Tình trạng đàn áp tôn giáo có hệ thống
tại Việt Nam hiện nay


I. Căn bản việc vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam

Chế độ Cộng sản là một chế độ:

– Muốn cai trị duy trì quyền lực vô thời hạn, không chấp nhận bị thay thế [1]: Vì thế, họ kiểm soát chặt chẽ đời sống con người, muốn biến tất cả thành công cụ phục vụ cho chế độ, đồng thời tiêu diệt hoặc ngăn chặn tất cả những gì có hại cho sự tồn tại của chế độ [2].

– Coi tôn giáo là “thuốc phiện” mê hoặc dân chúng, cần phải tiêu diệt [3]; nếu không tiêu diệt được thì ngăn chặn, hạn chế sự phát triển và sinh hoạt của tôn giáo [4].


II. Đàn áp tôn giáo bằng hệ thống “tam quyền phân công”

Để thực hiện chủ trương trên đối với tôn giáo, CSVN dùng cả một hệ thống đàn áp tôn giáo được phối hợp bởi các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp. Ba ngành này không phải là “tam quyền phân lập”, mà là “tam quyền phân công” dưới sự chỉ huy của Bộ Chính Trị.

1) Đàn áp tôn giáo bằng luật pháp

CSVN đã ra những bộ luật, những pháp lệnh, nghị định… để đặt mọi hoạt động tôn giáo dưới sự kiểm soát của chế độ, biến tất cả những sinh hoạt tôn giáo nào bất lợi cho chế độ trở thành bất hợp pháp hay phạm pháp (như gây rối trật tự an ninh công cộng, chống người thi hành công vụ, tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN…), và biến mọi hành vi kiểm soát, đàn áp tôn giáo, chiếm đoạt đất đai, cơ sở, tài sản các tôn giáo của nhà nước trở thành hợp pháp.

Có hai văn bản pháp luật đặc biệt được dùng để thực hiện mục đích trên:

− “Pháp lệnh về tín ngưỡng, Tôn giáo” số 21/2004/QH11, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội CSVN ban hành ngày 18-06-2004, và

− “Nghị định Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, Tôn giáo” số 22/2005/CP do Chính phủ ban hành ngày 01-03-2005.

Hai văn bản pháp luật mới đọc thì có vẻ như nhằm bảo vệ tôn giáo, nhưng trên thực tế nhằm kiểm soát và khống chế các tôn giáo trên 5 bình diện: quy chế, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ quốc tế.


2) Đàn áp tôn giáo bằng tư pháp

CSVN sử dụng tòa án làm công cụ để kết án là vi phạm pháp luật tất cả những ai đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, chống lại việc nhà nước chiếm đoạt tài sản của giáo hội mình, dám sử dụng quyền tự do tôn giáo để sinh hoạt tôn giáo mà không xin phép nhà nước, hoặc dám chống lại những tội ác, những bất công, áp bức do CSVN gây ra. Tòa án chỉ là công cụ để hợp pháp hóa những bản án đã được bộ chính trị làm sẵn bằng những phiên tòa hoàn toàn mang tính hình thức.

Chẳng hạn ngày 27/03/2009 tòa án nhân dân Hà Nội đã xử phúc thẩm xử 8 giáo dân Thái Hà với tội danh “hủy hoại tài sản XHCNVN và gây rối trật tự công cộng” chỉ vì họ đòi lại đất đai của giáo xứ bị nhà nước chiếm để giao cho tư nhân sử dụng. Hoặc tòa án Đà Nẵng đã xử 6 giáo dân Cồn Dầu với tội danh “xách động dân chúng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự” chỉ vì họ chống lại việc nhà nước chiếm nghĩa trang của giáo xứ họ… trong khi công an tại đây đã tra tấn làm chết một giáo dân Cồn Dầu thì lại hoàn toàn vô can.

3) Đàn áp tôn giáo bằng hành pháp

Cơ quan hành pháp hay nhà nước CSVN chỉ là công cụ đảng Cộng sản dùng để duy trì quyền lực, bảo vệ và thực thi chế độ độc tài toàn trị, sẵn sàng đàn áp, bắt bớ, tiêu diệt bất kỳ cá nhân hay tập thể nào bất lợi cho chế độ. Nó cũng là công cụ để cướp bóc, tước đoạt đất đai, nhà cửa, tài sản của nhân dân, của các tôn giáo (dựa trên những bộ luật có đặc tính hợp pháp hóa những hành động đàn áp, cướp bóc của chế độ, chẳng hạn luật đất đai quy định chỉ nhà nước có quyền sở hữu mọi đất đai, còn nhân dân chỉ có quyền sử dụng).


III. Đàn áp tôn giáo trên nhiều mặt

Có 5 yếu tố cấu thành sinh hoạt Tôn giáo: quy chế, nhân sự, hoạt động, tài sản và quan hệ quốc tế. CSVN đã sử dụng hệ thống đàn áp trên để kiểm soát và khống chế các tôn giáo trên những yếu tố này.

a. Về quy chế :

Các tôn giáo không được công nhận có tư cách pháp nhân [5]. Vì thế các tôn giáo không có quyền lợi và được tự do hoạt động như các tổ chức dân sự khác. Muốn hoạt động, các tôn giáo phải được nhà nước cho phép chứ không phải đương nhiên được hoạt động như những tổ chức có pháp nhân. Nhờ đó, nhà nước dễ dàng kiểm soát và can thiệp vào tổ chức và hoạt động của các tôn giáo. Những tôn giáo nào muốn thoát khỏi sự kiểm soát và can thiệp này đều bị ngăn cấm hoạt động.

b. Về nhân sự :

Kiểm soát việc huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm các chức sắc, nhất là chức sắc lớn. Mọi tín đồ muốn trở thành tu sĩ hay chức sắc đều phải ghi danh tại UBND cấp xã (PL điều 21.2). Việc tuyển chọn, đào tạo, phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo đều phải xin phép nhà nước, có được nhà nước chấp nhận thì mới được thi hành [6]. Ứng viên vào các chức vụ cao cấp trong các tôn giáo phải được nhà nước cấp trung ương xét duyệt và chấp nhận thuận thì tôn giáo mới được phong chức cho họ [7].

Chương trình đào tạo các tu sĩ hay chức sắc tôn giáo phải được nhà nước xét duyệt, và phải có những môn học về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử đảng CS, nền pháp chế XHCN do các cán bộ nhà nước dạy(PL điều 24.2) [8].

Không cho các giáo dân giữ các chức vụ cao trong bộ máy công quyền, công an, quân đội, giáo dục...

c. Về hoạt động:

CSVN hạn chế các hoạt động thờ phượng, truyền giáo, giáo dục và xã hội.

Hoạt động thờ phượng của các Tôn giáo chỉ được phép thực hiện ở những nơi đã được Nhà cầm quyền cho phép như chùa, thánh đường, thánh thất, tu viện… Nhưng việc xin phép xây cất hoặc sửa chữa những nơi thờ phượng này thường gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không được chấp nhận vì những lý do rất phi lý. Điều này đặc biệt gây khó khăn rất nhiều cho các nhóm tôn giáo − ngay từ trong giáo thuyết − chủ trương sinh hoạt thờ phượng tại tư gia [9]. Những nơi được chính thức cho phép sinh hoạt thường không dám công khai cầu nguyện cho những cá nhân hoặc tập thể bị nhà cầm quyền sát hại hay đàn áp cách bất công…

Ngoài sinh hoạt thờ phượng, dạy giáo lý, đào tạo chức sắc, những sinh hoạt tôn giáo khác như truyền giáo, mở trường giáo dục, mở bệnh viện, làm công tác từ thiện xã hội (như cứu trợ thiên tai) vẫn bị hạn chế [10]. Các tôn giáo chỉ được quyền mở các trường mẫu giáo, không được thành lập trường tiểu học, trung học, đại học (như trước năm 1975 tại miền Nam). Hàng ngàn cơ sở thuộc các loại sinh hoạt bị hạn chế ấy đã bị Nhà cầm quyền tịch thu hàng chục năm nay, rất ít cơ sở được hoàn trả lại.

Nói chung, các tôn giáo không có nhà xuất bản riêng, báo chí riêng, đài phát thanh truyền hình riêng, cũng không có giờ phát thanh, phát hình trên đài của Nhà nước (vốn do tiền dân đóng thuế mà có). Trang mạng của các tín hữu, tu viện, dòng tu nào dám thông tin hoặc phê bình về những sai trái hay tội ác của chế độ, dám bênh vực công lý thì thường xuyên bị phá hoại [11].

Việc tổ chức cuộc họp quan trọng của các vị lãnh đạo tôn giáo phải xin phép nhà nước và thường bị kiểm soát và khống chế chặt chẽ [12].


d. Về tài sản :

CSVN không cho các tôn giáo trực tiếp nhận hiến tặng đất đai; không trả những đất đai cơ sở đã lấy từ 1954 hay từ 1975; còn tiếp tục cướp thêm đất đai

Tài sản của các Tôn giáo đều bị Nhà nước hoặc bảo hộ (các nơi thờ phượng), hoặc tịch thu hoàn toàn (cơ sở giáo dục, từ thiện, truyền giáo), hoặc tuyệt đối tước quyền sở hữu, chỉ cho quyền sử dụng một phần nào đó (đất đai đủ loại). Cũng có một số Nhà thờ (nơi không còn hay còn ít giáo dân) bị chiếm đoạt và rất nhiều ruộng đất (nguồn nuôi sống) bị tịch thu hẳn. Mấy năm gần đây, qua chủ trương làm Sổ đỏ để để xác nhận quyền sử dụng đất, Nhà cầm quyền đã yêu cầu các cơ sở tôn giáo chỉ khai báo số đất đang sử dụng chứ không được phép khai tổng số đất mà mình đã có quyền sở hữu từ trước năm 1975.

Nhà cầm quyền CSVN thi hành các việc vừa nói dựa trên nguyên tắc “Nhà nước quản lý đất đai” và “độc quyền giáo dục” được quy định trong Hiến pháp 1992 (điều17-18), Luật đất đai 2003 (điều 5), Nghị quyết số 23 của Quốc hội (26-11-2003) và gần đây nhất là Chỉ thị 1940 về đất đai tôn giáo (31-12-2008). Theo chỉ thị này thì những đất đai nào mà Nhà cầm quyền đã mượn hay tịch thu của các Tôn giáo sẽ không bao giờ được trả lại [13].

e. Về quan hệ quốc tế :

Điều 35 trong Pháp lệnh Tôn giáo Tín ngưỡng quy định: “Khi tiến hành các hoạt động quan hệ quốc tế sau đây phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về Tôn giáo ở trung ương: 1. Mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam hoặc triển khai chủ trương của Tổ chức Tôn giáo nước ngoài ở Việt Nam; 2. Tham gia hoạt động Tôn giáo, cử người tham gia khóa đào tạo về Tôn giáo ở nước ngoài”.

CSVN đã sử dụng điều luật này để ngăn cản nhập cảnh những chức sắc tôn giáo từng lên tiếng phê phán chế độ [14]. Họ cũng dùng điều luật này để ngăn cản xuất cảnh những chức sắc có thái độ độc lập hay dám đương đầu với Nhà cầm quyền [15]. Hoặc chấp nhận cho xuất cảnh nhưng sau đó không cho nhập cảnh trở lại [16].

CSVN sẵn sàng can thiệp trắng trợn vào mối quan hệ quốc tế của các Tôn giáo. Chẳng hạn ngày 13-17/5/2008, CSVN đã đứng ra điều hành và chi phối đại lễ Phật giáo Liên hiệp quốc Vesak 2008 tại Hà Nội và đã sử dụng Giáo hội Phật giáo Việt Nam như một Giáo hội quốc doanh và loại trừ Giáo hội Phật giáo Thống nhất là Tôn giáo chính truyền. Với Giáo Hội Công giáo, từ năm 1989 đến nay, Tòa Thánh đã phải 16 lần cử phái đoàn đến Việt Nam để thảo luận vấn đề bổ nhiệm Giám mục, thiết lập Giáo phận, thiết lập chủng viện, bang giao song phương và nhiều vấn đề khác, nhiều lần không thành công.

IV- Lường gạt quốc tế, tung hỏa mù về tự do tôn giáo:

Một đằng CSVN đàn áp thẳng tay các tôn giáo hay những chức sắc tôn giáo nào dám nói sự thật về chế độ, dám lên tiếng chống điều ác, chống bất công, đòi công lý. Một đằng họ dung dưỡng và tạo điều kiện dễ dàng cho những giáo hội, giáo phái hay chức sắc nào chấp nhận thỏa hiệp, cộng tác với chế độ, và im lặng trước những điều ác hay bất công do chế độ gây ra. Đằng khác, để đối phó với áp lực quốc tế đòi CSVN tôn trọng tự do tôn giáo, CSVN tìm đủ mọi cách lường gạt quốc tế, tung hỏa mù về tự do tôn giáo để quốc tế tưởng rằng CSVN có những tiến bộ về tự do tôn giáo nên không dùng những biện pháp chế tài đối với họ. Việc lừa gạt quốc tế này − được các chức sắc chấp nhận thỏa hiệp tiếp tay − được thực hiện như sau:

a- Cho các chức sắc nào không nguy hiểm cho chế độ được xuất ngoại hay nhập nội [17]. Khi xuất ngoại, các chức sắc này có nhiệm vụ giải độc cho chế độ về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam bằng cách này hay cách khác.

b- Cho các giáo hội hay các chức sắc có tinh thần thỏa hiệp được xây dựng các cơ sở tôn giáo hoành tráng [18].

c- Cho tổ chức các lễ hội linh đình (nhưng chỉ cho các tôn giáo hay chức sắc tôn giáo ngoan ngoãn được tổ chức, và lễ hội đó có lợi cho nhà cầm quyền về mặt uy tín, kinh tế...), biến chất các tôn giáo để chỉ còn là những “tôn giáo lễ hội” [19], và các chức sắc chỉ còn đơn giản là những “thầy cúng”, “thầy giảng”, chứ không còn là những tu sĩ, hòa thượng, giám mục, thượng tọa, linh mục, mục sư đúng nghĩa nữa.

d- Cho ấn hành những sách, báo tôn giáo nào không động tới vấn đề chính trị, không động đến sự cai trị của CS, không vạch trần sai lầm, tố cáo tội ác của CS, không đả động đến các bất công xã hội đang lan tràn khắp nơi [20].

e- Cho được bổ nhiệm những chức sắc cao cấp (để điều hành các GH) mà CS có thể sai khiến và bảo đảm được lòng trung thành [21].

_______________________

Phụ Chú


[1] Để có thể cai trị và cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân hết thế hệ này sang thế hệ khác, hầu làm giàu trên xương máu và mồ hôi nước mắt của nhân dân

[2] Bất chấp phải dùng đến những phương tiện vi hiến, phạm pháp, tàn bạo, dối trá, phi nhân

[3] Vì tôn giáo là một tiềm lực rất mạnh chủ trương khuyến thiện chống ác, là điều rất bất lợi cho những thế lực gây tội ác như chế độ Cộng sản

[4] Nhất là tìm cách biến chất tôn giáo để tôn giáo thật sự trở thành “thuốc phiện” làm tê liệt sự phản kháng hay đấu tranh của quần chúng, hoặc biến tôn giáo thành công cụ có lợi cho chế độ

[5] Dù có đủ điều kiện để có tư cách pháp nhân theo Điều 110 của Bộ luật Dân sự của Việt Nam

[6] Chẳng hạn đối với Công giáo, việc tuyển chọn các ứng viên làm linh mục, việc bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển các linh mục phải được các UBND từ cấp tỉnh trở xuống xét duyệt. Nhiều người bị từ chối, bị cầm chức hoặc không được phép thuyên chuyển nhiều năm. Để được chấp nhận cho chịu chức, nhiều người phải lo lót vàng bạc, hoặc cam kết sẽ thường xuyên làm báo cáo mật cho công an. Các chức vụ và nhiệm sở quan trọng (như Tổng đại diện giáo phận, Giám đốc của các cơ sở như Chủng viện, Trung tâm Mục vụ, Giáo xứ Chánh tòa, Trung tâm Hành hương, Linh địa Đền thánh…) phải là những chức sắc “dễ bảo”, "thuận lợi cho chế độ" hoặc ít nhất không có “tiền sự đấu tranh, chống đối”. Những vị nào từng lên tiếng cho nhân quyền, công lý, hoặc chống bất công, tham nhũng… đều gặp nhiều rắc rối trong các sinh hoạt tôn giáo, nhất là trong chuyện xuất ngoại. Chính sách này tạo điều kiện rất thuận lợi cho CSVN cài người của họ vào hàng ngũ lãnh đạo của các tôn giáo để lũng đoạn, biến chất các tôn giáo.

[7] Các ứng viên giám mục phải được Nhà cầm quyền trung ương chấp thuận dựa trên hai bản danh sách gồm nhiều ứng viên: một bản do Hội đồng Giám mục trình lên cả Tòa thánh lẫn nhà nước CSVN, và một bản do Tòa thánh trình cho nhà nước CSVN sau khi đã xét duyệt danh sách trước. Nhiều ứng viên Giám mục được Nhà cầm quyền chọn còn phải cam kết một số điều với họ. Sự can thiệp này chắc chắn khiến cho phẩm chất của những vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam hiện nay ở mọi cấp không hoàn toàn được như Tòa thánh và Dân Chúa mong đợi. Chẳng hạn các ngài sẵn sàng im lặng và thụ động trước những tội ác, bất công đầy dẫy trong xã hội mà đúng ra lương tâm buộc các ngài phải lên tiếng một cách ôn hòa. Thậm chí không dám phê phán, dù chỉ rất nhẹ nhàng, các thảm trạng và tệ nạn xã hội gây nhức nhối như nạn trục giết các thai nhi lên đến hai triệu em mỗi năm, nạn buôn bán hàng trăm ngàn phụ nữ ra nước ngoài... Hoặc trước việc nhà nước ngang nhiên chiếm đoạt cơ sở đất đai của Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội năm 2008, thô bạo triệt hạ Thánh tượng Đức Mẹ ở Giáo họ Bàu Sen, Quảng Bình năm 2009, cho nổ mìn triệt hạ Thánh Giá Chúa Kitô ở Giáo xứ Đồng Chiêm, Hà Nội năm 2010; đánh đập dã man Giáo dân và Linh mục tại Giáo xứ Tam Tòa, Quảng Bình năm 2009, hành hung Tu sĩ và Giáo dân tại Đồng Chiêm đầu năm 2010, bắn giết bừa bãi dân oan vô tội như ở Tĩnh Hải, Thanh Hóa và tại Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng thời gian gần đây….

[8] Đây cũng là cách để các cán bộ nhà nước tiếp xúc với các chức sắc tương lai để theo dõi tư tưởng, khuynh hướng chính trị của họ hầu biết cách đối phó với họ khi họ đã được phong chức và bổ nhiệm, hoặc

[9] Chẳng hạn các giáo phái Tin Lành tư gia chủ trương thờ phượng Thiên Chúa theo từng nhóm nhỏ tại tư gia tương tự như Giáo Hội thời sơ khai. Nhiều buổi thờ phượng tại tư gia của các giáo phái này đã bị công an quấy phá và những người tham dự thờ phượng bị mời thẩm vấn, đe dọa, hành hung, hoặc bị ép bỏ đạo.

[10] Sự hạn chế việc cứu trợ này dựa trên điều 5 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP ban hành ngày 14-05-2008, quy định: “Ngoài các tổ chức, đơn vị (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ trung ương và địa phương), không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

[11] Chẳng hạn trang mạng của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, trang Nữ Vương Công Lý…

[12] Chẳng hạn các cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam vẫn bị Nhà cầm quyền kiểm soát, khống chế từ chương trình, nội dung đến thông báo hay thư mục vụ. Suốt 35 năm sau biến cố 1975, nghĩa là đến năm 2010, HĐGM Việt Nam mới dám thành lập Ủy ban Công lý Hòa bình để nghiên cứu, ra chỉ thị, hướng dẫn về những vấn đề nhân phẩm, nhân quyền, xã hội, chính trị vốn đầy dẫy những điều bất thường tại Việt Nam, trong khi HĐGM ở các nước khác, dù nhỏ hơn, đều đã có Uỷ ban này từ rất lâu.

[13] Sở dĩ có Chỉ thị 140 này là vì mấy năm gần đây, các tôn giáo đứng lên đòi lại các đất đai và cơ sở đã bị Nhà cầm quyền tịch thu cách bất công và sử dụng không đúng mục đích (biến thành nơi kinh doanh hay chia chác nhau giữa các đảng viên cán bộ). Nổi cộm gần đây là vụ tòa Khâm sứ, Linh địa Thánh mẫu Giáo xứ Thái Hà, nghĩa trang giáo xứ Đồng Chiêm (Hà Nội), Nhà thờ giáo xứ Tam Tòa (Vinh), dòng Nữ tu Phaolô (Vĩnh Long), trường học của giáo xứ Loan Lý (Huế) và giáo xứ An Hải (Đà Nẵng), đất ở của người sống và đất chôn của người chết tại giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng)... Cuộc đấu tranh này của các Tôn giáo động tới một nguyên tắc nền tảng của chế độ CS và một phương tiện sống còn của đảng CS, đó là quyền công hữu (thực tế là quyền đảng hữu) mà đúng ra phải là quyền tư hữu về đất đai. Như vậy, đây không phải là tranh chấp đất đai giữa Nhà nước và Giáo hội, mà là tranh chấp giữa bạo quyền độc tài toàn trị (muốn thâu tóm mọi đất đai và tài nguyên đất nước vào tay mình) và sức mạnh của lương tri (quyết tâm bảo vệ công lý, sự thật, nhân quyền, dân chủ). Tranh chấp này hoàn toàn mang tính chính trị, liên hệ sâu xa tới công lý, nhân phẩm chứ không mang tính dân sự hay hình sự.

[14] Chẳng hạn trường hợp Lm Trần Công Nghị (thuộc TGP Los Angeles, Hoa Kỳ) năm 2006 hay Lm Trần Xuân Tâm (TGP Washington) năm 2010 khi đến phi trường Tân Sơn Nhất liền bị trục xuất. Hay như trường hợp Đức Ông Đào Đức Điềm, tháng 01-2003, từ Anh quốc được nhập cảnh nhưng sau đó bị thủ tiêu tại Huế.

[15] Như trường hợp Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền trước đây và Linh mục Nguyễn Văn Lý hiện thời

[16] như trường hợp hai chủng sinh Nguyễn Văn Chiến và Đặng Quang Tiến (vốn là linh mục “chui” gốc giáo phận Bùi Chu đã được Giám mục Phạm Văn Lộc [giáo phận Kontum] truyền chức năm 1997), nhà nước cho phép đi du học năm 2000, nhưng sau đó không cho về nước nữa (Lm Chiến hiện đang ở Hoa Kỳ và Lm Tiến đang ở Na Uy).

[17] Những vị được cho xuất ngoại hầu hết đều không nói gì bất lợi cho cộng sản, không dám nói sự thật về chế độ, hoặc tích cực hơn là nói những điều không có thực nhưng có lợi cho chế độ.

[18] Chẳng hạn nhà thờ Vườn Xoài do Lm Phan Khắc Từ cai quản.

[19] Từ ngữ mà Lm Nguyễn Ngọc Tỉnh dùng.

[20] Chẳng hạn Kinh Thánh, các loại kinh điển, lịch của các tôn giáo…

[21] Còn những vị có tinh thần độc lập hay đấu tranh thì sách nhiễu hay loại bỏ: như ĐC Kiệt và ĐC Oanh chẳng hạn.





TRỞ VỀ MỤC LỤC

_______________________________