Cảm tưởng về
vụ án Linh mục Nguyễn văn Lý
vụ án Linh mục Nguyễn văn Lý
http://lenduong.net/article.php3?id_article=1617
Nguyễn Chính Kết
Với tư cách là một công dân trong một nước mà trong đó chính quyền luôn tự hào là tôn trọng nhân quyền thuộc hàng bậc nhất thế giới, thậm chí hơn các nước khác hàng triệu lần, tôi cảm thấy an tâm khi sử dụng cái nhân quyền ấy để phát biểu những gì mà lương tâm buộc tôi phải nói về vụ án của linh mục Nguyễn văn Lý tại Huế cách đây một năm, tức ngày 19-10-2001. Nhân dịp cha Lý bị xử được một năm, tôi xin phát biểu trung thực những gì tôi nghĩ trong lương tâm mình, để công lý được xét một cách khách quan và nhiều chiều hơn. Xét đi xét lại trước khi phát biểu bài này, tôi thấy việc phát biểu của tôi trên nguyên tắc được luật nhân quyền quốc tế bảo vệ, và hoàn toàn không vi phạm hiến pháp hay luật pháp của đất nước mình.
Sự kiện mà ai cũng phải công nhận là: cha Lý là người đã từng công bố nhiều lần trên mạng lưới internet nhận xét của mình rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm nhân quyền trong đó có quyền tự do tôn giáo mà cha Lý cương quyết tranh đấu đòi hỏi cho bằng được dù sống hay chết. Ngài có đưa ra những bằng chứng có thể kiểm chứng được cho những điều ngài công bố.
Tôi nghĩ trong một nước tôn trọng nhân quyền, thì việc nhận xét và đòi hỏi như thế không có gì là vi hiến hay vi phạm luật pháp cả. Một người khi bị đánh có quyền kêu đau và nói lên ý nghĩ của mình rằng bị đánh như thế là hợp lý hay bất công. Cũng vậy, cha Lý nhận thấy trong nước không có tự do tôn giáo một cách thỏa đáng, đó là nhận xét của cha Lý, cha có quyền nói lên điều ấy, miễn là có đầy đủ bằng chứng. Nếu không có bằng chứng, chính quyền có quyền qui kết cha tội vu khống chính quyền. Nếu có bằng chứng, thiết tưởng chính quyền nên xét lại xem điều người dân kêu ca có thật sự là đúng không. Nếu đúng thì sửa sai cho dân nhờ. Thế là xong chuyện, có gì đâu mà rắc rối? Ai mà chẳng có lúc sai trái! Chính kẻ tự hào rằng mình không bao giờ sai trái mới là kẻ nói dối! Nếu dân nói không đúng thì tìm cách thuyết phục họ trong tinh thần đối thoại công khai và thẳng thắn. Điều quan trọng là tìm ra sự thật ở phía nào.
Như tôi được biết, sau khi khởi sự cuộc tranh đấu vào tháng 11-2000, thì vào đầu tháng 1 năm 2001, cha Lý và Thượng Tọa Thích Thái Hòa được ông Chủ Tịch Ủy Hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ mời sang Hoa Kỳ để điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ về thực trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Và vì hai người ấy có thể không đi được, ông chủ tịch hội ấy đã yêu cầu hai vị viết một bản điều trần về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn hỏi ý kiến của hai vị được mời về những vấn đề sau đây:
– Quốc Hội Hoa Kỳ có nên phê chuẩn Hiệp ước Mậu dịch Song phương Mỹ-Việt không?
– Việc phê chuẩn hay không phê chuẩn ấy có ảnh hưởng gì trên các chính sách nhân quyền của Việt Nam không?
– Nó có thể có hiệu quả trên chính sách của chính phủ Việt Nam đối với tự do tôn giáo chăng?
Cha Lý có quyền nói những gì mà lương tâm mình cho là sự thật, và trả lời những câu hỏi ấy theo lương tri của mình. Về Hiệp ước Mậu dịch Song phương Mỹ-Việt, cha Lý không phản đối việc phê chuẩn, trái lại còn mong ước việc phê chuẩn ấy được thực hiện vì lợi ích của quốc gia mình. Tuy nhiên, theo nhận định của cha Lý, nếu trong nước những quyền căn bản của con người chưa được tôn trọng một cách thích đáng, thì việc phê chuẩn hiệp ước ấy chỉ có lợi chủ yếu cho một thiểu số nắm quyền mà thôi, còn đại đa số dân chúng sẽ không được hưởng lợi bao nhiêu. Như thế, sự chênh lệch và bất công giữa người giàu và người nghèo lại càng lớn thêm. Do đó, ý kiến của cha Lý là đề nghị Hoa Kỳ phê chuẩn hiệp ước với điều kiện là chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền trước đã. Cha Lý không phản đối việc phê chuẩn, mà chỉ yêu cầu một sự phê chuẩn có điều kiện. Nếu cha Lý nhắm tới quyền lợi của đa số dân chúng, thì việc ngài yêu cầu việc phê chuẩn có điều kiện như thế là hợp lý và khôn ngoan!
Thật vậy, nếu chính quyền chủ trương tôn trọng nhân quyền thì điều kiện ấy không gây một trở ngại hoặc thiệt hại gì cho đất nước cả. Nếu với điều kiện hợp lý ấy mà hiệp ước không được ký kết chỉ vì các điều kiện không được thỏa mãn, thì lỗi nằm về phía chính quyền chứ không phải nằm về phía cha Lý. Còn nếu trong nước đã có nhân quyền đầy đủ, thì chính quyền không có gì phải lo lắng cả, cứ việc cho các giám sát quốc tế tự do vào trong nước mà thẩm định bất cứ chỗ nào, bất cứ khía cạnh nào, vì cây ngay không sợ chết đứng. Và nếu đã có nhân quyền đầy đủ, đương nhiên hiệp ước sẽ được ký kết với sự thỏa lòng của cả chính quyền lẫn toàn dân. Được như thế thì tốt đẹp biết bao!
Nếu chính quyền không dám cho giám sát quốc tế vào, thì quốc tế có thể đặt một dấu hỏi rất lớn về tình trạng nhân quyền của Việt Nam: nếu đã có nhân quyền, tại sao lại phải ngăn trở người của quốc tế gặp người này hay người kia? tại sao lại cản trở, không cho phép họ tới chỗ này hay chỗ kia?
Tôi xin lấy chính kinh nghiệm của tôi để ví dụ. Nếu tôi cảm thấy mình không làm điều gì sai trái hay phạm pháp, thì tôi chẳng sợ chính quyền tới điều tra hay khám xét nhà vào bất cứ lúc nào, vì có khám thì cũng chẳng thấy gì. Chỉ khi nào tôi phạm pháp mà muốn che dấu, thì tôi mới sợ điều ấy và tìm cách ngăn cản hết sức có thể.
Thật vậy, khi chính quyền đến khám xét nhà tôi vào tối ngày 5-4-2001, thái độ của tôi là tích cực tạo mọi điều kiện dễ dàng để nhân viên đến khám xét thi hành tốt nhiệm vụ, mặc dù việc khám xét này là bất ngờ đối với tôi. Bất ngờ vì tôi nghĩ tôi chưa làm điều gì quá đáng đến mức chính quyền phải xét nhà. Các nhân viên công lực đến khám xét nhà tôi tối hôm đó có thể làm chứng về sự tích cực của tôi trong việc tạo điều kiện dễ dàng cho họ thi hành nhiệm vụ. Thái độ tích cực ấy chứng tỏ được sự vô tội của tôi. Nếu tôi tìm cách cản trở việc khám xét nhà hôm ấy, chắc chắn chính quyền có quyền nghi ngờ rằng tôi đang muốn che dấu một hành vi phạm pháp nào đấy, và sự nghi ngờ đó rất hợp lý.
Quan điểm của cha Lý là coi trọng vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo hơn việc phát triển kinh tế, đó là quan điểm của cha mà mọi người phải tôn trọng, cũng như phải tôn trọng lập trường ngược lại nếu lập trường này có lý. Ngài có quyền nói lên lập trường của mình khi được hỏi ý kiến, và có quyền đề nghị để Quốc hội Hoa Kỳ theo lập trường của ngài. Quốc Hội Hoa Kỳ đâu có phải là trẻ con để cứ nhắm mắt thi hành điều ngài đề nghị mà không cứu xét gì cả. Nếu Quốc Hội thi hành, thì chủ yếu không phải vì đó là lời đề nghị của cha Lý, mà vì họ xét thấy đề nghị ấy là hợp lý. Họ có thể xét đoán sai, nhưng đó là quyền và trách nhiệm của họ, không phải là trách nhiệm của cha Lý.
Chẳng hạn hiện nay tôi có quyền đề nghị với chính quyền thả tự do cho cha Lý hoặc giam giữ ngài lâu hơn nữa, với những lý do của tôi. Đó là quyền tự do phát biểu ý kiến của tôi. Còn chính quyền nghe hay không nghe theo tôi đó là quyền của chính quyền, và chính quyền sẽ chịu trách nhiệm về việc làm của mình chứ không phải tôi.
Để tranh đấu, cha Lý đã dùng phương pháp ôn hòa, không bạo động, chỉ lên tiếng kêu gọi mọi người cùng đồng tình và cùng tranh đấu với mình. Tôi chưa hề nghe cha Lý bạo động với ai, hoặc hô hào ai bạo động. Ngài có quyền đề nghị đất nước đi theo một chiều hướng khác với chiều hướng đang theo. Nếu ngài phi lý thì sẽ chẳng ai hoặc rất ít người theo ngài, nếu ngài nói hợp lý mà nhiều người theo, chính quyền có thể cứu xét, đặt lại vấn đề. Đâu có gì phải làm lớn chuyện. Điều cha Lý yêu cầu chủ yếu là tự do tôn giáo. Nếu thấy những đòi hỏi ấy là hợp lý, chính quyền chỉ việc thỏa mãn là xong chuyện. Còn nếu thấy những đòi hỏi ấy là không hợp lý thì chính quyền cứ việc mở những cuộc thảo luận công khai để cùng nhau đối chất làm sáng tỏ vấn đề cho mọi người cùng thấy. Điều ấy không nằm ngoài khả năng của chính quyền.
Để tranh đấu, mọi người đều có quyền phổ biến lập trường của mình để nhận được sự đồng tình và ủng hộ của người khác. Tương tự như trong thời Pháp thuộc, bác Hồ đã phổ biến tư tưởng và lập trường tranh đấu của bác trên những tờ báo của bác. Tôi thấy bác Hồ còn tranh đấu mạnh hơn cha Lý một bậc là bác tranh đấu trong bạo động chứ không chỉ ôn hòa trên giấy bút, trên các phương tiện truyền thông.
Nếu tranh đấu mà cứ im lặng, không nói cho ai biết lập trường của mình, thì còn gì là tranh đấu nữa! Vì thế, nếu đã đồng ý là người dân có quyền tranh đấu, thì không thể kết án cha Lý đã phát tán tài liệu của mình được. Chẳng lẽ phải xin phép chính quyền rồi chờ chính quyền cứu xét và cho phép thì mới được phát tán? Bác Hồ ngày xưa có xin chính quyền Pháp thuộc kiểm duyệt các bài báo của mình trước khi phổ biến đâu! Nếu bác xin phép chính quyền Pháp thuộc kiểm duyệt trước khi phổ biến, liệu có bao giờ họ cho phép không? Nếu có thì quả là chuyện lạ! Bác có chờ chính quyền Pháp cho phép rồi mới phổ biến không? Làm như thế thì còn tranh đấu gì nữa! Vấn đề cần phải minh bạch là chính quyền có cho phép người dân tranh đấu hay không?
Trong một nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền, bất cứ người dân nào cũng có quyền có một lập trường khác với lập trường của chính quyền, và được quyền quảng bá lập trường của mình, miễn không gây náo loạn hay mất an ninh trật tự trong nước. Hiến pháp và luật pháp của một nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền còn tạo điều kiện cho người dân tranh đấu chống lại những bất công trong xã hội, dù bất công ấy do chính quyền hay một tổ chức nào nào gây ra. Đó là quyền biểu tình, đình công, v.v... Thiết tưởng những quyền này có ghi trong hiến pháp và luật pháp của nhà nước ta. Vấn đề là những điều luật công nhận những quyền ấy trong thực tế có được chính quyền tôn trọng hay không.
Nếu lên tiếng tranh đấu chống bất công, chống tham nhũng mà cũng phải xin phép thì làm sao chống được? Nếu kẻ có quyền cho phép tranh đấu lại chính là kẻ tham nhũng, kẻ gây bất công thì họ ngu gì mà cho phép? Chẳng lẽ lúc đó kẻ chống tham nhũng đành thụ động khoanh tay ngồi chờ cho phép? Nói như ông Trần Khuê, những kẻ tham nhũng khi tham nhũng có xin phép ai đâu? Nếu tham nhũng được tự do hơn là chống tham nhũng - nghĩa là tham nhũng thì không phải xin phép còn chống tham nhũng thì phải xin phép - thì sự kiện tham nhũng lan tràn khắp đất nước là chuyện tất yếu thôi. Chủ trương ai chống tham nhũng phải xin phép và phải chờ cho phép mới được chống như thế thì chống tham nhũng làm gì nữa!?
Điều cha Lý kết án chưa có ai xử dùm ngài, thì chính cha Lý đã bị người mình kết án cho ngồi tù và đem ra xử rồi. Trong vụ án 19-10-2001, tôi nhận thấy:
Người bị cha Lý kết án là vi phạm nhân quyền bây giờ lại kết án ngược lại chính ngài. Kẻ bị tố cáo giờ trở thành quan tòa, và người tố cáo trước đây giờ trở thành bị cáo. Làm sao quan tòa có thể xét xử một cách khách quan chính người đã kết án mình trước đây?
Xử một người đã công khai lên tiếng tố cáo mình trước thế giới mà lại xử kín, thì chỉ làm cho người ngoài nghi ngờ tính khách quan và công bằng của mình thôi. Nhưng tại sao lại phải xử kín? Mình đường đường là chính quyền của cả một nước, nắm "quyền chính" trong tay, thì cứ theo cách "đường đường chính chính" đúng với tư cách của mình mà làm, cần gì phải hành xử kín đáo như thể mình là người nắm "quyền tà", hay "quyền phụ" trong tay. Tại sao thế? Tại sao lại không xử một cách công khai, có đối chứng, có tranh cãi để mọi người thấy được phải trái một cách khách quan, để họ "tâm phục khẩu phục"? nhất là cần sự có mặt của quốc tế, vì bị cáo là người đã từng buộc tội chính quan tòa trước thế giới? Nếu xử kín thì vụ án ấy còn giá trị gì nữa? Ai tin được một vụ án xử kín như thế là có công lý?
Xử một người nổi tiếng cả thế giới và được rất nhiều người trên thế giới bênh vực mà lại xử kín, trong đó chỉ có công tố viện độc quyền buộc tội, không có nhân chứng, không có luật sư bào chữa, bị cáo không có quyền bào chữa... Vụ án này phải chăng là một mô hình thu gọn phản ánh thực trạng một chiều và độc quyền của xã hội đã hình thành vụ án ấy? phải chăng cứ nhìn vào vụ án ấy, người ta có thể thấy được thực chất của xã hội Việt Nam?
Hiện nay, tôi cũng như nhiều người trong nước và hải ngoại chỉ biết cha Lý bị kết án 15 năm tù vì hai tội danh:
1) phá hoại tình đoàn kết dân tộc (13 năm),
2) chống lại lệnh quản chế và cấm không thi hành nhiệm vụ linh mục (2 năm).
Ngoài ra không biết là ngài đã phá hoại tình đoàn kết dân tộc ở chỗ nào. Còn việc ngài chống lại lệnh quản chế là vì ngài tuyên bố lệnh ấy căn cứ trên nghị định 31/CP là một nghị định vi hiến rõ ràng mà ngài đang tranh đấu để bãi bỏ. Khi có sự mâu thuẫn giữa hiến pháp và nghị định, ngài phải tôn trọng hiến pháp hơn nghị định chứ! Còn việc ngài thi hành nhiệm vụ linh mục vì ngài nghĩ đó là quyền và là nhiệm vụ của ngài đã được Giáo Hội chính thức công nhận, chính quyền không thể cấm được nếu thật sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Vì không thấy được sự hợp lý của vụ án nên tôi - và chắc chắn nhiều người khác - không thể "tâm phục khẩu phục" được.
Tôi viết bài này chẳng phải để chống lại ai, mà chỉ là để nói lên cảm tưởng và ý kiến của mình hầu làm cho việc xét xử bớt tính chất một chiều đi, để nhờ đó công lý được sáng tỏ hơn. Tôi thiết tưởng đó chẳng những là điều nên làm, mà là điều lương tâm buộc phải làm nữa.
Sàigòn, ngày 2-10-2002
Nguyễn chính Kết
6/8A, đường Quang Trung,
Phường 12, Quận Gò Vấp,
TP Hồ chí Minh
(email: sntm_nck@yahoo.com)
Nguyễn chính Kết
6/8A, đường Quang Trung,
Phường 12, Quận Gò Vấp,
TP Hồ chí Minh
(email: sntm_nck@yahoo.com)