Suy tư và góp ý
về pháp lệnh tôn giáo 2003




NGUYỄN CHÍNH KẾT


Nhận được thư của Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn ngày 2-7-2003 mời gọi các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận suy tư và góp ý cho việc soạn thảo pháp lệnh tôn giáo, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm hưởng ứng lời mời gọi này. Tôi nghĩ khi mời gọi góp ý, người mời gọi mong muốn một sự góp ý thành thật, thẳng thắn, với thiện ý xây dựng. Đó cũng là điều tôi chủ trương thực hiện khi viết bài này. Và sau đây là những suy tư và góp ý của tôi.


Có cần thiết phải có, hay có nên có một pháp lệnh tôn giáo không?

Trước hết, tôi xin đặt vấn đề là có cần thiết phải có, hay có nên có một pháp lệnh cho các tôn giáo hay không, khi mà trong hiến pháp và những văn bản pháp luật khác – chẳng hạn sắc lệnh số 234-SL về tôn giáo do Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký ngày 16-6-1955 – đã có những quy định khá rõ ràng và khá hợp lý về phạm vi này. Cứ việc đem ra áp dụng đúng như thế là tốt đẹp rồi. Điều quan trọng là những văn bản ấy có thật sự được áp dụng đúng như nội dung trong đó hay không. Chúng ta thử xem các quốc gia khác trên thế giới có những pháp lệnh về tôn giáo như thế không. Nếu họ không có, thì tốt nhất đất nước chúng ta cũng không nên có. Tại sao đất nước của chúng ta ít lâu nay phát sinh quá nhiều vấn đề về tôn giáo như thế? Tôi nghĩ: đó là vì chủ trương tự do tôn giáo được qui định trong hiến pháp đã không được tôn trọng.

Sở dĩ ít lâu nay có những rắc rối về vấn đề tôn giáo, có những cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo trong và ngoài nước, là vì thật sự có tình trạng đàn áp tôn giáo ở trong nước. Việc đàn áp này nhiều khi dựa trên:

– những pháp lệnh chưa hợp lý về tôn giáo,

– những pháp lệnh có khả năng hợp pháp hóa việc đàn áp tôn giáo,

– những pháp lệnh hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân đã được ghi trong hiến pháp, không đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tôn giáo của người dân.

Thiết tưởng để giải quyết những rắc rối đó, thì nên bỏ những pháp lệnh mang tính hạn chế tự do tôn giáo ấy đi là xong, không cần phải soạn thảo một pháp lệnh mới làm gì. Để giải quyết những vụ tranh đấu về tôn giáo, thì cần phải giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây nên những cuộc tranh đấu ấy là tình trạng đàn áp tôn giáo có thật trong nước. Vì hễ còn có đàn áp, còn có bất công thì tất yếu còn phát sinh đấu tranh, đúng như Lênin đã nói: «Ở đâu có đàn áp, ở đấy có đấu tranh». Muốn hết đấu tranh thì phải diệt đàn áp. Nếu nhà nước chỉ tìm cách dẹp mọi cuộc tranh đấu mà vẫn duy trì đàn áp thì rõ ràng là nhà nước thiếu thiện chí, chỉ trừ ngọn chứ không diệt gốc.

Tại sao có biết bao vấn đề nổi cộm trong đất nước như tham nhũng, quan liêu, ma túy, đĩ điếm, buôn lậu… đang hoành hành trên đất nước chúng ta, làm dân chúng thống khổ biết bao thì lại không thấy có những pháp lệnh đặc biệt để ngăn chặn chúng? Thiết tưởng chuyện nào thật sự đang tàn phá đất nước thì phải ưu tiên ra pháp lệnh để ngăn chặn những chuyện đó trước, thế mới là hợp lý và khoa học! Thiếu hợp lý và khoa học thì chỉ làm cho đất nước lún sâu vào lạc hậu, nghèo đói và bi thảm! Hiện nay, có rất nhiều lãnh vực như kinh doanh, giáo dục, y tế, thuế khóa… nhà nước quản lý tương đối lỏng lẻo gây nên biết bao thiệt hại to lớn cho đất nước cũng như cho nhà nước. Nhưng riêng lãnh vực tôn giáo thì lại bị quản lý một cách quá chặt chẽ, mặc dù tôn giáo không hề gây nên những thiệt hại hay rắc rối nào cho đất nước. Chính việc quản lý một cách quá chặt chẽ này mới là nguyên nhân gây nên những cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo gay gắt và quyết liệt trong và ngoài nước hiện nay.

Tôn giáo là nhu cầu ngàn năm của quần chúng và đang đóng góp cho đất nước biết bao điều tốt đẹp, cần gì phải có một pháp lệnh đặc biệt cho tôn giáo? Cứ để tôn giáo phát triển một cách tự nhiên như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới là ổn. Can chi đất nước ta lại phải có những pháp lệnh về tôn giáo cho thêm rắc rối? Những quốc gia khác không có những rắc rối về tôn giáo đâu phải vì họ có thêm ngoài hiến pháp những pháp lệnh về tôn giáo, mà đúng hơn là vì họ không có thêm những pháp lệnh gây rắc rối ấy.


Cần có sự công bằng và bình đẳng giữa người có tôn giáo và không tôn giáo

Thiết tưởng đa số dân chúng Việt Nam cũng như các dân tộc á châu khác đều có đặc tính chung là rất sùng đạo, đều có nhu cầu tôn giáo. Chính vì thế mà các tôn giáo lớn đều xuất phát từ châu Á. Số người vô thần trong nước cũng như trên thế giới chỉ là một thiểu số. Vì thế, thiết tưởng một nhà nước nếu thật sự vì dân thì phải đặc biệt quan tâm tới nhu cầu chung của toàn dân, chứ không thể chỉ quan tâm tới nhu cầu của một thiểu số nắm quyền. Mà nhu cầu tôn giáo là một nhu cầu lớn nhất trong số các nhu cầu tâm linh hay tinh thần của đa số người dân trong nước.

Vì thế, thật là phi lý khi người vô thần vốn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong nước lại có quyền tự do phổ biến, tuyên truyền một cách hết sức chính thức lý thuyết vô thần của mình, một lý thuyết cũng nổi tiếng mang tính giáo điều y như lý thuyết của các tôn giáo. Thật vậy, triết học Mác-Lênin, là triết lý vốn chỉ được một thiểu số dân chúng công nhận, lại được dạy ở đại học và mọi sinh viên đều bị bộ giáo dục bó buộc phải học mới có thể lên lớp hay thi đậu? Thậm chí nhà nước còn bắt buộc cả các tu sĩ phải học nữa! Các chủng sinh đã học triết lý này ở đại học rồi, thế mà khi vào chủng viện lại còn phải học lại lần nữa! Dù học lại, số giờ để học lại môn này lại nhiều hơn bất kỳ môn học chính nào của tôn giáo mình! – Còn tín đồ của các tôn giáo chiếm một tỷ lệ rất lớn trong dân chúng, thế mà không một lý thuyết tôn giáo nào được dạy hay phổ biến ở đại học. Các tôn giáo chẳng những không được phép phổ biến chính thức ở đại học mà có muốn phổ biến giáo lý của mình ở chỗ khác thì đều bị ràng buộc và hạn chế bởi những luật lệ hết sức chặt chẽ về tôn giáo! Rất nhiều trường hợp việc phổ biến bị cấm ngặt bằng những biện pháp rất gắt gao. – Như vậy, cứ công tâm mà xét thì phải nói: tình trạng bất bình đẳng ấy là cực kỳ phi lý, thế mà lại đang xảy ra trong đất nước ta!

Thật là phi lý khi mà các tôn giáo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh trên thế giới, và đang góp phần quan trọng trong việc giáo dục hữu hiệu con người, thì lý thuyết của các tôn giáo lại bị hạn chế phổ biến bởi những điều này luật nọ trong nghị định này pháp lệnh kia! Còn triết Mác-Lênin thì trên thế giới càng ngày càng ít người theo, ít nước theo, nhiều quốc gia trước đây theo nay đã từ bỏ vì thấy nó không đem lại sự tiến bộ cho đất nước, thì nước ta lại coi trọng thứ triết lý này đến thế! Nếu triết lý này sau khi theo trên 50 năm tại miền Bắc và gần 30 năm tại miền Nam mà làm cho đất nước mình vượt lên hàng cường quốc, thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ việc cưỡng bức học lý thuyết ấy. Đằng này thực tế cho thấy nó không được như vậy! Nếu nó là thứ triết lý được đa số nhân dân theo thì việc coi trọng nó như thế thì cũng còn có chút hữu lý. Đằng này đa số nhân dân là hữu thần, là có tôn giáo, đều không chấp nhận thứ triết lý chủ trương vô thần của một thiểu số như thế! Thật là phi lý khi ép buộc dân chúng phải học nó!

Có hợp lý không khi một đảng cầm quyền đất nước lại có quyền bắt dân chúng phải học lý thuyết của mình! Thử hỏi: giả như đảng cầm quyền là Phật giáo, nên buộc tất cả mọi sinh viên các tôn giáo khác – kể cả những sinh viên vô thần – đều phải học triết lý Phật giáo ở đại học, thì như vậy có hợp lý không? Những người vô thần hoặc theo tôn giáo khác bị cưỡng ép học Phật giáo như thế có tức tối không? Giả như có chuyện phi lý ấy xảy ra, thì nó vẫn còn hợp lý hơn việc bó buộc dạy triết Mác-Lênin ở đại học, vì dẫu sao Phật giáo cũng chiếm đa số trong dân chúng, đang khi người theo chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 2%). Hay giả như bên Hoa Kỳ, khi đảng Cộng Hòa lên nắm quyền liền bắt tất cả mọi sinh viên đều phải học triết lý của đảng mình, thì Hoa Kỳ có còn là một đất nước dân chủ nữa không? Hay là một đất nước «đảng chủ»?

Thử dùng công tâm mà xét xem như thế này có hợp lý không, có dân chủ không: lý thuyết của một thiểu số nắm quyền trong nước thì được tự do phổ biến, còn các lý thuyết của đại đa số dân chúng thì bị hạn chế phổ biến, phổ biến thì phải xin phép, và người có quyền cho phép thì tùy tiện muốn cho thì cho, muốn không cho cũng được?

Thực ra, tôi rất cảm thông với đảng Cộng Sản trong việc áp đặt này, vì đó là cám dỗ chung cho tất cả những ai nắm quyền. Chính Giáo Hội Công giáo của tôi, khi nắm trong tay nhiều thế lực, cũng bị cám dỗ dùng áp lực để buộc người khác theo mình, học giáo lý của mình, cụ thể nhất là thời Trung cổ. Điều đó rõ ràng là sai trái, không thể chấp nhận được! Một vài chính phủ Công giáo trên thế giới cũng đã lạm quyền như vậy, và đã bị dân chúng lật đổ. Đương nhiên không chỉ có Công giáo, mà trong nhiều tôn giáo khác cũng có những trường hợp tương tự. Tôi hết sức cảm thông với những cám dỗ ấy, vì chính tôi, trong những trường hợp nhỏ bé của đời sống mình, tôi cũng bị cám dỗ tương tự và đã nhiều phen chiều theo cám dỗ ấy. Nhưng vì thấy sự tai hại của việc áp đặt ấy, nên tôi vẫn chủ trương phải tranh đấu với bản thân, với tha nhân, trong xã hội cũng như trong giáo hội của tôi, để sự áp đặt ấy xảy ra càng ít càng tốt.


Tinh thần bình đẳng trong hiến pháp

Hiến pháp Việt Nam (năm 1992) nói: «nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc» (Điều 5, §2); «Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật» (Điều 52). Nếu có sự phân biệt đối xử giữa người vô thần hay vô tôn giáo và người hữu thần hay có tôn giáo như thế thì còn gì là bình đẳng nữa? Phải chăng đó là một «hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc» mà Hiến Pháp điều 5 nghiêm cấm? Nếu lý thuyết của một thiểu số này có quyền được dạy ở đại học, thì lý thuyết của những thiểu số lớn hơn, và nhất là của đa số cũng phải được dạy như thế ở đại học; và ai muốn học lý thuyết nào thì tự do chọn lựa. Có như thế thì mới đúng là «bình đẳng trước pháp luật» chứ? Cách hành xử như hiện nay thì rõ ràng là vi phạm hiến pháp!

Trên nguyên tắc, nếu không có một pháp lệnh những người vô thần (chẳng hạn để buộc họ phải tôn trọng sự tự do tôn giáo của những người hữu thần…), thì cũng không nên có một pháp lệnh cho những người hữu thần. Cần phải tôn trọng tinh thần «bình đẳng trước pháp luật» của hiến pháp chứ!


Nếu có một pháp lệnh về tôn giáo, thì …
Pháp lệnh phải phù hợp hoàn toàn với hiến pháp


Nếu đất nước chúng ta là trường hợp đặc biệt cần phải có một pháp lệnh về tôn giáo, thì thiết tưởng pháp lệnh cần phải nêu rõ lý do hợp lý của nó.

Giả như pháp lệnh này là cần thiết để chi tiết hóa những trường hợp cụ thể về phạm vi tôn giáo, thì nguyên tắc trước tiên phải theo là không một điều khoản nào trong pháp lệnh này được phép đi ngược lại với những điều khoản đã được quy định:

– trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà đất nước ta đã ký kết với Liên Hiệp Quốc,

– rồi đến trong hiến pháp của đất nước mình.

Tôi cố ý đặt theo thứ tự trên vì các văn bản trên có những giá trị khác nhau. Mọi người, mọi nhóm người, mọi tôn giáo, mọi quốc gia phải ưu tiên tuân thủ những văn bản có giá trị cao hơn. Nếu có điều khoản nào trong pháp lệnh đi ngược lại với những văn bản trên, thì điều khoản ấy trở thành vi phạm tuyên ngôn quốc tế, hoặc vi phạm hiến pháp. Thiết tưởng lúc ấy, người công dân có quyền góp ý cho những người soạn thảo pháp lệnh thấy sự vi phạm ấy, và những người này có bổn phận phải sửa sai. Nếu không sửa sai, thì chính họ đã vi phạm tuyên ngôn quốc tế hoặc hiến pháp đất nước, và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.


Pháp lệnh phải thể hiện rõ nét chủ trương tự do tôn giáo
của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và của hiến pháp


Mục đích của pháp lệnh tôn giáo là chi tiết hóa việc áp dụng chủ trương về tôn giáo của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và hiến pháp vào những trường hợp hay hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Vì thế, pháp lệnh phải phản ảnh trung thực chủ trương tự do tôn giáo mà hai văn bản ấy qui định.

Đương nhiên trong tất cả mọi quốc gia, không thể tránh khỏi những trường hợp có những công dân lạm dụng quyền tự do tôn giáo để làm điều sai trái, xâm phạm lợi ích quốc gia. Và pháp lệnh buộc phải đề cập đến những trường hợp này và đề ra những biện pháp xử lý. Nhưng pháp lệnh không thể nại vào lý do ấy để chủ trương kiểm soát quá chặt chẽ hoặc xen quá nhiều và quá sâu vào nội bộ của các tôn giáo. Việc kiểm soát quá chặt chẽ hoặc xen quá sâu vào nội bộ của các tôn giáo đồng nghĩa với vi phạm quyền tự do tôn giáo. Trong những lãnh vực khác, nhà nước nhiều khi kiểm soát một cách quá lỏng lẻo đến nỗi bị lạm dụng một cách trầm trọng, thế mà vẫn cứ tiếp tục duy trì sự lỏng lẻo ấy. Vì thế, không có lý do nào chính đáng để nhà nước kiểm soát các tôn giáo chặt chẽ một cách đặc biệt và bất thường như thế.


Cần lưu ý những tổ hợp điều luật có thể bị lợi dụng để đàn áp tôn giáo

Rất có thể trong pháp lệnh có những điều luật mâu thuẫn nhau, mà nếu xét riêng từng điều thì không thấy gì trở ngại lắm, nhưng khi áp dụng chung với nhau thì điều này hợp với điều kia trở thành một tổ hợp điều luật có thể bị lợi dụng để đàn áp tôn giáo. Chẳng hạn: điều A qui định mọi sinh hoạt tôn giáo đều phải thực hiện tại những nơi quy định (chẳng hạn nhà thờ, nhà nguyện…). Và điều B quy định mọi việc xây cất nhà thờ nhà nguyện đều phải xin phép chính quyền. Nếu xét riêng rẽ hai điều này thì ta cảm thấy như không có gì trở ngại. Nhưng đây có thể là một thòng lọng để nhà nước có thể tùy tiện cho phép hay không cho phép các tín đồ một nơi nào đó sinh hoạt tôn giáo.

Chẳng hạn đối với một tôn giáo chưa được nhà nước chính thức công nhận, thì khi tín đồ tụ tập nhau sinh hoạt tôn giáo tại tư gia thì chính quyền dựa vào điều A để buộc họ phải giải tán. Các tín đồ này vì chưa có nơi hợp pháp để tụ tập sinh hoạt tôn giáo, nay muốn sinh hoạt tôn giáo một cách hợp pháp nên chỉ còn cách là xin phép nhà nước xây dựng một nhà nguyện để họ có thể tụ tập sinh hoạt. Nhưng khi xin phép thì nhà nước lại tùy tiện không cho phép mà không nêu lý do chính đáng nào cả.

Tôi xin đan cử một trường hợp cụ thể xảy ra mới đây, còn nóng hổi, trong tháng 6-7/2003, đó là trường hợp xây dựng nhà thờ Tin Lành quận 2. Mặc dù Hội Thánh Tin Lành có đầy đủ điều kiện giấy tờ hợp pháp để xin xây nhà nguyện, nhưng chính quyền vẫn không cho. Và vì nhu cầu tâm linh cấp bách, các tín đồ đành phải xây một căn nhà tạm thời để sinh hoạt chung – là điều mà luật pháp cho phép khi đã xin phép mà chính quyền không trả lời. Nhưng khi xây xong thì chính quyền huy động lực lượng đến đòi giật sập. Các tín đồ phải sẵn sàng sống chết tranh đấu bảo vệ ngôi nhà tạm thời làm nhà nguyện ấy thì mới bảo vệ được cho đến nay. Nhiều nhà thờ khác của các tín đồ tôn giáo đã bị chính quyền giật sập mà rất ít người biết vì thiếu thông tin.

Với những tổ hợp điều luật như thế, các tín đồ bị dồn vào thế buộc phải sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp, và vì thế họ bị khó dễ đủ điều, thậm chí bị tù, bị đánh đập, v.v… Những tổ hợp điều luật như thế đúng là đưa người công dân có tôn giáo vào ngõ bí hay thế kẹt. Vì một đằng nếu cứ tôn trọng những điều luật ấy thì đành phải lỗi luật của lương tâm, và đằng khác nếu họ tuân theo luật lương tâm thì họ buộc phải lỗi những điều luật của nhà nước.

Mà đối với các tín đồ của hầu hết các tôn giáo trên thế giới, thì cần phải ưu tiên tuân theo luật của lương tâm hơn là luật của tôn giáo hay của nhà nước. Họ hành động như vậy là rất đúng, vì luật của lương tâm là luật ở bên trong, được ghi sẵn trong lương tri con người, muôn đời không thay đổi. Thật vậy, đời thuở nào thì ăn gian nói dối, trộm cắp giết người… vẫn là xấu; và bênh vực người yếu đuối, cô thân cô thế, bị đàn áp… vẫn là tốt. Những tên trộm cướp giết người xấu xa nhất, tuy không hành xử theo luật của lương tâm, nhưng trong thâm tâm, chúng cũng vẫn phải phân biệt điều nào thiện điều nào ác tương tự như mọi người. Còn luật của tôn giáo hay của nhà nước thì có thể thay đổi, nay thế này mai thế khác. Nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi pháp luật soành soạch, nay sắc lệnh này, mai nghị định khác. Trong đó cũng có những điều luật vi hiến, không hợp tình hợp lý, hoặc không thích hợp với ý nguyện của dân chúng hay với hoàn cảnh của đất nước!

Khi pháp lệnh có những tổ hợp điều khoản mang tính «tung, hứng» để có thể đàn áp tôn giáo bằng pháp luật như vậy, thì các tín đồ đành phải chấp nhận sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp, bất chấp bị đàn áp, tù đày, chết chóc! Với pháp lệnh đã được ban hành, nhà nước dồn họ vào một cái thế bất hợp pháp, mà vẫn có thể phủ nhận mình không hề đàn áp tôn giáo mà chỉ áp dụng luật pháp mà thôi! Và những kẻ bị bắt, bị tù tội trong những trường hợp này thì đều bị nhà nước coi là những người vi phạm luật pháp quốc gia chứ không phải vì lý do tôn giáo!

Vì thế, khi góp ý kiến cho pháp lệnh, cần phải sáng suốt để tránh tình trạng pháp lệnh trở thành một công cụ đàn áp tôn giáo một cách hợp pháp, hay nói cách khác là để có thể hợp pháp hóa việc đàn áp tôn giáo.

Riêng về luật buộc phải sinh hoạt tôn giáo ở những nơi quy định, tôi thấy không có gì cần thiết phải buộc người dân như thế. Nếu đó là một nhu cầu tự nhiên của nhân dân, là một sinh hoạt đem lại lợi ích tâm linh cho nhiều người, thì nhà nước phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện dễ dàng để họ thực hiện. Hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đâu có luật buộc như thế, mọi người muốn sinh hoạt tôn giáo ở đâu tùy ý. Nếu đông người quá thì phải báo cho chính quyền – chứ không phải xin phép – để chính quyền cử người tới giữ an ninh trật tự cho dân, chứ chính quyền đâu có quyền cấm người dân sinh hoạt tôn giáo ở nơi này nơi kia. Khi để cho người dân được tự do sinh hoạt tôn giáo ở nơi nào họ có nhu cầu, các quốc gia kia đâu có xảy ra chuyện rắc rối về tôn giáo. Còn ở nước ta, chính điều luật đòi buộc các tín đồ phải sinh hoạt tôn giáo ở những nơi qui định mới gây nên biết bao rắc rối về tôn giáo từ xưa đến nay. Vì thế, tôi đề nghị bãi bỏ cái luật vốn không cần thiết mà chỉ gây nên rắc rối này!


Pháp lệnh phải mang tính hai chiều

Nếu pháp lệnh cứ nhất định chủ trương duy trì cơ chế «xin-cho» – là một cơ chế vốn đi ngược lại với tính dân chủ – thì khi qui định những trường hợp nào người công dân buộc phải xin phép, cũng phải qui định những trường hợp nào các nhân viên chính quyền buộc phải cho phép, nếu không cho phép là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh. Pháp lệnh không thể chỉ qui định có một chiều: buộc người phải xin mà không buộc người phải cho, khiến cho người xin thì bị buộc mà người cho thì được tùy tiện. Nghĩa là không xin, hay xin không được mà vẫn cứ làm thì lỗi pháp luật; còn kẻ có quyền cho phép mà không chịu cho phép khi đã có những ký do hợp lý thì lại không lỗi pháp luật. Quy định chỉ một chiều như vậy là vi phạm tinh thần «bình đẳng trước pháp luật» của điều 52 hiến pháp, cũng là một «hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc» mà hiến pháp điều 5 §2 nghiêm cấm. Thí dụ, khi buộc người đi tu trong những trường hợp nào phải xin phép, thì cũng phải buộc người nhận đơn trong những trường hợp nào phải cho phép.


Nhà nước không thể là bề trên cao cấp nhất
trong nội bộ của các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo


Cách hành xử của nhà nước hiện nay đối với các tôn giáo khiến người ta có thể tự hỏi: Có phải nhà nước là bề trên cao cấp nhất của các giáo hội, các tôn giáo, các tu viện, các tổ chức tôn giáo… không? Có phải chính quyền có quyền phủ quyết (veto) tất cả mọi đề nghị mang tính nội bộ của các tôn giáo, kể cả chính quyền cấp xã, cấp phường?

Hiện nay, nhà nước đang đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Sắc lệnh 234-SL về Tôn giáo ký ngày 14-6-1955 chắc chắn vẫn là một tinh thần có giá trị đối với nhà nước Việt Nam. Sắc lệnh ghi: «Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo» (Điều 13); «Riêng về công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo Hội Việt Nam với Toà thánh La-mã là vấn đề nội bộ của công giáo» (Chương IV, Điều 13).

Nhà nước đòi hỏi mọi việc bổ nhiệm, thuyên chuyển nhiệm sở của các chức sắc trong các giáo hội phải được nhà nước cho phép mới được thực hiện, điều ấy không phải là chính quyền đã can thiệp vào nội bộ của các tôn giáo sao? Hiện nay Giáo Hội Việt Nam đang bị trì trệ rất nhiều vì nhiều nơi cần thiết phải có giám mục hay linh mục để phục vụ giáo dân thì nhà nước lại không cho phép giám mục hay linh mục tới. Nhiều linh mục ở một nhiệm sở quá lâu – có vị ở mãi một giáo xứ trên 20 năm nay – nhiều khi là điều bất lợi cho sự phát triển nhiệm sở ấy; nhưng giám mục muốn đổi đi thì nhà nước không chấp nhận. Nếu giáo hội cứ bị lệ thuộc một cách quá chặt chẽ vào nhà nước như thế thì làm sao giáo hội phát triển được? Nhà nước có thật sự cần thiết phải bắt tôn giáo lệ thuộc vào mình quá đáng như thế không? Hầu hết các nước trên thế giới đâu bắt buộc các tôn giáo phải lệ thuộc vào mình quá như vậy, tại sao đất nước mình lại phải như thế? Chẳng lẽ đất nước ta đã đổ ra biết bao xương máu, hàng triệu người đã phải gục ngã, để rồi cuối cùng chỉ được một thứ tự do như thế sao? Một thứ tự do bị lệ thuộc quá đáng vào nhà nước! Quả là đất nước ta phải trả một giá quá mắc để được một thứ tự do không bằng những nước khác, đang khi họ không phải trả giá mắc như thế!

Nhà nước đòi hỏi mọi việc bổ nhiệm, thuyên chuyển nhiệm sở của các chức sắc trong giáo hội phải được nhà nước cho phép mới được thực hiện, ai muốn đi tu phải được nhà nước chấp thuận mới được tu, ai được giám mục chọn làm linh mục phải được nhà nước đồng ý thì mới được phong chức… như thế không phải là nhà nước xen vào nội bộ của tôn giáo sao? Như vậy thì thế nào mới là xen vào nội bộ? Phải chăng khi nhà nước cử người của mình vào các cơ sở tôn giáo để làm bề trên cao cấp nhất trong đó thì mới là xen vào nội bộ?

Thật ra hiện nay trên danh nghĩa thì nhà nước ở ngoài các tổ chức tôn giáo, nhưng nhà nước vẫn thường có quyền phủ quyết (veto) mọi quyết định trong nội bộ các tôn giáo. Đúng ra, trong từng tổ chức tôn giáo, chỉ có bề trên cao cấp nhất của tổ chức tôn giáo ấy mới có quyền phủ quyết những ý kiến, đề nghị của mọi người trong nội bộ của mình. Nhưng hiện nay, nhà nước đã trở thành bề trên cao cấp nhất của tất cả mọi tôn giáo trong nước khi giành quyền phủ quyết ấy của tất cả các loại bề trên trong các tôn giáo. Như thế mà nhà nước vẫn không cho là mình can thiệp vào nội bộ của các tôn giáo! Quả thật, tôi không thể nào hiểu được theo nhà nước thì cụm từ «can thiệp vào nội bộ» có nghĩa là gì! Hẳn là nhà nước đã hiểu khác hẳn với cách hiểu của hầu hết mọi người trong nước cũng như trên thế giới!
***

Đó chỉ là một vài vấn đề mà tôi bức xúc nhất liên quan đến pháp lệnh tôn giáo mà nhà nước muốn đưa ra trong tháng 10 này. Còn nhiều vấn đề khác mà tôi chưa muốn bàn tới như việc tôn trọng tài sản của các tôn giáo, việc tôn trọng các sinh hoạt và sự tham gia của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, v.v…

Điều tôi mong ước không gì khác hơn hay vượt xa hơn sự tự do tôn giáo mà người dân trong hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thụ hưởng. Tôi không mong có được nhiều tự do hơn những người dân ở các quốc gia khác, mà chỉ cần thật sự được tự do bằng họ là đủ rồi! Tôi nghĩ ước vọng đó là ước vọng chính đáng nhất của người dân trong bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Rất mong những vị soạn thảo pháp lệnh tôn giáo cứu xét những góp ý chân thành nhất của tôi.

Sàigòn, ngày 6-10-2003

NGUYỄN CHÍNH KẾT





________________________________________
________________________________________________________________________