài chánh, chúng ta có thể hữu hiệu hỗ trợ các nhà đấu tranh đang bị công an bao vây kinh tế, đồng thời giúp gia đình những tù nhân lương tâm có phương tiện thăm nuôi, an ủi họ. Để vận động chính giới hữu hiệu hầu yểm trợ về mặt chính trị cho cuộc đấu tranh trong nước, chúng ta cũng cần đoàn kết để có sức mạnh. Có một tiếng nói chung, các chính phủ mà chúng ta vận động sẽ nể trọng những yêu cầu của chúng ta hơn. Thiếu sức mạnh chung, chúng ta chỉ được họ lịch sự hứa hẹn sẽ nghiên cứu, sẽ đề đạt lên cấp trên, để rồi cuối cùng họ chỉ thực hiện một phần rất nhỏ những gì chúng ta yêu cầu.
Nếu chúng ta “làm những gì cộng sản sợ”, tức là tạo đoàn kết trong cộng đồng của chúng ta, thì chúng ta có thể vô hiệu hóa được tất cả “những gì cộng sản làm”.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đoàn kết là điều khó, chúng ta đã cố gắng thực hiện nhiều thập niên mà chưa thành công. Nhất là khi bọn nằm vùng tại hải ngoại hoạt động rất mạnh, lại được sự tiếp tay của những người ham danh, ham lợi trong công đồng, coi “cái tôi” cá nhân hay quyền lợi của mình quá lớn, hoặc đặt quá nặng tính phe phái nên bị chúng khéo léo sai khiến làm theo ý chúng mà không biết.
Để chống cộng hữu hiệu và tạo đoàn kết trong các cộng đồng, mỗi người cần có sự khôn khéo, vì nếu không khéo, ta vẫn có thể làm lợi cho cộng sản bằng sự thiếu suy nghĩ của ta. Lỗ Tấn, trong tác phẩm “AQ Chính truyện” có viết: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt trở thành phá hoại”. Rất nhiều người hoàn toàn không ngu dốt chút nào, nhưng chỉ vì hành động vội vàng, thiếu suy nghĩ, cân nhắc, bị cảm tính chi phối hay bị tham sân si thúc đẩy, đã trở thành những kẻ phá hoại mà vẫn cứ tưởng mình đang xây dựng.
Nếu đoàn kết là điều khó, nếu chưa làm được điều tích cực đó thì ít ra chúng ta có thể thực hiện được điều dễ hơn, đó là: “Không nói, không viết, không làm những gì có lợi cho cộng sản.”
Tại hải ngoại, điều có lợi nhất cho cộng sản là gì? − Chính là sự phân hóa, chia rẽ trong các cộng đồng người Việt. Nếu chúng ta không tiếp tay cho chúng, không nói, không viết, không làm điều gì gây chia rẽ, thì chúng ta đã bước một bước rất dài để tiến đến đoàn kết. Nếu chúng ta không để chúng kích động tự ái, tính đố kỵ, lòng ganh tị, sự hận thù cá nhân, hay tính ham danh ham lợi ham quyền của chúng ta, thì chúng khó có thể chia rẽ chúng ta được.
Bí quyết để tránh chia rẽ và tạo đoàn kết là sự bao dung và lòng khoan dung. Bao dung là ý thức được tính đa dạng trong xã hội để chấp nhận sự khác biệt giữa mình và người khác. Khoan dung là ý thức được bản tính con người vốn yếu đuối, dễ sai lầm, để rồi sẵn sàng tha thứ, bỏ qua những lầm lỗi không đáng kể. Nếu có lỗi gì cần sửa thì nên dùng phương cách nào khôn khéo nhất, “đắc nhân tâm” nhất để sửa, đồng thời cũng nên chấp nhận giới hạn khả năng sửa lỗi của đối tượng trong mức độ không gây sứt mẻ tình đoàn kết. Rất nhiều trường hợp lỗi của người mình muốn sửa không gây tác hại bao nhiêu, nhưng cách sửa lỗi của mình lại gây tai hại nhiều gấp bội lỗi lầm của người ấy.
Để tạo đoàn kết, chúng ta nên có cái nhìn tích cực. Trước một cái ly nước chưa đầy, có hai cách nhìn khác nhau: người thì nói “nó đã đầy được một nửa!”, người khác nói “còn nửa ly nữa mới đầy!” Cả hai câu đều đúng, nhưng phản ánh hai tâm trạng và hai thái độ nghịch chiều nhau. Người thì vui, người thì buồn.
Cũng như ly nước chưa đầy kia, mọi người, trong đó có những người đấu tranh cho tự do dân chủ chống độc tài cộng sản, ai cũng có những việc làm đáng khen nhưng đồng thời cũng có những việc làm đáng trách. Thái độ quá chú trọng đến phần đáng trách mà không đếm xỉa gì đến phần đáng khen, hoặc chỉ tập trung vào những điều chưa làm được mà quên đi những phần đã làm được, thì chỉ sinh bi quan và dễ làm mất lòng nhau, thậm chí chỉ gây chia rẽ mà thôi.
Để kết luận, có thể nói: Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng ta là người đấu tranh dân chủ đích thực và sáng suốt, đó là chúng ta thật sự quan tâm xây dựng đoàn kết trong cộng đồng, và tránh hết sức những gì gây chia rẽ.
Houston, ngày 10-1-2014.