Góp ý việc phê bình chỉ trích đấu tranh

Nguyễn Chính Kết

Từ đầu năm 2006 đến nay, bất chấp sự ngăn chặn, đánh phá tàn bạo do CSVN gây ra, cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ trong nước đã đạt được một số thành quả đáng vui mừng và khích lệ. Biến cố quan trọng nhất là Khối 8406 đã được thành lập ngày 8/4/2006, liên kết các cá nhân tranh đấu riêng lẻ thành một lực lượng đông đảo đầy khí thế. Sau đó, theo chủ trương và đường lối của Khối, một số đảng phái, tổ chức khác được thành hình trong đó có Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam. Hiện nay dù bị CSVN quyết tâm tiêu diệt, Khối 8406 cùng các đảng phái, tổ chức nói trên vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động, và đang là một đe dọa lớn cho chế độ độc tài.

Sau đợt tổng đàn áp của CSVN kể từ tết Đinh Hợi (cuối tháng 2-2007) nhằm tiêu diệt các mầm mống dân chủ, cuộc tranh đấu trong nước bắt buộc phải co cụm để củng cố, phối trí lại. Việc lùi một bước khi gặp ngăn trở và tạm thời im lặng chờ thời cơ thuận lợi để phát triển là chuyện tất yếu và khôn ngoan. Nhưng điều này đã bị một số người bi quan chỉ trích, ảnh hưởng đến khí thế trong ngoài. Vô tình họ tiếp tay chế độ độc tài hạ uy tín phong trào.

Họ cho rằng những người phản kháng trong nước thiếu khôn ngoan, thiếu nền tảng, quá vội vàng, cần thận trọng, khéo léo, bí mật hơn. Điều đó rất đúng. Nhưng họ cần thấy rằng trong hoàn cảnh hiện nay, đâu phải cứ muốn bí mật là bí mật được, muốn chờ đợi là chờ đợi được. Họ nên biết rằng trong nỗ lực kiểm soát gắt gao của cộng sản, nếu quá sợ lộ bí mật thì các nhà tranh đấu sẽ chẳng dám bàn nhau chuyện gì và chẳng làm được việc gì. Họ khó có thể gặp mặt nhau để bàn chuyện vì ở quá xa nhau hay vì bị công an theo dõi ngày đêm. Họ có thể hẹn nhau ở quán cà phê, nhưng đôi khi vừa ngồi vào bàn thì họ đã bị công an mời về trụ sở “làm việc” với mục đích duy nhất là để họ không gặp được nhau bàn chuyện “đất nước”. Bàn nhau trên Internet cũng không được vì đường ADSL của họ thường bị cúp. Chỉ có cách dễ nhất và đôi khi duy nhất là bàn nhau trên điện thoại di động, bất chấp công an nghe lén.

Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, muốn thành lập một tổ chức đấu tranh mà cứ chờ đợi cho hoàn chỉnh thì có thể chẳng bao giờ thành lập được… Những người chỉ trích không thấy được các nhà dân chủ đã phải làm việc như thế nào, và phải phản ứng nhanh như thế nào mới có được những thành quả hiện nay. Nếu cứ thận trọng, khôn ngoan và chờ đợi hoàn chỉnh hay chín mùi theo kiểu những người chỉ trích đòi hỏi, thì rất có thể đến nay vẫn chưa có Khối 8406 hay một tổ chức nào cả. Vì tổ chức nào manh nha cũng đều phải thành hình trong tình thế gấp rút. Vừa cùng quyết định thành lập một tổ chức nào thì công an có thể đã biết. Do đó, nếu không chớp nhoáng tuyên bố thành lập tổ chức ấy trước khi công an kịp thời ngăn chặn, thì chưa biết đến bao giờ tổ chức ấy mới ra được và cũng có thể sẽ không bao giờ ra được. Sự việc chưa hay vừa tuyên bố thành lập tổ chức đã bị công an tóm cổ là nguy cơ phải chấp nhận nếu muốn thành lập tổ chức. Điều đó không nhất thiết là do thiếu suy nghĩ hay kém thận trọng. Đừng thấy bị đàn áp, bị mất mát hay thiệt hại mà tức khắc đổ lỗi cho người thế này kẻ thế kia, chỉ gây chia rẽ và tạo nên bực bội. Việc khai sinh thành công các tổ chức trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế, và việc họ vẫn tiếp tục hoạt động được sau khi bị CS thẳng tay tiêu diệt cần được xem là những thắng lợi quan trọng, đáng vui mừng và khích lệ. Không nên chỉ trích những sơ xuất hay thiếu sót tất yếu mà các tổ chức tự phát khó hay không thể tránh được.

Việc chỉ trích vô tội vạ đương nhiên cũng có chút hiệu quả tích cực là giúp các nhà đấu tranh trong nước suy nghĩ và rút kinh nghiệm cho tương lai. Tuy nhiên, trước khi những chỉ trích ấy được công khai phổ biến thì chắc chắn họ đã phần nào rút được bài học khôn ngoan khi hậu quả bất lợi xảy đến cho đại cuộc rồi. Việc phổ biến chỉ trích ấy gây hại nhiều hơn tạo lợi như đã có nhiều bài báo phân tích.

Thiết tưởng trước khi phê bình hoặc chỉ trích, ta nên tỏ thái độ cảm thông và khích lệ các nhà đấu tranh. Họ hầu hết là những người “tay ngang”, chưa hề được đào tạo để tranh đấu. Do lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm trước tình trạng đau thương của đất nước, họ đã tự nguyện và tự phát dấn thân bất chấp nguy hiểm cho bản thân và gia đình họ. Đó là điều quý hiếm chưa mấy ai làm. Họ chỉ học được cách tranh đấu khi thật sự tranh đấu, học cách đối phó với bạo lực khi phải “làm việc” với công an theo kiểu “cứ rèn đi đã, rồi anh sẽ thành thợ rèn”… Những vấp ngã, mất mát, thiệt hại bước đầu vì thiếu kinh nghiệm sẽ là bàn đạp cho những bước kế tiếp. Nguyễn Xuân Tân trong “Dậy mà đi” đã viết: “Ai chiến thắng không hề chiến bại? Ai nên khôn không khốn một lần?

Đúng ra đối tượng chính cần góp ý hơn cả chính là những người – có khả năng tranh đấu hữu hiệu và khôn ngoan hơn những người đang dấn thân hiện nay – lại không chịu nhập cuộc. Không nhập cuộc đã đành; tệ hơn nữa, họ cứ đứng ngoài để chỉ trích – thay vì khích lệ và yểm trợ – những người đang gian khổ dấn thân bằng chính mạng sống, sự an nguy của họ. Phê bình chỉ trích như thế chả mất mát hay nguy hiểm gì cho họ, vừa dễ dàng hơn dấn thân vào cuộc rất nhiều, vừa được nổi tiếng và thậm chí được nhiều người hiểu là đã góp phần vào đại cuộc. Cuộc chiến đấu cho tự do dân chủ hiện nay cần có thật nhiều người dấn thân hơn là những người đứng bên ngoài nói xuông (*).

Để đối phó với bộ máy kềm kẹp của nhà nước, cuộc tranh đấu trường kỳ, bất bạo động này thường mang tính tự phát và sáng tạo. Hai tính chất này mặc nhiên chứa một số điểm yếu cần được yểm trợ nhiều mặt, kể cả góp ý. Vì vậy phong trào dân chủ trong nước mong mỏi những đóng góp hữu hiệu để kịp thời khống chế các chỗ yếu, phát huy những điểm mạnh, nhất là cần sự dấn thân cụ thể hơn của những anh em trẻ và những người có lòng, nhiều kinh nghiệm và hiểu biết.

Canada, ngày 10/9/2007

Nguyễn Chính Kết

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
(*) Xem thêm bài: “Những ngụ ngôn thời cộng sản” của Nguyễn Chính Kết, đăng trong bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, số 12, ngày 01/10/2006.




________________________________________________________________________