Quyền Tự Do Của Người Dân
Trong Chế Độ Cộng Sản
Nguyễn Chính Kết

Thật là lạ! Một chế độ cứ tuyên bố mình dân chủ và tự do gấp triệu lần những nước khác, thế mà một người dân chỉ chụp hình đoàn dân oan đi diễu hành ngoài đường bằng điện thoại di động khi không hề có bảng cấm chụp hình, lại phải làm việc với công an suốt nhiều ngày chỉ vì chuyện ấy! Chẳng hạn trường hợp anh Lê Trí Tuệ chụp hình đoàn dân oan Bến Tre đi diễu hành ở Sàigòn ngày 19-6-2006. Phải chăng đó là thứ tự do dân chủ kiểu cộng sản? Thứ tự do dân chủ kiểu này trong thực tế có khác gì tình trạng hoàn toàn thiếu tự do dân chủ ở trong những nước khác không?

Nhà cầm quyền Việt Nam cứ hành động theo kiểu ấy hơn nửa thế kỷ nay rồi! Nhưng hễ có ai nói họ khủng bố dân, họ hành dân, không cho dân chúng tự do… thì thường là có chuyện với họ. Họ sẽ kết tội người đó xuyên tạc, nói xấu chế độ, chống lại chế độ, thông tin có nội dung độc hại, xúc phạm dân tộc, âm mưu phá hoại/chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống lại nhà nước CHXHCNVN, v.v…

Cứ nhân danh “an ninh quốc gia” là họ cảm thấy có lý do “chính đáng” để cấm đoán, bắt bớ, quản chế, bỏ tù những ai dám lên tiếng đấu tranh cho sự thật, cho công lý, những ai họ cảm thấy nguy hiểm cho ngai vàng của đảng hay chiếc ghế của họ. Nhưng kinh nghiệm của người dân cho thấy rất nhiều trường hợp những tin tức bị nhà nước tuyên bố là xuyên tạc, là vu khống, là sai sự thật... lại chính là sự thật. Dường như quan niệm về “sự thật” của chế độ cộng sản khác hẳn hoặc trái ngược hẳn với quan niệm về “sự thật” của cả thế giới!

Mới đây, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 06-6-2006 – như một món quà tặng nhân dân trước khi từ chức – để hạn chế hơn nữa quyền tự do thông tin và báo chí vốn đã bị hạn chế quá mức rồi. Đọc nghị định này, nhiều người suy đoán rằng mục đích của nó, một mặt là để bưng bít và bao che tội ác cho giới cầm quyền, khi mà báo chí hiện nay đang gia tăng khuynh hướng tố cáo những sai trái trong xã hội, đặc biệt của giới có chức có quyền. Nếu không chặn đứng thì cứ đà này, các sai trái của những quan chức cao cấp nhất nước cũng có nguy cơ bị vạch mặt chỉ tên.

Mặt khác, trong xã hội đang xuất hiện những tờ báo giấy vượt ra ngoài tầm kiểm soát của đảng, cần phải ngăn chặn kẻo còn những tờ báo khác nữa được thể sẽ ra thêm. Nhưng qua nghị định này, thế giới lại có thêm một bằng chứng hùng hồn cho thấy nhà cầm quyền VN một lần nữa dùng pháp luật vi hiến để hạn chế hoặc phủ nhận quyền tự do của người dân.

Và cũng mới đây, họ lại ra một quyết định cấm tụ tập từ 5 người trở lên tại vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Muốn tụ tập phải đăng ký hoặc xin phép trước (để nhà nước có quyền từ chối không cho phép). Thế là từ nay tự do hội họp mà hiến pháp Việt Nam chủ trương nhưng “theo quy định của pháp luật” chỉ còn có nghĩa là tự do hội họp từ 4 người trở xuống. Đang khi các nước tự do dân chủ thật sự có thể hội họp hàng trăm, hàng ngàn người mà không phải xin phép mà cũng không bị coi là vi phạm pháp luật.

Bây giờ tại Việt Nam, theo luật mới, những ai tụ họp từ 5 người trở lên mà không xin phép là vi phạm pháp luật! Người dân dễ nhận ra đây là một biện pháp dùng pháp luật vi hiến và cơ chế “xin-cho” để ngăn cản hoặc hạn chế những cuộc biểu tình, tụ tập chính đáng của dân oan khiếu kiện trước các cơ sở nhà nước. Vì lúc này, dân bị oan ức quá đông và ngày càng đông hơn, đang có nguy cơ bùng phát lên thành những cuộc tập trung để diễu hành, biểu tình... rất nguy hiểm cho chế độ độc tài. ***

Ôi, luật pháp VN! Đúng ra mi phải bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người dân. Nhưng than ôi, trong tay những kẻ bạo tàn, mi lại trở thành công cụ đàn áp người dân hữu hiệu nhất của họ. Thay vì kết án những hành vi tước đoạt khỏi người dân những quyền lợi chính đáng thì mi lại đứng về phía những kẻ áp bức bất công bằng cách hợp pháp hóa những hành vi ấy của họ! Mi vô hiệu hóa biết bao điều khả dĩ chấp nhận được trong hiến pháp!

Ôi hiến pháp Việt Nam! Ước chi những điều khoản của mi đừng thêm cái câu thòng lọng “theo quy định của pháp luật” để giới cầm quyền có thể dựa vào đấy mà tạo thêm những pháp lệnh, nghị định, quyết nghị... biến những điều khoản của mi thành vô nghĩa, vô hiệu lực và vô giá trị! Để rồi mi cũng chỉ thành một thứ đồ trang trí, tô trát cho bộ mặt nhem nhuốc của những kẻ đàn áp bất công! Cái tệ hại nhất và thiếu sáng suốt nhất là mi lại hợp hiến hóa sự cai trị vĩnh viễn và duy nhất của một đảng phái trên đất nước này, bất chấp đảng ấy bị thoái hóa tệ hại đến mức độ nào! Thay vì làm cho dân được hạnh phúc, mi chỉ làm cho họ đau khổ, lầm than thôi!



***


Nhà nước VN đang làm một cái trò rất buồn cười và luẩn quẩn. Một mặt thì nghiêm cấm và bắt bớ những người tranh đấu, dám nói lên những sự thật lợi ích cho nhân dân nhưng bất lợi cho đảng và nhà nước. Mặt khác thì cứ tiếp tục gây ra không biết bao nhiêu bất công, đàn áp. Những bất công đàn áp này là nguyên nhân buộc người dân phải tranh đấu để sống còn, để khỏi phải sống như con vật, vì ở đâu có bất công thì ở đấy tất yếu có tranh đấu. Nhà nước mà cứ tiếp tục hành động kiểu này thì vừa bất lợi cho chính mình vừa làm khổ cho dân!

Trường hợp đoàn dân oan Bến Tre đi diễu hành ở Sàigòn mấy tuần nay (6-06) là một điển hình: giới cầm quyền gây đủ thứ oan ức cho dân nhưng lại không muốn cho dân kêu than, hoặc cố gắng tối đa bưng bít tiếng kêu than của họ. Nhưng mặt khác vẫn cứ tiếp tục áp bức, chiếm dụng đất đai của họ cách bất công. Họ ức quá không chịu nổi, đành phải liều mình lê thân đến SG một phen, nơi có nhiều tai mắt quốc tế, để nói lên nỗi oan khiên tức tối của mình cho mọi người biết, may ra có ai đó can thiệp chăng!

Nhà nước không cản được họ diễu hành thì đành phải cấm quay phim, chụp hình để giảm thiểu tối đa việc lọt ra ngoài những tin tức, hình ảnh, bằng chứng về những tội ác, bất công của mình. Họ hành động y hệt một anh chàng cứ đạp mãi gót giày lên chân người khác làm người ta liên tục đau điếng, nhưng lại cấm người ta kêu đau để không ai biết mình đang đạp lên chân người ta, cũng không cho người ta được phép nói mình tàn bạo.

Thật ra, muốn người ta khỏi kêu than thì chỉ rất dễ, cần rút chân mình ra, đừng đạp lên chân họ nữa, và chân thành xin lỗi họ là xong. Đằng này lại cứ tiếp tục đạp lên chân họ rồi tìm cách bịt miệng họ, cấm họ không được kêu la! Phải chăng nhà nước muốn duy trì “độc quyền vĩnh viễn” dẫm đạp lên chân mọi người, lên thân phận con người, lên cả một dân tộc?

Chuyện công an bắt người dân phải “làm việc” với mình chỉ vì họ lên tiếng nói sự thật, nói lên suy nghĩ của mình, tranh đấu bảo vệ quyền lợi của mình hay của dân tộc, là một bằng chứng vi phạm nhân quyền của những kẻ nắm quyền... cũng là một chuyện lẩn quẩn và phi lý của họ. Họ chỉ làm cho người dân thêm bức xúc và thúc đẩy người dân mạnh dạn đấu tranh đông hơn và nhiều hơn nữa mà thôi.

Cũng nên bàn đến ở đây tâm lý của người dân khi bị công an mời làm việc. Ký ức của người dân về những chuyện xảy ra nhiều năm trước đây như công an đến nhà bịt mắt họ đem đi không ngày trở về chỉ vì bị tình nghi là chống đối chế độ, rồi tra tấn, ép cung, xử án lén lút họ, v.v… vẫn còn đậm nét trong đầu óc người dân. Vì thế, ngay cả các nhà dân chủ, là những người đã thắng vượt được phần nào bản năng sợ hãi, nhưng cứ mỗi lần bị công an mời làm việc, thì đều phát sinh nỗi sợ là lần này có thể sẽ đi luôn, sẽ phải vào tù… Nhiều nhà tranh đấu lúc nào cũng chuẩn bị áo quần, hành trang cho những ngày làm việc không trở về nhà. Khi viết bài này đưa lên mạng lên báo, tác giả cũng phải chuẩn bị như thế. Rồi còn sợ bao nhiêu chuyện bất lợi sẽ xảy ra khi mình vào tù: nào là kinh tế gia đình trở nên khó khăn (vừa bị mất một khoản tiền do mình làm ra mỗi tháng, vừa tốn tiền gia đình đi thăm nuôi), việc giáo dục con cái bị trở ngại, con cái cũng sẽ bị khủng hoảng vì sự vắng mặt của mình, vân vân và vân vân…

Nỗi sợ đó nơi những người thân của họ còn lớn hơn rất nhiều. Nên mỗi lần bị công an mời làm việc là một lần bị khủng bố tinh thần, mặc dù nhiều khi vẫn đoán được rằng chẳng đến nỗi nào. Nhưng dù sao bị mời làm việc như thế thì cũng bị thiệt hại là mất một hay nhiều ngày làm việc để sinh sống mà không được đền bù lại.

Tuy nhiên, song song với những người lùi bước trước những đe doạ, thử thách, nguy hiểm ấy, vẫn có những người nhờ bị thử thách như thế mà dấn thân hơn. Với họ, những thử thách ấy chỉ biến họ từ người bức xúc lương tâm thành người lên tiếng, từ người lên tiếng thành người đấu tranh, và từ người đã đấu tranh trở thành nhà tranh đấu thực sự, giỏi hơn, lão luyện hơn, nổi tiếng hơn, kiên cường hơn. Thành ra việc phiền nhiễu, bắt bớ, đàn áp... có thể làm cho cuộc đấu tranh của toàn dân trở nên mạnh mẽ hơn, hữu hiệu hơn, vì nguyên nhân của mọi đấu tranh là chính là những phiền nhiễu, bắt bớ, đàn áp... ấy.

Duy trì nguyên nhân tức duy trì hậu quả, tăng cường nguyên nhân tức tăng cường hậu quả. Điều này trẻ con cấp một cũng hiểu được; không biết những người nắm quyền đang bị các đặc quyền đặc lợi làm tê liệt lương tri có hiểu nổi không?!

Chẳng hạn một người đang có công ăn việc làm hẳn hoi, nhưng chỉ vì bức xúc trước những cảnh bất công xảy ra trước mắt nên đã lên tiếng theo sự thúc đẩy của lương tâm. Chỉ có thế mà công an đã mời họ “làm việc”, sau đó bao vây kinh tế họ bằng cách áp lực công ty hay xí nghiệp của họ buộc họ nghỉ việc.

Nhà cầm quyền cứ nghĩ rằng làm như thế là bịt miệng họ được. Nhưng không ngờ lại làm cho họ bức xúc hơn, nung nấu ý chí tranh đấu của họ hơn, đồng thời tạo cho họ có thì giờ và điều kiện để tranh đấu tích cực hơn. Thật thế, nếu cứ phải làm việc ở công ty hay xí nghiệp cả ngày, về nhà lại phải lo chuyện gia đình con cái, thì họ còn đầu óc và thì giờ đâu mà tranh đấu? Nếu có thì cũng chỉ là tranh đấu kiểu tài tử thôi. Nhưng khi buộc họ nghỉ việc, công an đã biến họ thành những nhà tranh đấu chuyên nghiệp và toàn thời gian hơn. Vì không phải làm việc ở công ty xí nghiệp, nên họ tha hồ rảnh rang đầu óc và thì giờ để thỏa mãn nỗi bức xúc lương tâm và ý nguyện dấn thân của mình. Khi bị mất việc và bị công an đàn áp như vậy thì các bạn bè của họ sẽ âm thầm hiệp lực giúp họ về kinh tế để họ có thể sinh sống, nuôi gia đình và có phương tiện để tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ.

Đối với nhiều người, nhất là những người có lương tâm, thì càng phải làm việc với công an nhiều, càng phải làm quen với đe dọa, với nguy hiểm, với thách thức thì họ càng bớt sợ và nhờ đó càng dấn thân nhiều hơn. Và họ cũng càng nhậy bén, khôn ngoan hơn khi phải tiếp xúc với kẻ áp bức họ. Trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ, câu “nghề dạy nghề” cũng rất đúng. Nhiều nhà tranh đấu cảm thấy chính công an đã biến họ từ những người nhát đảm thành những nhà tranh đấu kiên cường.

Chẳng có gì giúp những người tranh đấu do lương tâm thúc đẩy thành kiên cường hơn bằng những ngày bị công an mời làm việc với những lời đe dọa phi lý và phi nhân của công an. Chẳng có gì khiến lập trường tranh đấu của họ kiên định hơn bằng những lần phải đối chất với cường quyền, vì càng đối chất với cường quyền, họ càng khám phá ra sự phi lý, tàn bạo, dối trá và ngụy biện của cường quyền.

Hiện nay, mấu chốt để thành công trong cuộc tranh đấu dành lại quyền tự do và quyền tự quyết của nhân dân là thắng vượt được nỗi sợ hãi đang ngự trị trong tâm hồn cả người cai trị lẫn người bị trị. Người đang cai trị thì cứ sợ những người bị trị cách bất công nổi loạn, làm mất quyền cai trị cùng những đặc quyền đặc lợi kèm theo quyền ấy. Vì thế, họ tìm cách gia tăng đàn áp, khống chế người dân cách bất công để họ không nổi loạn được. Họ cảm thấy ai có hại hay nguy hiểm cho họ là họ bịt miệng, chế tài, giam giữ hoặc thủ tiêu, tùy mức độ nguy hiểm của người ấy.

Còn người dân thì cứ sợ bị kẻ cai trị mình phiền nhiễu, bao vây kinh tế, ngược đãi, bỏ tù, thủ tiêu, nếu mình làm gì đi ngược lại quyền lợi của họ. Nên người dân bị trị đành chấp nhận những đòi buộc, những áp bức bất công và phi lý của những kẻ cai trị, cho đến khi không thể chịu nổi nữa. Khi không chịu nổi nữa, người dân mới nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục sợ hãi và nhượng bộ như vậy, thì mình sẽ không còn đất để sống, không còn điều kiện để sống cho ra con người nữa. Lúc đó họ buộc phải vượt thắng bản năng sợ hãi để vùng lên đấu tranh. Lúc đó họ đành liều chết để bảo vệ sự sống còn và quyền lợi tối thiểu và chính đáng của họ, vì họ đã bị dồn vào chân tường.

Nỗi sợ của cả 2 (kẻ cai trị lẫn người bị trị) và việc hành động theo bản năng sợ hãi ấy đều thiếu sáng suốt, không chỉ gây bất lợi cho chính mình mà còn cho đại cuộc.

Một trong những cái ngu xuẩn nhất của những kẻ cai trị là không biết giới hạn lòng tham và sự đàn áp của mình, cứ dồn người dân của mình vào chân tường, bắt buộc họ phải tự vệ chống lại.

Với những kẻ cai trị có lòng tham vô đáy, thì người dân càng tỏ ra sợ hãi và nhượng bộ thì họ càng làm tới, cho tới lúc người dân chịu không nổi phải quyết liệt phản ứng lại với bất cứ giá nào thì họ mới tạm thời ngưng đàn áp. Những người khôn ngoan, biết suy nghĩ và có ý thức đấu tranh thì không chịu chờ tới nước cùng mới phản ứng lại. Vì chờ tới nước cùng thì mình và dân chúng đã bị thiệt hại quá lâu và quá nhiều rồi. Nên họ phải lên tiếng đấu tranh, ngay khi nhận ra kẻ đàn áp cứ được nước là lấn tới, không bao giờ chịu từ bỏ lòng tham và tính ác độc của họ.

Nhà nước độc tài đang dồn người dân vào cái thế không thể sợ hãi được nữa, vì nếu người dân cứ tiếp tục sợ hãi, họ sẽ mất tất cả, không chỉ của cải, quyền sống, mà đôi khi cả mạng sống. Không chỉ của bản thân mình, mà còn của gia đình, xã hội mình nữa. Nếu chỉ một vài người thắng vượt được sợ hãi mà lên tiếng đấu tranh, thì những kẻ cầm quyền độc tài sẽ dễ dàng tiêu diệt họ. Nhưng nếu toàn dân đều thắng vượt được sợ hãi, thì kẻ cầm quyền sẽ chẳng làm được gì, và họ sẽ phải nhượng bộ. Nếu không vượt được bản năng sợ hãi, toàn dân sẽ cứ phải sống trong cảnh nô lệ tủi nhục mãi.

Một dân tộc ươn hèn mà bị nô lệ như thế thì cũng đáng kiếp! Nhưng dân tộc VN hy vọng không phải là một dân tộc ươn hèn! Bí quyết để thoát khỏi cảnh nô lệ, chính là thắng vượt được sợ hãi. Muốn thắng vượt được sợ hãi, phải dám chấp nhận đau khổ, dám chấp nhận cả cái chết. Chấp nhận đau khổ, chấp nhận cả cái chết không luôn luôn có nghĩa là sẽ đau khổ, sẽ chết, nhưng đó chính là con đường giúp ta vượt qua đau khổ và sự chết để được sống, và sống tự do hạnh phúc. Tình thương đích thực sẽ giúp ta thắng vượt được sợ hãi, sợ đau khổ và sợ chết. Như người mẹ yếu đuối chỉ vì thương con mãnh liệt nên dám xông vào đám cháy để cứu con mình ra khi mà những người khác không làm được. Tình thương đích thực, mạnh mẽ, sáng suốt đối với chính bản thân, với gia đình, với xã hội và đất nước mình sẽ cứu mình và toàn dân tộc thoát khỏi đau khổ và cảnh nô lệ, bất hạnh.

6/29/2006




________________________________________________________________________