Góp ý cho đại hội
"Hội Ngộ Niềm Tin"



(http://www.hungviet.org/nguyenchinhket/nguyenchinhket070403.html)



NGUYỄN CHÍNH KẾT


Tôi là một giáo dân ở trong nước. Với tình trạng đất nước hiện tại, rất tiếc tôi không thể có mặt tại đại hội được tổ chức vào cuối tháng 7-2003 này tại Rôma, thủ đô Giáo Hội, để chia sẻ niềm tin của mình, mặc dù tôi rất muốn điều ấy. Lý do tại sao tôi không có mặt được thì chẳng nói ai cũng biết.

Tại đất nước Việt Nam này, có nhiều điều nói ra thì không ổn (nghĩa là người nói sẽ không được yên ổn), nhưng có điều rất hay là chẳng cần nói ra thì ai cũng đều biết cả rồi. Điều này quả là khá ngộ nghĩnh: biết thì ai cũng biết, nhưng nói ra thì lại chẳng mấy ai dám nói, thậm chí không muốn nói, ai cũng muốn tránh né vấn đề. Người trong nước không dám nói và muốn tránh né vấn đề thì điều đó còn dễ hiểu, ai cũng biết được tại sao. Nhưng điều khó hiểu và ngộ nghĩnh hơn rất nhiều, đó là ngay cả người Kitô hữu hải ngoại, nhất là các bậc có chức có quyền trong một Giáo Hội mang danh là “Giáo Hội của sự thật”, cho dù được sống ngay trên những đất nước được gọi là “tự do”, cũng muốn tránh né vấn đề, và dường như cũng sợ hãi không dám nói. Không biết thái độ sợ hãi và tránh né như thế có đúng tinh thần của người Kitô hữu không ?

Chính vì thế, tôi không biết rằng đại hội mang danh là “Hội Ngộ Niềm Tin” của người Kitô hữu ở ngay tại trung tâm “Giáo Hội của sự thật”, có thật sự là một cuộc hội ngộ của niềm tin hay không. Hay nó cũng chỉ là một đại hội mang tên thật đẹp, thật ý nghĩa, nhưng bản chất đích thực của nó thì lại khác hẳn!

Lời nói của tôi có vị hơi chua chát, nhưng vì sự thật trong quá khứ đã xảy ra còn chua chát hơn nhiều. Vì thế, muốn nói sự thật làm sao tránh được vị chua chát! Đức Giêsu ngày xưa cũng đâu có ngọt ngào gì khi phải đề cập đến những sự thật chua chát! (x. Mt 23).

DANH XƯNG “HỘI NGỘ NIỀM TIN

Chắc hẳn khi đặt tên cho một đại hội, người ta phải suy nghĩ nhiều để chọn cho nó một cái tên thích hợp, đúng với bản chất mà mọi người mong muốn cho nó. Tôi không có nhiều thông tin về đại hội, nhưng cái tên của đại hội làm tôi rất thích thú: “Hội ngộ Niềm tin”, một cái tên rất đẹp và đầy ý nghĩa. Tôi hiểu nội dung của danh xưng đó như sau:

– “Hội ngộ”: “hội” là tụ lại, họp lại, “ngộ” là gặp nhau. “Hội ngộ” là tụ tập nhau lại một chỗ để cùng gặp gỡ nhau.

– “Niềm tin”: là sự tin tưởng vào một đối tượng nào đấy. Trong bối cảnh hiện nay, đại hội được tổ chức bởi các Kitô hữu tại Rôma, thủ đô của Giáo Hội, nên tôi hiểu niềm tin ở đây là niềm tin Kitô giáo, hay nói chính xác hơn, niềm tin Công giáo.

Vậy “Hội Ngộ Niềm Tin” – theo tôi hiểu – là một đại hội quy tụ những người có chung niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, chịu sự lãnh đạo của vị đại diện Ngài ở Rôma là Đức Thánh Cha, để họ gặp gỡ nhau hầu đi đến hiệp thông và hiệp nhất với nhau. Ngoài ra, đây còn là dịp thuận lợi để những người chung một niềm tin cùng nhau tuyên xưng niềm tin sống động của mình. Hy vọng việc tuyên xưng niềm tin này được thể hiện bằng thái độ và hành động thực tế, chứ không chỉ bằng những lời nói thật mạnh, bằng một bản tuyên ngôn thật kêu, hay bằng những nghi thức thật là trang trọng. Vì đức tin không được thể hiện thành hành động chỉ là “đức tin chết” (Gc 2,26; x.2,17), hay đức tin giả hiệu.

Đương nhiên không phải tất cả những ai có chung niềm tin vào Đức Giêsu đều có thể đến tham dự được, mà sẽ có rất nhiều người, có thể nói là đa số, không thể đến được. Vì thế, những người đến tham dự chỉ là một thiểu số có điều kiện đến. Do đó, dù muốn dù không, họ cũng mang tính đại diện cho tất cả khối người có chung niềm tin ấy. Việc tổ chức đại hội tại Rôma, thủ đô Giáo Hội, lại càng tăng tính đại diện của những người tham dự nhiều hơn nữa. Đại diện cho ai vừa là một vinh dự cũng vừa là một trách nhiệm. Trách nhiệm này buộc họ phải làm sao thể hiện được bản chất và nguyện vọng của toàn thể, chứ không phải của một giới nào trong toàn thể, nếu không được như vậy thì ít ra cũng phải là của đa số.

MUỐN HIỆP NHẤT, CẦN TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT CỦA NHAU

Muốn thực hiện được sự gặp gỡ đích thực để đi đến hiệp thông và hiệp nhất thì điều kiện tối yếu là mọi người tham dự phải tôn trọng sự khác biệt của nhau. Đây là một cuộc hội ngộ. Chữ “hội” bao hàm sự tụ tập của nhiều người khác nhau, đến từ nhiều nơi khác nhau, với những khuynh hướng khác nhau, tâm tính khác nhau. Chính vì sự khác nhau ấy mà chúng ta mới cần phải “ngộ”, tức gặp gỡ nhau, để cùng hiểu nhau, cùng cảm thông với nhau, cùng yêu thương nhau, hầu đoàn kết lại để cùng thực hiện sứ mạng Kitô hữu của mình. Chính nhờ biết tôn trọng những khác biệt của nhau, chúng ta mới có thể gặp gỡ và cảm thông lẫn nhau. Nếu ai cũng cố ép người khác phải trở nên giống như mình, thì đại hội sẽ trở nên rất nặng nề, và kết cục sẽ là “đường ai nấy đi”. “Hội ngộ” như thế thì chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách và chia rẽ! Chính Giáo Hội đã phải trả một giá vô cùng đắt là sự phân hóa Giáo Hội, biến Giáo Hội ban đầu vốn duy nhất thành vô số giáo phái khác nhau, độc lập nhau, không ai chịu ai. Tất cả đều chỉ vì tham vọng muốn “thống nhất bằng đồng dạng” thay vì “hiệp nhất trong đa dạng” của các tiền nhân trong Giáo Hội. Chính Đức Gioan-Phaolô II đã nhìn nhận tội phá hỏng sự hiệp nhất này của các con cái Giáo Hội trong tông thư “Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” (x. số 34,§1). Thiết tưởng chúng ta cần rút ra những bài học quí giá từ những biến cố đau thương ấy trong lịch sử Giáo Hội.

Tôi thấy nhiều người than phiền rằng hiện nay, khối người Việt hải ngoại nói chung, và khối người Kitô hữu nói riêng, không đoàn kết lại thành một khối thống nhất được, vì thế, không tạo được một sức mạnh lớn lao. Lý do chính yếu là vì không chịu “hiệp nhất trong đa dạng”, mà ai hay nhóm nhỏ nào cũng muốn “thống nhất bằng đồng dạng”. Nghĩa là ai cũng muốn mọi người trở nên giống như mình, trở thành một dạng duy nhất là dạng của mình. Nhưng có ai lại chịu trở thành người khác đâu! có nhóm nào lại muốn trở thành giống như nhóm khác đâu! người nào, nhóm nào cũng đều muốn giữ lập trường, chủ trương và đặc trưng của mình! Oái oăm thay, chính mình thì không muốn trở nên giống ai, nhưng người nào nhóm nào cũng thích người khác hay nhóm khác trở nên giống như mình! Thế là chẳng ai chịu ai, và kết cục là chia rẽ, “đường ai nấy đi” ! Sự chia rẽ này là điều mong muốn nhất của những kẻ không thiện cảm với Giáo Hội, vì nó góp phần làm nên thành công của họ, mà vô tình hay hữu ý chính chúng ta đã tiếp tay vào !

Rất mong đại hội “Hội Ngộ Niềm Tin” này sẽ lập được những nền tảng vững chắc cho sự hiệp nhất các Kitô hữu hải ngoại, và trở nên một chứng từ sống động về sự đoàn kết. Đây là một thách đố cho niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu, Đấng đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau”, đoàn kết với nhau (Ga 13,35).

Để đại hội này đi đến kết quả mà mọi người mong muốn là gặp gỡ nhau, đoàn kết và hiệp nhất với nhau, thì cần nêu cao khẩu hiệu “hiệp nhất trong đa dạng”. Nghĩa là hiệp nhất trong tinh thần tôn trọng những khác biệt của nhau, đừng ai ép ai phải trở nên giống như mình! Nói cụ thể, giới giáo sĩ đừng cố ép bậc giáo dân phải nghĩ hay làm giống như mình, và ngược lại. Người chủ trương tranh đấu đừng ép người chủ trương đối thoại trong ôn hòa phải giống mình, và ngược lại. v.v… Nếu cần phải đi đến một quyết định chung – tất nhiên lúc đó không thể theo ý kiến riêng của từng người hay từng nhóm – ta nên theo ý kiến của đa số. Hãy thực hiện tính dân chủ cho chính đại hội của mình trước đã, trước khi đòi hỏi áp dụng dân chủ ở chỗ khác.

HÃY THỂ HIỆN NIỀM TIN BẰNG HÀNH ĐỘNG

Chúng ta cần đoàn kết và hiệp nhất với nhau để cùng thể hiện niềm tin của mình với tư cách cộng đoàn, tập thể hay Giáo Hội. Không gì đẹp và ý nghĩa hơn cho đại hội “Hội Ngộ Niềm Tin” bằng việc làm mang tính tập thể ấy. Chữ “niềm tin” trong tên của đại hội cần được thể hiện một cách rõ rệt trong đại hội. Niềm tin của chúng ta là tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, với những tính chất căn bản sau đây:

Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6),

Ngài là đấng “sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37)

Ngài là đấng được “xức dầu tấn phong để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, giải phóng những kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, trả lại công lý cho người bị áp bức” (Lc 4,18)

Ngài là đấng đã tóm kết “những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật” (Mt 23,23), hay nói theo ngôn ngữ triết lý là “chân lý, công lý và tình thương”.

Ngài là đấng đã đưa ra một giới luật mới làm giới luật riêng cho những ai theo mình: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Ngài là đấng thích tự đồng hóa mình với tha nhân của ta: “Mỗi lần các ngươi làm (hoặc không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (hoặc không làm) cho chính Ta vậy” (Mt 25,40.45).

Ngài là đấng coi tình thương quan trọng hơn các nghi thức tôn giáo: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13; 12,7); “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

Ngài là đấng tự xưng “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Ngài cũng là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử, đã tự nguyện chịu đau khổ và chết để làm chứng cho sự thật, cho công lý và cho tình thương.

Có thể nói đó là những nét chính yếu trong chân dung của Đấng mà chúng ta tin, và lý tưởng của tất cả chúng ta là trở nên giống như Ngài. Thiết tưởng trong đại hội Hội Ngộ Niềm Tin, chúng ta cần làm sáng tỏ và nổi bật nội dung hay chân dung đích thật của niềm tin, để áp dụng niềm tin ấy vào đời sống thực tế của chúng ta.

ÁP DỤNG CỤ THỂ CỦA NIỀM TIN

Hiệp thông với quê hương và Giáo Hội Việt Nam

Để áp dụng tinh thần của niềm tin ấy trong đại hội Hội Ngộ Niềm Tin này, thiết tưởng điều hết sức quan trọng là chúng ta cần biểu lộ sự hiệp thông sâu xa với quê hương Việt Nam và Giáo Hội tại quê nhà vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Và thực tế hơn, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được để giúp quê hương và Giáo Hội tại quê nhà thoát khỏi những khó khăn đang gặp. Tôi muốn lập lại ý này là: chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể làm được; chứ không có ý nói: chúng ta hãy lên tiếng đòi buộc những người tại quê hương hay trong Giáo Hội ở quê nhà phải làm điều này điều kia. Nếu chúng ta thật sự xác định được tình trạng khó khăn của quê hương và đặc biệt của Giáo Hội tại quê nhà, nếu chúng ta có tình thương đích thực, ắt chúng ta sẽ không đòi hỏi Giáo Hội tại quê nhà – cách riêng những vị chủ chăn – những điều mà chính chúng ta cũng không thể làm được nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh ấy. Lại càng không thể đòi hỏi Giáo Hội tại quê nhà làm những điều mà chính chúng ta có thể làm được tại hải ngoại mà lại không chịu làm.

Chúng ta chỉ có thể động viên, khuyến khích, đề nghị, thuyết phục chứ không thể đòi buộc, rồi lên tiếng chỉ trích người trong cuộc nếu họ không chịu làm. Hãy cảm thông với những khó khăn, giới hạn và cả sự yếu đuối của Giáo Hội tại quê nhà hơn là nặng lời chê bai chỉ trích. Nói như thế không có nghĩa là tôi tán đồng thái độ im lặng và bất động của người Kitô hữu trước những đàn áp bất công tại quê nhà. Những bức tâm thư mà tôi đã đệ đạt lên HĐGMVN và những bài tôi đã viết về tự do tôn giáo chứng tỏ tôi không tán đồng, nhưng cũng không kết án hay chỉ trích. Tôi chỉ muốn nói là chúng ta không nên làm gì vượt quá giới hạn của chính mình. Chúng ta có quyền đề nghị, soi sáng, thuyết phục chứ không có quyền kết án, nhất là không có quyền thóa mạ hay xúc phạm. Những ai có khả năng và có trách nhiệm lên tiếng mà không lên tiếng thì có lỗi đối với Thiên Chúa, với quê hương, với Giáo Hội và với chính lương tâm của họ, chứ không có lỗi với chúng ta. Vả lại đó là tự do lương tâm của họ, thứ tự do mà ngay cả chính Thiên Chúa cũng tôn trọng. Thiên Chúa, lịch sử, và lương tâm của họ kết án họ là đủ rồi!

Có một điều tôi thấy thật mỉa mai, không hợp lý, và rõ ràng là bất công, là thiếu tình thương, thiếu sự thông cảm, thiếu tinh thần ngôn sứ. Đó là:

– một đằng thì ở trong nước, ai thao thức với sự thật, công lý và tình thương - tức ba điều mà Đức Giêsu cho là quan trọng nhất trong lề luật (x. Mt 23,23) – đều phải chấp nhận trả một giá rất đắt, có thể bằng chính sự an nguy của mình và của người thân mình, khi phải nói lên những sự thật cần thiết cho thế giới biết;

– một đằng thì tại hải ngoại, nhiều Kitô hữu lại tìm cách bưng bít những sự thật ấy, không muốn cho sự thật ấy được nói lên, mặc dù họ có nói lên thì cũng chẳng đến nỗi nguy hiểm hay mất mát gì. Đáng lẽ trong bầu khí tự do và thoải mái, người Kitô hữu hải ngoại phải tiếp tay hô to những sự thật ấy lên thay cho những người trong nước vốn khó có thể nói lên được! Tôi nhận thấy im lặng hay bưng bít sự thật trong trường hợp này mới đúng nghĩa là đồng lõa với sự ác!

Buồn cười, bất công và phi lý ở chỗ: các Kitô hữu, đặc biệt các chủ chăn, ở trong nước – vốn phải chịu biết bao giới hạn và khó khăn – nếu không chịu làm ngôn sứ thì bị trách móc thậm tệ; còn các Kitô hữu ở bên ngoài – vốn được hưởng biết bao tự do và dễ dàng – mà vẫn không chịu làm ngôn sứ thì dường như lại được vô can! Tôi thắc mắc không hiểu tại sao trong cộng đồng những người tin Chúa lại xảy ra những chuyện phi lý như thế?!

Có lẽ ai nấy, dù ở trong nước hay ngoài nước, hãy tự trách mình trước khi trách người khác. Hãy tự xét xem: chính bản thân mình đã làm những gì mà lương tâm mình đòi buộc phải làm cho quê hương và Giáo Hội tại quê nhà đang gặp khó khăn chưa? Trường hợp này, ta nên làm theo lời Đức Giêsu: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7).

Cần phân biệt: làm theo lương tâm và làm chính trị

Về vấn đề làm theo lương tâm, thiết tưởng chúng ta cần phân biệt và đừng lẫn lộn hai lãnh vực khác nhau: làm theo lương tâm và làm chính trị. Sở dĩ tôi muốn nói về vấn đề này vì rất nhiều người, kể cả ở hải ngoại, có mặc cảm không đúng về hai chữ “chính trị”, coi đó như một cái gì kỵ húy cần phải hết sức tránh né.

Điều đòi buộc tất cả mọi Kitô hữu là làm theo sự đòi buộc của lương tâm, chứ không phải là làm chính trị. Người Kitô hữu có quyền làm chính trị để xây dựng quê hương, xã hội, nhưng không ai bị đòi buộc phải làm chính trị cả. Đối với hàng giáo sĩ, thì Giáo Hội có lời khuyên không nên làm chính trị để có thể tập trung vào sứ mạng chính yếu của mình có tính tâm linh và tôn giáo. Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ khuyên chứ không cấm. Vì thế, hàng giáo sĩ và bất kỳ Kitô hữu nào cũng đều có quyền chủ trương không làm chính trị.

Tuy nhiên, khi làm theo những đòi buộc của lương tâm, ta sẽ thấy có nhiều trường hợp mà những điều lương tâm buộc phải làm ít nhiều có liên quan đến chính trị, hoặc có ý nghĩa chính trị. Lúc đó chúng ta không thể lấy lý do rằng vì việc ấy liên quan đến chính trị nên chúng ta không còn phải làm theo lương tâm nữa. Quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lạc. Mệnh lệnh của lương tâm là mệnh lệnh tuyệt đối và dứt khoát (impératif absolu et catégorique). Vì thế, ta có quyền từ chối không làm chính trị nếu việc làm chính trị ấy đi ngược lại mệnh lệnh của lương tâm. Nhưng ta không có quyền miễn làm theo mệnh lệnh lương tâm chỉ vì mệnh lệnh ấy không phù hợp với chủ trương không làm chính trị của ta. Rất tiếc có những Kitô hữu – thậm chí là giáo sĩ – đã nhân danh chủ trương không làm chính trị của mình để tự miễn cho mình những việc mà lương tâm hay sứ mạng mình đòi buộc lấy cớ là những việc làm ấy có liên quan đến chính trị.

Riêng tôi, chưa bao giờ tôi chủ trương làm chính trị cả, tôi muốn xa lánh nó là đàng khác, vì nó không phù hợp với bản tính của tôi. Nhưng nếu lý tưởng Kitô hữu của tôi đòi buộc tôi phải lên tiếng cho sự thật, cho công lý và tình thương, thì tôi cảm thấy lương tâm tôi đòi buộc phải lên tiếng bất chấp việc lên tiếng đó có tính cách chính trị hay không. Nếu không lên tiếng, tôi sẽ bị lương tâm cắn rứt. Theo tôi, lấy cớ không muốn làm chính trị để khỏi phải làm theo tiếng lương tâm, thì đó là một suy nghĩ lệch lạc về đạo đức và luân lý.

Đức Giêsu, các ngôn sứ xưa khi gặp những cảnh bất công thì đều lên tiếng phản đối, chứ không khoanh tay đứng nhìn như thể việc đó không liên can gì đến mình. Đức Giêsu đã lên tiếng tố cáo bọn kinh sư Do-thái là “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4), là “nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (23,4), là “bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (23,23), là “giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác” (23,34). Còn Gioan Tẩy giả thì tố cáo những việc làm sai trái của vua Hêrôđê đến nỗi bị vua bỏ tù và giết chết (x. Mt 14,3-12). Còn ngôn sứ Êlia thì lên tiếng tố cáo, kết án và nguyền rủa vua Akháp và hoàng hậu Giêdaben đã giết Navốt để chiếm đoạt vườn nho của người này (x. 1V 21,17-24). v.v…

Rất tiếc Đức Giêsu chỉ sống cuộc đời công khai có 3 năm, và dường như Ngài không gặp trường hợp bất công cụ thể nào của chính quyền Hêrôđê hay Rôma thời ấy để lên tiếng tố cáo. Chỉ thấy Ngài nói với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8,15), và Ngài gọi Hêrôđê là “con cáo”: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này (…)” (Lc 13,32). Nhưng chắc hẳn Ngài cũng tố cáo Hêrôđê chuyện gì đó mà Tin Mừng không nói đến, nên mới có chuyện “có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” (Lc 13,31). Nếu Đức Giêsu không nói gì động chạm đến Hêrôđê thì ông ta tìm giết Ngài làm gì? Thử hỏi Đức Giêsu và các ngôn sứ hành động như thế, có phải là làm chính trị hay không? Thưa: hoàn toàn không! Đức Giêsu chủ trương không làm chính trị, việc Ngài lẩn tránh khi đám đông muốn tôn Ngài làm vua chứng tỏ điều đó (x. Ga 6,15). Nhưng như vậy không có nghĩa là Ngài chủ trương im lặng trước bất công, trước người anh em mình bị đàn áp, dù kẻ đàn áp ấy là kẻ đang cầm quyền. Tôi nghĩ, tới ngày phán xét, rất có thể Ngài sẽ kết án chúng ta khi Ngài nói: “Ta bị kết án bất công, bị đàn áp một cách phi lý, bị cướp một cách trắng trợn trước mắt các ngươi mà các ngươi im lặng, không một lời can thiệp!” (x. Mt 25,45).

Xin đừng dại dột tự chụp mũ “chính trị” cho mình!

Khi con cái tôi bị nhà cầm quyền ức hiếp, bị chiếm đoạt nhà cửa, đất đai hay tài sản một cách bất công, nếu tôi, với tư cách là cha mẹ của chúng, lên tiếng bảo vệ con cái mình, thì đó không phải là làm chính trị! Đó chỉ là điều lương tâm của bậc cha mẹ buộc phải làm cho con cái mình, nếu không làm thì không phù hợp với đạo lý làm người, huống hồ với luân lý Kitô giáo! Con cái bị ức hiếp một cách bất công trước mắt cha mẹ, bị tước đoạt tài sản trước mặt cha mẹ, mà cha mẹ lại làm ngơ không một phản ứng nào mang tính phản đối, thì đó là cha mẹ gì? có phải là thật sự thương yêu con cái không? Nếu tôi đối xử như vậy đối với con cái tôi, thì liệu chúng có trách móc hay buồn hận tôi không? Con cái tôi sẽ nghĩ thế nào nếu tôi ngụy biện rằng: vì bênh vực con trong trường hợp đó là làm chính trị, nên cha mẹ đành phải khoanh tay im lặng?

Khi gia đình tôi bị người khác xâm phạm, ức hiếp, nếu tôi là chủ gia đình, thì lương tâm tôi buộc tôi phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ gia đình, không cách này thì cách khác. Nếu người xâm phạm đến gia đình tôi là chính quyền, thì việc tôi bảo vệ gia đình tôi cũng không phải là làm chính trị. Là chủ gia đình, nếu tôi im lặng, bất động, để mặc ai muốn làm gì gia đình mình thì làm, lấy lý do rằng bảo vệ như thế là làm chính trị, thì quả thật tôi đã không làm đúng vai trò người chủ gia đình, tôi đã lỗi trách nhiệm với gia đình!

Cũng vậy, là con cái trong nhà, khi thấy cha mẹ và anh chị em mình bị ức hiếp, gia đình mình bị tan nát một cách phi lý và bất công, mà cứ khoanh tay đứng nhìn một cách thụ động, không phản đối, làm y như mình là người xa lạ, thì đó là thứ con cái gì? hoặc chính mình ở ngoài không thèm làm gì, chỉ khoanh tay đứng nhìn, rồi cứ thúc giục cha mẹ hay anh chị em mình đang bị ức hiếp phải la to lên cho mọi người nghe thấy, thì đó là thứ con cái gì? có phải là loại con hiếu thảo hay không? Nếu lại tự cho rằng bênh vực cha mẹ và anh chị em mình trong trường hợp đó là làm chính trị để khỏi phải làm gì cả, thì làm như thế là làm theo nền luân lý nào? đạo nào hay tôn giáo nào dạy làm như vậy?

Vậy, thiết tưởng chúng ta đừng quá kỵ húy hai chữ “chính trị” đến nỗi phải sợ hãi và xa tránh nó như sợ hủi, đến nỗi không còn dám làm theo tiếng lương tâm của mình nữa! Và cũng đừng tự chụp mũ “chính trị” cho những việc hợp tình hợp lý, mà đạo lý và lương tâm mình đòi buộc phải làm.

Nếu gặp những trường hợp khó xử thế này thì Đức Giêsu hành động thế nào? Hãy nghe Ngài nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10,11-13). Tôi nghĩ rằng sứ mạng chính yếu của Giáo Hội – đặc biệt của các mục tử – nằm ở chỗ này, là thể hiện thật sự tình yêu thương đối với nhau, đối với đàn chiên, và đối với mọi người. Chứ không phải là bảo vệ những nghi thức phụng vụ, những luật lệ, tính phẩm trật, những điều kiện để làm chuyện này việc kia … Tất cả những thứ này đều rất cần thiết nhưng không phải là chính yếu hay cốt tủy của Kitô giáo. Hãy tôn quí và bảo vệ bản chất của Giáo Hội là tình thương và sự hiệp thông, thậm chí hơn cả sự tồn tại của chính Giáo Hội, mặc dù cả hai – bản chất và tồn tại – đều tối cần thiết và quí giá. Bởi vì “nếu muối nhạt đi, thì lấy gì ướp nó mặn lại được? Nó đã thành vô dụng thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).
***
Nghe danh xưng “Đại Hội "Hội Ngộ Niềm Tin"”, một danh xưng rất đẹp và đầy ý nghĩa, tôi cũng kỳ vọng khá nhiều vào đại hội này. Đặc biệt, tôi mong cộng đồng Kitô hữu hải ngoại cảm thông sâu xa với Giáo Hội Mẹ tại quê hương đang gặp muôn vàn khó khăn, mà khó khăn và khó xử hơn cả là các chủ chăn. Xin hãy thông cảm, khích lệ nhiều hơn là chê trách, nhất là đừng nặng lời hay xúc phạm. Điều tôi mong muốn hơn nữa là hãy thể hiện sự cảm thông ấy bằng hành động thật sự, chứ đừng chỉ bằng tuyên ngôn, bằng lời nói, hay chỉ bằng lời cầu nguyện xuông. Hãy làm tất cả những gì có thể làm để quê hương và Giáo Hội Việt Nam được tự do, phát triển, và nhất là để Giáo Hội hoàn thành được sứ mạng xây dựng Nước Trời – tức một xã hội thấm nhuần đạo lý và đầy tình yêu thương – ngay trên đất nước mình.

Tôi xin gửi gấm tâm tình chân thành yêu thương và phó thác của tôi đến tất cả những ai đi tham dự đại hội này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Đại Hội và mọi người tham dự, đồng thời làm cho Đại Hội sinh hoa kết quả tốt đẹp! Amen.

Sàigòn, 4-7-2003

NGUYỄN CHÍNH KẾT