một nhà đấu tranh dân chủ kiên cường
Nguyễn Chính Kết
(đăng trên Viet Tide số 344)
(NB: Các dữ liệu trong bài này là do ông Hoàng Minh Chính
và gia đình ông trực tiếp kể lại cho người viết)
Giáo sư Hoàng Minh Chính, một nhà đấu tranh dân chủ thuộc hàng đầu đàn trong nước vừa tạ thế tại bệnh viện Hữu Nghị, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lúc 23g08' ngày 7-2-2008 (tức đêm mùng một rạng mùng 2 tết Mậu Tý) sau một cơn bạo bệnh: ung thư tiền liệt tuyến, thọ 88 tuổi. Mặc dù biết trước ông không thể qua khỏi cơn bệnh, nhưng khi nghe tin ông mất, tôi không khỏi nuối tiếc vì các nhà đấu tranh dân chủ trong nước vốn đã quá hiếm hoi, nay lại bị mất đi thêm một người, nhất là người đó lại đang là "cánh chim đầu đàn" của phong trào dân chủ. Điều tôi lo ngại là thế hệ đấu tranh dân chủ kế thừa hiện nay chưa nhiều, nên mất đi người nào là phong trào đấu tranh dân chủ như mất đi một cái gì rất quý báu.
Tôi là người có hân hạnh được tiếp xúc với Gs Hoàng Minh Chính nhiều lần, được nghe ông tâm sự về nỗi lòng của ông trước tình cảnh đất nước, trình bày về đường lối và kế hoạch đấu tranh dân chủ của ông, nên tôi rất cảm phục về tư cách, lòng yêu nước, sự dũng cảm của ông. Nay ông mất đi, tôi cảm thấy nên viết đôi hàng về ông để bày tỏ cảm tưởng của tôi về con người, sự đấu tranh can cường và bền bỉ của ông.
Con người và cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trong lòng chế độ độc tài
Giáo sư Hoàng Minh Chính sinh năm 1920 (trong giấy tờ ghi 1922) tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Hà (gồm hai tỉnh Hà Nam và Nam Định cũ), Bắc Việt.
– 1937: Ông bắt đầu tham gia đấu tranh chống Pháp lúc ông 17 tuổi.
– 1938: Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (nhưng chỉ là đảng viên 30 năm, sau đó ra khỏi đảng trong suốt 40 năm nay).
– 1940-1943: Ở tuổi 20, ông bị thực dân Pháp bắt tù tại Sơn La cùng với một số đảng viên cộng sản khác như Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, bị kết án 10 năm biệt xứ và 10 năm khổ sai. Thời gian này, ông cùng với Nguyễn Lương Bằng làm y tá săn sóc các tù nhân khác, và làm đại diện cho các tù nhân chính trị tại Sơn La để đấu tranh đòi nhân quyền với nhà cầm quyền Pháp. Tù ở đây được 3 năm, ông, cùng với các tù nhân khác, được Pháp đưa về trại giam Hỏa Lò để chuẩn bị đưa đi Côn Sơn; khi còn ở Hỏa Lò, ông và các bạn ông đã tổ chức vượt ngục thành công.
– 1944-1957 (?): Ông được đề cử làm Tổng Thư Ký Đảng Dân chủ Việt Nam. Đảng này thành lập năm 1944 và giải thể năm 1988.
– 1957-1960: Ông được nhà nước CSVN cho đi du học Liên Xô với tư cách trưởng đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam đi học trường đảng cao cấp tại Liên Xô.
– 1961-1963: Ông trở về nước công tác tại Ủy ban Khoa học nhà nước, được mời làm Thứ trưởng bộ Giáo dục và Phó Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội, nhưng ông từ chối. Ông chỉ nhận trách nhiệm xây dựng viện Triết học Mác Lênin và trở thành viện trưởng viện này.
Trong thời gian du học ở Liên Xô, ông chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nikita Krouchtchev, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô thời ấy (từ 1953 đến 1964). Lúc ấy, giữa khối tư bản do Mỹ đứng đầu và khối Cộng sản do Liên Xô đứng đầu, có sự mâu thuẫn và xung đột mãnh liệt có thể dẫn đến thế chiến thứ ba với sự hủy diệt cả hai quốc gia đầu hai khối. Để giải quyết mâu thuẫn này, tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô là Nikita Krouchtchev chủ trương chung sống hòa bình với tư bản thay vì dùng chiến tranh nóng (xem ghi chú *1 cuối bài). Khi về nước, ông đã đề nghị lên cấp trên nhiều ý kiến theo chiều hướng tư tưởng này và được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên khuynh hướng này đi ngược lại chủ trương theo Trung Cộng và xua quân vào tấn công miền Nam Việt Nam của hai ông Lê Duẫn và Lê Đức Thọ, là hai người đang nỗ lực thâu tóm quyền lực trong tay. Vì thế, năm 1963, ông bị mất chức viện Triết học Mác Lênin, từ đó ông ở nhà và ít hoạt động cộng tác với chế độ.
– 1967-1974: Khi thế lực của phe Lê Duẫn – Lê Đức Thọ mạnh lên và Đại hội IX của đảng Cộng sản lúc ấy chủ trương theo Trung Cộng chống Liên Xô, ông đã gửi bản kiến nghị phản kháng Nghị quyết 9 của đại hội đảng. Kết quả là tháng 7-1967, ông và những người theo phe ông bị thanh trừng, bị bắt, bị khai trừ khỏi đảng, bị 5 năm tù và 3 năm quản chế vì tội "đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại chống đảng", làm gián điệp cho nước ngoài. Khởi đầu ông bị tù tại Bất Bạt (Sơn Tây), sau đó bị chuyển đi nhiều nhà tù khác. Sau Hiệp định Paris, ông được thả tù nhưng phải thi hành lệnh quản chế 3 năm tại Sơn Tây. Nhưng năm 1974, trước hạn mãn tù một năm, ông và các bạn ông đã vượt tù quản chế để về sống với gia đình tại Hà Nội.
– 1981-1990: Ông gửi một bản kiến nghị lên Quốc hội, kháng cáo về việc ông và các bạn của ông bị bắt năm 1967, với lời lẽ đầy khí phách như sau: "Công dân Hoàng Minh Chính tố cáo công dân Lê Duẫn và Lê Đức Thọ dùng quyền lực để trấn áp các công dân khác trong vụ án xét lại chống đảng". Vì thế, ông lại bị 6 năm tù (1981-1987) và 3 năm quản chế (1987-1990)
– 1995-1996: Ông lại bị bắt, bị đưa ra tòa xét xử và kết án 1 năm tù với tội danh "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nuớc, tổ chức xã hội và công dân". Lý do: chỉ vì ông đã chuyển dùm ông Đỗ Trung Hiếu Thư đề nghị cải tổ đảng của ông này lên bộ Chính trị, đến các cán bộ cao cấp nhà nước, Hồng y Phạm Đình Tụng, v.v… Còn ông Hiếu bị kết án 2 năm tù.
Như vậy, ông Hoàng Minh Chính đã bị tù 4 lần: một lần 3 năm tù thời Pháp thuộc (1940-1943, ra tù do vượt ngục), và 3 lần gồm 17 năm tù thời Cộng Sản:
– 5 năm tù (1967-1972) và 2 năm quản chế (1972-1974),
– 6 năm tù (1981-1987) và 3 năm quản chế (1987-1990),
– 1 năm tù (1995-1996).
Tổng cộng các năm bị tù và quản chế là 20 năm (nếu không có lần vượt ngục thì còn lâu hơn). Ông cho biết, nói chung, trong tù cộng sản, ông bị đối xử rất tàn tệ, chẳng hạn cơm ăn hằng ngày bị trộn cát và sạn, bị thường xuyên gây tiếng động để không ngủ được…
Gia đình ông
Ông lập gia đình năm 28 tuổi (1948). Vì ông là người đấu tranh, nên đời sống hôn nhân của ông rất bất hạnh và đáng thương vì vợ chồng ông thường xuyên phải sống xa cách nhau: "ái biệt ly khổ" (lời Phật). Vì ông hoạt động theo lòng yêu nước của mình nên cả vợ cả con ông đều phải khổ theo. Trong thời gian ông bị tù (tổng cộng 17 năm sau khi lập gia đình), vợ ông, bà Lê Hồng Ngọc, phải một mình tần tảo nuôi ba đứa con còn nhỏ ăn học. Thời ấy, nhân dân bị tuyên truyền và chưa có khả năng phán đoán độc lập bằng hiện nay, nên họ khinh rẻ, cô lập và kỳ thị gia đình ông ra mặt, họ coi vợ con ông như bọn phản quốc, phản bội nhân dân… Cuộc sống gia đình ông vì thế rất cơ cực. Bị trù dập và phân biệt đối xử, các con ông tuy học rất giỏi, đủ tiêu chuẩn để sau trung học là được đi du học nước ngoài, nhưng sau khi tốt nghiệp trung học, các con ông chỉ được nhận vào đại học nông nghiệp, không được vào các đại học khác. Người viết bài này đã từng nghe bà Lê Hồng Ngọc vợ ông, cô Trần Thị Thanh con gái út ông, kể về nỗi khổ của họ khi ông bị tù mà không khỏi não lòng (*2).
Một vài cảm nghĩ
Trong thời gian vận động dân chủ tại hải ngoại, tôi được nhiều người nói và hỏi về ông Hoàng Minh Chính. Nói chung, rất nhiều người nhìn nhận và cảm phục ông là một nhà đấu tranh dân chủ chân chính. Nhưng không ít người vẫn còn nghi ngờ ông và đảng Dân Chủ XXI do ông phục hoạt là "dân chủ cuội". Nghĩa là hoạt động theo sự đạo diễn của cộng sản trong kế hoạch tạo nên một chế độ dân chủ đa nguyên giả hiệu nhằm chuẩn bị cho các cán bộ cộng sản cao cấp "hạ cánh an toàn" khi chế độ cộng sản không thể tồn tại. Sự nghi ngờ này không phải là không có lý, nhất là khi chúng ta đã từng là nạn nhân và còn đang phải đối phó với một địch thủ vô cùng gian manh và quỷ quyệt đã nhiều lần lường gạt chúng ta, thậm chí cả thế giới, một cách quá tài tình.
Khá nhiều người đặt quá nặng nguồn gốc con người ông là người theo cộng sản từ hồi 17 tuổi và về sau là một cán bộ cao cấp của cộng sản; mà coi nhẹ chuyện ông đã phản đối chế độ và ra khỏi đảng từ 1967 đến nay. Họ chỉ nhìn thấy 30 năm ông theo đảng (vì trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm về đảng), mà quên đi 40 năm ông ra khỏi đảng vì thấy được bộ mặt thật của đảng. Hoặc quên đi lòng can đảm hiếm có của ông: dám lên tiếng vào thời cộng sản đầy sắt máu ấy. Hoặc quá dựa trên cách đối xử có vẻ như ưu đãi của nhà nước cộng sản đối với ông vào 3 năm cuối đời kể từ khi ông được Cộng Sản Việt Nam cho ông ra hải ngoại chữa bệnh. Và khi ông lâm trọng bệnh, họ chỉ thấy ông được vào bệnh viện Hữu Nghị tại Hà Nội, một bệnh viện mà người dân bình thường khó có thể vào được; mà quên đi sự việc ông và cả gia đình ông trước đó đã bị chế độ vùi dập suốt 40 năm kể từ 1967 đến nay. Đương nhiên, trong một xã hội dân chủ đích thực, ai cũng có quyền nghĩ và phát biểu theo lòng mình, dù đúng hay sai. Tuy nhiên, là một người đã từng tiếp xúc với ông, hiểu nỗi lòng của ông, tôi cũng muốn nói lên cảm nghĩ trung thực của tôi về ông.
Trước hết, việc ông được Cộng Sản Việt Nam cho phép ra hải ngoại chữa bệnh, tôi nghĩ không có vấn đề gì đáng nghi ngại. Trước khi ông xuất ngoại, dường như ai cũng nghĩ dù có ra hải ngoại, ông cũng không chữa khỏi bệnh ung thư tiền liệt tuyến đã đến giai đoạn thứ ba vốn khó thoát khỏi. Vì thế, đảng Cộng Sản Việt Nam đã áp dụng câu "giết không được, tha làm phúc", nhất là để đỡ bị mang tiếng là "bất nhân" trước thế giới. Nhưng điều không mấy ai ngờ, kể cả đảng cộng sản, là nhờ ra hải ngoại chữa bệnh, ông lại sống thêm được mấy năm, nhờ đó ông đã làm được một số việc rất có lợi cho công cuộc tranh đấu chung, cho dù ông đã không tránh được một số thiếu sót.
Còn việc ông được chữa bệnh ở bệnh viện Hữu Nghị, một bệnh viện tương đối có tiêu chuẩn cao ở Hà Nội, có thể lý giải được. Ông là một cựu đảng viên cao cấp của đảng cộng sản, dù đã ly khai (*3) nhưng đã có một thời gian phục vụ trong chế độ cộng sản. Nhất là những gì ông tranh đấu trước đây thì đến nay Cộng Sản Việt Nam đều đã thực hiện (sống chung hòa bình với tư bản, giao thiệp với Mỹ…), và dẫu sao ông cũng chỉ đấu tranh theo đường lối ôn hòa. Vì thế, ông cũng như nhiều nhà đấu tranh dân chủ khác tương tự như ông đều có chế độ lương hưu (vốn chẳng bao nhiêu)… Theo chính sách chung của nhà nước cộng sản, các bệnh viện cứ hành xử theo tiêu chuẩn của chế độ lương hưu ấy. Do đó, việc ông được vào bệnh viện Hữu Nghị điều trị không phải là một ân huệ đặc biệt của đảng Cộng Sản Việt Nam dành cho ông (*4). Vả lại, lần này ông Hoàng Minh Chính chắc chắn khó thoát khỏi cái chết, nên đảng Cộng Sản Việt Nam thấy hoàn toàn không có lợi gì – mà chỉ có hại – nếu cản trở không cho ông hưởng tiêu chuẩn chung của những người có chế độ lương lưu và đã có quá trình phục vụ xã hội như ông.
Về vấn đề này, tôi nghĩ chúng ta không nên chỉ nhìn thấy một vết đen mờ nhỏ rồi phóng đại và tô đậm nó lên, mà không nhìn thấy cả một cuộc đời tranh đấu đầy hy sinh cam khổ của ông và gia đình ông. Công bằng mà xét, một người có quá trình tranh đấu cho tự do dân chủ với nhiều năm tù đày như ông, thì giả như chế độ có thật sự ưu đãi ông một chút trước khi ông chết, thì chúng ta không thể vì lý do đó mà xóa hay quên đi tất cả những thành tích to lớn mà ông đã làm trước đó. Cách phán đoán hẹp hòi như thế hoàn toàn phản lại chính sách chiêu hồi mà chế độ miền Nam Việt Nam trước 1975 đã làm. Nếu cứ phán đoán kiểu ấy thì sẽ không một đảng viên cộng sản phản tình nào muốn hay dám trở về với hàng ngũ của chúng ta nữa, và chúng ta sẽ đẩy ngược họ lại về phía chế độ độc tài.
Vả lại, nếu chúng ta cứ nhường quyền chủ động cho chế độ cộng sản trong việc chúng ta quyết định ai là dân chủ thật ai là cuội như thế, thì chúng ta sẽ phạm phải những sai lầm rất lớn. Cộng sản – vốn rất chuyên nghiệp trong kế ly gián – mà biết rằng nếu họ ưu đãi một nhà đấu tranh nào thì lập tức chúng ta sẽ vì thế kết án đó là một nhà dân chủ cuội; còn nếu họ bạc đãi người nào thì người ấy sẽ được chúng ta coi là nhà dân chủ thật; ắt họ sẽ điều khiển chúng ta cách hữu hiệu trong việc phân định ấy. Như thế thì tội nghiệp cho một số nhà dân chủ đích thực bị hàm oan, và công cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ bị địch dùng kế ly gián biến thành công dã tràng thôi.
Trong tranh đấu, chúng ta có quyền nghi ngờ và cần phải nghi ngờ một cách có phương pháp để có cái nhìn khách quan hơn hầu kết luận chính xác hơn. Đừng nghi ngờ để rồi cứ nghi ngờ mãi, mà cần phải kiểm chứng, thí nghiệm để đi đến những kết luận chính xác. Nhất là đừng bao giờ lầm lẫn điều còn nghi ngờ với chính thực tế. Mới chỉ nghi ngờ mà đã hành động như thể sự nghi ngờ đã là thực tế rồi thì thật nguy hiểm (*5).
Thiết tưởng khi đánh giá giả-thật các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, chúng ta nên trực tiếp xét xem những gì họ nói họ làm có thật sự ích lợi cho dân chúng, cho nhân quyền, cho tự do dân chủ hay không, có tạo bất lợi cho chế độ độc tài hay không. Đừng bao giờ căn cứ vào cách đối xử của nhà cầm quyền cộng sản dành cho họ. Có như thế chúng ta mới tránh được bẫy ly giánkế và khổ nhục kế của họ.
Tóm lại, với tôi, một người đấu tranh trong nước đã từng tiếp xúc nhiều lần với Gs Hoàng Minh Chính, hoặc trực tiếp hoặc qua điện thoại, tôi nhận thấy ông là một nhà đấu tranh dân chủ thật sự, có tư cách và rất can cường. Tôi cảm thấy có lỗi với ông, người đã khuất núi, nếu không nói lên cảm nghĩ trung thực này khi ông còn đang bị nhiều người cùng đấu tranh cho tự do dân chủ như ông hiểu lầm và nghi ngờ.
_________________________________
Chú thích
(*1) Trong đại hội XX của đảng cộng sản Liên Xô năm 1956, Krouchtchev đã đưa ra một viễn ảnh mới cho thế giới cộng sản thời ấy. Ông đả kích quan điểm cũ cho rằng: giai cấp vô sản chỉ có một phương pháp duy nhất để dành chính quyền là dùng bạo lực; và mâu thuẫn giữa cộng sản & tư bản là không thể dung hòa được. Ngược lại, ông chủ trương tư bản và cộng sản có thể cùng tồn tại và cùng hợp tác trong hòa bình, vì mọi tranh chấp đều có thể giải quyết bằng thương lượng. Nhờ đó có thể chấm dứt mọi thứ chiến tranh nóng cũng như lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản, và hai bên đều có thể giải trừ quân bị để đi đến hòa bình. Chủ trương này đã bị Trung Cộng gọi là "chủ nghĩa xét lại" và công kích mạnh mẽ. Còn Liên Xô kết án Trung Cộng là đi theo chủ nghĩa giáo điều lạc hậu. Từ đó có sự rạn nứt trầm trọng giữa Liên Xô và Trung Cộng.
Trước sự chia rẽ trầm trọng của hai đàn anh Liên Xô và Trung Cộng, Bộ Chính trị Cộng sản Bắc Việt cũng bị chia rẽ:
– một số theo chủ trương bạo lực, chuyên chế của Trung Cộng, đứng đầu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Một trong những chủ trương của nhóm này xua quân xâm lăng và thôn tính miền Nam.
– một số theo chủ trương ôn hòa, sống chung hòa bình của Liên Xô, đứng đầu là Võ Nguyên Giáp. Ông Hoàng Minh Chính nằm trong nhóm người này. Nhóm này chống lại chủ trương xâm lăng miền Nam.
Sau vụ Cải cách ruộng đất bị thất bại, Trường Chinh thay mặt Hồ Chí Minh xin lỗi nhân dân và bị cách chức, thì Hồ Chí Minh tuyên bố cử Lê Duẫn làm tổng bí thư đảng cộng sản thay thế Trường Chinh. Từ đó, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ cấu kết với nhau để thanh trừng những người theo chủ trương ôn hòa kiểu Liên Xô trong vụ án "xét lại chống đảng" khiến cho hàng mấy trăm người – trong quân đội cũng như giới văn nghệ sĩ – bị đưa vào tù vào năm 1967. Người ra tù chót hết (năm 1976) trong vụ án "xét lại chống đảng" này là ông Vũ Thư Hiên.
(*2) Cô Thanh kể rằng suốt thời gian cô học cấp 1 (tiểu học), cô bị nhà trường, thầy cô giáo và các bạn đối xử kỳ thị và tỏ ra khinh miệt, khiến thời thơ ấu và đời sống học sinh của cô phải chịu nhiều nỗi tủi nhọc đắng cay. Thiết tưởng gia đình các tù nhân chính trị sau 1975 (được mệnh danh là "đi học tập cải tạo") tương đối dễ đồng cảm với gia đình ông.
(*3) Tôi nghĩ không ai cho rằng ông ly khai giả để rồi ông và gia đình ông bị cộng sản vùi dập thật suốt 40 năm. Giả như cộng sản mà có được những người cam tâm bị bách hại như thế chỉ để giúp cộng sản thi hành "khổ nhục kế" thì phải công nhận cộng sản đào tạo người quá giỏi, ngay cả các tôn giáo cũng không mấy khi đào tạo được người như thế! Điều này rõ ràng là phi lý, không ai tin được!
(*4) Tương tự như việc tôi xin gia hạn hộ chiếu (renew passport) một cách dễ dàng, đang khi tôi và nhiều nhà đấu tranh dân chủ khác đều nằm trong danh sách những người không được cấp hộ chiếu, thì không phải là do cộng sản muốn ưu đãi tôi. Đó là vì tôi đã có hộ chiếu trước khi tôi lên tiếng tranh đấu, nên khi hết hạn, tôi không xin cấp hộ chiếu mà chỉ xin gia hạn hộ chiếu trong khi nhà nước cộng sản chưa nghĩ tới chuyện phải có thêm danh sách những người không được gia hạn hộ chiếu. Do đó, nhân viên làm hộ chiếu cứ "vô tư" theo đúng thông lệ của họ mà làm thôi.
(*5) Hồi mới bắt đầu bậc trung học, khi học toán, chúng ta được dậy rằng: để chứng minh một điều gì, cần phải có đầy đủ dữ kiện như định lý được áp dụng đòi buộc mới có thể đi đến kết luận. Chẳng hạn để chứng minh hai tam giác bằng nhau, nếu mới chỉ trưng ra được một hay hai cạnh bằng nhau mà đã kết luận chúng bằng nhau thì chắc chắn sẽ bị điểm xấu. Phải có thêm một góc bằng nhau, mà góc này phải xen giữa hai cạnh bằng nhau kia mới có thể kết luận. Dẫu có thêm một góc bằng nhau, nhưng góc này không xen giữa hai cạnh thì vẫn chưa thể kết luận hai tam giác bằng nhau. Thiết tưởng trong đấu tranh chính trị vốn rất cần những phán quyết chính xác, chúng ta cũng cần áp dụng nguyên tắc sơ đẳng ấy. Nếu mới chỉ có một hai dữ kiện thứ yếu mà đã vội kết luận và xác quyết như đinh đóng cột một điều mà chúng ta chỉ mới nghi ngờ thì quả là tai hại!