“Đạo đức Hồ Chí Minh” là gì?
“Tháng 3 năm 2003, Trung ương Đảng đã phát động một đợt ‘học tập tư tưởng Hồ Chí Minh’. Ba năm sau, Bộ Chính trị quyết định mở rộng đợt học tập này. Theo một chỉ thị do Tổng Bí thư Đảng CSVN ký thì sau khi học tập ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’, toàn Đảng, toàn dân còn cần học tập và làm theo ‘tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ từ năm 2007 cho tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng CSVN, mãi tới đầu năm 2011 mới kết thúc” (*1). Một trong những kết quả đợt học tập ấy là: “Tại tỉnh Vĩnh Long, qua gần ba năm thực hiện ‘Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’, cán bộ, đảng viên của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong đạo đức, lối sống. Đến nay, cuộc vận động đã lan sâu vào lĩnh vực tôn giáo. Nhiều gương tiêu biểu ở các chùa cho thấy rằng, những vị sư sãi đã bắt đầu học tập, làm theo gương Bác từ những việc làm hết sức thiết thực và cụ thể” (*1). Hiện nay, uy tín của đảng CSVN trước quốc dân Việt Nam đang bị xuống dốc trầm trọng, người dân ngày càng thấy rõ thực chất của đảng CSVN là một đảng cướp đúng nghĩa nhất, độc ác và nham hiểm nhất, nhưng lại quy mô nhất… Và người dân ngày càng cảm thấy không thể để cho cái đảng cướp này cứ nắm quyền cai trị để bóc lột đồng bào đến tận xương tuỷ mãi. Trong lòng người dân đang cháy lên ngọn lửa bất mãn và ngày càng cháy bùng lên. Trước nguy cơ toàn dân nổi dậy hầu quét sạch bọn cướp ngày gian ác này, đảng CSVN hết sức lo sợ nên đã tìm cách đối phó. Một trong những cách đối phó của họ là đưa ra và đề cao “tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong đó có “đạo đức Hồ Chí Minh”, hầu hâm nóng lại sự trung thành đối với đảng vốn đang nguội lạnh dần nơi các cán bộ cộng sản. Trước cách đối phó ấy, thiết tưởng người dân Việt trong và ngoài nước cần phải hiểu thật rõ “đạo đức Hồ Chí Minh” là gì? Bản chất của thứ gọi là “đạo đức” đó là gì? Đạo đức của một dân tộc, một xã hội hay một nền văn hóa luôn luôn phải đặt trên một nền tảng hay một tiêu chuẩn nào đó để dựa vào đó, người ta có thể xác định một quan niệm, tư tưởng, lời nói hay hành động nào đó là có đạo đức hay không. Đối với Lão Tử, tác giả cuốn “Đạo Đức Kinh”, và những người theo ông thì “Đức” là cái gì phù hợp với “Đạo”, là sự thể hiện của “Đạo” trong tư tưởng, lời nói và việc làm của con người. Người có “Đức” là người quan niệm, suy nghĩ, nói năng, hành động và sống phù hợp với “Đạo” của Trời Đất, của Con Người. Từ ngữ “đạo đức” và ý nghĩa của nó có lẽ xuất phát từ quan niệm này của Lão Tử. Đối với Đức Phật hay Phật giáo, đạo đức là phẩm chất của những tư tưởng, hành động phù hợp với sự giác ngộ về “Bản Lai Diện Mục”, “Chân Tâm” hay “Chân Như Phật Tính”. Nói cụ thể hơn ‒ đương nhiên cũng sẽ hạn hẹp hơn ‒ cho những người thích cụ thể, thì đạo đức là những gì phù hợp với giáo huấn của Đức Phật. Đối với Thiên Chúa giáo thì Thiên Chúa là trên hết. Tất cả những gì phù hợp với vị trí tối thượng của Thiên Chúa, với thánh ý và giáo huấn của Ngài ‒ được cụ thể hoá bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại ‒ thì gọi là đạo đức. Vậy, đối với người Cộng sản, đạo đức là gì? Thưa: Đạo đức là những gì phù hợp với việc đặt quyền lợi của đảng cộng sản lên trên hết. Do đó tất cả những gì có lợi cho sự nắm quyền cai trị vô thời hạn và sự trường tồn của đảng Cộng sản thì đó là đạo đức, là thiện, là tốt. Ngược lại, những gì bất lợi cho sự độc quyền cai trị và quyền lợi của đảng cộng sản thì đều là vô đạo đức, là ác, là xấu. Có hiểu như thế chúng ta mới có thể cắt nghĩa được tại sao ông Hồ Chí Minh được coi là gương mẫu “đạo đức” của người Cộng sản, cho dù ông đã từng: ‒ ra lệnh giết oan hàng trăm ngàn người vô tội trong phong trào “Cải Cách Ruộng Đất”; ‒ lấy hàng chục người vợ cách bí mật mà vẫn cứ công khai tuyên bố mình độc thân để mọi người lầm tưởng rằng ông hy sinh hạnh phúc gia đình hầu toàn tâm toàn ý lo cho hạnh phúc của toàn dân; đã thế, ông còn để thuộc hạ giết chết vợ mình là Nông Thị Xuân khi bà này đòi công khai cuộc hôn nhân giữa hai người; ‒ mạo danh tác giả Trần Dân Tiên để viết cả một cuốn sách tự ca tụng mình cách hợm hĩnh; ‒ ra lệnh cho Phạm Văn Đồng ký công hàm năm 1958 công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH thuộc chủ quyền của Tàu cộng; ‒ nướng hàng triệu thanh niên nam nữ miền Bắc trong chiến trường miền Nam để gieo đau thương tang tóc cho đồng bào miền Nam suốt từ 1959 đến 1975 và suốt từ 1975 đến nay; ‒ ra lệnh đánh phá miền Nam vào ngay ngày đình chiến tết Mậu Thân 1968, trong đó bộ đội của ông giết và chôn sống hàng ngàn người dân vô tội ở Huế cách hết sức dã man, và ông vui mừng coi đó là một chiến thắng vẻ vang; ‒ lập ra một đảng cướp gọi là “đảng Cộng sản Việt Nam” để cướp chính quyền, để sau đó cướp hết quyền tự do, quyền con người của người dân, quyền tự quyết của dân tộc, hầu tha hồ giết người cướp của cho đầy ắp túi tham của mình… Theo quan niệm bình thường của đại đa số người dân trên thế giới, những hành vi ấy của Hồ Chí Minh đều là những tội ác tày trời. Thế nhưng đảng CSVN lại coi ông là người “đạo đức” nhất, đáng làm gương cho tất cả mọi đảng viên cộng sản noi theo. Và đảng CSVN gọi thứ “đạo đức” ấy là “đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại sao vậy? Vì như đã trình bày ở trên, đối với đảng cộng sản, bất kỳ hành vi nào có lợi cho sự nắm quyền cai trị vô thời hạn của đảng trên dân tộc mình, đều là “đạo đức” hết. Mà tất cả những tội ác tày trời vừa kể của Hồ Chí Minh đều có đặc tính là đặt quyền lợi của đảng cộng sản lên trên hết, đều nhắm đến việc bảo vệ sự trường tồn thống trị của đảng cộng sản trên dân tộc Việt Nam. Nên đó chính là những hành vi “đạo đức” theo quan niệm của người cộng sản. Theo quan niệm của đảng Cộng sản, giết oan người vô tội cách dã man mà có lợi cho đảng thì đó là đạo đức. Nói dối, lường gạt mọi người dù trắng trợn hay trơ trẽn nhất để có lợi cho đảng thì đó là đạo đức, là nói đúng sự thật. Bán hết cả đất nước cho kẻ thù, làm cho toàn dân tộc phải điêu linh đau khổ, nhưng nếu điều ấy có lợi cho sự cầm quyền của đảng, thì đó là đạo đức. Giết người, cướp của, hối lộ… nhưng trung thành với đảng, sẵn sàng làm những gì có lợi cho sự tồn tại của đảng thì đều là công đức, đáng khen thưởng. Do đó, cần phải hiểu cho chính xác một số thuật ngữ ‒ liên quan đến các giá trị ‒ mà cộng sản thường dùng trên các phương tiện truyền thông của họ. Người cộng sản hiểu nội dung những thuật ngữ này hoàn toàn khác với cách mọi người trên thế giới thường hiểu: ‒ “Tổ quốc”, “quốc gia”, “quê hương”, “nhân dân”, “dân tộc” luôn luôn được đồng hoá với đảng cộng sản. “Trung thành với tổ quốc” hoàn toàn đồng nghĩa với trung thành với đảng. Ai đứng về phe nhân dân, bênh vực quyền lợi của người dân, bảo vệ lãnh thổ quốc gia, nhưng nếu hành động ấy có hại cho quyền lợi của đảng thì người đó vẫn bị kết án là “phản bội tổ quốc”, là “chống lại nhân dân”… Những tội như “xâm phạm an ninh quốc gia” hoàn toàn không có gì liên quan đến “quốc gia” hay “dân tộc” theo nghĩa ta thường hiểu, mà chỉ có nghĩa là “xâm phạm đến sự an toàn của đảng cộng sản” hoặc “đe doạ độc quyền cai trị của đảng cộng sản”. Đối với người cộng sản, từ ngữ “quốc gia”, “dân tộc” ‒ theo nghĩa chung mà mọi người thường hiểu ‒ đều không là gì cả, không có giá trị bao nhiêu. Nó chỉ được coi là một thực thể đáng quan tâm khi nó được đồng hoá với “đảng cộng sản”. Do đó, xâm phạm tới lợi ích của đảng cộng sản thì luôn luôn bị họ kết án là “xâm phạm lợi ích quốc gia”. Có hiểu như vậy, ta mới thấy rằng đảng cộng sản cho việc Tàu cộng vào khai thác bauxit hay việc nhường biển và lãnh thổ cho Tàu cộng là không hề nguy hiểm gì cho “an ninh quốc gia” cả; trái lại đó là cách “bảo vệ an ninh quốc gia” vì nó bảo vệ cho sự cai trị vĩnh cửu của đảng cộng sản. Những người như cô Phạm Thanh Nghiên, blogger Người Buôn Gió, hay những sinh viên biểu tình chống Tàu cộng chiếm Hoàng Sa Trường Sa, phản đối việc Tàu cộng khai thác bauxit ở Tây Nguyên đều bị đảng coi là “xâm phạm an ninh quốc gia”. Sao vậy? Vì điều đó cản trở việc Tàu cộng bảo trợ cho độc quyền cai trị của đảng CSVN. Khi Tàu cộng đang bảo trợ cho sự cai trị của đảng, thì ai chống Tàu là chống đảng, mà chống đảng chính là “chống lại quốc gia dân tộc”. ‒ “Sự thật” lớn nhất theo quan điểm của người cộng sản phải được phát biểu đại khái thế này: “Đảng cộng sản là đảng tốt nhất trần gian, xứng đáng được mọi người phục vụ hơn bất kỳ một tập thể nào cho dù tập thể đó là quê hương dân tộc; và đảng cộng sản xứng đáng cai trị đất nước hơn bất kỳ đảng phái nào”. Tất cả những phát biểu nào ngược lại với “sự thật” ấy thì đều là “giả dối”, là “sai lạc”. Từ đó suy ra: tất cả những gì có lợi cho quyền lực của đảng, cho sự cai trị vô hạn của đảng, dù những điều ấy hoàn toàn trái ngược với thực tế, đều được coi là “sự thật”. Còn tất cả những gì có khuynh hướng coi đảng cộng sản là xấu, kém, tồi, hoặc những gì bất lợi cho sự cầm quyền của đảng, cho dù có đúng với thực tế 100% cũng đều bị coi là “xuyên tạc”, là “bóp méo sự thật” hết! Dân gian thường bảo: “nói dối như vẹm”, nhưng người cộng sản không hề cho rằng họ nói dối, dù những điều họ đang nói hoàn toàn trái ngược với thực tế. Họ cho những điều họ nói là hoàn toàn có lợi cho đảng của họ, nên đó chính là “sự thật”. Hiện nay, cả thế giới đều biết Việt Nam là một nước tụt hậu nhất, kém dân chủ nhất, vi phạm nhân quyền nhiều nhất, và đảng cộng sản là kẻ đàn áp và khủng bố người dân nhiều nhất. Nhưng bất kỳ ai nói lên điều ấy thì đều bị kết án là “xuyên tạc”, “vu khống”, “nói sai sự thật”, và kẻ ấy… đương nhiên vào tù! Có quan niệm như thế chúng ta mới dễ hiểu câu tuyên bố công khai của ông Nguyễn Tấn Dũng trước thế giới: “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối”, mặc dù ai cũng biết rằng ông nói dối như cuội. Từ ngữ “sự trung thực” trong câu của ông không có nghĩa nào khác ngoài “những gì có lợi cho sự cai trị của đảng CSVN”, còn “sự giả dối” chỉ có nghĩa là “những gì ngược với quyền lợi đảng CSVN”. ‒ “Tự do” là tình trạng hay khả năng làm tất cả những gì phù hợp với quyền lợi hay sự cai trị của đảng. Người có khuynh hướng làm ngược với quyền lợi của đảng là người “không có tự do”, là hạng “nô lệ” cần được “giải phóng”. Theo nghĩa đó, trước 1975, miền Bắc Việt Nam được coi là “vùng tự do”, còn miền Nam là “vùng nô lệ”, nên miền Bắc phải “giải phóng” miền Nam để miền Nam được “tự do”. Các cán bộ cộng sản hiện nay thường nói một cách rất vô tư, thành thật, không hề ngượng miệng: “Nước Việt Nam ta tự do gấp triệu lần những nước khác”. Tại sao? Vì quả thật hiện nay, họ được tha hồ làm bất cứ điều gì ‒ ăn cướp, hối lộ, tham nhũng, giết người, đánh đập, hiếp dâm… ‒ miễn sao điều đó có lợi hay ít nhất là vô hại cho sự cai trị của đảng CSVN, và miễn sao họ tỏ ra trung thành với đảng là được. Ở những nước khác mà làm như vậy thì vô tù ngay tức khắc! Vì thế, chúng ta thấy các cán bộ cộng sản cứ cướp đất cướp nhà của dân, hết nhà này tới nhà khác, mà vẫn sống phây phây, chẳng toà án nào kết án họ cả! Sao vậy? Vì họ luôn luôn tỏ ra trung thành với đảng, sẵn sàng bảo vệ đảng, nên đối với đảng họ là những người “đạo đức”. Còn những người dân bị cướp nếu cứ kêu oan, cứ kiện tụng hoài làm mất mặt đảng thì đều bị kết án là vi phạm pháp luật, là “vô đạo đức”. ‒ “Hoà bình” là tình trạng của một xã hội đã được cộng sản nắm quyền cai trị, bất chấp người dân trong đó thường xuyên bị khủng bố, luôn luôn sống trong sợ hãi vì có thể bị giết, bị tù, bị cướp bất cứ lúc nào. Theo quan niệm của cộng sản, miền Nam Việt Nam chỉ bắt đầu có “hoà bình” kể từ năm 1975 về sau. ‒ “Đoàn kết” là cùng hợp nhau củng cố quyền lực cho đảng cộng sản, dưới sự lãnh đạo của đảng. Do đó “phá hoại đoàn kết” hay “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” là có những hành động làm cho người dân nhận ra sự thật về bản chất gian dối và độc ác của đảng, khiến họ không còn tin tưởng hay chấp nhận sự lãnh đạo của đảng, dẫn đến việc không cộng tác với đảng, xa rời đảng hay chống lại đảng. ‒ “Thế lực thù địch” là bất kỳ thế lực nào không chấp nhận hoặc gây bất lợi cho sự cai trị vô thời hạn của đảng cộng sản trên đất nước mình. Dù thế lực ấy có yêu nước và có làm lợi cho quê hương đất nước tới đâu, nhưng hễ gây bất lợi cho sự cai trị của đảng cộng sản thì đều bị coi là “thế lực thù địch” cần phải tiêu diệt. Những thế lực đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, công bằng xã hội cho người dân ‒ điều này đương nhiên bất lợi cho sự cai trị của đảng ‒ dù ở trong hay ngoài nước, đều là những “thế lực thù địch”. Đó chỉ là một vài từ ngữ điển hình. Vì giới hạn của bài, tác giả không thể kể hết ra đây tất cả những từ ngữ được cộng sản dùng với những ý nghĩa hết sức khác với nghĩa chung mà mọi người trên thế giới thường hiểu. “Đạo đức Hồ Chí Minh” mà đảng CSVN hiện nay đang hô hào toàn đảng toàn dân học tập và thực hành, trong thực tế chính là những gì mà mọi người có lương tri trên thế giới đều hiểu là dã man, tàn bạo, độc ác, gian trá, tráo trở, lường gạt… Giữa “đạo đức Hồ Chí Minh” và đạo đức của các tôn giáo hay của lương tri con người hầu như luôn luôn có một sự trái ngược: Điều được coi là thiện, là tốt, là chân thực trong thứ đạo đức này thì lại là ác, là xấu, là giả dối trong thứ đạo đức kia, và ngược lại. Vì thế, mặc dù được đảng CSVN đề cao và hô hào học tập từ nhiều thập niên trước, nhưng thứ “đạo đức” ngược hẳn lại lương tri này đã bị dân chúng tẩy chay và đi vào quên lãng. Nay trước nguy cơ bị dân chúng nổi dậy lật đổ, đảng CSVN lại đề cao thứ “đạo đức” ngược đời này và hô hào các cán bộ, đảng viên của mình học tập và thực hành. Mục đích của họ là động viên và thúc đẩy các cán bộ, đảng viên sẵn sàng làm tất cả những gì độc ác, tàn bạo nhất với những người dân nào không chịu nổi sự đàn áp của đảng CSVN nên muốn nổi dậy lật đổ chế độ phi nhân, hầu bảo vệ và duy trì sự cai trị của đảng CSVN trên toàn dân tộc. Tất cả những hành vi tàn bạo độc ác nhất nhằm bảo vệ chế độ đều được CSVN coi là “đạo đức”, thứ đạo đức được mệnh danh là “đạo đức Hồ Chí Minh”. Nguyễn Chính Kết
Houston, 9-9-2009 _______________________
(*1) Trích website RFA: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/To-preach-only-but-not-to-practise-09022009152054.html