Biến chất các tôn giáo:
chiến thuật mới của Cộng Sản
sau khi cướp được Miền Nam
chiến thuật mới của Cộng Sản
sau khi cướp được Miền Nam
Nguyễn Chính Kết
Nhu cầu thay đổi chiến thuật đối với tôn giáo
Tôn giáo – đúng nghĩa hay đúng với bản chất của nó – có đặc tính căn bản này: khuyên và giúp con người không chỉ tránh ác hành thiện mà còn chống ác phù thiện nữa (xin xem ghi chú *a ở cuối bài). Tôn giáo nào đánh mất đặc tính cốt yếu này, tôn giáo đó đã bị biến chất hay tha hóa, không còn là tôn giáo đúng với bản chất nguyên thủy của nó nữa. Chính đặc tính căn bản này của tôn giáo đã khiến thế giới vẫn còn khá tốt lành như hiện nay. Tương tự như vị mặn của muối ướp đồ ăn khỏi hư thối; mất vị mặn đi, muối không còn là muối và trở nên vô dụng.
Chính vì một trong những đặc tính căn bản của tôn giáo là luôn luôn chống ác như một đòi buộc lương tâm, mà tôn giáo đã bị các chế độ cộng sản trước đây coi là kẻ thù không đội trời chung và quyết tâm tiêu diệt. Vì mục đích của cộng sản là: một khi đã cướp được quyền cai trị đất nước, họ liền biến quyền ấy thành độc quyền và quyết tâm bảo vệ độc quyền ấy vô thời hạn và với bất cứ giá nào. Mà cộng sản chủ trương “mục đích biện minh cho phương tiện”, nên để đạt mục đích ấy, họ sẵn sàng dùng bất kỳ phương tiện nào, dù xấu xa độc ác nhất. Vì thế, họ đã gây nên biết bao tội ác, bất công tày trời, khiến cho tôn giáo nào còn giữ nguyên bản chất nguyên thủy đều phải chống lại những điều ác, tìm cách xóa bỏ những bất công tày trời ấy (*b).
Nhưng trên thế giới, cộng sản ngày càng suy yếu và đã sụp đổ hầu hết, hiện nay chỉ còn 4 nước cộng sản, trong đó có Việt Nam, vẫn quyết tâm duy trì chủ nghĩa phi nhân này. Trước đây, tất cả các nước cộng sản cố tâm tiêu diệt tôn giáo đều thất bại, vì càng chủ trương tiêu diệt tôn giáo, tôn giáo càng thủ thế chống lại. Đức tin của các tín đồ một khi bị thử thách càng trở nên kiên vững, càng kiên quyết chống lại sự ác do cộng sản gây ra. Điều này chỉ gây bất lợi cho cộng sản, nhất là khi họ đang bị thế giới lên án mạnh mẽ về sự chà đạp nhân quyền. Rút kinh nghiệm, Cộng sản Việt Nam đã thay đổi chiến thuật đối với các tôn giáo kể từ khi cướp được Miền Nam năm 1975.
Chính vì một trong những đặc tính căn bản của tôn giáo là luôn luôn chống ác như một đòi buộc lương tâm, mà tôn giáo đã bị các chế độ cộng sản trước đây coi là kẻ thù không đội trời chung và quyết tâm tiêu diệt. Vì mục đích của cộng sản là: một khi đã cướp được quyền cai trị đất nước, họ liền biến quyền ấy thành độc quyền và quyết tâm bảo vệ độc quyền ấy vô thời hạn và với bất cứ giá nào. Mà cộng sản chủ trương “mục đích biện minh cho phương tiện”, nên để đạt mục đích ấy, họ sẵn sàng dùng bất kỳ phương tiện nào, dù xấu xa độc ác nhất. Vì thế, họ đã gây nên biết bao tội ác, bất công tày trời, khiến cho tôn giáo nào còn giữ nguyên bản chất nguyên thủy đều phải chống lại những điều ác, tìm cách xóa bỏ những bất công tày trời ấy (*b).
Nhưng trên thế giới, cộng sản ngày càng suy yếu và đã sụp đổ hầu hết, hiện nay chỉ còn 4 nước cộng sản, trong đó có Việt Nam, vẫn quyết tâm duy trì chủ nghĩa phi nhân này. Trước đây, tất cả các nước cộng sản cố tâm tiêu diệt tôn giáo đều thất bại, vì càng chủ trương tiêu diệt tôn giáo, tôn giáo càng thủ thế chống lại. Đức tin của các tín đồ một khi bị thử thách càng trở nên kiên vững, càng kiên quyết chống lại sự ác do cộng sản gây ra. Điều này chỉ gây bất lợi cho cộng sản, nhất là khi họ đang bị thế giới lên án mạnh mẽ về sự chà đạp nhân quyền. Rút kinh nghiệm, Cộng sản Việt Nam đã thay đổi chiến thuật đối với các tôn giáo kể từ khi cướp được Miền Nam năm 1975.
Biến tôn giáo thành tổ chức ngoại vi của chế độ
Thay vì tiêu diệt tôn giáo như một kẻ thù, Cộng Sản Việt Nam chủ trương biến tôn giáo thành bạn, đồng minh, hay hơn nữa, thành công cụ phục vụ mình. Cho đến nay, sau 30 năm chiếm Miền Nam, dường như họ đã thực hiện chiến thuật này tương đối thành công! Đó là chiến thuật “win win” (cả hai cùng có lợi). Theo đó, cộng sản và tôn giáo có thể chung sống hòa bình, cùng nhau tồn tại, bằng cách nương nhau, bảo vệ quyền lợi cho nhau, thay vì chống đối, tiêu diệt nhau. Như thế khôn ngoan và lợi hơn rất nhiều!
Để biến tôn giáo thành bạn, thành tổ chức ngoại vi của mình, chế độ hoặc mặc nhiên hoặc minh nhiên đề nghị các tôn giáo chấp nhận “hợp đồng” sau:
a) Phía tôn giáo
– im lặng, không đả động hay phản đối sự ác, bất công do chế độ gây ra, dù sự ác có đến mức rõ ràng hay đã tràn lan khắp nơi trong xã hội;
– chủ yếu phát triển những sinh hoạt tôn giáo nặng hình thức bên ngoài để quốc tế dễ thấy được chính sách “tự do tôn giáo” của nhà nước, như thực hiện các lễ nghi, rước sách, đình đám, xây cất những nơi thờ tự nguy nga, ra nước ngoài tu học, xuất ngoại để lo đời sống tâm linh cho người Việt hải ngoại…;
– coi nhẹ những sinh hoạt nặng phần nội tâm như dạy giáo lý, phát triển hội đoàn, nhất là tránh rao giảng về lương tâm, ý thức trách nhiệm đối với xã hội trong việc chống ác, chống bất công do chế độ gây ra, tránh thể hiện tinh thần liên đới với các nhà tranh đấu tự do dân chủ (như cầu nguyện cho họ, ủng hộ họ…);
– im lặng chấp nhận cho chế độ xen vào việc tổ chức nội bộ, bổ nhiệm nhân sự; thậm chí cho người của chế độ tham dự việc đào tạo các chức sắc tương lai (như vào tu viện dạy triết Mác-Lê và lý thuyết cộng sản)…;
– về xã hội, bằng lòng chỉ bao nhận một số trách nhiệm mà đúng ra chế độ phải cáng đáng như: săn sóc các bệnh nhân siđa, nghiện hút, săn sóc người già…(*c) chứ không đòi hỏi quyền thực hiện những trách nhiệm khác như giáo dục giới trẻ, làm truyền thông, truyền hình, phát thanh, ra báo…;
– sẵn sàng cộng tác với chế độ trong việc tuyên truyền một số chính sách (hạn chế sinh sản, hô hào tín đồ đi bầu cho đông, đi nghĩa vụ, làm thủy lợi…); báo cáo những gì mình thấy hay biết liên quan đến chế độ (như phản ứng của các đồng sự, các tín đồ mình chăm sóc, của dân chúng trong vùng đối với chế độ…) để chế độ tùy nghi xử lý; cho chế độ mượn các cơ sở tôn giáo cách ngắn hạn để làm phòng họp, phòng bỏ phiếu; hoặc dài hạn để làm trường học, bệnh viện…; hoặc vĩnh viễn cống hiến cho chế độ tùy nghi sử dụng…
– chấp nhận cho các chức sắc tôn giáo tham gia vào các tổ chức chính trị của chế độ như quốc hội, mặt trận tổ quốc, ủy ban đoàn kết…
– kết án, coi là tội phạm, hay ít nhất không ủng hộ những ai lên tiếng chống lại sự ác hay bất công do chế độ gây ra, những người cổ võ nhân quyền, tự do dân chủ, quyền tự quyết của toàn dân…
b) Phía chế độ
Tùy theo mức độ hưởng ứng của từng tôn giáo đối với chính sách “win win” này mà chế độ cộng sản dành cho tôn giáo ấy nhiều hay ít những ân huệ, những dễ dãi – nhất là những thứ mà quốc tế có thể dễ dàng nhìn thấy được – như tự do sinh hoạt, hành đạo, xuất ngoại, quyên góp, xây dựng nơi thờ tự… Những tự do dễ thấy này – và nhiều thứ tự do mà chế độ chưa chấp nhận ban phát (thường khó thấy hơn) – vốn là những quyền tự nhiên mà các nước tự do trên thế giới cho các tôn giáo phải có. Chức sắc tôn giáo nào chấp nhận chính sách trên sẽ được nhà nước tạo điều kiện tiến thân nhanh chóng trong giáo hội của mình, được nhiều ưu đãi, được dễ dàng khi thi hành chức vụ tôn giáo của mình… Còn chức sắc nào nhất định làm theo đòi hỏi của lương tâm, không theo đòi hỏi hay quyền lợi của chế độ thì sẽ bị bạc đãi, khó dễ, khó tiến thân và không được chế độ chấp nhận cho đảm trách những chức vụ quan trọng trong giáo hội mình…
Nhận định
Chấp nhận những điều kiện trên để được tự do, được ưu đãi thì tôn giáo đã tự biến chất, không còn là tôn giáo đúng với bản chất nguyên thủy của mình nữa. Như thế thì quả là trả giá quá mắc cho sự tự do rất hạn chế của mình. Một cô gái khôn ngoan đức hạnh thà chấp nhận đau khổ, bạc đãi, tù tội chứ không đời nào chấp nhận hy sinh trinh tiết mình chỉ để nhận được những ưu đãi rẻ tiền của chàng sở khanh.
Một số tôn giáo hiện nay không coi các tu sĩ tham gia các chức vụ trong chính quyền cộng sản là làm chính trị, nên sẵn sàng chấp nhận hoặc ủng hộ việc tham gia này (*d). Nhưng mỉa mai thay chính các tôn giáo ấy lại coi những tu sĩ nào chống đối sự ác hay bất công do chế độ gây ra là làm chính trị, để từ đó tỏ thái độ phản bác, không chấp nhận hoặc ủng hộ (*e). Thật nghịch lý! Đúng ra phải hành xử ngược lại mới phải đạo. Đây là một trong những dấu chỉ cho thấy tôn giáo đã bị biến chất đến mức độ nào.
Bản chất của tôn giáo vốn có tính giải phóng, giải thoát, chống sự ác, chống bất công; nhưng trong chiến thuật mới, cộng sản biến tôn giáo trở nên “thuốc phiện” đúng như Karl Marx đã nói. Nghĩa là làm cho các tín đồ tôn giáo vui vẻ chấp nhận thân phận nô lệ, những bất công phi lý, nhân quyền và tự do bị chà đạp, không còn muốn tranh đấu để thoát khổ. Các lãnh đạo của những tôn giáo đã bị “thuần hóa” ấy thường chỉ thích rao giảng và cổ võ những đức tính mềm yếu, thụ động, vô hại cho chế độ như chuyên chăm cầu nguyện, ngồi thiền, vâng lời, nhẫn nại, chịu đựng, thầm lặng, khiêm nhường, hy sinh, chịu khó… Họ ít nhắc đến những đức tính đối lập, có tính cứng cát và năng động như: khôn ngoan, kiên quyết, dũng cảm, bất khuất, quý sự thật, trọng công lý, suy xét thấu đáo, sẵn sàng tranh đấu, can thiệp khi thấy sai trái bất công theo kiểu “ngoài đường thấy sự bất bình chẳng tha”… Vì những đức tính này rất bất lợi cho độc quyền cai trị của chế độ. Cứ như thế, các tôn giáo dần dần sẽ bị tê liệt khả năng phản kháng đối với sự ác – là thứ mà bản chất tôn giáo vốn phải có – nhất là khi sự ác ấy do chế độ gây ra. Nói theo ngôn ngữ y tế, đó là bệnh “liệt kháng tâm linh” (spiritual AID).
Khi đã trở thành thuốc ru ngủ quần chúng, không còn nguy hiểm cho chế độ độc tài, mà đã trở thành một tổ chức ngoại vi phục vụ hữu hiệu cho chế độ, các tôn giáo ấy sẽ được tự do hoạt động như tất cả các tổ chức ngoại vi khác của chế độ… Lúc đó không còn ai trên thế giới có thể phiền trách được cộng sản vi phạm quyền tự do tôn giáo nữa.
Những phương cách biến chất tôn giáo
Để tiến hành chiến thuật biến chất các tôn giáo, chế độ cộng sản đã dùng những phương cách sau:
1) Cài người vào nội bộ tôn giáo:
Đối với các tổ chức thù nghịch, một trong những việc mà cộng sản thường làm là cài người của họ vào hoạt động bí mật trong các tổ chức ấy: nếu không chủ động cài người của mình vào được thì biến một số người trong tổ chức thù nghịch thành người của mình. Trước 1975, Cộng sản đã khá thành công trong việc cài người vào chế độ Việt Nam Cộng Hòa từ cấp cơ sở đến những cấp tương đối cao nhất trong chính quyền. Vì thế, việc cài người của chế độ vào tôn giáo – nhất là khi các tôn giáo đã nằm trong tay chế độ – là chuyện dễ làm. Nếu họ đã thành công bên Đông Âu – chẳng hạn Ba Lan có tới 15% chức sắc tôn giáo làm “nội gián” – chắc chắn họ cũng thành công tại Việt Nam ít nhất ở mức tương tự. Những “nội gián” ấy thường được gọi là “hai mang”, vì họ cùng một lúc mang hai bản chất mâu thuẫn nhau: vừa là chức sắc tôn giáo, vừa là công an chìm… Họ là những người cộng sản âm thầm hoạt động trong lòng các giáo hội, hay nói cách khác, là người hữu thần nhưng chủ yếu lại hoạt động cho chủ nghĩa vô thần.
Việc cài người trực tiếp vào tôn giáo vừa khó khăn, tốn kém, vừa dễ bại lộ, nên họ thường theo cách dễ hơn là biến chính người của tôn giáo thành người của họ, hay ít ra là người bí mật hoạt động cho họ trong lòng các tôn giáo. Những phương cách như “cây gậy và củ cà rốt”, mỹ nhân kế, gài bẫy, nắm “tẩy”… tuy cổ điển những vẫn rất thường đắc dụng. Tập hợp lãnh đạo tôn giáo – dù là cấp cao nhất – một khi đã có người của chế độ hoạt động bên trong, thì kể như rất khó đoàn kết, khó có được sự nhất trí trong những quyết định quan trọng và cần thiết, nhất là khi những quyết định ấy bất lợi cho chế độ. Sự hiện diện của những “hai mang” này khiến các thành viên trong tập hợp nghi ngờ nhau, không dám thổ lộ cho nhau những gì sâu kín trong trái tim hay khối óc của mình nữa. Vì thế, chúng ta đừng mong những tập hợp điều hành suy yếu này có được những quyết định hợp thời, hợp với nhu cầu khẩn thiết của tôn giáo, nếu quyết định ấy bất lợi cho chế độ.
2) Dùng chiêu bài “tôn giáo không làm chính trị”:
Để làm tê liệt sức phản kháng đối với sự ác và bất công do chế độ gây nên, cộng sản tận dụng chiêu bài “tôn giáo không làm chính trị” vốn có sẵn trong các tôn giáo. Với chiêu bài này, các tôn giáo, các chức sắc tôn giáo sẽ trở thành câm lặng và thụ động trước các bất công rõ ràng trước mắt đang lan tràn trong xã hội…
Quả thật, tôn giáo nào cũng chủ trương không làm chính trị, thậm chí cấm các chức sắc của mình không được tham gia chính trị… Nhưng chủ trương không làm chính trị ở đây có nghĩa là không tham gia vào những chức vụ trong chính quyền, không tham gia đảng phái. Mục đích chính là để các chức sắc tôn giáo là người của tôn giáo, cũng là người của mọi người, chứ không phải là của riêng một tập thể nào. Vì khi họ tham gia vào một đảng phái hay một chức vụ nào đó trong chính quyền, họ sẽ gặp nhiều tình huống khó xử trước hai bổn phận trái nghịch nhau: nếu làm theo đòi hỏi của tôn giáo thì họ lỗi bổn phận đối với chính quyền hay đảng phái, và ngược lại. Nhưng chế độ cộng sản và các chức sắc thân cộng thường xuyên tạc ý nghĩa chính xác của chủ trương này nhằm làm mọi người hiểu lầm rằng tôn giáo tuyệt đối chủ trương đứng ngoài chính trị.
Thật ra, không luật lệ tôn giáo nào cấm các các chức sắc của mình chống lại sự ác hay bất công, dù là do chế độ, nhà nước hay nhà cầm quyền đương thời gây ra. Lên tiếng chống lại những bất công đó, tuy có thể liên can đến chính trị, nhưng không phải là làm chính trị. Các chức sắc tôn giáo chẳng những không nên tránh né việc chống lại sự ác, mà còn phải làm gương cho các tín đồ về chuyện này, nhất là khi sự ác ở tầm mức lớn lao như khi một chế độ đang làm băng hoại đạo đức của cả một quốc gia, hay làm cho nhân dân trong nước quá thống khổ…
Các vị sư Miến điện biểu tình ôn hòa chống nhà nước độc tài (*f), các giám mục Công Giáo ở Zimbabwe đồng thanh lên tiếng chống lại chế độ độc tài trong nước (*g), hay cá nhân các chức sắc khác như Đức Dalai Lama của Tây tạng, Đức TGM Oscar Romero ở El Salvador, Đức HY Sin ở Philippines, Đức TGM Nguyễn Kim Điền ở Việt Nam, v.v… chưa hề bị một tôn giáo chân chính nào kết án là đã làm chính trị khi các vị lên tiếng chống lại sự ác và bất công do chính quyền sở tại gây nên. Trái lại, chúng ta chỉ thấy các tôn giáo đề cao những việc làm ấy như những gương sáng đáng cho mọi tín đồ noi gương bắt chước. Còn những chức sắc sẵn sàng câm lặng trước sự ác và bất công, chưa hề thấy có một tôn giáo nào đề cao tình trạng thụ động ấy của họ. Trái lại, chúng ta chỉ thấy họ bị khiển trách hoặc kết án: Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô nói rất nặng lời về những giám mục chấp nhận câm lặng trước bất công là “những con chó câm”, ĐGH Piô XII đã một thời gian bị nhiều phong trào trên thế giới kết án chỉ vì họ hiểu lầm rằng ngài đã không làm gì để cứu vãn người Do Thái khi bị Hitler tàn sát…
Nhưng cộng sản – và các chức sắc tôn giáo muốn dùng chiêu bài này để câm lặng hầu được yên thân, an toàn – lại tuyên truyền sai lạc rằng: Khi nào sự ác hay bất công mà do chế độ cầm quyền gây ra thì không được lên tiếng chống lại, vì như thế là làm chính trị. Còn sự ác hay bất công do ai khác, không phải do chế độ đương quyền, gây ra, thì được phép chống lại, vì như thế không phải là làm chính trị. Thật là một phi lý mà trẻ con cũng nhận ra! Nhưng lạ thay, rất nhiều chức sắc tôn giáo có bằng cấp rất cao lại vin vào đó để chống chế trước tòa án lương tâm và sự phiền trách của tín đồ về sự im lặng đồng lõa của mình.
Chúng ta thấy rõ sự hữu hiệu và thành công của chiêu bài này trong sự kiện: các tôn giáo trong nước hiện nay nói chung đều e dè, ngại ngùng không dám lên tiếng chống lại sự ác hay bất công do chế độ cộng sản gây ra. Nếu có ai dám lên tiếng, thì việc bênh vực hay liên đới với người ấy cũng bị coi là làm chính trị. Chúng ta thấy rất rõ điều này khi linh mục Nguyễn văn Lý lên tiếng cho tự do tôn giáo và chống bất công xã hội, rất nhiều tín hữu Công Giáo, kể các các giám mục và linh mục đều cho rằng ông hành động như thế là sai trái vì đó là làm chính trị. Ngay cả việc ra mặt ủng hộ ông, nhận làm lễ cầu nguyện cho ông, hoặc xin mọi người cùng cầu nguyện cho ông cũng được hiểu là làm chính trị, là điều xấu, nên không dám làm.
Họ đã coi nhẹ luật chính thức và quan trọng của tôn giáo, cũng là luật của lương tâm là phải chống lại sự ác, phải lên tiếng trước bất công, và không chỉ lên tiếng chống bất công mà còn phải tìm mọi cách xóa bỏ bất công trong xã hội nữa. Ngược lại, họ đặt rất nặng một luật phụ thuộc trong tôn giáo đồng thời cắt nghĩa sai lạc đi. Nói theo ngôn từ Kitô giáo, họ đã coi nhẹ luật Thiên Chúa tức luật “công bằng và yêu thương” để coi nặng một cách hiểu méo mó, thiên lệch về một luật do con người đặt ra (*h).
3) “Cây gậy và củ cà rốt”:
Đây là một phương sách cũ rích nhưng vẫn luôn luôn hữu hiệu. Tôn giáo hay các chức sắc nào dễ bảo dễ nghe, chấp nhận im lặng trước sự ác thì được tự do, ưu đãi; tôn giáo hay chức sắc nào “cứng đầu”, dám lên tiếng theo lương tâm, lẽ phải thì bị bách hại, cấm cách. Luật lệ về tôn giáo, chẳng hạn pháp lệnh tôn giáo ban hành ngày 18/6/2004, đòi hỏi các chức sắc tôn giáo, nói chung, hầu như làm gì cũng phải xin phép và có được nhà nước cho phép mới được làm. Các chức sắc thuộc loại dễ bảo thì xin phép gì cũng dễ dàng được chấp thuận. Nhiều vị không xin phép mà cứ làm cũng được dễ dàng bỏ qua. Còn chức sắc nào thuộc loại không dễ bảo thì xin phép gì cũng gặp khó khăn, bị hoạnh hẹ đủ điều, dù là xin những điều thật chính đáng. Thật vậy, nhiều nhà thờ Công Giáo hoặc Tin Lành do các chức sắc thuộc loại dễ bảo quản nhiệm thì dễ dàng được phép xây dựng nguy nga đồ sộ; trong khi đó, nhà nguyện nhỏ bé của mục sư Nguyễn Hồng Quang xin phép xây dựng rất khó khăn (*i).
Các chức sắc nào đi tu để được người đời trọng vọng, để dễ tiến thân trong xã hội, để có được một nghề tương đối dễ làm mà lương cao (good job!), chứ không phải để hy sinh cho đạo pháp, cho chúng sinh, thì rất dễ thành đối tượng của kế sách này. Các vị chức sắc loại này rất dễ và cũng rất sẵn sàng trở thành người “nằm vùng” trong tôn giáo của mình để bí mật hoạt động cho chế độ.
4) Nắm “tẩy”, cài bẫy, mỹ nhân kế
Một chức sắc tôn giáo có uy tín, có chức vụ cao trong tôn giáo, nếu lỡ có một lầm lỗi có thể làm mất thanh danh hay uy tín trước các tín đồ như không sòng phẳng tiền bạc, lỗi khiết tịnh… thì rất sợ lỗi đó bị phanh phui trước công luận. Khi bị tiết lộ, chẳng những thanh danh hay uy tín bị mất, mà các chức vụ mình đang có trong tay với quyền bính và quyền lợi đi kèm cũng có thể bị mất theo. Chế độ độc tài nắm rất vững tâm lý này, nên lợi dụng và khai thác triệt để. Một số chức sắc tuy có lòng với đất nước, nhưng đành phải im lặng trước sự ác hay đành phải chấp nhận cộng tác với chế độ hầu bảo vệ thanh danh và uy tín của mình, chỉ vì đã bị chế độ “nắm tẩy”.
Những chức sắc tương đối đạo cao đức cả, chế độ không nắm được một “tẩy” nào, thì chế độ phải cài bẫy để tạo ra “tẩy” hầu “nắm” cho được những vị này. Đã là con người, không ai chắc chắn mình sẽ không sa ngã khi bị cám dỗ quá mạnh, nhất là bị các nhà “chuyên nghiệp cám dỗ” đưa họ vào “mê hồn trận” về sắc dục, tiền bạc, quyền lực… Những sa ngã này rất đáng thông cảm và tha thứ, nhất là đối với các chức sắc trẻ đẹp, tài cao, sung sức… Nhưng ngặt nỗi dư luận không khoan dung như vậy. Đặt bẫy, chụp hình và ra điều kiện… là “nghề của chàng”, là tài chuyên nghiệp của các chế độ chủ trương “mục đích biện minh cho phương tiện”!
Một trong những phương cách cài bẫy hữu hiệu nhất là áp dụng mỹ nhân kế. Chỉ cần một liều thuốc có công dụng làm mất sáng suốt, mất tự chủ, được lén bỏ trong thức ăn hay đồ uống là đủ làm cho những đối tượng “cao tay ấn” nhất, ăn hay uống phải, có thể ngã quỵ trước sắc đẹp của nữ giới, nhất là trước những phụ nữ chuyên nghiệp thi hành kế này. Có những chức sắc rất can cường, chỉ sau một lần vị nể chấp nhận tham dự một bữa tiệc với một ai đó, bỗng nhiên mất hết dũng khí trước những sự ác mà trước đây vị này vẫn mạnh dạn chống đối…
Thiết tưởng tất cả những ai thấy mình vì yếu đuối mà lầm lỗi, hay vì thiếu sáng suốt mà bị cài bẫy, hãy tiếp tục can đảm lên tiếng chống sự ác. Đừng vì những yếu đuối nhất thời đó làm mất đi bản chất anh dũng của mình. Thà một lần chấp nhận bị mất uy tín, mất thanh danh, mà giữ được bản chất cao quý của mình. Thế giới, đồng bào và các tín đồ sẽ thông cảm những yếu đuối đó, đồng thời sẽ cảm phục sự trung thành của các vị với bản chất “chống ác phù thiện” của tôn giáo mình.
***
Đức Giêsu, Vị sáng lập Kitô giáo, nói: “Anh em là muối cho đời. Nếu muối lạt thì lấy gì ướp nó mặn lại? Chỉ còn nước ném ra đường cho người ta giày đạp” (Mt 5,13) Muối có vị mặn, tôn giáo có vị chống ác phù thiện. Tôn giáo nào gặp ác không chống, thấy thiện không phù, thì phần nào đã trở thành vô dụng, giảm giá trị, mất đi nhiều khả năng giáo hóa tâm linh; chỉ còn công dụng làm đồ trang sức, tạo vẻ đẹp ngoài vỏ cho những chế độ độc tài phi nhân. Một tôn giáo làm lợi cho chế độ độc tài, phải chăng cũng là làm chính trị, nhưng theo chiều hướng xấu? Ai có thể biến chất các tôn giáo như thế? Trước tình trạng tôn giáo mình bị biến chất, tất cả mọi tín đồ, đặc biệt các chức sắc, đều có trách nhiệm. Kẻ thấy tôn giáo mình bị biến chất nhưng vẫn mặc kệ như người vô trách nhiệm, có còn là một tín đồ tốt không? Mọi người đều phải trả lẽ trước tòa án lương tâm mình về những việc phải làm mà không làm, và những việc không nên làm mà lại làm. Trách nhiệm không chu toàn càng cao, tội càng lớn!
Chú thích
(*a) – Ác thường được hiểu là xấu xa, gian dối, có hại hay đem lại đau khổ cho nhân loại, xã hội, gia đình và bản thân. Thiện, trái với ác, thường được hiểu là tốt đẹp, chân thật, có lợi hay đem lại hạnh phúc cho nhân loại, xã hội, gia đình và bản thân
– Khuyên: về mặt lý thuyết, tôn giáo dạy con người những điều hay lẽ phải, cho con người những lời khuyên, những nguyên tắc để con người tuân theo, đưa ra những mẫu gương tốt đẹp của các vị giáo chủ hay các thánh nhân để con người bắt chước. Ngoài ra còn có đủ loại kinh sách, triết lý, giáo lý (đạo học, thần học, phật học…) để các tín hữu có nền tảng lý thuyết vững chắc cho việc hành thiện chống ác của tôn giáo. Giúp: tôn giáo cũng giúp cho con người những động lực mạnh mẽ, sức mạnh tâm linh, để con người tránh ác hành thiện, sẵn sàng can đảm, hy sinh, quên mình hầu sống vị tha,
Ngoài ra, tôn giáo còn giải phóng con người khỏi tình trạng nô lệ: nô lệ chính mình, nô lệ tha nhân, bằng cách cung cấp cho con người một nhân sinh quan, vũ trụ quan hợp lý.
(*b) Khá nhiều người trong các tôn giáo hiện nay, kể cả những bậc lãnh đạo, chỉ quan tâm tới việc làm bác ái mà không hề quan tâm tới bổn phận chống bất công hay xóa bất công của tôn giáo. Thật ra, bác ái chỉ thật sự có ý nghĩa và hữu ích khi nó được xây dựng trên nền tảng công bình, cũng như việc hành thiện phải xây dựng trên nền tảng chống ác. Thử hỏi giúp đỡ vật chất cho một người nghèo có ích gì khi đằng sau người nghèo ấy có một tên cướp sẵn sàng cướp đi hầu hết những gì người nghèo ấy nhận được? Cứ giúp đỡ người nghèo ấy mà không nghĩ gì đến việc đuổi hay triệt hạ tên cướp ấy thì có còn là người trí nữa không? Hơn nữa, con người cần nhân phẩm và tự do hơn vật chất, vì nếu nhân phẩm và tự do của con người được tôn trọng, thì con người có thể tự tạo ra đủ vật chất cần thiết cho mình, không cần ai giúp đỡ nữa. Nếu các nhà đạo đức không chịu giúp cho con người về nhân phẩm và tự do, mà chỉ muốn giúp về vật chất thôi thì có phải là khôn ngoan và hợp đạo đức không?
(*c) Ở các quốc gia tự do, những công việc nặng nhọc mà không kinh tế này đều do nhà nước đảm trách vì họ thu thuế của dân là để làm những việc ấy. Nhà nước có thể nhờ tư nhân làm, nhưng do nhà nước trả lương.
(*d) Chẳng hạn trong giáo hội Công Giáo, nhiều linh mục được giám mục bản quyền mặc nhiên chấp nhận cho tham gia ứng cử Quốc hội và một số linh mục đã đắc cử…
(*e) Chẳng hạn một vài giám mục và nhiều linh mục đã cho rằng hành động của linh mục Nguyễn Văn Lý là làm chính trị, nên hầu hết các giám mục và linh mục Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã không ủng hộ, tỏ ra không đồng thuận, không tỏ tình liên đới, thậm chí nhiều vị còn công kích linh mục Lý.
(*f) Xem http://www.radiochantroimoi.com/spip.php?article2625,
http://www.vnn-news.com/breve.php3?id_breve=9861
(*g) Xem http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2007-04/2007-04-09-voa30.cfm,
http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2005-03/2005-03-28-voa19.cfm.
(*h) Đức Giêsu trách những người loại này: “Luật Trời thì không giữ, mà lại giữ những thứ truyền miệng của con người” (Mc 7,8); Ngài nói với những người Pharisêu: “Luật nộp thì là, bạc hà, rau húng thì các ngươi coi trọng, còn điều quan trọng nhất trong lề luật là tình thương, sự công bằng và lòng thành thật thì các ngươi lại bỏ qua” (Mt 23,23); Ngài trách họ về thái độ: cái chính yếu thì coi thường, còn cái phụ thuộc lại coi trọng: “Các ngươi dạy: kẻ nào chỉ bàn thờ mà thề thì không phải giữ; nhưng chỉ của lễ trên bàn thờ mà thề thì phải giữ. Hỡi kẻ mù kia, giữa của lễ, và bàn thờ – là cái làm cho của lễ nên thánh – cái nào trọng hơn?” (Mt 23, 18-19).
(*i) Trường hợp mục sư Quang – một mục sư chủ trương phải chống lại sự ác do chế độ gây ra như một đòi hỏi của lương tâm – chỉ là một thí dụ điển hình cho nhiều trường hợp tương tự khác. Tháng 5/2006, được cấp giấy phép xây dựng nhà nguyện sau cả một thời gian xin phép rất lâu, mục sư Quang tiến hành xây dựng nhà nguyện của ông vì nhà nguyện cũ đã xuống cấp rất nhiều. Nhà nguyện đang trong tiến trình xây dựng thì nhà cầm quyền địa phương kéo 50-60 người đến hành hung đập phá, lấy cớ là ông xây cao hơn chiều cao cho phép. (Xem http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/05/22/Saigon_Police_Destroyed_Rev_NguyenHongQuang_House_VHung/ ).
Khi người viết bài này đến tận nơi hỏi thăm mục sư Quang, ông cho biết ông không hề xây cao hơn, và cho tôi thấy những người trong nhà bị hành hung, trong đó có một tín đồ đang mang thai. Ông chỉ cho tôi thấy tận mắt vết tích của nóc nhà nguyện đang xây (tức nửa phần nhà phía trước) rõ ràng không cao hơn nóc nhà của nửa phần nhà cũ (phía sau) còn để lại.
Nguyễn Chính Kết
Viết tại Ottawa, ngày 24/10/2007.
Viết tại Ottawa, ngày 24/10/2007.
________________________________________________________________________