Tình hình chính trị Việt Nam
sau Đại Hội X Đảng CSVN

Nguyễn Chính Kết

Đại hội Đảng X vừa kết thúc. Dân chúng trong nước trước đại hội đã hy vọng nhiều rằng sau đại hội đất nước sẽ có nhiều thay đổi. Nhưng họ đã thất vọng với những khuôn mặt bảo thủ đang thắng thế. Tình hình chính trị hiện nay – sau Đại hội Đảng X – ở trong nước rất phức tạp, cả về phía nhà cầm quyền cũng như về phía các nhà đối kháng.

Về phía nhà cầm quyền, tức đảng Cộng sản Việt Nam: Từ mấy năm nay, người ta thấy trong đảng xuất hiện hai phe rõ rệt: một phe bảo thủ, một phe cấp tiến. Hai phe đang tranh giành ảnh hưởng với nhau để thực hiện mục đích của mình:

– Phe bảo thủ, có khuynh hướng thân Trung Quốc, thì quyết tâm bảo vệ “ngai vàng” của mình với những đặc quyền đặc lợi rất to lớn đi kèm, nên họ quyết bảo vệ điều 4 hiến pháp là cơ sở pháp lý xác định đảng cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền cai trị đất nước vô thời hạn. Để bảo vệ điều 4 hiến pháp, họ cũng phải quyết tâm trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, là một yếu tố không thể tách rời với điều 4 hiến pháp. Chủ nghĩa này đã quá lỗi thời mà chính nơi xuất phát ra nó là nước Nga cũng không thèm áp dụng nữa. Phe này rõ ràng đặt quyền lợi của đảng cộng sản trên quyền lợi của toàn dân, và sẵn sàng dùng bạo lực bắt toàn dân phải chấp nhận sự lưa chọn của họ. Điều rất đáng tiếc cho dân tộc là phe này đang nắm thực quyền trong tay, với quân đội và công an, nên có thể ép buộc toàn dân phải chấp nhận sự cai trị của họ.

– Phe cấp tiến, có khuynh hướng thân Âu Mỹ, thì chủ trương phải thay đổi để đảng có thể tồn tại. Đương nhiên trong phe này có những người chủ trương phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới của thế giới và của đất nước, hầu đảng cộng sản có thể tiếp tục nắm quyền cai trị. Động lực của sự thay đổi này là vì đảng hơn là vì dân. Trong phe này, đương nhiên vẫn có những người vì dân hơn vì đảng, họ tranh đấu với phe bảo thủ để người dân được nhiều quyền tự do và quyền dân chủ hơn. Rất tiếc là phe cấp tiến này, tuy được dân chúng ủng hộ hơn, nhưng lại không nắm được thực quyền, nên bị lép vế hơn phe bảo thủ.

Về phía những người đối kháng: Còn về phía những người đối kháng, họ cũng đối kháng ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo quan niệm và hoàn cảnh riêng của mỗi người.

1) Quyết liệt nhất là những người chủ trương lật đổ (overthrow) chế độ hiện hành để xây dựng một hệ thống cai trị hoàn toàn mới mang tính dân chủ đa nguyên, tôn trọng nhân quyền tức các quyền tự do cá nhân và tập thể. Người Việt hải ngoại, được sống trong các thể chế tự do, thường theo chủ trương này, vì đây là chủ trương lý tưởng nhất và có chủ trương như the cũng không nguy hiểm gì. Còn các nhà đối kháng ở trong nước rất ít khi công khai theo chủ trương này, vì rõ ràng rất nguy hiểm. Nếu có chủ trương thì cũng phải giữ kín trong lòng.

Tuy nhiên, chủ trương lật đổ rõ ràng không thực tế trong hoàn cảnh hiện nay, vì các nhà đối kháng không có một lực lượng nào trong tay. Họ chỉ có thể đấu tranh bằng những hình thức ôn hòa, bất bạo động mà thôi. Dù chỉ tranh đấu cách ôn hòa và bất bạo động như thế, nhưng mà các nhà tranh đấu vẫn thường bị đàn áp, khủng bố, đôi khi thẳng tay và man rợ. Còn những áp lực kinh tế hay ngoại giao có gây được thì cũng thường không đủ mạnh. Do đó, người tranh đấu cần ý thức rõ chủ trương lật đổ chế độ là bất khả thi, ít nhất trong tình trạng đất nước hiện nay, để đừng mơ mộng hão huyền.

2) Cũng quyết liệt nhưng lại mềm dẻo hơn là những người chủ trương chuyển hóa (transform) đất nước từ chế độ cộng sản sang chế độ dân chủ đa nguyên. Đa số các nhà dân chủ tích cực tranh đấu ở trong nước thường theo lập trường này vì nó thực tế hơn, hợp pháp hơn, an toàn hơn và ít gây thiệt hại cho đất nước hơn. Trong chiều hướng này, các nhà dân chủ tranh đấu đòi nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền căn bản như tự do ngôn luận, lập hội, lập đảng, ứng cử bầu cử, v.v… là những điều được hiến pháp trong nước cũng như luật quốc tế công nhận. Dựa trên những căn bản pháp lý ấy, các nhà dân chủ có thể tranh đấu cách hợp pháp và an toàn hơn để tiến tới tự do dân chủ đa nguyên. Hiện nay, “vũ khí” mà các nhà tranh đấu ôn hòa bất bạo động đang sử dụng là:

– lợi dụng Internet hay các đài ngoại quốc để lên tiếng: đưa thông tin, viết bài, làm thơ, phỏng vấn, hội luận… để đòi hỏi các quyền chính đáng của người dân, đồng thời giúp mọi người dân ý thức được những quyền mà mình có dựa trên hiến pháp trong nước và những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết nhìn nhận.

– vận động quốc tế, gây áp lực kinh tế hay ngoại giao từ ngoài vào để buộc nhà cầm quyền phải thay đổi, phải chấm dứt việc vi pham nhân quyền, chấm dứt những đàn áp bất công, chấm dứt việc vi phạm hiến pháp do chính họ đặt ra.

Với đường lối đấu tranh bất bạo động và hợp pháp ấy, nếu nhà cầm quyền đàn áp, thì họ đã chứng tỏ trước thế giới là họ đã vi phạm chính hiến pháp của họ và cả các công ước quốc tế mà họ đã ký kết tôn trọng. Hy vọng với thời gian và với sự kiên trì dũng cảm của các nhà tranh đấu, đảng cộng sản sẽ phải dần dần lùi từng bước, đe cuối cùng bãi bỏ điều 4 hiến pháp và chế độ độc tài, độc đảng, toàn trị hiện nay. Mục tiêu tranh đấu của những người chủ trương chuyển hóa không phải là loại trừ đảng cộng sản, mà chỉ là thay thế chế độ độc tài toan trị bằng một chế độ dân chủ đa nguyên, trong đó đảng cộng sản vẫn có thể tồn tại và góp công xây dựng đất nước bên cạnh những đảng phái khác, trong một “sân chơi” công bằng và hợp lý hơn. Trong “sân chơi” này, đảng cộng sản không được hơn cũng bị kém quyền lợi gì so với những đảng phái khác. Thiết tưởng đây là một lối thoát danh dự, an toàn và hợp lý nhất cho đảng cộng sản hiện nay. Nhưng vì những kẻ đang nắm quyền còn có thể tại vị để tham nhũng, để tiếp tục hưởng lợi lộc, nên họ chưa muốn chấp nhận giải pháp này. Do đó, cuộc tranh đấu sẽ phải còn dài và còn nhiều chông gai.

3) Và cuối cùng là những người chỉ chủ trương cải thiện chế độ (reform), nghĩa là vẫn chấp nhận chế độ cộng sản toàn trị hiện nay, nhưng họ đòi hỏi nhà cầm quyền phải nới rộng các quyền tự do và dân chủ của người dân hơn. Đây là lập trường chung chung của các nhà tranh đấu vẫn còn ở trong nội bộ đảng cộng sản, hoặc vẫn còn làm việc trong bộ máy của nhà nước cộng sản, hoặc những nhà tranh đấu còn bị sợ hãi chi phối. Đôi khi trong lòng họ chủ trương một trong hai chủ trương trên, nhưng tình thế của đất nước và hoàn cảnh riêng của họ không cho phép họ biểu lộ lòng mong ước thật của họ ra công khai. Vì thế, khi lên tiếng, họ thường phải lấy những nguyên lý trong chủ thuyết Mác-Lê hay tư tưởng Hồ Chí Minh – như một lá chắn an toan – để nói chuyện với những kẻ đang nắm thực quyền và để đòi hỏi thay đổi, cải thiện chế độ. Họ phải nói và làm như thế như một giải pháp tình thế, chứ chưa chắc trong bụng họ đã nghĩ như thế. Nhiều nhà dân chủ đã tưng tiếp xúc với những người đối kháng loại này: khi ngồi tâm sự với bạn bè thì họ nói khác, họ chửi chế độ và chê trách ông Hồ Chí Minh không tiếc lời, thậm chí biểu lộ oán ghét căm thù nữa. Nhưng khi lên tiếng trên mặt báo hay trên net thì họ vẫn cứ phải ca tụng chế độ hay ông Hồ Chí Minh ít nhiều để những kẻ cầm quyền dễ nghe hơn và họ được an toàn hơn. Người Việt hải ngoại nhiều khi không hiểu được tình thế trong nước và cách thức thích ứng để tồn tại trong việc tranh đấu của những người đối kháng ở mức độ này, nên đã không hài lòng và đôi khi đả kích họ cách oan ức. Trong hoàn cảnh hiện nay, đâu phải cứ nói thế nào thì nghĩa là trong bụng phải nghĩ như vậy đâu! Ơ hải ngoại có biết bao những kẻ chống cộng “cuội”, nếu cứ căn cứ vào lời họ nói thì những người nhẹ dạ chắc chắn sẽ cho rằng họ chong cộng mạnh mẽ hơn ai hết!

Có những nhà đối kháng chủ trương chuyển hóa, nhưng muốn tranh thủ những người còn trong đảng hay những kẻ còn nắm ít nhieu quyền lực, muốn dần dần chuyển đổi tư tưởng họ, nên đã phải dùng những lời nói “không thật lòng” này để họ dễ chấp nhận mình hơn mà dần dần thay đổi nhận thức. Đây chỉ là sách lược hay chiến thuật có tính tạm thời, giai đoạn và mềm dẻo để thực hiện chiến lược chuyển hóa sang dân chủ đa nguyên. Nếu vì thấy họ ca tụng chế độ hay Hồ Chí Minh mà ta tưởng họ thực bụng nghĩ như vậy nên tẩy chay họ hoặc không đoàn kết với họ, thì ta sẽ đánh mất họ.

Tuy nhiên, thiết tưởng những người xứng danh là những nhà dân chủ thì cần phải dám nói thẳng sự thật. Có như thế mới được người dân tin tưởng và ủng hộ hơn. Tuy nhiên cần phải thông cảm và chấp nhận sự khác biệt về chiến thuật giữa mình và những nhà đối kháng loại trên. Đừng chấp nhất sự khác biệt giữa điều họ nói và điều họ nghĩ trong một tình thế đất nước nhiều phức tạp như đất nước ta hiện nay. Nhất là khi họ nhắm nói với những người đang cầm quyền hơn là nói với dân chúng, mặc dù về mặt hình thức thì đôi khi có vẻ như họ đang nói với dân chúng. Vì để lời nói đi đến hiệu quả, không thể nói với người này giống hệt như nói với người kia được.

Sàigòn, 28/4/2006



________________________________________________________________________