“Châu
chấu đá xe”, làm sao để “xe nghiêng”?
Nguyễn Chính Kết
Cuộc đấu tranh của người dân
Việt Nam dành lại quyền tự do dân chủ khỏi ách thống trị của CSVN là một cuộc
đấu tranh không cân sức, không khác gì chuyện “châu chấu đá xe”. Tuy nhiên, nếu
trong lịch sử đã có chuyện “Nực cười châu
chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!” thì chuyện đó vẫn có thể
xảy ra trong cuộc đấu tranh không cân sức hiện nay, miễn là...
Chữ “miễn là” này rất quan
trọng. Miễn là… những người đấu tranh, những tổ chức đấu tranh biết liên kết và
chiến đấu một cách khôn ngoan, có sách lược đàng hoàng. Nó là điều kiện tối cần
thiết để niềm mong ước “tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng” trở thành hiện
thực. Cha ông chúng ta đã làm cho quân Nam Hán, quân Nguyên, quân Minh, quân
Thanh phải ôm hận nhục nhã rút về nước chính là nhờ tinh thần liên kết và chiến
đấu có sách lược.
Trong cuộc đấu tranh chống
độc tài hiện nay, khi so sánh lực lượng giữa hai phía ta thấy: CSVN có rất
nhiều lợi thế về nhân lực, quyền lực, về tiền bạc, về ảnh hưởng quốc tế, về
công an quân đội, v.v... Trong khi đó, phía đấu tranh dân chủ thì rất hạn chế
về tất cả những mặt đó. Chúng ta còn bất lợi hơn CSVN về một phương diện nữa,
đó là CSVN có thể sử dụng tất cả những phương tiện xấu, ác, đê hèn, bẩn thỉu, tiểu
nhân, còn những người đấu tranh cho tự do dân chủ thì chỉ có thể sử dụng những
phương tiện tốt, cao thượng. Có như thế chúng ta mới giữ được chính nghĩa.
Chính nghĩa chính là lợi điểm
quan trọng nhất mà chúng ta có, trong khi CSVN thì không. Nhờ có chính nghĩa
chúng ta mới có thể lôi kéo được quần chúng, kể cả những người đang phục vụ cho
đảng cộng sản, đứng về phía chúng ta, để nhờ đó chúng ta có sức mạnh. Chính vì
thế, chúng ta cần phải giữ cho chính nghĩa của chúng ta luôn luôn sáng tỏ.
Trong giai đoạn hiện tại,
chúng ta vốn ít nhân lực, ít điều kiện so với đối phương (đảng CSVN), nên chúng
ta cần tập trung năng lực vào những gì cần thiết trong hiện tại. Những gì cần
thiết trong tương lai, chúng ta chỉ nên tạm thời nghĩ đến chứ chưa nên đặt
nặng. Nếu với lực lượng và khả năng quá hạn hạn hẹp mà chúng ta lại trải tất cả
sức lực của mình lên mọi lãnh vực, cả về không gian lẫn thời gian, thì chẳng
một việc nào chúng ta làm hữu hiệu được. Mặt trời với một năng lượng to lớn vô
cùng nhưng trải rộng ra khắp mặt địa cầu thì đâu tạo được một đám cháy nào.
Nhưng chỉ cần một kính lúp để tập trung một lượng ánh sáng rất nhỏ có diện tích
vừa bằng bề mặt kính lúp ấy thì vẫn có thể gây nên một ngọn lửa. Ngọn lửa ấy có
thể đốt cháy cả một khu rừng.
Cũng vậy, muốn bẻ gẫy một nó
đũa, nếu ta cầm nguyên cả bó mà bẻ thì khó mà bẻ nổi. Nhưng nếu bẻ từng chiếc
một, thì ta có thể bẻ hết bó này tới bó khác một cách dễ dàng. Cuộc đấu tranh
chống lại chế độ CSVN vừa độc tài vừa nham hiểm để xây dựng một chế độ dân chủ
là một việc hết sức khó khăn, đòi hỏi rất nhiều hy sinh gian khổ cũng như sự
khôn ngoan, mưu trí. Tương tự như chuyện bó đũa, nếu chúng ta không chia nhỏ
công cuộc khó khăn này thành nhiều phần nhỏ hay nhiều giai đoạn, mà cứ muốn làm
tất cả cùng một lúc thì không bao giờ thành công. Trong mỗi giai đoạn ta chỉ
nên tập trung năng lực vào mục tiêu của giai đoạn đó, những gì liên quan tới
những giai đoạn khác, chúng ta tạm gác sang một bên, chỉ nên để một số người
đặc biệt quan tâm đến chúng thôi. Thực hiện xong giai đoạn này, chúng ta mới
nên bước sang giai đoạn khác.
Để phá một khu rừng hầu xây
dựng một thành phố, chúng ta nên chia công việc ấy ít nhất thành hai giai đoạn:
giai đoạn phá rừng và giai đoạn xây thành phố. Khi phá rừng, chúng ta cần tập
trung vào việc phá rừng, chưa cần nghĩ đến việc tuyển mộ những kỹ sư, các nhà
thầu khoán để xây thành phố... Giai đoạn đầu, chúng ta chỉ cần thu nhận những
người có khả năng cưa cây, đốn cây, khiêng cây, dọn dẹp, di chuyển... Ai có
những khả năng tối thiểu này và đồng ý phá rừng thì chúng ta nên mời họ làm
việc. Thu nhận người phá rừng, ta không nên đặt nặng vấn đề đạo đức, tuổi tác,
học thức, tài chuyên môn, hay cách thức phá rừng… Nếu cứ đặt tiêu chuẩn phải là
người trong sạch, không có tật xấu, phải có trình độ mới chấp nhận cho họ phá
rừng, hoặc đòi hỏi họ phải biết cưa máy mới chịu nhận, và loại bỏ những ai chỉ
biết chặt cây bằng dao, hoặc cưa bằng tay… thì lực lượng phá rừng của chúng ta
chẳng được bao nhiêu, và việc phá rừng sẽ phải tốn rất nhiều thời gian. Chỉ khi
nào sắp phá xong khu rừng thành bình địa và chuẩn bị xây dựng thành phố thì
chúng ta mới cần tuyển mộ những kỹ sư, những nhà thầu khoán, thiết kế, những
thợ xây, thợ mộc, v.v...
Hiện nay, việc đầu tiên
chúng ta phải làm là làm sao lật đổ chế độ độc tài cộng sản trước đã. Việc xây
dựng một chế độ tự do dân chủ là giai đoạn kế tiếp, chúng ta cũng cần nghĩ tới.
Nhưng trong giai đoạn này, thiết tưởng chúng ta chỉ nên để cho những nhà chính
trị hoặc những người chuyên môn lo, hầu khi cộng sản sụp đổ, chúng ta có thể
thực hiện ngay. Còn đại đa số chúng ta không nên quan tâm quá nhiều vào giai
đoạn ấy, mà nên tập trung vào giai đoạn đầu là lật đổ chế độ phản dân hại nước
này.
Trong giai đoạn lật đổ chế
độ độc tài, chúng ta cần sức mạnh, cần sự hợp tác của toàn dân, trong
nước cũng như hải ngoại, và sự hợp tác của chính phủ các quốc gia có lý tưởng
dân chủ như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, v.v... Không có sức mạnh thật lớn để tạo sức
ép lên chế độ độc tài thì CSVN không bao giờ chịu từ bỏ quyền lực. Vì thế, tất
cả những lời nói hay việc làm nào bất lợi cho việc tăng cường sức mạnh của lực
lượng đấu tranh, nhất là những gì gây chia rẽ, làm lực lượng đấu tranh bị yếu
đi, hay làm chính nghĩa của chúng ta bị lu mờ, thì ta nên tránh.
Để có được sức mạnh của toàn
dân, chúng ta cần sự hợp tác hay liên kết của mọi người Việt trong nước cũng
như hải ngoại. Muốn thế, chúng ta nên đặt thấp tiêu chuẩn hợp tác xuống một
chút. Ai cùng lý tưởng chống cộng với chúng ta thì trong giai đoạn này chúng ta
nên sẵn sàng hợp tác với họ hoặc mời họ hợp tác với mình. Hãy chấp nhận sự khác
biệt giữa họ với nhau: có người chống cộng vì lý tưởng tự do dân chủ nhưng cũng
có người chống cộng vì hận thù; có người chống cộng vì yêu nước nhưng cũng có
người chống cộng vì tham vọng cá nhân; có người đấu tranh vì lợi ích của cả đất
nước, mà cũng có người đấu tranh vì lợi ích cá nhân; người chống cộng kiểu này,
người chống cộng kiểu khác…
Trong giai đoạn này, chúng
ta nên chấp nhận tất cả, đừng chỉ trích khi thấy ông A có tật này, bà B có
khuyết điểm kia, ông C đấu tranh vì tiền, bà D vì lợi ích cá nhân, v.v... Những
người đã dấn thân vào công cuộc chống độc tài cộng sản, dù có khác nhau cũng đều
phải hy sinh thì giờ, tiền bạc, công lao, sức khỏe… chẳng ai muốn bị phê bình
chỉ trích. Nếu dấn thân vào cuộc đấu tranh mà cứ bị hết người này chỉ trích đến
người kia soi mói những khuyết điểm của mình, thì rất dễ nản chí và bỏ cuộc.
Rất nhiều người đã bỏ cuộc vì lý do này. Mà có ai lại không có khuyết điểm?
Những người hay tiếng chỉ trích có bao giờ tự xét mình không? Chẳng lẽ họ là
người toàn vẹn, không có khuyết điểm? Thật đáng buồn cảnh “thờn bơn méo miệng
chê trai lệch mồm!”
Trong giai đoạn cần sức
mạnh, cần sự hợp tác của toàn dân −tôi muốn nhấn mạnh chữ “toàn” ở đây, “toàn”
có nghĩa là tất cả− để chống lại cộng sản, thì chúng ta không nên loại trừ ai
chỉ vì những khuyết điểm, sai sót của họ. Tốt nhất, chúng ta nên nhìn vào những
ưu điểm của họ và khuyến khích họ, chứ không nên nhìn vào những khiếm khuyết
của họ để chê trách. Có rất nhiều người lập được biết bao thành tích rất đáng
nể phục trong cuộc đấu tranh hiện nay, tuy nhiên trong quá trình đấu tranh của
họ cũng phạm ít nhiều lỗi lầm hay sai sót trong lời nói hoặc trong việc làm. Chuyện
sai sót đó làm sao tránh được? Chúng ta đâu phải toàn là những vị thánh hay
toàn là những người sáng suốt! Chỉ những người không đấu tranh, không làm hay không
nói gì cả thì mới không sai sót. Thế nhưng nhiều người đấu tranh khác lại chỉ
nhìn thấy những khuyết điểm sai sót của họ và phóng đại lên, làm họ bị mất uy
tín, mà không hề thấy hay đếm xỉa gì đến những việc tốt đẹp lớn lao họ đã làm
được. Như thế thật là bất công! Hành động như thế thì có lợi cho ai?
Sẽ tới lúc chúng ta cần phải
phê bình và quan tâm ít nhiều tới những khuyết điểm của những người đấu tranh.
Đó là lúc chúng ta bắt đầu xây dựng đất nước, chúng ta cần tuyển chọn những
người tài đức, xứng đáng lãnh đạo đất nước hay lãnh đạo tổ chức, đoàn thể qua
những cuộc bầu cử. Chỉ lúc đó chúng ta mới cần phê bình, loại trừ những người kém
cỏi, thiếu tài thiểu đức. Còn hiện nay, chúng ta cần sự hợp tác và liên kết
chặt chẽ của toàn dân (xin lưu ý chữ “toàn”) để có đủ sức mạnh trong cuộc đấu
tranh chưa cân sức này. Chưa tới lúc chúng ta cần loại trừ những người thiếu
tài thiếu đức. Do đó, việc phê bình chỉ trích giữa hàng ngũ đấu tranh với nhau hiện
nay không có lợi, hoặc lợi ít hại nhiều. Vì thế chúng ta nên hạn chế tối đa việc
chỉ trích này. Nếu bất đắc dĩ phải chỉ trích, thì hãy chỉ trích trong tinh thần
xây dựng và tế nhị.
Nguyễn Chính Kết