CoichungKeLyGianCuaCongSan

Coi chừng kế ly gián của cộng sản!

Nguyễn Chính Kết

Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Người Việt nào cũng thuộc nằm lòng câu ấy từ hồi còn nhỏ, ai cũng chắc chắn câu ấy đúng 100%. Trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài hiện nay, ai cũng biết: muốn chiến thắng thì phải có sức mạnh, sức mạnh chỉ có được nếu biết hợp lực. Đối lực càng lớn, muốn thắng, càng phải có đông người hợp lực. Để di chuyển một tảng đá 100 kg, chỉ cần 2 hoặc 3 người hợp lực lại là đẩy được. Nhưng với tảng đá 1000 kg, thì phải có 20 hoặc 30 người. Khi có tới 100 người mà không di chuyển được tảng đá 1000 kg ấy thì cần phải nghiêm túc xét xem tại sao. Có thể tuy đông người lắm nhóm, nhưng chẳng nhóm nào đủ 20, 30 người cùng hợp lực lại một lúc, cứ hành động kiểu rời rạc: hết nhóm này đến nhóm kia ra đẩy, chẳng nhóm nào chịu cùng đẩy chung với nhóm nào. Thế là tảng đá cứ còn đó mãi. Vấn đề là: tại sao lớp này không chịu hợp tác với những lớp khác? Nói khác đi, tại sao không hợp lực lại với nhau?

Nếu hợp lực lại, chúng ta ˗những phong trào hay tổ chức đấu tranh dân chủ˗ sẽ mạnh lên. Điều này khiến cộng sản rất lo sợ. Vì chế độ độc tài mà cộng sản xây dựng tại Việt Namhơn nửa thế kỷ nay, đã mục nát và suy yếu, dân chúng đã quá chán ghét. Chúng ta mà mạnh thì chế độ độc tài ấy sẽ sụp đổ. Vì thế, cộng sản phải tìm đủ mọi cách làm chúng ta yếu đi. Làm chúng ta yếu đi không gì dễ dàng và hữu hiệu hơn là gây chia rẽ khiến chúng ta không kết hợp với nhau được. Muốn gây chia rẽ, chúng phải làm sao để chúng ta nghi ngờ nhau, ghét nhau, coi nhau như kẻ thù và đánh phá lẫn nhau. Đó là kế ly gián, thứ mưu kế mà cộng sản sử dụng rất tài tình. Đọc những bộ truyện lịch sử trên thế giới, ta thấy: khi hai nước giao chiến với nhau, người ta thường sử dụng kế ly gián để làm tan thế kết hợp của đối phương, khiến đối phương trở nên yếu. Cộng sản đang nỗ lực thực hiện kế này, nhưng chúng có thành công hay không còn tùy thuộc chúng ta có vô tình hay cố ý tiếp tay chúng hay không. Nếu chúng thành công, phải nói rằng lỗi tại chúng ta một phần rất lớn.

Có rất nhiều trường hợp chúng ta tự chia rẽ rồi đổ bừa cho cộng sản sử dụng kế ly gián. Nếu cứ hoàn toàn đổ tội cho cộng sản, rồi tự cho mình vô tội và vô trách nhiệm về tình trạng chia rẽ, thì chẳng ai cảm thấy mình cần sửa đổi điều gì. Thái độ này khiến chúng ta chẳng bao giờ tiến bộ về đoàn kết được.

Hiện nay, cộng sản biết rằng người Việt quốc gia ghét nhất, căm thù nhất là cộng sản. Vì thế, chỉ cần làm cho hàng ngũ quốc gia nghi ngờ nhau là cộng sản, thì lập tức sẽ có khuynh hướng đánh phá nhau, hoặc ít nhất là không dám kết hợp với nhau; từ đó hàng ngũ quốc gia sẽ suy yếu. Thật vậy, người quốc gia nào bị nghi ngờ hay bị chụp mũ là cộng sản sẽ bị rất nhiều người quốc gia khác chỉ trích, ghét bỏ, tẩy chay. Cộng sản còn tìm cách đổ dầu vào lửa bằng cách sáng chế ra những tin “có vẻ thực” để biến mối nghi ngờ kia trở thành những xác quyết, nhờ những người vô tình hay cố ý tiếp tay phổ biến. Đối tượng mà cộng sản muốn ly gián nhiều nhất, chính là những người chống cộng cách hữu hiệu và tích cực nhất. Làm mất uy tín những người này sẽ khiến quần chúng nghi ngờ, không ủng hộ họ nữa, thế là cộng sản đã nhờ được tay người quốc gia loại trừ những đối thủ nguy hiểm nhất của chúng.

Khi 2 người quốc gia nghi ngờ hiềm khích nhau (điều này có thể do lỗi 2 bên, mà cũng có thể do chính cộng sản gây ra), cộng sản sẽ dùng chiến thuật “đâm bị thóc, chọc bị gạo”. Chúng sẽ đóng vai người bên này để chửi bên kia, đồng thời cũng đóng vai người bên kia để mạt sát bên này bằng những bút danh khác nhau. Điều này làm người bên này tưởng người bên kia, người bên kia tưởng người bên này sát phạt mình, khiến hai bên càng thâm thù nhau hơn. Cộng sản chỉ cần đứng ngoài khích động, không cần ra tay và mỉm cười đắc thắng. Thế là câu “ngao sò đánh nhau, ngư ông thủ lợi” và câu “bất chiến tự nhiên thành” ứng nghiệm.

Để hỗ trợ kế ly gián của chúng, cộng sản tích cực khai thác và khích động những nhược điểm vốn có sẵn trong bản chất con người để đào sâu nghi kỵ. Những nhược điểm đó là:

1) Tham: là ham danh (ham địa vị, tiếng khen), ham lợi (ham của cải, tiền bạc), ham quyền (ham chức tước, quyền bính), ham lạc thú, tự cao tự đại, tự ái, muốn mọi người phải nể phục suy tôn mình…

2) Sân: là khi không đạt được những điều mình ham thì bực tức, ganh tị, đố kỵ, thù hận, trả thù, bất bao dung (không chấp nhận cho người khác khác với mình), bất khoan dung (không chấp nhận cho người khác được phép khiếm khuyết, sai lỗi, và không chấp nhận tha thứ)…

3) Si: là thiếu khôn ngoan, không nhận định được lợi-hại, đúng-sai, bạn-thù, không phân biệt được tin nào thật tin nào giả, quá dễ tin, chưa đủ bằng cớ hoặc chưa kiểm chứng mà vẫn xác quyết như “đinh đóng cột” .

Tất cả những nhược điểm ấy chỉ tóm lại trong hai chữ “cái tôi”. Ý thức quá sâu sắc về “cái tôi”, thành ra “tối”; quá nuông chiều “cái tôi”, thành ra “tồi”; đặt quá nặng “cái tôi”, thành ra “tội”. Còn “cái tôi” đúng nghĩa thì cao thượng, nhẹ nhàng, tự coi mình nhẹ như “tôi tớ” để dễ dàng phục vụ tha nhân, xã hội, đất nước.

Nếu chúng ta không chiều theo những nhược điểm này, cộng sản không thể ly gián hay chia rẽ được chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có tự thắng được chính mình hay không, có làm chủ được những nhược điểm này không. Lão Tử nói: “Thắng nhân giả hữu lực; tự thắng giả cường”, nghĩa là: thắng được người thì mới chỉ là có lực, còn thắng được chính mình mới là kẻ mạnh.

Ai cũng căm thù cộng sản mà lại cứ mắc bẫy ly gián của cộng sản thì thật đáng buồn! Ai cũng quyết tâm phải chiến thắng cộng sản, nhưng điều tối cần thiết để chiến thắng là phải hợp lực với nhau hầu có sức mạnh thì dường như chẳng mấy ai quyết tâm, nghĩ mà buồn, mà chán!

Houston, ngày 30-4-2011

Nguyễn Chính Kết



TRỞ VỀ MỤC LỤC

________________________________________