Cầu nguyện cho linh mục Nguyễn văn Lý
có vi phạm pháp luật không?


Vấn đề

Trong bản tin ngày 02-01-2002 (Tin tức về cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Huế), phóng viên tường trình từ Huế cho biết:

Linh mục Trần Tuấn, dòng Chúa Cứu Thế, trong lễ Giáng Sinh tại giáo xứ An Truyền, có mời gọi giáo dân trong xứ cầu nguyện cho linh mục Nguyễn văn Lý. Kết quả của việc việc đó là «tay trung tá Phạm Ðức Thuận liền đến nhà dòng, gặp cha bề trên Lê Viết Phục để hăm dọa: “Ông phải chịu trách nhiệm về cộng đoàn của ông”».

Ðọc tới đây, tôi tự hỏi: phải chăng việc cầu nguyện cho linh mục Nguyễn văn Lý là sai trái, là vi phạm pháp luật? Việc cầu nguyện cho linh mục Lý có sai trái chăng, khi mà linh mục này, vì lợi ích của Giáo Hội và các tôn giáo khác, đã dám bất chấp nguy hiểm đứng lên đấu tranh, đòi tự do tôn giáo, và hiện nay đã bị tù 15 năm sau một phiên tòa đầy tính vội vàng và lén lút của nhà cầm quyền (phải nói là lén lút vì thiếu rất nhiều yếu tố để được gọi là công khai). Tôi cũng rất mong được những nhà giỏi pháp luật giải thích cho tôi theo công tâm của mình.

Trước khi được những bậc cao minh giải thích, tôi xin được nêu ra ý kiến của mình, mà tôi nghĩ rằng việc nêu lên ý kiến này cũng không hề lỗi luật pháp, dù chỉ một chút.


Ý kiến của người viết bài này

Tôi thấy lời mời gọi của cha Tuấn trong thánh lễ Giáng Sinh hôm ấy, phải công tâm mà nói, thật là hợp tình hợp lý, và ngài đã làm theo sự đòi hỏi của lương tâm một linh mục. Và giáo dân An Truyền nếu có cầu nguyện cho cha Lý thì họ đã làm đúng bổn phận của một giáo hữu đối với một chủ chăn, và đúng theo lương tâm của một Ki-tô hữu. Việc cha Tuấn mời gọi như thế – cũng như việc tôi lên tiếng đồng ý với cha Tuấn hôm nay – tôi nghĩ chẳng phải là một việc làm can đảm cho bằng một việc mà lương tâm đòi buộc. Cha Tuấn hôm ấy và tôi trong bài này, đã làm theo sự đòi hỏi của lương tâm, chứ không phải làm vì lòng can đảm, mặc dù cũng phải có chút ít can đảm. Nếu cha Tuấn mà không kêu gọi cầu nguyện như thế trong thánh lễ hôm ấy, thì ngài đã làm sai: sai vì đã không làm điều mà lương tâm mình đòi buộc phải làm.

Thật vậy, tôi xin hỏi, và xin mọi người – kể cả những người cộng sản – cứ theo công tâm mà trả lời: Nếu cha Tuấn đến làm lễ tại giáo xứ của cha Lý thay cho cha Lý phải vắng mặt, đang khi cha Lý vẫn là quản nhiệm chính thức của giáo xứ ấy, mà cha Tuấn không hề nhắc đến cha Lý, không hề mời gọi giáo dân cầu nguyện cho ngài, thì hỏi rằng cha Tuấn đúng hay sai? Tôi cho rằng sai! Tình người, tình đồng đạo, và tình huynh đệ trong linh mục đoàn buộc cha Tuấn phải làm điều ấy. Cũng như một ông tỉnh trưởng đến một tỉnh khác để tạm thời điều hành tỉnh đó thay thế ông tỉnh trưởng đương nhiệm phải vắng mặt một thời gian, mà không nhắc gì đến ông tỉnh trưởng vắng mặt, làm như ông tỉnh trưởng vắng mặt ấy không hề làm tỉnh trưởng tỉnh ấy bao giờ, thì làm như thế có phù hợp đạo làm người không? có thể hiện tình đồng chí với nhau không?

Việc cầu nguyện cho ai, là tự do của mỗi người, dù là cầu nguyện riêng tư hay công khai. Vì đây là một sinh hoạt tâm linh, thuộc lãnh vực tự do tôn giáo, nhất là lại làm điều ấy trong khuôn khổ một thánh lễ, trong một giáo đường. Cấm cầu nguyện cho bất cứ ai, đều là vi phạm quyền tự do tôn giáo. Giáo Hội dạy người Ki-tô hữu cầu nguyện cho tất cả mọi người, không ngoại trừ ai, kể cả người tội lỗi, thậm chí kẻ thù, vì chính Ðức Giê-su đã dạy: «Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em» (Mt 5,44). Bất kỳ ai, dù là thánh thiện hay tội lỗi, cũng cần được người khác cầu nguyện cho, vì ai cũng cần có ơn Chúa để sống tốt hơn, để vững tâm bền chí vượt qua những cơn thử thách của cuộc đời.

Cha Lý có cần tới những lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu không? Ngài có cần Ðức Cha quản nhiệm của ngài, linh mục đoàn trong giáo phận của ngài, giáo dân của ngài, và tất cả những Ki-tô hữu khác cầu nguyện cho không? Nếu không, tôi xin được kết thúc bài này nơi đây, và việc chính quyền cấm cầu nguyện cho Ngài cũng có một chút nào đó hợp lý.

Nhưng tôi nghĩ, cha Lý lúc này gặp nhiều thử thách hơn bao giờ hết, ngài cần rất nhiều ơn Chúa, nghị lực để vượt qua cơn thử thách này, để tuân hành thánh ý Thiên Chúa trong hoàn cảnh này. Vì thế, ngài rất cần lời cầu nguyện của các giám mục, các linh mục, và những người đồng đạo với ngài hơn bao giờ hết. Nếu ngài được bình an vô sự ở ngoài như bao linh mục khác, ngài cũng cần được mọi người cầu nguyện, huống gì trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay?

Riêng tôi, nếu vì tranh đấu cho tự do tôn giáo, vì đã nói lên tiếng nói lương tâm của mình, mà tôi có bị kết án tù (đương nhiên phải dưới một tội danh khác), thì tôi cũng nói trước để xin tất cả mọi người quen biết tôi cầu nguyện đặc biệt cho tôi vào thời gian ấy. Vì chính trong thời gian phải thử thách ấy, tôi cần những lời cầu nguyện của đồng đạo hơn bất cứ lúc nào trong cuộc đời tôi. Nếu chính lúc đó anh chị em không cầu nguyện cho tôi, thì những lúc tôi được an toàn, tôi chẳng cần anh chị em cầu nguyện cho tôi làm gì!

Về mặt tâm linh, theo cái nhìn của Ki-tô hữu, cha Lý rất cần được mọi người cầu nguyện. Không những thế, những ai thật sự sống tinh thần bác ái Ki-tô hữu, tôi nghĩ, cũng đều cảm thấy lương tâm mình buộc phải cầu nguyện cho ngài. Thế còn xét về mặt luật pháp thì sao? Có điều luật nào trong luật pháp Việt Nam cấm người Ki-tô hữu cầu nguyện cho cha Lý không? Tôi không rành về luật pháp cho lắm, nên tôi không có thẩm quyền trong lãnh vực này. Tôi xin nhường lại vấn đề này cho những luật sư, hay những người rành rọt về luật pháp hơn.

Có điều là tôi hiểu khá rõ về lập trường của Giáo Hội Công giáo trong trường hợp này, nên tôi xin được trình bày.


Lập trường của Giáo Hội Công giáo

Giả sử – tôi chỉ giả sử mà thôi – trong luật pháp của Việt Nam, có một điều khoản cấm người công dân không được cầu nguyện cho những người đã bị tòa án nhà nước kết án – dù là đúng với công lý hay bất công – thì người Ki-tô hữu phải tuân hành theo luật của Thiên Chúa, của Giáo Hội, hay luật của nhà nước? (không nói tới việc điều luật ấy có vi phạm quyền tự do tôn giáo hay không!)

Theo tinh thần của Giáo Hội, nếu luật pháp nhà nước phù hợp với luật tự nhiên, với luật của Thiên Chúa, và luật của Giáo Hội, thì người Ki-tô hữu có nhiệm vụ phải tuân hành luật của nhà nước. Nếu luật của nhà nước không phù hợp với luật tự nhiên của con người, của Thiên Chúa, của Giáo Hội, thì theo lương tâm, người Ki-tô hữu không bị buộc phải tuân giữ, hoặc có khi không được phép tuân giữ, thậm chí đôi khi bị buộc phải chống lại. Trái lại, người Ki-tô hữu có luật: «Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29). Theo luân lý Ki-tô giáo, người Ki-tô hữu phải coi mệnh lệnh của lương tâm đã được giáo dục của mình hơn cả luật của chính Giáo Hội, và đương nhiên cả luật của nhà nước nữa. Luật tối thượng là luật của Thiên Chúa, được biểu hiện nơi lương tâm ngay thẳng của con người.

Ðối với cá nhân, lương tâm ngay thẳng là tiêu chuẩn cuối cùng mà con người phải theo khi có những xung đột giữa các tiêu chuẩn phải theo. Sách Giáo lý chung viết: «Con người luôn luôn phải vâng theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình» (số 1800). Công Ðồng Vatican II cũng viết: «Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng bị xét xử theo lề luật ấy nữa (x. Rm 2,14-16). Lương tâm là điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây, con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ» (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 16a).

Các thánh tử đạo xưa không phải là những người thiếu tinh thần tôn trọng pháp luật quốc gia. Vì nói chung, Giáo Hội Công giáo dạy mọi Ki-tô hữu phải tuân hành luật pháp của quốc gia mình, chỉ trừ ngoại lệ này là khi nào luật pháp ấy đi ngược lại luật tự nhiên của con người, hay luật của Thiên Chúa. Người Ki-tô hữu phải làm gương cho những người khác trong việc tôn trọng luật pháp quốc gia, vì tuân hành luật pháp quốc gia trong hầu hết các trường hợp chính là tuân theo lề luật của Thiên Chúa. Chính vì cái ngoại lệ ấy mà các thánh tử đạo đã bất chấp luật lệ của nhà nước, các sắc lệnh cấm đạo của vua quan, để làm theo mệnh lệnh của lương tâm mình. Và chính vì bất tuân luật pháp nhà nước trong trường hợp ngoại lệ này mà các ngài được phong thánh, được nêu lên làm gương mẫu cho mọi người theo trong những trường hợp có sự xung đột hay mâu thuẫn giữa những tiêu chuẩn khác nhau buộc con người phải theo.

Nếu ai chủ trương coi lệnh của nhà vua hơn lệnh của Thiên Chúa, thì chắc chắn người ấy không còn lương tâm Ki-tô hữu nữa! Họ không phải là một Ki-tô hữu chính danh nữa, nếu có là Ki-tô hữu thì chỉ là thứ Ki-tô hữu «hữu danh vô thực» mà thôi! (xem Rm 2,25-29).

Nguyên tắc là «phải làm theo tiếng lương tâm hơn là theo luật pháp hiện hành». Tôi nghĩ ngay cả những người Cộng Sản Việt Nam cũng phải chấp nhận nguyên tắc này. Nếu họ không chấp nhận nguyên tắc này thì việc họ kết án những quân nhân chế độ cũ là có tội, và bắt những người này phải đi tù, học tập, cải tạo là phi lý. Vì những quân nhân đó đã thi hành đúng pháp luật hiện hành của đất nước của mình lúc đó. Nếu những quân nhân đó không thi hành điều pháp luật của họ buộc thì họ sẽ bị pháp luật ấy trừng trị. Nếu chủ trương con người phải tuyệt đối tuân theo pháp luật hiện hành của quốc gia mình, thì nhà nước Cộng Sản hiện nay phải tuyên bố những quân nhân theo chế độ cũ – chỉ biết tuân theo pháp luật của họ – là hoàn toàn vô tội, và việc bỏ tù họ là đi ngược lại với chủ trương ấy.


Trở về với thực trạng hiện nay

Vấn đề cầu nguyện cho cha Lý là nên hay không nên, điều này tùy thuộc vào phán đoán của lương tâm mỗi vị giám mục, linh mục và Ki-tô hữu Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Có thể mỗi người phán đoán mỗi khác, và không ai có quyền ép buộc lương tâm ai cả. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là nếu lương tâm và lòng bác ái của ta cho rằng nên, thậm chí cần phải cầu nguyện cho ngài, đang khi điều ấy chưa phải là lỗi pháp luật, không ai có thể bắt bẻ ta một cách hợp lý về điều ấy, mà ta lại không dám cầu nguyện cho ngài, thì ta quả là … … (xin để mỗi độc giả tự điền vào chỗ trống một vài tĩnh từ thích hợp theo tiếng lương tri của mình).

Thay vì kết luận, tôi xin nói lên cảm nghĩ của tôi. Cách đây ít năm, tôi không hiểu từ ngữ «ngôn sứ giả» – được nhắc đến rất nhiều trong Kinh Thánh và trong những lời của Ðức Giê-su – nghĩa là gì, và cụ thể trong mỗi thời đại là những ai. Bây giờ thì tôi hiểu rất rõ và có thể xác định được một cách rất hiện sinh.

Theo tôi hiểu thì phải có đủ hai điều kiện sau đây mới có thể là ngôn sứ giả:

– Ðiều kiện trước hết là: mang danh ngôn sứ, mang danh là những chứng nhân của Thiên Chúa, nghĩa là của chân lý, công lý và tình thương, và được mọi người hiểu là họ có bổn phận làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý, tình thương. Họ được mọi người tông trọng, quí mến vì mang danh này. Nếu không mang danh là ngôn sứ thì không thể là ngôn sứ giả được (còn ngôn sứ thật thì không nhất thiết phải mang danh là ngôn sứ).

– Ðiều kiện thứ hai là họ không thi hành nhiệm vụ ngôn sứ của mình. Khi Giáo Hội hay xã hội cần họ làm chứng thì họ lại câm lặng.

Họ câm lặng có thể vì mưu cầu an toàn bản thân, để khỏi mất đi những đặc quyền đặc lợi mà Giáo Hội và xã hội đang dành cho mình, nhờ thế, họ vẫn được thế gian tôn trọng và ưu đãi (xem Lc 6,26).

Họ cũng có thể câm lặng vì lợi ích của Giáo Hội. Nhưng thử hỏi Thiên Chúa có muốn cho Giáo Hội Công giáo, vốn tự hào là một dân tộc ngôn sứ, lại câm lặng trước bất công để riêng tập thể của mình được an toàn hầu phát triển mạnh mẽ hơn các tôn giáo khác không? Sự khôn ngoan kiểu này chắc chắn không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (mà là của … …?) Nếu Ðức Giê-su và các tông đồ xưa cũng khôn ngoan kiểu này thì sao, liệu có Ki-tô giáo chăng? Nếu các thánh tử đạo xưa cũng khôn ngoan kiểu này thì sao? cứ giả bộ chối đạo rồi sau đó âm thầm giảng đạo tiếp có phải là khôn ngoan hơn chăng? có phải là vừa bảo toàn được lực lượng vừa phát triển được chăng? Và nếu làm như thế, liệu các ngài có được tôn vinh làm thánh chăng?

Viết tới đây, bên tai tôi văng vẳng lên bài hát: «Hài nhi con ơi! Con sẽ là tiên tri của Chúa Chí Cao! Con sẽ ra đi trước mặt Chúa …» (Lc 1,76) luôn luôn được vang lên một cách hùng dũng mỗi dịp tôi dự lễ phong chức linh mục hay giám mục.

NGUYỄN CHÍNH KẾT






________________________________________________________________________