Tiểu sử
Nguyễn Chính Kết





Tôi là Nguyễn chính Kết, sinh năm 1952, tại làng Bến Thôn, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (bây giờ là Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 40 km).

Năm 1954, khi 2 tuổi, tôi được cha mẹ đưa vào Nam, ngụ tại Xóm Mới, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Tôi trải qua thời thơ ấu tại đây.

Học xong tiểu học, tôi vào tiểu chủng viện thánh Giuse, thuộc giáo phận Sàigòn để tu học làm linh mục. Hết trung học, tôi lên tu học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X (Pontifical College St Pius X), Đà Lạt, đồng thời theo học ban Triết Học tại Đại học Đà Lạt. Giáo Hoàng Học Viện Piô X là một phân khoa thần học và triết học do các giáo sư ngoại quốc ở các đại học công giáo quốc tế về dạy, và do các linh mục ngoại quốc dòng Tên phụ trách quản lý, mục đích là đào tạo nên những linh mục tương lai cho Việt Nam.

Năm 1975, miền Nam bị Cộng Sản thôn tính. Tôi còn tu học thêm 3 năm nữa, đến cuối năm 1978, tôi xuất tu, vì thấy đời sống linh mục không thích hợp với tôi.

Năm 1983, tôi lập gia đình, rồi có hai cháu: cháu gái sinh năm 1984 và cháu trai sinh năm 1993. Hiện ngụ tại 6/8A, đường Quang Trung, Phường 12, Quận Gò Vấp, Sàigòn. Sau khi xuất tu và lập gia đình, tôi vẫn tiếp tục phục vụ Giáo Hội với tư cách giáo dân bằng nhiều cách khác nhau cho đến ngày nay, chẳng hạn:

– điều hành ca đoàn, làm giáo lý viên, đào tạo giáo lý viên…

– phục vụ hôn nhân gia đình: nghiên cứu những vấn đề về gia đình, dạy giáo lý hôn nhân, viết bài trong các báo lưu hành nội bộ về hôn nhân gia đình...

– tiếp tục nghiên cứu Kinh Thánh và thần học, đặc biệt những vấn đề mới trong Giáo Hội Công giáo (như hội nhập văn hóa, thần học á châu, tìm hiểu và đối thoại với các tôn giáo khác…), thỉnh thoảng thuyết trình về những vấn đề đó khi được mời.

– viết báo (*1), viết bài thường xuyên trên một số trang web công giáo (*2), viết sách… Tôi đã viết khoảng 10 cuốn sách, chủ yếu về những chủ đề tôn giáo nêu trên, nhưng mới chỉ xuất bản tại Mỹ cuốn "Ngôn sứ thời đại mới" (do nhóm Diễn đàn Giáo dân in)(*3).

– dạy triết học tại một số tu viện tại Sàigòn (*4).

– cộng tác với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong một vài tiểu ban của Hội Đồng về Giáo dân, về Hội Nhập Văn Hóa…

– hoạt động hội đoàn công giáo: từng sinh hoạt và làm huynh trưởng trong các hội đoàn như cộng đoàn Couples For Christ hay Gia Đình Cùng Theo Chúa (gốc Philippines ) (*5), cộng đoàn Giuse-Maria- Martin (gốc bản xứ) (*6), và cộng đoàn Kolping hay Khôi Bình (gốc Đức). Khi lên tiếng cho tự do tôn giáo năm 2001, tôi đang là hội trưởng của hội Kolping Vietnam (*7) với nhiệm kỳ 4 năm. .

– và để sinh sống, tôi nhận dịch sách, thường là các sách về tôn giáo (tu đức, thần học, triết học).


Bắt đầu cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền

Cuối năm 2000, nghe Lm Nguyễn Văn Lý lên tiếng cho tự do tôn giáo, tôi rất cảm phục ngài, và tôi mong chờ có nhiều người lên tiếng ủng hộ ngài để tôi cũng sẽ lên tiếng phụ họa theo. Nhưng thấy ngài lên tiếng mấy tháng trong cô đơn, tôi cảm thấy rất áy náy trong lương tâm khi tôi cũng im lặng như bao người khác. Tôi bị dằn vặt nội tâm nhiều tháng vì một bên là sự đòi hỏi của lương tâm thúc đẩy tôi lên tiếng, một bên là nỗi sợ hãi kiềm hãm tôi trong thụ động và im lặng. Cuối cùng, sức mạnh của lương tâm đã thắng nỗi sợ hãi, và đầu tháng 2-2001, tôi bắt đầu lên tiếng ủng hộ Lm Lý và viết những bài thức tỉnh lương tâm con người trước tình trạng của đất nước và Giáo Hội (*8).

Ngày 5-4-2001, tôi – và Giáo sư Đỗ Hữu Nghiêm, người bạn cùng lên tiếng với tôi – bị cúp điện thoại và bị chính quyền mời làm việc với CA thành phố tại Ủy Ban Nhân Quận Gò Vấp từ 2g00 chiều đến 5g30. Lý do khiến anh Nghiêm và tôi bị mời làm việc là vì có người tố cáo rằng tôi – cùng giáo sư Đỗ Hữu Nghiêm – muốn thành lập văn phòng đối lập theo đề nghị của TT Quảng Độ vào đầu năm 2001(*9). Ngay tối hôm đó, tôi bị xét nhà, bị tịch thu máy vi tính, các đĩa CD, đĩa mềm và nhiều sách vở… Suốt tuần lễ sau đó, tôi phải làm việc với công an thành phố tại trụ sở CA quận Gò Vấp về những tài liệu trong máy vi tính của tôi, đặc biệt là bài "Góp ý cho đại hội Đảng lần thứ IX" (đề ngày 26-3-2001). Tất cả những tài liệu có trong máy bị in ra hết. Tôi còn phải làm việc với họ lai rai nhiều tuần và nhiều tháng sau đó, hết làm việc ở CA quận, rồi CA thành phố. Nhiều lần tôi được họ mời đi uống cà phê, và nhiều lần được họ đến tận nhà hỏi thăm sức khỏe, trao đổi quan điểm…

Trong 17 tháng đầu sau khi lên tiếng cho tự do tôn giáo, tôi bị CA mời làm việc lai rai. Nhưng tôi vẫn tiếp tục lên tiếng qua một số bài viết trên Internet, chủ yếu tranh đấu cho tự do tôn giáo. Tôi chủ trương không làm một điều gì sai phạm hiến pháp hay pháp luật của nhà nước hiện tại, hay làm bất cứ điều gì mà nhà nước có thể khiển trách. Nhưng tôi luôn lợi dụng tất cả những gì mà luật pháp nhà nước cho phép để lên tiếng tranh đấu cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Tôi nghĩ tôn trọng pháp luật như thế là cách để tự bảo vệ tôi trong cuộc đấu tranh ôn hòa này. Nếu tôi cố gắng giữ như thế mà vẫn bị bắt, bị tù hay quản chế, thì chắc chắn là do nhà nước vi phạm chính hiến pháp hay pháp luật của họ. Điều này thì tôi đành phải chấp nhận, vì nó không nằm trong tầm tay của tôi. Vả lại đó là cái giá phải trả – mà tôi sẵn sàng chấp nhận – cho cuộc tranh đấu bất bạo động của tôi.

Từ đầu tháng 9-2002, tôi không phải làm việc với CA một thời gian khá dài, cho đến ngày 28-9-2005 tôi mới bị mời làm việc lại. Lý do mà họ đưa ra để mời tôi làm việc lần này là để trao đổi về nội dung những bài viết của tôi và những câu trả lời phỏng vấn của tôi trên các đài ngoại quốc. Nhưng lý do thực tế là vì họ muốn ngăn cản cuộc gặp gỡ của tôi với giáo sư Trần Khuê, linh mục Nguyễn Văn Lý và kỹ sư Phương Nam để cùng đến thăm một vài nhà dân chủ khác.

Chỉ mấy ngày sau khi bắt đầu lên tiếng cho tự do tôn giáo, tôi đã tự nguyện từ nhiệm hội trưởng Kolping Việt Nam để chỉ còn là một hội viên bình thường hầu hội đoàn của tôi khỏi bị liên lụy. Dẫu vậy, các thành viên trong hội ở một số nơi đã gặp khó khăn. Nhiều thành viên bị CA mời làm việc. Một vài thành viên tại An Giang đã bị mất việc làm chỉ vì là hội viên Kolping. Sinh hoạt của các hội viên ở khắp nơi bị khó dễ một thời gian. Ngoài ra, không còn một dòng tu nào dám nhờ tôi dạy học nữa. Tôi nghĩ là vì họ sợ những tu sĩ học với tôi sẽ không được nhà nước cho phép làm linh mục. Báo Công giáo và Dân tộc không dám đăng những bài của tôi nữa. Vì thế, hiện nay, tôi chỉ còn ở nhà dịch sách, nghiên cứu, viết sách, và viết bài để gửi lên mạng Internet thôi. Những sinh hoạt khác của tôi trong Giáo Hội (làm việc trong một hai ban của HĐGMVN, được mời thuyết trình về những đề tài chuyên môn của tôi trong những cộng đoàn Kitô hữu, v.v…) cũng bị đình chỉ vì người ta rất ngại mời tôi tham gia.

Từ khi lên tiếng cho tự do tôn giáo, tôi không còn có thể hoạt động gì công khai trong Giáo Hội công giáo nữa, nên tôi chỉ còn cách đóng góp xây dựng Giáo Hội bằng những bài viết gửi trên các website. Từ đó đến nay đã gần 6 năm. Về các đề tài tôn giáo, tôi đã viết khoảng trên 200 bài: phần lớn gửi qua email cho mấy trăm người Kitô hữu, một số được đăng trên các websites và các báo điện tử công giáo (e-magazines) (*10). Song song với những bài viết này, tôi còn viết nhiều bài lên tiếng cho tự do tôn giáo. Và đến cuối năm 2005, sau khi quen với Ks Phương Nam Đỗ Nam Hải và Gs Trần Khuê, tôi bắt đầu mở rộng phạm vi tranh đấu của mình là lên tiếng cho nhân quyền và tranh đấu cho tự do dân chủ. Bắt đầu từ đây tôi có thêm một hình thức tranh đấu mới là trả lời phỏng vấn trên các đài phát thanh hải ngoại như RFA, BBC, Little Saigon Radio, Vietnam Sydney Radio, đài Quê Hương, đài Tiếng Nước Tôi, v.v…

Cũng từ cuối năm 2005, tôi bắt đầu kết hợp chặt chẽ hơn với Lm Chân Tín, Lm Nguyễn Văn Lý, Lm Phan Văn Lợi, Ms Nguyễn Hồng Quang, Gs Trần Khuê, Ks Phương Nam Đỗ Nam Hải, nhờ đó sự dấn thân tranh đấu của tôi có phần khởi sắc hơn. Tôi bắt đầu quen biết với nhiều nhà tranh đấu nổi tiếng khác như Gs Hoàng Minh Chính, Bs Nguyễn Đan Quế, cụ Lê Quang Liêm, Gs Nguyễn Thanh Giang, ông Lữ Phương, Ls Nguyễn Văn Đài, Ms Trần Mai, Nv Hoàng Tiến, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, v.v… Và cũng từ thời điểm này, các nhà tranh đấu trong nước đã kết hợp nhịp nhàng với nhau, lên tiếng hưởng ứng, ủng hộ và bênh vực nhau, khiến cho cuộc tranh đấu dần dần chuyển sang một giai đoạn mới với nhiều khí thế và sức mạnh hơn.

Sự kết hợp này đã trở nên cụ thể với sự hình thành của Khối 8406 với Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam năm 2006 ra ngày 08/04/2006. Khối này đã tạo điều kiện cho nhiều người có lòng với đất nước, sẵn sàng lên tiếng đấu tranh từ từ xuất hiện công khai. Nó đã quy tụ được hàng ngàn người thiện chí cả trong lẫn ngoài nước trở thành một khối duy nhất, chung một lý tưởng, một đường lối đấu tranh. Và tôi trở thành một thành viên hoạt động của Khối này. Cũng từ đây, người ta thấy bắt đầu xuất hiện những nhà đấu tranh mạnh mẽ và trẻ tuổi như Bạch Ngọc Dương, Lê Trí Tuệ, Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Quang, Trương Quốc Huy, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Phong, Lê Thị Công Nhân, v.v... tạo cho cuộc đấu tranh một sắc thái mới trẻ trung hơn.

Song song với sự hình thành của Khối 8406, người ta thấy hình thành những đảng phái mới cùng tranh đấu cho dân chủ như Đảng Dân Chủ XXI, Đảng Thăng Tiến, Tập Hợp Thanh Niên Sơn Hà, với những tờ báo dân chủ như Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Dân Chủ, Tổ Quốc, Hoa Mai… Mới nhất là sự ra đời ngày 16/10/2006 của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam 2006, quy tụ các đảng phái, tập hợp và cá nhân đấu tranh cho tự do dân chủ của Việt Nam . Và tôi trở thành một thành viên trong Ban Điều Hành của Liên Minh này.

Ngay từ khi Liên Minh chuẩn bị ra đời, tôi cùng với Ks Đỗ Nam Hải, một thành viên tích cực khác của Ban Điều Hành, cả hai đã bị nhà cầm quyền khám nhà, tịch thu máy vi tính, bị mời, bị triệu tập hoặc bị bắt cóc giữa đường để làm việc liên tục hai ba tuần lễ tại trụ sở CA Phú Nhuận. Cuối cùng chúng tôi đã phải dứt khoát từ chối làm việc không để nhà cầm quyền phiền nhiễu, làm mất thì giờ và ngăn cản những hoạt động tranh đấu của mình

Tháng 11-2006, Ks Đỗ Nam Hải và tôi nhận được thư của Mạng Lưới Nhân quyền Việt Nam tại Nam Cali mời sang Hoa Kỳ để lãnh giải nhân quyền 2006 do Mạng Lưới tổ chức vào ngày 10-12-2006. Vì tôi có sẵn passport đã xin từ trước, và Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sàigòn đồng ý cấp visa cho tôi qua Hoa Kỳ. Tôi đã bí mật đi Hoa Kỳ qua ngả Cam Bốt, và đã tới được Hoa Kỳ ngày 20-12-2006.

Trong thời gian tại hải ngoại, tôi đã đi đến một số thành phố có đông Người Việt Tị Nạn tại Hoa Kỳ, Canada, và cũng có dịp qua 5 nước Âu Châu như Na Uy, Bỉ, Đức, Đan Mạch, để vận động người Việt hải ngoại cũng như các chính phủ các nước này ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước, và cho Khối 8406.

Tôi dự định sẽ qua Úc trước khi trở về Việt Nam. để tiếp tục đấu tranh. Nhưng khi qua Canada, tôi ngã bệnh lao phổi và phải ở lại đó chữa trị suốt 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9-2007). Trong thời gian này, CSVN đàn áp rất mạnh tay các nhà đấu tranh dân chủ trong nước: Lm Nguyễn Văn Lý, Ls Đài, Ls Công Nhân, anh Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, và rất nhiều nhà đấu tranh năng nổ khác bị vào tù. Riêng tôi, mặc dù CSVN biết tôi đang ở hải ngoại, nhưng vẫn ra lệnh truy nã tôi vào ngày 16-3-2007.

(đang viết tiếp)



Càng ngày các nhà dân chủ trong nước và hải ngoại càng có điều kiện liên kết với nhau nhiều hơn, và phong trào dân chủ trong nước đang ngày càng lớn mạnh. Song song với việc ấy, nhà nước độc tài Việt Nam ngày càng bị nhân dân trong nước và thế giới bên ngoài thấy rõ chính sách độc tài, gian dối và vi phạm nhân quyền của mình khiến đất nước ngày càng tụt hậu, nhiều tệ nạn và tệ đoan xã hội như tham nhũng, hối lộ, mãi dâm, ma túy, HIV (AIDS), v.v… Chính quyền độc tài ngày càng suy yếu vì chia rẽ, bất lực trước các tệ nạn xã hội. Đàng khác, các nước dân chủ đang viện trợ và nâng đỡ kinh tế cho Việt Nam ngày càng áp lực nhà nước Việt Nam mạnh mẽ hơn, đòi hỏi nhà nước này phải tôn trọng nhân quyền và tính dân chủ của người dân hơn. Vì thế, công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ngày càng phát triển và có nhiều hy vọng buộc nhà nước Việt Nam còn phải tiếp tục lùi bước và lùi mãi. Và rất có thể ngày người dân Việt Nam có dân chủ và được tôn trọng các quyền căn bản của mình không còn xa. Tôi vẫn tiếp tục tranh đấu ít nhất là cho đến ngày ấy.


----------------------------------------------------
Phần Chú Thích


(*1) Tôi bắt đầu viết báo từ năm 1978, nhưng chỉ viết cho báo tôn giáo thôi. Lúc đó trong nước, chỉ có tờ báo Công Giáo và Dân Tộc (gồm 2 tờ: một tuần báo và một nguyệt san). Tôi chỉ viết những bài nghiên cứu hoặc bình luận trên nguyệt san.

(*2) Những website thường đăng bài của tôi – với tên Nguyễn Chính Kết, JK, Giao Duyên, Huyền Vi – là http://tiengnoigiaodan.net/, http://www.maranatha-vietnam.net/, http://simonhoadalat.com/, http://www.chungnhanduckito.net/, http://dongcong.net/, http://dunglac.net/, http://thanhlinh.net/, http://tinvui.org/, http://tinvuivn.net/, http://anhmattamlinh.tinvui.org/, http://vietcatholic net (sau khi tôi lên tiếng cho tự do tôn giáo được 2 năm, thì trang web http://vietcatholic.net/ không còn đăng bài của tôi nữa), v.v…

(*3) Những sách tôi đã viết:

1) Linh hạnh Phật giáo đối chiếu với linh hạnh Kitô giáo (hay Linh đạo Phật giáo dưới cái nhìn của một Kitô hữu)
(http://nguyenchinhket4.blogspot.com/2008/02/linh-dao-phat-giao.html)
2) Thích ứng hay hội nhập văn hóa trong truyền giáo (xem http://nguyenchinhket4.blogspot.com/2008/03/hnvhloinoidau.html)
3) Quan niệm của Phật giáo về cái chết
(http://nguyenchinhket4.blogspot.com/2008/02/quan-niem-cua-pg-ve-cai-chet.html)
4) Ngôn sứ thời đại mới
5) Đường vào triết học
6) Đi vào triết học Đông Phương
7) Suy tư về Thực Tại Tối Hậu
8) Phương pháp làm việc
9) Đối thoại tôn giáo
http://nguyenchinhket0.blogspot.com/2008/05/doithoaitongiao.html

(*4) Tôi đã từng dạy triết lý tại một số tu viện như: Dòng Xitô Phước Lý (Quận 5, Sàigòn), Dòng Biển Đức Thiên Phước (Thủ Đức), Dòng Đức Mẹ Người Nghèo (Sàigòn), Dòng Thánh Thể (Thủ Đức), Học viện liên dòng nữ (Sàigòn), v.v…

(*5) Couples for Christ (Gia Đình Cùng Theo Chúa): Một hội đoàn công giáo tiến hành (Catholic Action) gốc Philippines , chuyên chăm lo cho các gia đình để họ trở nên những gia đình hòa thuận hạnh phúc theo tinh thần Kitô giáo, đồng thời biết chăm lo săn sóc những gia đình khác. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 4000 hội viên.

Tôi và vợ tôi là một trong 4 cặp vợ chồng đầu tiên tại Việt Nam gia nhập hội này, và 4 cặp này đã phát triển hội đoàn này tại Việt Nam.

(*6) Cộng đoàn Giuse-Maria- Martin: Một hội đoàn tự phát tại Sàigòn, Việt Nam , chuyên sinh hoạt cầu nguyện theo nhóm và sống Lời Chúa tại các gia đình

(*7) Hội Kolping (Khôi Bình): Một hội đoàn công giáo tiến hành (Catholic Action) gốc Đức, do chân phước Adolph Kolping (1813-1865) sáng lập tại Koln năm 1846, hiện đang có mặt trên 65 quốc gia. Riêng tại Việt Nam hiện nay có khoảng 3.000 thành viên. Chủ trương hoạt động thăng tiến xã hội theo tinh thần Kitô giáo.

(*8) Khi Lm Lý lên tiếng cho tự do tôn giáo vào tháng 11-2000, tôi cảm phục ngài lắm. Và tôi cảm thấy sự hợp lý đòi hỏi mọi người Kitô hữu, nhất là những người có nhiều khả năng và uy tín, phải lên tiếng ủng hộ ngài. Nhưng tôi vốn là người nhát đảm, từ trước đến giờ toàn là chờ cho có đông đông người làm trước rồi mình núp bóng họ làm theo. Chứ can đảm đứng ra như Lm Lý, hay lên tiếng ủng hộ ngài ngay thì đó là điều vượt khả năng của tôi. Vì thế, tôi chờ cho có nhiều người lên tiếng để tôi lên tiếng phụ họa theo.

Nhưng chờ mãi tôi chỉ thấy trong nước có một mình cha Phan Văn Lợi hưởng ứng (lúc đó tôi không còn nhớ cha Nguyễn Hữu Giải đã vào cuộc chưa). Tôi nghĩ nếu không có ai lên tiếng phụ họa theo thì rất nguy hiểm cho Lm Lý. Nếu có đông người ủng hộ thì sẽ có sức mạnh, và Lm Lý sẽ đỡ nguy hiểm. Đến giữa tháng 1-2001, cũng không có thêm ai, đang khi Lm Lý thì lên tiếng rất quyết liệt. Lúc đó tôi nghĩ: nếu ai cũng nghĩ giống mình, nghĩa là cũng chờ người khác lên tiếng đông đông rồi mới dám phụ họa theo thì sẽ chẳng có ai ủng hộ ngài cả. Ai cũng đều chờ người khác làm rồi mình mới làm thì rồi sẽ chẳng có ai làm cả. Vậy phải có một số người can đảm lên tiếng trước để có được những người sau. Nhưng nghĩ tới những nguy hiểm có thể xảy tới, tôi không dám.

Trong thời gian ngần ngại như thế, tôi đọc được bài "Đã tới thời điểm của giáo sĩ chưa?" của Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh ( Boston ) mà ai đó gửi email tới cho tôi. Phải nói rằng bài này của anh Cảnh đã như một giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly bức xúc của tôi vốn đã đầy, để biến sự bức xúc của tôi thành hành động. Vì thế, ngay sau khi đọc xong bài của anh Cảnh là tôi bắt đầu soạn và gửi những tư tưởng ngăn ngắn có tính khuyến khích, thậm chí nói khích (khích tướng kế) đến các giám mục, linh mục và giáo dân mà tôi vẫn thường gửi những bài chia sẻ Tin Mừng hàng tuần. Thời đó tuần nào tôi cũng soạn một bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật đã gửi đến mọi người, nên có rất nhiều địa chỉ email. Và kể từ giữa tháng 2-2001, tôi cứ thế mà tiếp tục thỉnh thoảng lên tiếng cho đến bây giờ. Lúc đó có anh Đỗ Hữu Nghiêm (cũng trong nhóm mình) cùng lên tiếng với tôi.

Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu không có bài viết của anh Cảnh, thì không biết tôi có lên tiếng không? Có thể tôi sẽ lên tiếng vì một bài viết khác? Có thể tôi cũng sẽ lên tiếng khi sự bức xúc của tôi "tràn ly" vì một biến cố khác? Và cũng có thể tôi im lặng cho đến bây giờ? Dẫu sao, tôi cũng mang ơn anh Nguyễn Tiến Cảnh vì bài viết ấy.

(*9) Sau khi HT Thích Quảng Độ lên tiếng kêu gọi thành lập văn phòng đối lập, Ts. Nguyễn Bá Long ở Canada đề nghị Lm Nguyễn Văn Lý và Lm Phan Văn Lợi xúc tiến chuyện này. Lm Lợi liền giới thiệu với tôi hai anh Đỗ Hữu Nghiêm và Hồ Minh Điệp, và đề nghị tôi cùng hai anh thành lập văn phòng đối lập tại Sàigòn (xem http://www.vietbao.com/main.asp?nid=39407&catgid=4). Chúng tôi đã đi đến quyết định thành lập với sự hỗ trợ của Ts Nguyễn Bá Long. Hai người kia bầu tôi làm trưởng, mới đầu tôi đồng ý nhưng mấy ngày sau tôi cảm thấy rất nghi ngại, nên đã rút lại quyết định. Và CA Sàigòn đã mời 3 người làm việc với họ, chỉ có tôi là bị khám xét nhà, bị tịch thu máy vi tính cùng nhiều tài liệu khác, và phải làm việc với CA lai rai nhiều tháng. Rất may là tôi đã quyết định từ chối việc thành lập văn phòng đối lập nên CA chưa có cớ nào đủ mạnh và hợp lý để bắt tôi.

(*10) Xem lại chú thích số 1.