Tường Trình Từ Phiên Tòa
Xử 3 Người Cháu
Của LM Lý


Nguyễn Chính Kết


Nghe tin - qua internet - ba người cháu cha Lý là Hoa, Cường, Việt sẽ được tòa án Sài Gòn xét xử lúc 7g30 sáng ngày 10-9-2003, tôi đã quyết định tới tham dự từ nhiều ngày trước. Và 7g30 sáng hôm ấy tôi đã có mặt tại tòa án.

Tôi xin tường thuật lại một cách hết sức trung thực tất cả những gì tôi đã thấy, đã nghe tại đó sáng hôm ấy, hoặc nghe mục sư Quang, giáo sĩ Hiền và những người thân của ba bị cáo có mặt trong phiên tòa kể lại. Tất cả những gì tôi viết trong bài này, nếu tôi bịa chuyện hay xuyên tạc bất kỳ điều gì, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đương nhiên viết sự thật về một tòa án mà sau này rất có thể sẽ lại là chính tòa án có quyền xét xử tôi nếu tôi bị bắt, điều này không phải là không nguy hiểm cho bản thân và gia đình tôi. Tôi biết điều ấy và cũng rất sợ điều ấy xảy ra, nhưng biết sao được, vì lương tâm tôi không cho phép tôi im lặng. Nếu tôi không nói lên, thì rất có thể những người đang điều khiển đất nước này không hề biết những gì đã xảy ra tại tòa án này để cải thiện cho người dân được nhờ. Tôi không muốn chống ai, cũng không muốn mạ lỵ ai, cũng chẳng muốn ai bị mất mặt, vì lương tâm tôi không cho phép tôi làm điều ấy. Nhưng lương tâm cũng buộc tôi phải lên tiếng chống lại sự ác, điều xấu, bất công trong Giáo Hội của tôi cũng như trong xã hội.

Tôi chỉ mong rằng những ai muốn biết sự thật về điều tôi đang nói tới đây, thì hãy tin và nghe tôi. Tôi nguyện với lòng mình sẽ tường thuật một cách hết sức trung thực và khách quan.Đúng như các nguồn tin đã loan trên internet, sáng ngày 10-9-2003, chính quyền Việt Nam đã xét xử ba người cháu của LM Nguyễn Văn Lý tại tòa án Sài Gòn. Tòa án này nằm trên đường Công Lý cũ (sau 1975, tên đường "Công Lý" đầy ý nghĩa này đã bị hủy bỏ để thay thế bằng tên mới "Nam Kỳ Khởi Nghĩa"). Như vậy, tòa án Sài Gòn cùng đường và ở sát cạnh Dinh Độc Lập xưa, hai cơ sở này cách nhau bởi đường Nguyễn Du. Theo lịch trình đã thông báo, tòa án sẽ bắt đầu phiên tòa xử Hoa, Cường, Việt lúc 7g30, tại phòng xử số 1.

Vì thế, gia đình LM Lý đã có mặt tại tòa án trước giờ đó, và em Hoa đã đến văn phòng tòa án trình diện để chịu xét xử. Gia đình tập trung tại một lối đi gần phòng xử số 1. Phòng xử số 1 là một trong 5 phòng xử nhỏ liền nhau, được đánh số từ 1 đến 5, ở phía bên phải khi đi vào cổng tòa án. Cả 5 phòng đều quay mặt vào phía trong, và không có rào chắn ở bên ngoài. Mục sư Nguyễn Hồng Quang, giáo sĩ Trương Trí Hiền và hai giáo sĩ khác trong Hội Thánh Tin Lành Mennonite cũng tới để tham dự phiên tòa. Mục sư Quang và giáo sĩ Hiền là hai luật gia được gia đình ba em Hoa, Cường, Việt ủy nhiệm làm người bào chữa cho ba em trong phiên tòa. Mặc dù hai ông và cả gia đình ba em đã tranh đấu hết sức mình để hai ông được bào chữa, nhưng hai ông vẫn không được tòa án cho phép bào chữa.

Một cách rất đặc biệt, ngay từ 8g00, chúng tôi thấy một người Mỹ cao lớn, mập mạp, đeo kiếng trắng, tới tòa án tham quan, ông đi đi lại lại trong khuôn viên tòa án. Mục sư Quang cho biết đó là ông tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đặc trách về chính trị, tôn giáo và nhân quyền của chính phủ Hoa Kỳ. Ông này đã từng tìm gặp mục sư Quang nhiều lần để trao đổi về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hôm nay, ông tới đây để chứng kiến tận mắt những gì xảy ra tại một tòa án lớn của một đất nước vốn tự hào là tự do dân chủ gấp triệu lần đất nước của ông. Không biết ông nghĩ sao khi thấy những cảnh xảy ra trước mắt ông, và ông hiểu sao về những chữ "tự do dân chủ" ở đất nước này ? !

Cũng khoảng 8g00, có một xe bít bùng chở các phạm nhân tới, đậu sâu ở phía trong, trước lối cổng ra đường Nguyễn Du, cổng này mở ra hông bên trái dinh Độc Lập cũ. Các phạm nhân bị xử án hôm nay được đưa vào bên trong, thân nhân của ba em đã nhận thấy trong đó có hai em Cường và Việt, do hai em đưa tay lên chào. Các phạm nhân đã tới, nhưng gia đình cha Lý chờ hoài chờ mãi đến quá 8g30 mà vẫn chưa thấy phòng số 1 có động tĩnh gì.

Lúc ấy, nghi ngờ có sự dối trá gì trong này, Mục sư Quang đã đi sâu vào phía bên trong khuôn viên tòa án, nơi các phạm nhân vừa được đưa vào. Ông nhận ra có 5 phòng xử khác đánh số từ 6 đến 10 đang mở cửa, trong đó đều có người, và mỗi phòng đều có công an đứng bảo vệ phía trước. 5 phòng này có hàng rào chắn và có một nhân viên bảo vệ mặc áo trắng đứng ở lối vào để cản trở hoặc cho phép người vào.

Mục sư nhận ra ngay là tòa án đã đánh lừa ông và gia đình linh mục Lý để có thể xử lén ba người thân của họ. Một đằng tòa báo tin sẽ xử ở phòng số 1, khiến gia đình cứ ngóng cổ hướng mắt chờ phòng 1 mở cửa, nhưng đằng khác họ âm thầm xử lén ba em tại phòng số 8. Có lẽ phiên tòa đã bắt đầu xử từ 8g00. Thấy thế, mục sư bèn kêu mọi người đến. Nhân viên bảo vệ ở ngay hàng rào cản trở chúng tôi vào, nhưng lại cho phép một số người khác vào. Biết chắc chắn Hoa, Cường, Việt đang bị xử tại một trong 5 phòng này, gia đình LM Lý bắt đầu tranh đấu đòi vào tham dự. Nhưng nhân viên bảo vệ nhất quyết từ chối.

Sau đây là một đoạn đối thoại trong cuộc tranh đấu này mà những người có mặt tại đó có thể nghe được, xin ghi lại đại lược như sau :

– Anh Hoàng : "Tại sao có người được vô mà tôi không được vô ? Tôi cũng là thân nhân của bị can đang bị xử trong này mà ! Nói là xử công khai, sao lại không cho một người nào trong gia đình tham dự hết".

– Mục sư Quang : "Tòa tuyên bố xử công khai vụ này, sao bây giờ lại xử bí mật ?"

Một người hiện diện tại đó giải thích : "Đó là công khai theo kiểu cộng sản ! Công khai theo kiểu cộng sản trong thực tế là không công khai chút nào hết ! Người cộng sản có một thứ tự điển riêng, không thể hiểu các từ ngữ họ nói theo nghĩa chung mà mọi người thường hiểu được ! Rất nhiều khi phải hiểu ngược lại !"

– Mục sư Quang : "Như vậy là chúng tôi không được vô à ! Không được vô nghĩa là sao ? Anh có nhiệm vụ ngăn cản hả ?"

– Nhân viên bảo vệ : "Xin ông thông cảm, tôi phải làm theo lệnh của cấp trên. Cấp trên ra lệnh không cho các anh vô !"

– Mục sư : "Là công dân Việt Nam, trước hết phải làm theo lương tâm của mình, thứ hai mới làm theo hiến pháp và luật pháp, thứ ba mới làm theo lệnh. Đúng là các anh chỉ biết cúi đầu nhắm mắt làm theo lệnh trên thôi, không cần biết làm như vậy là đúng hay sai ! Tôi mà là các anh thì thà đi bán bánh mì mà sống còn sướng hơn là làm công việc này, vì các anh không dám làm theo lương tâm !".

– Một người hiện diện : "Nhà nước Việt Nam chủ trương chỉ đào tạo nên những người làm theo lệnh, chứ đâu chủ trương đào tạo nên những con người làm theo lương tâm. Ai làm theo lương tâm thì coi chừng sẽ bị xử như Hoa, Cường, Việt hôm nay. Vì thế, đâu còn ai dám làm theo lương tâm nữa !"

– Nhân viên bảo vệ : "Các anh muốn gì thì hãy lên gặp cấp trên của chúng tôi. Chúng tôi không có quyền cho các anh vô ! Xin các anh liên hệ với văn phòng tòa án !"

Thế là mục sư Quang, giáo sĩ Hiền và anh Dũng (em ruột của Hoa và anh ruột của Cường và Việt) lên phòng Tòa Hình Sự và phòng Lãnh đạo Tòa án để gặp cấp trên của tòa án, trực tiếp tranh đấu với họ. Mục sư cho biết, tại đây, những ông lớn của tòa án vẫn quả quyết là xử tại phòng số 1 chứ không xử ở đâu khác (có lẽ lúc đó họ chưa biết mục sư và gia đình cha Lý đã khám phá ra phiên tòa xử Hoa, Cường, Việt đang diễn ra tại phòng 8). Ba nhà tranh đấu này đã quyết liệt đòi cho bằng được quyền tham dự phiên tòa. Ba người đã lớn tiếng nói rằng tòa án đã cố tình lường gạt người dân, thậm chí cả quốc tế. Trước thực tế không thể chối cãi, các ông lớn phải im lặng, không biết trả lời thế nào.

Cuối cùng, tại phía hàng rào nói trên, có người từ bên trong ra, ra lệnh cho nhân viên áo trắng kia cho phép mọi người vào. Thế là mọi người vào trong sân, trước phòng số 8. Lúc đó khoảng quá 9g00, có lẽ phiên tòa xử Hoa, Cường, Việt đã bắt đầu được một tiếng. Căn phòng xử án rộng khoảng 3 mét, dài khoảng 5 mét. Phía trong cùng là hội đồng xét xử gồm 5 người quay mặt ra ngoài : chủ tọa ngồi giữa là Thẩm phán Lê Minh Kiệm, hai bên là hai bồi thẩm viên, và hai người ngoài cùng thì bên trái là người (nữ) đại diện cho Viện Kiểm Sát và bên phải là thư ký phiên tòa. Đối diện với họ và quay mặt vào trong là chỗ ngồi của ba bị cáo Hoa, Cường, Việt. Sau ba em là 4 băng ghế, mỗi băng có thể ngồi được 5 đến 6 người. Băng đầu tiên là hai anh CA mặc sắc phục, ngồi ngay sau lưng ba em. Băng thứ hai và thứ ba gồm một số người mặc đồ dân sự không biết là ai, đã ngồi sẵn trong đó tham dự phiên tòa, nhiều người đoán là các nhà báo của nhà nước. Trong phiên tòa, có người của tòa án quay phim chụp hình liên tục.

Chúng tôi đòi vào tham dự, nhưng ngay trước cửa có ba bốn anh CA mặc sắc phục ngăn cản. Thế là tại đây lại diễn ra một cuộc tranh đấu khác. Sau đây là đại ý những lời đối thoại :

– Mục sư Quang : "Tòa án tuyên bố xử công khai vụ án này, tại sao lại không cho gia đình và thân nhân vào tham dự ? Tôi là người được gia đình các bị cáo ủy quyền bảo vệ họ trước pháp luật, tôi có quyền vô tham dự vụ án, tại sao không cho tôi vô ?"

– Công an : "Nhưng giấy mời của ông đâu ?"

– Mục sư Quang : "Không ai trong gia đình được gửi giấy mời cả. Cả chúng tôi, người được gia đình ủy quyền trước pháp luật, cũng không được gửi giấy mời. Các ông không gửi giấy mời thì làm sao chúng tôi có giấy mời được ? Nếu tòa án tuyên bố xử công khai mà lại không cho ai vào, thì như vậy là tòa án lừa đảo nhân dân và lừa đảo cả quốc tế nữa !"

– Công an : "Không phải là chúng tôi không cho các ông vào, nhưng xin hãy để chúng tôi giải quyết từ từ !"

Thấy đuối lý, họ đành phải để cho mục sư Quang, giáo sĩ Hiền, và 6 người thân nhất có quan hệ ruột thịt với ba em bị cáo vào, nhưng cũng hạch hỏi từng người trước khi cho vô.

– Anh Dũng (em chị Hoa, anh của Cường, Việt) : "Tòa nói xử công khai, sao mẹ của cả ba bị cáo cũng không được vô ?"

– Công an : "Mẹ của bị cáo đâu ?"

– Anh Dũng : "Bà ấy già yếu bệnh tật, không đi được, có ủy quyền cho tôi"

– Công an : "Giấy ủy quyền đâu ?"

Anh Dũng trình giấy ủy quyền và được cho vô.

– Anh Hoàng (anh ruột của Dũng) : "Tôi là anh ruột của bị cáo, yêu cầu cho tôi vô !"

– Công an : "Anh có giấy tờ gì chứng minh ?"

– Anh Hoàng : "Bộ tôi nói dối các anh được sao ?"

Nói xong, Hoàng đi thẳng vô. Một số người ruột thịt khác của ba bị cáo mạnh dạn đòi vô, cuối cùng cũng vô được. Ngoài mục sư Quang và giáo sĩ Hiền, gia đình ba em bị cáo vô được 6 người. Mục sư Quang và giáo sĩ Hiền ngồi ở băng ghế 3, còn 6 thân nhân bị cáo ngồi băng cuối cùng.

Những người còn lại muốn theo dõi vụ án phải đứng từ ngoài sân nhìn vào. Vì trong phiên tòa không dùng micrô, nên người ở ngoài sân phải đứng ngay trước cửa và phải hết sức lắng tai mới nghe rõ. Một giáo sĩ đi theo mục sư Quang mang máy quay phim và chụp hình đứng trước phòng 8 đang dự định chụp hình phòng xử thì bị một viên công an chặn lại, cấm không cho chụp hình. Giáo sĩ này cự lại : "Tôi không thấy có bảng cấm chụp hình ở đây, nên tôi có quyền chụp. Các ông đừng tự tiện ra thêm lệ mới !". Một viên công an khác nghe thế, liền đến chỗ có một bảng đỏ chữ vàng đang úp mặt vào vách và quay nó ra ngoài. Viên công an kia nói : "Yêu cầu anh đến xem bảng kia. Các anh không chịu xem bảng nên nói bậy". Nhìn vào bảng, mọi người thấy có một điều khoản cấm chụp hình ở "trong phòng xử án" khi không được phép của tòa án. Giáo sĩ ấy bèn cự lại : "Đây là ngoài sân chứ đâu phải trong phòng xử mà không được chụp. Tôi có quyền chụp !" Nói vậy, nhưng ông cũng nhượng bộ, im lặng ra đứng bên ngoài, vì lúc này mục sư Quang và giáo sĩ Hiền đang ở trong phòng xử án, không bảo vệ ông được. Ông cũng sợ, vì có một người mặc áo đỏ, có lẽ là một phóng viên, đã chụp hình vụ án này ở ngoài sân liền bị công an giữ máy và đưa anh ta lên văn phòng tòa án, không biết anh có bị tịch thu máy không.

Hội đồng xét xử đã chỉ quanh quẩn nói tới những việc làm của các bị cáo như : liên lạc với bà Hiền, bà Thu, bà Đoan Trang ; cung cấp số điện thoại của gia đình mình cho mấy bà này ; đến thăm hòa thượng Thích Huyền Quang ở Quảng Ngãi, chụp hình và dự định thu băng ; chứa một số tài liệu được tòa án coi là phản động, trong đó có phụ lục Hiến chương Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ; mua điện thoại di động với 2 simcard ; chuyển tin tức tranh đấu cho tự do tôn giáo của chú ruột mình (cha Lý) và của giáo dân An Truyền ra ngoại quốc ; nhận tiền từ ngoại quốc để lo ma chay cho mẹ ruột linh mục Lý cũng là bà nội của mình ; là người Công giáo mà lại đi tìm hiểu để nắm thông tin về Phật giáo... Toàn những chuyện mà người có lương tâm thẳng thắn chẳng ai có thể cho là có tội. Ở những nước khác, chắc chắn những việc làm này phải được coi là hoàn toàn vô tội, vì đó là quyền tự nhiên và chính đáng của một người dân.

Thật tội nghiệp khi nghe thấy cô Hoa, một thiếu phụ quê mùa và góa chồng, phải một mình đứng trước vành móng ngựa, vừa trả lời cho 5 vị xét xử mình vừa run rẩy, mất bình tĩnh. Nhiều câu hỏi hết sức dễ trả lời mà cô không biết phải trả lời sao để chứng tỏ sự vô tội của mình. Cường thì chỉ trả lời một số câu hỏi, còn Việt thì hầu như không thèm trả lời, lấy lý do là tòa án đã ngang ngược cướp đi của mình một quyền hết sức chính đáng là quyền được có luật sư bào chữa do chính mình chọn lựa. Trong phiên tòa, về vấn đề luật sư bào chữa, cô đại diện cho Viện Kiểm Sát đã nói một câu nói rất tối nghĩa và rất lủng củng về mặt văn phạm. Đây là nguyên văn câu nói ấy, do mục sư Quang ghi âm được : "Tại phiên tòa hôm nay thì cả ba đều nói cũng không nhằm để hội đồng xét xử tiến hành xét xử theo bản cáo trạng của mình mà không có quyền bào chữa theo yêu cầu của gia đình các bị cáo".

Điều mà ai tham dự vụ án cũng lấy làm ngạc nhiên là : thế giới đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba rồi, mà tại Việt Nam vẫn còn có những phiên tòa trong đó các quan tòa lại có thể hoàn toàn độc diễn như vậy ! Nghĩa là chỉ có hội đồng xét xử và bị cáo, không có luật sư bào chữa. Không hiểu hội đồng xét xử là loại người gì mà lại có thể chấp nhận xét xử kiểu một chiều như vậy ? ! Một đằng thì mình là cử nhân tiến sĩ luật, biết rành rọt đủ mọi luật lệ, một đằng thì ba bị cáo dốt nát chẳng biết gì về luật, mà lại chẳng được phép nhờ người biết luật bào chữa cho mình ! Như thế, tòa án hành xử chẳng khác gì những người có khí giới mặc tình đánh đập những người không có khả năng tự vệ, không có khí giới như mình trong tay ! Không ai có thể cho đó là một hành động quân tử ! Vì thế, ba em đành phải chấp nhận như con chiên hiền lành mặc tình để kẻ có sức mạnh tha hồ mà hà hiếp, muốn làm gì thì làm, muốn kết tội thế nào thì kết, không có một phương tiện nào trong tay để tự bảo vệ mình !

Trước khi nghỉ nửa tiếng để đi đến phán quyết cuối cùng, hội đồng xét xử đã đề nghị mức án cho ba người :

– Nguyễn Thị Hoa : từ 30 đến 36 tháng tù treo

– Nguyễn Trực Cường : từ 24 đến 30 tháng tù giam

– Nguyễn Vũ Việt : từ 3 đến 4 năm tù giam.

Nghe những lời đề nghị ấy, mọi người đều cảm thấy khá nhẹ nhõm, tưởng rằng công lý đã được sáng tỏ phần nào. Mức án như vậy có thể tạm chấp nhận được. Chỉ là tạm chấp nhận được vì đúng lý ra, với những việc làm chẳng thể quy tội của ba em mà tòa án nêu ra được, tòa án phải tha bổng và tuyên bố ba em là vô tội.

Nhưng sau nửa giờ nghỉ để hội đồng nghị án, những người tham dự phải bật ngửa khi nghe lời tuyên án nặng nề hơn rất nhiều của thẩm phán :

– Nguyễn Thị Hoa : 3 năm tù giam

– Nguyễn Trực Cường : 4 năm tù giam

– Nguyễn Vũ Việt : từ 5 năm tù giam.

Phiên tòa đã kết án ba em tội danh khá dài mà người ta có thể tóm lược là : lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước Việt Nam. Điều hết sức lạ lùng là tòa án không hề nói ba em đã xâm phạm lợi ích của nhà nước ở những điểm cụ thể nào. Vì thế, đây quả là một tội danh hết sức mơ hồ ! Không biết những người cộng sản nghe bản án đó có tâm phục khẩu phục không, chứ người dân thì họ chẳng thể hiểu được nó hợp lý ở chỗ nào ! Vì nếu nói về việc làm thiệt hại cho nhà nước, thì chúng ta cần phải xét xem hiện nay ai đang thật sự làm thiệt hại cho nhà nước, cho uy tín của nhà nước ? Chẳng hạn, so sánh việc làm của ba em, với việc làm của tòa án Sài Gòn trong việc xử lý vụ án này, việc làm nào gây thiệt hại cho uy tín của nhà nước hơn ? Nhà nước cần sáng suốt nhận định xem ai mới là người đang thật sự bôi tro trát trấu lên khuôn mặt của mình trước công luận thế giới ? Giữa một người làm điều xấu ác, và một người nói lên điều xấu ác đó để nó không còn xảy ra nữa, nếu ta kết án nặng nề người trung thực tố cáo điều xấu ác đó hầu bênh vực chính kẻ làm điều xấu ác, thì còn gì là công lý nữa ! Vì thế, lời cuối cùng của em Nguyễn Vũ Việt trong phiên tòa là : "Tôi hoàn toàn bị oan ức !" Mọi người dân Việt Nam đều mong muốn tòa án phải là một biểu tượng cho sự trong sáng, thẳng thắn, công bằng, chứ không phải cho sự mờ ám, cong vạy, bất công !

Sau khi nghe kết án, phiên xử chấm dứt, mọi người - trừ các bị can - rời khỏi phòng để ra khuôn viên lớn bao quanh tòa nhà chính. Có điều cũng khá khác thường trong vụ án này là cô Nguyễn Thị Hoa, mặc dù bị kết án 3 năm tù giam, nhưng cô vẫn được ra về một cách tự do.

Phiên tòa kết thúc, chiếc xe chở tù nhân chuẩn bị đưa tù nhân trở về trại giam. Một vị giáo sĩ khác cùng đến tòa án với mục sư Quang đang chuẩn bị chụp hình chiếc xe, với hy vọng chụp được ảnh của Cường và Việt trước khi họ lên xe, thì hai nhân viên tòa án ập tới, đòi bắt giam ông và tịch thu máy. Nhưng mục sư Quang đứng ra bảo vệ, ông cho rằng không có luật cấm và cũng không có bảng cấm chụp hình ở phía bên ngoài thì không ai có quyền cấm chụp hình cả. Nhân viên tòa án không có quyền tự tiện và tùy nghi đặt ra luật lệ rồi bắt người dân phải tuân theo ý mình. Bị đuốilý, họ đành để mặc giáo sĩ này chụp hình quay phim.

Nhưng giáo sĩ này đã chẳng thực hiện được ý muốn của mình là chụp được ảnh Cường và Việt trước khi lên xe. Vì chiếc xe chở tù thay vì đón tù nhân ở bên ngoài hàng rào, thì đã phải lùi lại vào tuốt phía trong để đón tù nhân.

Vì thế, gia đình cha Lý đành ngậm ngùi nhìn chiếc xe chở tù nhân - trong đó có hai chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền là người thân của họ - lăn bánh ra khỏi tòa án.

Tưởng thế là xong, mọi người đang chuẩn bị về nhà, thì bỗng nhiên một người đàn bà diện mạo ngổ ngáo xuất hiện, xông thẳng vào người chụp hình đang đứng chung với gia đình cha Lý và những người của mục sư Quang, tính giựt máy chụp hình. Mụ hạch hỏi tại sao lại chụp hình mụ ? Mụ không thèm nghe lời giải thích, mà lại đánh túi bụi hết người này đến người kia. Một vài người chống cự lại thì mục sư Quang yêu cầu đừng chống cự, hãy tránh xa mụ ra. Kinh nghiệm trong cuộc tranh đấu tại nhà thờ Tin Lành quận 2 cho ông biết : nếu chống cự thì sẽ trở thành đám đánh nhau. Chính quyền có thể tới quy chụp rằng : cả đám đông như vậy mà lại đánh đập ức hiếp một mụ đàn bà. Và lực lượng công an ở ngay đấy sẽ có cớ để tịch thu máy quay phim chụp hình và thậm chí có thể mời cả đám đông về bót. Mụ thấy cơ mưu mình bị bại lộ, đành ra về, vừa đi vừa chửi đổng.

Tuy nhiên, sau cùng lại là một màn rất vui vẻ : mục sư Nguyễn Hồng Quang mời tất cả thân nhân và bạn hữu của gia đình cha Lý về nhà mình để dùng bữa trưa, vì lúc đó đã quá 12g30. Nếu không, gia đình cha Lý phải chở nhau về ngay Bàu Cá (tỉnh Đồng Nai), cách Sài Gòn 60 km. Vì thế, trưa hôm đó, tại nhà mục sư Quang đã diễn ra một cảnh rất cảm động, đầy tinh thần thông cảm, yêu thương và đại kết. Cũng tại đây, cha Phan Văn Lợi đã gặp qua điện thoại mục sư Nguyễn Hồng Quang, giáo sĩ Trương Trí Hiền, ông Nguyễn Chính Kết, cô Nguyễn Thị Hoa và nhiều người khác trong gia đình cha Lý để nghe tường trình và cảm tưởng về vụ án, đồng thời để chia vui sẻ buồn với tất cả mọi người đang hiện diện trong bữa ăn.

Nguyễn Chính Kết






________________________________________________________________________