Nhà nước cần thỏa mãn
nhu cầu tôn giáo
của người dân

NGUYỄN CHÍNH KẾT

Tôn giáo là một nhu cầu tự nhiên và rất lớn của con người

Con người được cấu tạo bởi vật chất và tinh thần, đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Từ đó, con người có hai loại nhu cầu tổng quát: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Mỗi loại nhu cầu tổng quát này lại chia ra làm nhiều loại nhu cầu nhỏ hơn. Mọi nhu cầu nhỏ hơn này lại chia thành nhiều loại nhỏ hơn nữa. Con người chỉ được hạnh phúc khi những nhu cầu có thực và tự nhiên được thỏa mãn.

Nhu cầu tinh thần – một trong hai nhu cầu tổng quát và lớn nhất của con người – bao gồm nhu cầu tâm linh hay tôn giáo. Chính vì thế, tôn giáo đã xuất hiện từ rất sớm, cho dù ban đầu có nhuốm khá nhiều tính mê tín trong đó. Nhưng dần dần khi các môn khoa học phát triển, con người càng ngày càng nhận thức và loại trừ được được những mê tín có trong các tôn giáo. Tương tự như nhu cầu ăn uống: trong các loại thức ăn, có những thức ăn độc. Ngay cả trong một loại thức ăn được gọi là bổ, vẫn có những mầm độc hại trong đó. Nhưng dần dần, con người biết được những chất độc có trong đó để có thể loại trừ hoặc không ăn. Không thể vì biết thức ăn có lẫn ít nhiều chất độc mà đành phải nhịn đói. Vì nhịn đói không chịu ăn thì còn nguy hiểm hơn cả ăn những thức ăn có lẫn ít nhiều chất độc trong đó.

Nhà nước Việt Nam hiện nay đang vi phạm quyền tự do tôn giáo

Tôi muốn nói lên điều này nhân vụ chính quyền đàn áp Giáo Hội Tin Lành tại rạp Quốc Thanh, 271 đường Nguyễn Trãi, quận 1, chiều thứ năm, ngày 4-3-2004 vừa qua (xin xem bài “Chống Tin Lành, tội ác chồng lên tội ác“ của Người Trong Cuộc vừa được đăng trên nhiều trang web).

Tôi không phủ nhận sự vi phạm luật tôn giáo của các tín đồ Tin Lành trong vụ này, vì trong luật pháp nhà nước hiện nay có điều luật đòi buộc các tín đồ tôn giáo phải sinh hoạt tôn giáo tại những nơi đã được luật pháp quy định. Nhưng rõ ràng việc họ phải sinh hoạt tôn giáo tại những nơi không thích hợp như thế này là một việc bất đắc dĩ đối với họ, vì họ không còn cách nào khác nhau hơn. Nhà nước đã không tạo điều kiện để họ có những nơi thờ phượng hợp pháp.

Nếu nhà nước không tạo điều kiện để họ có được những nơi sinh hoạt tôn giáo một cách hợp pháp, thì chính quyền đã vi phạm một điều khoản căn bản trong chính hiến pháp của mình. Hiến pháp năm 1992, điều 3 ghi: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của tổ quốc và của nhân dân”.

Theo tinh thần điều 3 của Hiến Pháp vừa nêu, thì nhà nước phải bảo đảm cho mọi người được ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, trong đó có nhu cầu sinh hoạt và phát triển tôn giáo. Và cũng theo điều 3 này, nhà nước có bổn phận nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của tổ quốc và của nhân dân, trong đó bao gồm cả việc trừng trị những hành động vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân.

Nếu nhà nước đòi buộc các tín đồ tôn giáo phải sinh hoạt tôn giáo tại những nơi được quy định, thì đúng ra nhà nước phải tạo điều kiện để họ có được những nơi quy định ấy. Nhưng trên thực tế, một đằng nhà nước cấm sinh hoạt tôn giáo ở những nơi không phải là nhà thờ, nhà nguyện… đằng khác nhà nước lại không tạo điều kiện cho người dân có đủ những nơi quy định hợp pháp để thực hiện nhu cầu bức thiết ấy.

Làm như thế có khác gì cha mẹ ở trong nhà, một đằng cấm con cái không được học hành ở những nơi không phải là phòng học, không được ăn uống ở những nơi không phải là phòng ăn; đằng khác lại không tạo cho chúng những nơi ấy, mà cũng không cho phép chúng tạo nên những nơi ấy. Từ đó ắt phát sinh tình trạng buộc chúng phải học ở những nơi không phải là phòng học, ăn ở những nơi không phải là phòng ăn, vì nhu cầu học hành, ăn uống là một nhu cầu cấp bách không thể không thỏa mãn. Khi không có những nơi để học, phòng để ăn, mà lại nghiêm cấm chúng, đánh đập chúng tàn nhẫn khi chúng ăn hay học ở những nơi không thích hợp thì thật là phi lý. Điều này cho thấy rõ ràng rằng bậc cha mẹ ấy muốn dồn con cái mình vào thế kẹt để có cớ đánh đập hành hạ chúng, và chẳng hề thương yêu chúng chút nào.

Cũng vậy, khi không tạo điều kiện cho các tín đồ tôn giáo được xây nhà thờ, thậm chí khi họ xây xong lại còn đem công an đến giật sập, mà lại không cho phép họ sinh hoạt tôn giáo ở những nơi khác, thậm chí còn đánh đập khủng bố họ khi họ sinh hoạt như thế, thì rõ ràng là nhà nước không có thiện chí tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân. Chẳng hạn như hai trường hợp tương tự mới đây mà rất nhiều người đã biết qua các mạng internet:

– việc quyết tâm giật sập nhà thờ Tin Lành của mục sư Trương Văn Ngành – vừa được xây dựng lên một cách hợp pháp chiếu theo những luật lệ của nhà nước – ở phường An Bình, quận 2, nhưng không thành công vì sự quyết tử bảo vệ nhà thờ của các tín đồ Tin Lành, vào tháng 6 và 7 năm 2003.

– việc giật sập nhà nguyện Tin Lành của mục sư Nguyễn Công Chính tại thơn Kon-Rờ-Bàng xã Quang Vinh, tỉnh Kontum vào ngày 16-1-2004. Công bằng mà nói, việc xây dựng ngôi nhà dùng để sinh hoạt tôn giáo này cũng chỉ hoàn toàn nằm trong khuôn khổ hợp pháp của nhà nước.

– Còn biết bao những vụ giật sập nhà thờ tương tự như vậy xảy ra ở trên đất nước ta.

Qua những chuyện xảy ra như thế, mọi người đều có thể hiểu là nhà nước muốn bóp nghẹt nhu cầu tôn giáo của người dân.

Tại sao lại phải ngăn trở những sinh hoạt tôn giáo như thế?

Sinh hoạt tôn giáo là một nhu cầu tự nhiên của dân chúng không khác gì những nhu cầu khác: ăn uống, nhà ở, học hành, giải trí, làm ăn, sản xuất, buôn bán, v.v… Nhu cầu tôn giáo chẳng những là một nhu cầu tự nhiên và cần thiết, mà nó còn đem lại rất nhiều lợi ích cho nhân dân nữa (như đã trình bày ở trên). Vậy tại sao nhà nước ta lại ngăn trở?

Nếu nhà nước sợ có người lợi dụng việc sinh hoạt tôn giáo để làm điều sai trái, nguy hại cho lợi ích và an ninh của nhân dân và nhà nước, thì nhà nước cứ việc đề phòng chuyện lợi dụng ấy để nó đừng xảy ra, chứ không thể cấm đoán hay ngăn trở việc sinh hoạt tôn giáo. Trong thực tế, ai cũng thấy việc lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu rất ít xảy ra, nhưng việc lợi dụng kinh doanh, sản xuất, quyền bính, chức tước… để làm điều xấu thì hiện nay đang xảy ra như cơm bữa. Biết bao người dân đang oán thoán vì những chuyện tiêu cực này, nhưng nhà nước vẫn cứ thờ ơ không quan tâm đủ hầu giải quyết những nỗi oan ức của người dân.

Tại sao nhà nước ta lại hành xử một đằng thì thái quá, một đằng thì bất cập như thế? Chuyện tối cần thì bỏ mặc, chuyện không cần và không nên làm thì lại tập trung nỗ lực để làm? Tôi thật không hiểu nổi tại sao hiện nay việc bảo vệ biên giới của đất nước đang bị đe dọa là bổn phận chính yếu nhất của nhà nước và đang được nhân dân khắp nơi khuyến khích thì lại thấy nhà nước coi nhẹ, không chịu tập trung nỗ lực để giải quyết. Chuyện tham nhũng là quốc nạn đang vô hiệu hóa nền kinh tế cũng như tiềm lực xây dựng đất nước thì xem ra nhà nước lại rất thờ ơ. Chuyện phụ nữ và trẻ em bị bán qua biên giới để làm điếm, làm nô lệ tình dục đang làm mất thể diện của cả một đất nước thì nhà nước lại chẳng quan tâm. Chuyện xì ke ma túy trở thành quốc nạn đang làm băng hoại giới trẻ, mầm non của đất nước, thì xem ra nhà nước cũng có nỗ lực, nhưng chưa đúng mức, nên chẳng mấy kết quả. Đang khi đó nhà nước lại có vẻ như thừa công an, thừa nhân lực để đến ngăn cản những sinh hoạt tôn giáo vốn là nhu cầu tự nhiên và bức thiết của người dân, những sinh hoạt này chẳng những vô hại mà còn rất hữu ích cho đất nước, đặc biệt trong việc giáo dục tinh thần, tâm linh cho người dân.

Thử hỏi các mục sư và tín đồ Tin Lành tụ tập nhau đến rạp Quốc Thanh để làm gì? Nếu để thực hiện một âm mưu phá hoại, hay để phá rối trật tự trị an, hay để làm một chuyện tồi bại trái với thuần phong mỹ tục, v.v… thì việc can thiệp của chính quyền đúng là việc chính đáng. Nhưng họ đến đấy chỉ để cầu nguyện chung với nhau, cùng thờ phượng Thiên Chúa với nhau, cùng giúp nhau trở sống tốt đẹp hơn, làm cho nhau trở nên cao thượng hơn, v.v… một cách rất trật tự. Họ làm việc tốt đẹp như thế, tại sao nhà nước lại thừa công an để đến ngăn trở họ một cách quyết liệt đến như thế? Chính khi nhà nước can thiệp, ngăn trở họ, thì nhà nước gây nên sự xáo trộn tại khu vực đó, chứ nguyên nhân gây mất trật tự hôm đó không phải do họ, mà do chính lực lượng công an đến ngăn cản và phá đám họ.

Bằng chứng là những lần họ tổ chức cầu nguyện như thế tại những nơi khác trước đó mà nhà nước không kịp đến can thiệp, thì những buổi thờ phượng ấy đã hoàn toàn xảy ra trong trật tự, không có một sự xáo trộn nào xảy ra. Chẳng hạn như lần họ họp nhau hàng ngàn người vào trung tuần tháng 7-2003 tại phòng lớn nhất của một khách sạn đường Nguyễn Văn Luông (Thiệu Trị cũ), quận 6. Mọi sự đều xảy ra rất trật tự, trong đó có nhiều bệnh nhân được chữa lành một cách hết sức lạ lùng, không hề có ai bị thiệt hại gì, và mọi người đều ra về trong vui sướng hân hoan trong tâm tình tạ ơn Thượng Đế đã yêu thương con người.

Nhà nước là đại diện cho cả một dân tộc, được coi là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) không thể đổ tội của mình cho dân một cách vô căn cứ, cho rằng họ làm mất an ninh trật tự xã hội được. Nếu nhà nước cho họ được xây dựng những nơi thờ phượng đúng theo nhu cầu của họ, thì họ sẽ tụ tập để cầu nguyện tại những nơi đó, chứ họ đến rạp Quốc Thanh làm gì, chỗ đó đâu phải là nơi thích hợp để họ cầu nguyện, thờ phượng? Nhưng vì không có nhà nguyện để tụ tập thờ phượng Chúa, mà người dân lại có nhu cầu đó, nên họ phải tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó với bất cứ giá nào.

Điều làm cho tôi hết sức bất bình là thái độ quá coi thường mạng sống nhân dân của các nhân viên nhà nước khi đến ngăn cản sinh hoạt tôn giáo của các tín hữu Tin Lành lần này tại rạp Quốc Thanh. Đó là việc họ ra lệnh cúp điện đang khi có cả trên một ngàn người ở trong rạp, khiến bên trong rạp tối om, không khí trở nên ngột ngạt vì các máy thông khí không thể hoạt động. Cho dù rạp có máy phát điện riêng để đề phòng cúp điện, các nhân viên nhà nước tại đó vẫn không cho phép chủ rạp chạy máy phát điện. Phải nói rằng trong điều kiện tệ hại này, nếu không may, rất có thể xảy ra những tai nạn chết người và bị thương. Vì nếu người trong rạp không bình tĩnh hoặc ngẫu nhiên có một biến cố bất trắc nào làm mọi người hoảng sợ, thì người ta có thể đạp lên nhau mà chạy.

Phải nói rằng việc cúp điện như thế quả là một tội ác nói lên tính vô lương tâm và tính coi thường sinh mạng con người. Không biết những nhân viên nhà nước có mặt tại đó có còn coi các tín đồ Tin Lành trong rạp là đồng bào của mình không, hay là coi họ như kẻ thù cần phải tiêu diệt! Ở những nước văn minh, người ra lệnh cúp điện như trong trường hợp này có thể sẽ bị luật pháp trừng phạt rất nặng. Nhưng rất may mắn là các tín đồ Tin Lành đã bình tĩnh và có trật tự, nên đã không xảy ra một điều đáng tiếc nào. Quả thật tinh thần kỷ luật của họ rất cao!

Chuyện của các tín đồ Tin Lành phải tụ tập ở rạp Quốc Thanh để cầu nguyện, chính vì họ không có nhà thờ để tụ tập cầu nguyện. Mà nguyên nhân chính khiến họ không có nhà thờ là vì nhà nước đã không những không tạo điều kiện để họ xây nhà thờ, mà còn tìm đủ mọi cách ngăn cản họ xây nhà thờ. Tôi nói điều này là có chứng cớ rõ ràng, không hề vu oan cho nhà nước chút nào. Nhiều nơi các tín đồ đã xây xong nhà thờ một cách tương đối hợp pháp (nếu không được hợp pháp thì cũng là do nhà nước gây khó dễ), thì chính quyền địa phương lại quyết tâm dùng bạo lực để giật sập nhà thờ của họ.

Tại sao các tín đồ Tin Lành ở những nước khác, muốn xây bao nhiêu nhà thờ cũng có thể được, muốn tụ tập nhau ở đâu để cầu nguyện cũng được – chẳng những có thể được mà còn được chính quyền tới bảo vệ an ninh trật tự để họ làm tốt việc thờ phượng đó – còn tại đất nước ta thì chính quyền lại đến để ngăn trở và phá đám? Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo suốt mấy thập niên qua đã hy sinh biết bao xương máu, chẳng lẽ chỉ để đạt được một thứ tự do như hiện nay? Như thế quả là quá mắc! quá mắc!

Nhiều chuyện trái khoáy, không hợp lý

Phải nói rằng lúc này nhà nước ta làm nhiều chuyện rất phi lý và trái khoáy trong lãnh vực tôn giáo, không hề quan tâm đến nhu cầu chính đáng và khẩn thiết của người dân, cũng không hề quan tâm đến sự hợp lý cần phải tôn trọng khi hành động.

Như sự việc xảy ra ở nhà thờ Kế Sung (xã Phú Diên, Huế). Tôi không thế nào hiểu được tại sao nhà nước lại có thể để cho chuyện vô cùng phi lý này xảy ra. Có biết bao cách giải quyết khác hợp lý hơn mà người dân trong giáo xứ đã đề nghị thì nhà nước không chịu làm, mà lại làm theo cách khiến dân chúng bất mãn nhất? Xin xem hình dưới đây (chiếu theo bản tin “Đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Huế, ngày 5-2-2004” của “phóng viên tường trình từ Huế”).

Bất chấp sự phản đối quyết liệt của linh mục chính xứ và giáo dân Kế Sung, nhà nước quyết tâm làm một con đường băng ngang qua khu vực nhà thờ và chỉ cách mặt tiền nhà thờ có 4m. Linh mục chính xứ và giáo dân Kế Sung đã đưa ra những giải pháp hợp lý hơn rất nhiều, nhưng nhà nước nhất định không chịu. Tại sao lại như vậy?


Nếu chính quyền tại Huế thật sự tôn trọng quyền lợi của dân, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, thì phải làm cách nào để người dân đỡ thiệt hại chừng nào có thể. Chẳng hạn, nếu không thể làm con đường vòng ra sau lưng nhà thờ và cách xa nhà thờ, thì ít ra cũng có thể làm theo hình dưới đây, mà một thiếu niên bình thường cũng có thể nghĩ ra được để có thể tỏ ra tôn trọng quyền lợi của nhân dân hoặc giảm thiếu tối đa sự thiệt hại của họ. Cho dẫu làm như hình dưới đây thì giáo xứ đã phải hy sinh một phần đất nhà thờ rồi, nhưng vẫn còn có thể chấp nhận được!


Có cơ sở nào của nhà nước lại chấp nhận có một con đường băng ngang qua khu đất của mình và chia khu đất ra làm hai như thế không? Nếu mình không chấp nhận được, thì giáo dân xứ Kế Sung cũng không chấp nhận được? Chẳng lẽ giáo dân Kế Sung không phải là người như mình? Còn chuyện lấy đất chung của giáo dân Kế Sung để cấp cho tư nhân, thử hỏi điều đó có phù hợp với tư cách đáng lẽ phải “chí công vô tư” của nhà nước không?

Còn nhiều chuyện trái khoáy khác mà vì giới hạn một bài viết, tôi thấy không nên nêu ra dài dòng ở đây. Chẳng hạn vụ nhà nước chiếm đất dòng Thiên An (Huế), chiếm đất La Vang (Huế), và mới đây là chuyện bắt giam và đánh đập tàn nhẫn các truyền đạo Tin Lành dưới quyền mục sư Quang vì họ quyết tâm bảo vệ tang chứng vi phạm luật pháp của hai anh công an đến nhà gây sự (tại quận 2 ngày 2-3-2004), v.v…

Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng

Mục sư Nguyễn Hồng Quang đã từng than thở với tôi sau chuyến đi thăm mục sư Nguyễn Công Chính ở Kontum về:

Tôi chỉ muốn được yên ổn để làm công việc thuần túy mục vụ của một mục sư. Nhưng than ôi, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng!… Mới đây, nhà nước giật sập một cách phi lý và bất hợp pháp nhà thờ của mục sư Nguyễn Công Chính ở Kontum, là một mục sư dưới quyền tôi mà tôi có trách nhiệm bảo vệ. Tôi mà im tiếng bỏ mặc ông ta ra sao thì ra thì lương tâm tôi đâu để tôi yên. Im tiếng như vậy là vô trách nhiệm, không xứng đáng là một mục tử đối với bầy chiên của tôi! Mục sư Chính bị như vậy, chẳng lẽ tôi lại không ra thăm ông, không yên ủi gia đình ông cùng các tín đồ của ông! Nếu thế thì tôi có còn xứng đáng là bề trên của ông nữa hay không? Mà ra thăm ông thì nhà nước này đã tìm cách khó dễ tôi như thế đấy! Đúng là cây muốn lặng mà gió chẳng dừng!

(Về vụ này, xin xem bài “Nỗi đau Tây Nguyên” của mục sư Nguyễn Hồng Quang viết ngày 7-2-2004 thuật lại chuyện nhà nước giật sập nhà thờ Tin Lành của mục sư Chính ngày 16-1-2003, và bài “Tây Nguyên, nỗi đau vẫn còn đó” cũng của ông viết về chuyến đi thăm mục sư Chính của ông bị công an chặn xe, gây khó dễ ngày 8-2-2004).

Tôi cũng vậy, tôi chẳng muốn lên tiếng làm gì vì cũng sợ bị phiền phức, bị khó dễ, khiến cuộc sống tôi và gia đình trở nên khó khăn. Nhưng trước những trái khoáy xảy ra như thế, lương tâm tôi cảm thấy không thể không lên tiếng! Trước những trái khoáy và bất công như thế, nếu tôi khoanh tay ngồi im lặng như không có chuyện gì xảy ra, thì tôi sẽ có mặc cảm mình không xứng đáng là được gọi là Kitô hữu đích thực. Tôi chỉ ước mong đất nước mình đừng có những chuyện phi lý, bất công như vậy, để tôi được yên thân, khỏi bị lương tâm ép buộc lên tiếng! Nếu không vì lương tâm thúc ép, thì dại gì mà tôi lên tiếng cho có nhiều người ghét, để rồi có thể sẽ có bao phiền phức xảy đến cho mình và gia đình, là điều tôi không muốn xảy ra chút nào! Nhưng ai có lương tâm thì sẽ hiểu tôi, cũng như hiểu mục sư Nguyễn Hồng Quang!



NGUYỄN CHÍNH KẾT
(10-3-2004)



________________________________________________________________________