Ba người cháu cha Lý có tội gì?


Sàigòn, ngày 15-5-2003

Kính gửi:

Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao,
Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh,
Tòa Án Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh,
Hội Đồng Giám mục Việt Nam,
Quý thân hữu trong và ngoài nước.

Lại thêm một vụ án nữa của những người tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, và tự do được đem ra xử. Đó là vụ xử án ba người cháu của Cha Lý - Nguyễn Thị Nguyễn Trực Cường, Nguyễn Vũ Việt - được chính quyền Việt Nam thông báo sẽ được đem ra xét xử ngày 30-5-2003.

Với tư cách là một người dân trong một nước mà chính quyền tự hào là người dân có đầy đủ quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến, tôi xin sử dụng quyền ấy để phát biểu cảm nghĩ và ý kiến của tôi về vụ án này. Đó cũng là điều mà lương tâm đòi buộc tôi phải làm, để góp phần làm vụ án này được xét xử một cách khách quan, phù hợp với những đòi hỏi của công lý, và để giúp cho việc xử án được mọi người «tâm phục khẩu phục» hơn.

Tôi biết việc phát biểu này của tôi sẽ chẳng đem lại bao nhiêu kết quả, mà có thể ít nhiều gây bất lợi cho tôi, vì tôi chỉ là một người dân tầm thường, thấp cổ bé miệng. Tôi nghĩ phải chi những người có uy tín và quyền năng hơn tôi - đặc biệt những người có thẩm quyền trong Giáo Hội Việt Nam(vì 3 em tranh đấu cho tự do tôn giáo của Giáo Hội Việt Nam) - mà lên tiếng thì ắt sự việc sẽ tốt đẹp và hữu hiệu hơn biết bao! Nhưng dù biết là không hữu hiệu, lương tâm của tôi vẫn đòi buộc tôi phải làm một cái gì đấy, dù rất nhỏ nhoi, để góp phần làm cho công lý được sáng tỏ, và sự công bằng được trả lại cho ba em.

***

Trước đây, vào tháng 10-2002, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã công bố một bản cáo trạng nói lên tội trạng của ba em. Ba em bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao kết tội làm gián điệp. Riêng tôi, tôi không thể ngờ được những việc làm của ba em mà bản cáo trạng nêu ra lại có thể bị kết án là vi phạm luật pháp, huống gì là kết án phạm tội gián điệp. Tôi thiết tưởng những việc làm ấy đều là những việc mà một người dân trong một nước tôn trọng tự do và nhân quyền đều có quyền làm mà không thể bị kết án một tội danh nào.

Trước hết, nếu Việt Nam là một nước thật sự có tự do và dân chủ, thì bất cứ một người dân nào cũng có quyền lên tiếng khi họ thấy rằng chính quyền đang vi phạm nhân quyền, hay vi phạm một điều luật nào đó trong hiến pháp, luật pháp, hay công ước quốc tế, miễn là họ có những chứng cớ hợp lý. Chính quyền có bổn phận phải bảo vệ quyền lên tiếng ấy, cho dù điều ấy có bất lợi cho nhà nước. Và tất cả mọi người dân đều có quyền tranh đấu để đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng những quyền lợi của người dân đã được ghi trong hiến pháp, luật pháp và công ước quốc tế. Vấn đề quan trọng là phải tranh đấu trong ôn hòa, không bạo động, trong tinh thần tôn trọng luật pháp quốc gia.

Đọc bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân buộc tội ba em, tôi chỉ nhận thấy bản cáo trạng đề ra những việc làm của các em như:

– liên hệ với những người Việt ở nước ngoài để thông báo những diễn tiến của cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo ở trong nước. Tôi nhận thấy điều này hoàn toàn không vi phạm luật pháp chút nào cả! Người tranh đấu bất bạo động có quyền làm điều ấy!

– liên hệ với những người đang tranh đấu cho dân chủ ở trong nước như HT Huyền Quang hay Quảng Độ - bằng điện thoại hay trực tiếp tới thăm - để biết tin tức về cuộc tranh đấu ấy và đồng thời để thông báo cho những người cũng đang tranh đấu cho mục đích ấy ở nước ngoài. Tôi cũng nhận thấy điều này không vi phạm luật pháp chút nào cả! Hai Hòa Thượng này chưa hề được xử án, nên theo luật pháp Việt Nam, vẫn được coi là vô tội. Liên hệ với hai vị không thể là vi phạm pháp luật.

– nhận tiền của một ai đó ở nước ngoài để xây mộ bia cho thân mẫu của linh mục Nguyễn văn Lý, cũng là bà nội của mình và để mua điện thoại di động phục vụ cho việc thông tin trên. Tôi nhận thấy điều này cũng không có gì vi phạm luật pháp cả!

– dự định thâu băng cuộc nói chuyện của mình với Hòa Thượng Huyền Quang nhưng lại không thực hiện. Cả điều này nữa, tôi cũng nhận thấy không có gì vi phạm pháp luật cả! HT Huyền Quang có quyền nói ý nghĩ của mình, và các em có quyền nghe và thâu băng, chắc chắn điều Hòa Thượng nói không phải là một bí mật quốc gia hay quốc phòng…

Như vậy, tất cả những việc ấy, tôi không hề thấy có việc nào là vi phạm pháp luật, lại càng không thấy có việc nào đáng bị kết án là tội gián điệp cả.

Để bị kết án là phạm tội gián điệp, bị can phải là người cung cấp cho người nước ngoài những thông tin bí mật, như bí mật quốc gia, bí mật quốc phòng, bí mật khoa học, v. v… Không thể tùy tiện cho rằng hễ cung cấp cho người ở ngoài nước bất kỳ những thông tin nào bất lợi cho nhà nước thì cũng đều là tội gián điệp cả. Những điều ba em thông tin ra nước ngoài hoàn toàn không mang tính bí mật quốc gia hay bí mật quốc phòng chút nào cả. Ba em chỉ cung cấp những thông tin về những hoạt động tranh đấu cho tự do tôn giáo của những người dân trong nước - đặc biệt của chú ruột các em là linh mục Nguyễn văn Lý - mà thôi. Vậy thì làm sao kết án ba em phạm tội gián điệp được?

Đúng lý ra, nếu trong nước có tự do báo chí hay tự do ngôn luận, thì tất cả những thông tin thuộc loại mà ba em muốn cung cấp đều phải được các báo chí đăng tải một cách trung thực. Nhưng rất tiếc, tại Việt Nam, tất cả mọi tờ báo đều là công cụ của nhà nước, của đảng CS, nên những tờ báo ấy dường như không bao giờ đăng những tin tức nào về cuộc tranh đấu của người dân trong nước, hay những tin tức nào bất lợi cho nhà nước và đảng CS cả. Vì thế, với tư cách những người tranh đấu cho tự do tôn giáo, để việc tranh đấu đem lại kết quả, ba em đã cung cấp những thông tin trung thực về những hoạt động tranh đấu cho tự do tôn giáo ở trong nước, hầu mọi người Việt trong nước cũng như ngoài nước biết mà ủng hộ cuộc tranh đấu đó. Đó là một cách tranh đấu bất bạo động, hoàn toàn không ra khỏi khuôn khổ mà hiến pháp và luật pháp Việt Namcho phép.

Vả lại, thử hỏi, muốn tranh đấu một cách bất bạo động, mà lại không cho ai biết hoạt động và lập trường tranh đấu của mình, hay của những người cùng tranh đấu với mình, thì phải làm gì để tranh đấu đây? Im lặng không nói gì, không làm gì, thì còn gì là tranh đấu nữa? Vậy, vấn đề là nhà nước có thật sự chấp nhận cho người dân được tranh đấu một cách bất bạo động và hợp pháp như đã ghi trong hiến pháp và luật pháp không? Hay hiến pháp và luật pháp nói một đằng, nhà nước lại làm một đằng khác? Giả như hiến pháp và luật pháp ghi trắng ra rằng không một người dân nào được tranh đấu cho tự do, dân chủ hay nhân quyền cả, dù là tranh đấu bất bạo động, lúc đó ai tranh đấu mà nhà nước bắt thì cũng còn phần nào hợp lý. Còn nếu tuyên bố là người dân có quyền tranh đấu bất bạo động, mà khi họ làm điều đó thì lại bắt họ, và tìm cách kết án họ bằng một tội danh nào đó, thì rõ ràng lời nói và việc làm của nhà nước là «trống đánh xuôi, kèn thổi ngược»!

Nếu chỉ cung cấp những thông tin đó mà đã là phạm tội gián điệp, thì thiết tưởng tất cả những phóng viên hay nhà báo nào cung cấp những tin tức bất lợi cho nhà nước, đặc biệt những tin tức về những cuộc tranh đấu đòi nhân quyền, đòi dân chủ, đòi tự do tôn giáo, tự do báo chí… thì cũng đều là phạm tội gián điệp cả hay sao? Nếu thế thì ở Việt Namcó biết bao nhiêu gián điệp khác! Thử hỏi ở những nước tự do khác, những người làm những công việc như ba em có bao giờ lại bị kết án với một tội danh như thế không? Do đó, nếu chỉ cung cấp những tin tức đó mà bị kết án là gián điệp thì đó đúng là một sự kết án hoàn toàn gượng ép. Điều đó khiến người ta có thể nghĩ: phải chăng nhà nước muốn kết án ba em vì ba em đã tranh đấu đòi tự do tôn giáo, thì để cảnh cáo và dập tắt những tiếng nói tranh đấu khác, nhà nước phải ráng tìm cho ba em một tội danh nào đó? Vì nếu không có tội danh thì làm sao mà kết án?

Về vấn đề luật sư, tôi thấy thế này: Luật sư Nguyễn Hồng Quang và Trương Trí Hiền đã được chính nhà nước đào tạo, có bằng tốt nghiệp hẳn hoi, thế mà khi hai luật sư tình nguyện biện hộ cho ba em trước tòa án và nhất là được gia đình của ba em bị can tín nhiệm, thì lại bị nhà nước không chấp nhận, lấy lý do là hai ông không có tư cách để biện hộ, chỉ vì không có giấy phép hành nghề. Vậy tại sao hai luật sư này lại được bào chữa trong những vụ án khác trước đó? Thế còn những luật sư khác không được gia đình ba em tín nhiệm thì lại có tư cách biện hộ cho ba em sao? Tư cách biện hộ hệ tại tài năng biện hộ và được thân chủ tín nhiệm, hay hệ tại việc nhà nước cho phép hay không? Đây phải chăng là thể hiện của «cơ chế xin-cho» ?

Như vậy là nhà nước đòi hỏi phải có tay nghề, phải có giấy phép thì mới có khả năng hay có quyền biện hộ. Nếu cũng dựa trên kiểu lý luận đó, thì ba em kia có được đào tạo ở đâu để làm gián điệp? Đâu có tay nghề để làm gián điệp không? Ba em đâu có bằng cấp, giấy phép hay sự ủy nhiệm của một quốc gia nào để làm chuyện đó? Nếu không được đào tạo, không có giấy phép hành nghề, thì giả như ba em có thật sự muốn làm gián điệp, ba em cũng không đủ tư cách và khả năng để làm việc ấy! Và như vậy, nếu kết án các em làm gián điệp thì cũng tương tự như kết án một bác nông dân vô học đã dạy ở đại học những môn học không được phép dạy. Kết án như thế thật là buồn cười: là người vô học, mù chữ thì làm sao có đủ tư cách để phạm một tội như dạy học bất hợp pháp ở đại học? Một người không biết lái xe, chỉ trèo lên ngồi ở tay lái một chiếc xe hơi, thì không thể bị kết án là chạy xe lỗi luật đi đường được. Người ấy dù có thực tâm muốn và quyết định chạy xe để lỗi luật đi đường thì cũng không thể lỗi luật được?

***

Theo quan điểm của tôi, những việc làm của ba em mà bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao vào tháng 10-2002 đã kể ra, không có việc nào thật sự là vi phạm pháp luật, nhất là không hề có một việc làm nào mang tính gián điệp cả. Vì thế, tôi đề nghị Tòa Án TP. Hồ Chí Minh tuyên bố ba em trắng án, và sau đó trả tự do lại cho các em.

Nếu Tòa Án không đồng quan điểm với tôi rằng các em vô tội, thì tôi xin đề nghị Tòa Án xử công khai vụ án này, và đồng ý cho hai luật sư Nguyễn Hồng Quang và Trương Trí Hiền được biện hộ cho ba em. Có như thế, việc xử án mới mang tính khách quan và công lý mới được sáng tỏ. Nếu Tòa Án chỉ đồng ý cho những luật sư có cùng một lập trường với công tố viện, thì rõ ràng là việc xử án không bảo đảm được tính công bằng và khách quan, và đương nhiên sẽ chẳng được mấy ai «tâm phục khẩu phục». Điều đó sẽ làm mất uy tín của ngành luật pháp Việt Nam.

Đó chỉ là những thiển ý của tôi mong làm sáng tỏ vấn đề. Rất có thể không tránh được ít nhiều chủ quan và thiếu sót. Nhưng đó là thiện chí và lòng chân thành của tôi đối với công lý.

Kính

Nguyễn Chính Kết


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________