Cảm Tưởng
Khi Dự Phiên Tòa Phúc Thẩm
Xử Mục Sư Nguyễn Hồng Quang
Ngày 12-4-2005

NGUYỄN CHÍNH KẾT

Đọc thông tin trên mạng Internet, tôi được biết từ tuần trước rằng phiên tòa phúc thẩm xử mục sư Nguyễn Hồng Quang sẽ diễn ra ngày 12-4-2005. Tôi dự định sẽ đến tham dự phiên tòa này để bầy tỏ sự hiệp thông với mục sư Quang và ủng hộ tinh thần ông. Nhưng tối hôm trước (11-4), anh tổ trưởng dân phố của tôi đến nói rằng anh công an khu vực hẹn tôi 8g00 sáng mai sẽ đến nhà gặp tôi vì có công việc cần bàn. Kinh nghiệm từ những lần có vụ án Hoa+Cường+Việt và vụ án mục sư Quang trước đó, tôi đoán thế nào chính quyền cũng có màn gì đó để cản trở tôi, tôi bèn ra khỏi nhà từ 6g00. Thế là tôi có mặt tại tòa án từ 6g30 sáng 12-4-2005.

Vừa bước vào cổng tòa án, tôi đã thấy một ông già ngồi ngay ở lề lối đi gần cổng tòa án. Thì ra ông là Chân Tín, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế, dù đã 85 tuổi, nhưng trông người vẫn còn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông nổi tiếng về việc tranh đấu cho nhân quyền cả trong chế độ trước lẫn chế độ này. Vì thế, tôi vẫn gọi ông là “ông già gân”.

Tôi hỏi ông:

- Sao Cha đến sớm vậy?

Ông cụ trả lời:

- Tôi đi sớm để bù cho lần xử trước tôi không có mặt được. Lần trước, nghe tin mục sư Quang bị xử, tôi rất muốn đến tham dự, nhưng bận phải giải quyết chuyện quan trọng trong nhà dòng, không sao đến được. Hôm nay tôi thấy cần phải bày tỏ tâm tình hiệp thông sâu xa của tôi đối với cơn khổ nạn vì công lý của mục sư Nguyễn Hồng Quang.

Đi một vòng bên trong, tôi thấy cảnh trí của tòa án hôm nay khác hẳn những ngày thường. Có các hàng rào màu trắng-đỏ chận ngang trước cổng chính vào tòa án, và có các cảnh sát cơ động đứng canh gác rất cẩn thận, không biết từ hồi nào (xem hình 1). Ở phía để xe, có sẵn một chiếc xe cứu hỏa mà tôi nghĩ là để sử dụng khi cần thiết, chẳng hạn để giải tán đám đông (xem hình 2).
hình 1

hình 2

Chúng tôi ngồi đây để tiện quan sát những người sẽ tới tham dự phiên tòa. Ngồi đấy, ngay trước trạm gác cổng, suốt nửa tiếng không sao cả, dẫu lúc nào trạm gác ấy cũng có người. Bỗng một nhân viên bảo vệ đến gây sự:

- Yêu cầu hai anh ra ghế đằng kia ngồi, không được ngồi ở đây. Chỗ này không phải là chỗ ngồi. Cần phải dành chỗ cho người ta qua lại.

Thật phi lý khi mà phía bên kia lối đi, đối xứng và y hệt với bên này, đang có cả hàng chục người ngồi thì anh ta không đuổi, lại đuổi 2 chúng tôi. Có lẽ anh ta đã nhận ra tôi, một người đã từng đến đây nhiều lần trong những vụ xử Hoa-Việt-Cường, vụ xử mục sư Quang và những người cùng vụ, và đã có những hành vi đáng lưu ý (chẳng hạn đòi vào tham dự vì tòa thông báo sẽ xử công khai, v. v).

Thấy một lệnh phi lý đầy ngẫu hứng như vậy, linh mục Chân Tín nói:

- Các bậc này làm cao lên là để cho người ta ngồi, vì trong này chỉ có một vài cái ghế đá, nếu không được ngồi ở đây thì khi đông người người ta ngồi ở đâu? Anh đừng có cậy quyền cậy thế mà đòi hỏi người dân phải làm theo ý mình những chuyện phi lý, hoặc cấm người ta làm những chuyện mà bình thường người ta vẫn có quyền làm.

Anh bảo vệ:

- Đây là cơ quan của tôi, tôi có trách nhiệm bảo vệ ở đây. Tôi yêu cầu hai anh ra ghế kia mà ngồi.

Tôi trả lời:

- Xin lỗi anh, đây là tòa án nhân dân, nghĩa là của nhân dân, chứ không phải chỉ là cơ quan của riêng anh, anh đâu có quyền đòi hỏi chúng tôi phải làm theo ý anh như ở trong nhà của anh được!

Anh ta lại lập lại lời yêu cầu:

- Tôi yêu cầu hai anh ra ngồi ở ghế đằng kia!

Linh mục Chân Tín trả lời:

- Nếu anh đặt cái bảng cấm không được ngồi ở đây, thì chúng tôi sẽ đi. Không có bảng cấm, có nghĩa là chúng tôi có quyền ngồi. Nếu anh muốn tụi tôi đi, thì anh cứ việc làm gì thì làm. Nếu cần thì anh cứ việc dùng dùi cui. Chúng tôi biết mình có quyền ngồi ở đây, và chúng tôi cứ ngồi.

hình 3
Anh bảo vệ:

- Các anh trông có vẻ là người có học, sao các anh cứng đầu thế?

Tôi trả lời:

- Chính vì chúng tôi có học, nên chúng tôi mới không chịu làm tay sai cho ai, chúng tôi mới biết mình có quyền ngồi ở đây và chúng tôi làm theo quyền ấy. Không phải hễ có ai cậy quyền cậy lực đòi hỏi những chuyện phi lý thì chúng tôi cũng đều răm rắp làm theo đâu.

Thấy không làm gì được, anh ta đành chịu trận, mặc kệ chúng tôi ngồi ở đấy bao lâu tùy ý. Không biết hành động như thế thì linh mục Chân Tín và tôi có bị kết án là chống người thi hành công vụ không? Trong đất nước này, pháp luật được tùy tiện cắt nghĩa và áp dụng tùy theo ý riêng của nhân viên chính quyền, thì việc bị kết án như thế vẫn có thể xảy ra, mà vụ án mục sư Nguyễn Hồng Quang là một trường hợp điển hình và cụ thể. Hay như Đại Đức Thích Viên Phương chỉ đem cuốn băng video thâu hình thâu tiếng của Hoà Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Độ gửi cho Ủy Ban Liên Hiệp Quốc thì đã bị rêu rao là tiết lộ tài liệu mật! Anh bảo vệ này mới chỉ là một nhân viên bảo vệ quèn mà đã muốn tùy tiện, tự ý “ra luật” để ép buộc người dân phải theo ý riêng mình như thế. Nếu được làm quan lớn, không biết anh ta sẽ tùy tiện ra luật và hống hách tới đâu!?

Càng lúc số người vào sân tòa án càng đông. Tôi thấy có cả những tín hữu người sắc tộc cũng đến tham dự và chứng kiến cảnh “chính quyền” - nói đúng hơn là “tà quyền” - xử án vị lãnh đạo Giáo Hội của họ. Cứ xem cách hành xử của tòa án này hôm nay thì biết họ là “chính quyền” hay “tà quyền”!

Khi xử án Năm Cam, một vụ án mang tính biểu diễn để tuyên truyền về quyết tâm chống tham nhũng của nhà nước, thì chính quyền xử một cách công khai, ra vẻ là một quyết tâm thật sự. Họ biết xử như vậy là hợp lòng dân, là đúng đắn, hợp lý, đúng công lý. Nhưng khi xử các nhà dân chủ, thì họ luôn luôn xử kín đáo, mặc dù vẫn tuyên bố không ngượng miệng trước đó là sẽ xử công khai. Tại sao lại phải kín đáo? Vì họ biết rằng nếu xử công khai thì không thể xử cách lấp liếm theo ý mình được, không thể xử cách bất công được. Vì thế, đối với những hạng “khó ưa”, không chịu khom lưng tùng phục những lệnh phi lý của họ, họ bắt buộc phải dẵm, phải chà đạp lên chính pháp luật mà đúng ra họ phải bảo vệ, để kết án hạng này cho bằng được, cho dù họ có vô tội mười mươi đi nữa. Không ghép được tội này thì phải ghép tội kia, miễn sao có tội để mà ghép hầu bịt miệng và vô hiệu hóa cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ của họ. Và các báo chí gia nô của chính quyền - trong nước chỉ có loại báo này thôi - tha hồ mà bêu riếu, bôi nhọ, vu vạ cho các nhà dân chủ. Họ có nói quá đáng, phi lý, không bằng chứng cũng chẳng sao, vì điều đó hợp với chủ trương của nhà nước ta.

Những người đến “tham dự” cuộc xử án mục sư Nguyễn Hồng Quang hôm nay, chính tôi đếm nhanh theo đầu người vào lúc 9g30, thì được khoảng trên 200. Gọi là “tham dự” cho oai, chứ thực ra có ai cho họ tham dự phiên tòa đâu. Trong vụ xử mục sư Nguyễn Hồng Quang và truyền đạo Phạm Ngọc Thạch, tòa án “công khai kiểu cộng sản” này chỉ cho phép bà mục sư Quang và cha ruột của truyền đạo Thạch được tham dự thôi. Nếu có thêm ai thì đều là người cùng phe với “tà quyền” cả. Đó là “phiên tòa xử công khai” theo định nghĩa trong tự điển riêng của những người cộng sản! Những người được gọi là “tham dự” trên, chỉ được phép ngồi ở ngoài sân tòa án để tưởng tượng cảnh xử án công khai mà kín đáo ở tuốt bên trong.

Những người “tham dự” - xin cứ tạm gọi như vậy cho “oai” - trước hết và đa số gồm các tín đồ giáo hội Mennonite, trong đó có những người sắc tộc đến từ Tây Nguyên. Theo mục sư Nguyễn Công Chính (cũng có mặt hôm nay) thì có khoảng gần 70 người từ Tây Nguyên về đây. Ngoài ra còn có nhiều mục sư và truyền đạo thuộc Hiệp Hội Thông Công Tin Lành. Tất cả đều đến để biểu lộ sự cảm thông và đồng tình với mục sư Quang và truyền đạo Thạch, là những người đang gặp khó khăn vì bảo vệ công lý, đòi hỏi tự do tôn giáo đích thực cho họ.

Trong số những người tham dự, có con gái út của Ms Nguyễn Hồng Quang, khoảng 2 tuổi, được bà mục sư đưa tới để cháu chia sẻ những nỗi khó khăn với bố (xem hình 4). Nhưng anh bảo vệ đã tự tiện đòi buộc cô coi giữ em bé phải đem em ra ngoài, không cho phép em được ở trong sân tòa án hôm nay. Cô này nói: “Tại sao hôm nay lại không được đưa em bé vào sân tòa án? Tôi được mẹ cháu giao phó trông coi em bé tại đây. Nếu ông đòi hỏi như thế thì ông cứ tự tiện dắt em bé ra khỏi cổng”. Thấy đuối lý, anh bảo vệ bèn để mặc em bé ở trong sân tòa án.

hình 4

hình 5

Chúng tôi còn nhận thấy sự có mặt của ông John Morgan, phó lãnh sự Hoa Kỳ tại Sàigòn, nhân viên tòa đại sứ Canada, và nhân viên tòa đại sứ Italia ở trong sân tòa án (xem hình 5).

Để có thể viết bài tường thuật một cách sống động về vụ án phúc thẩm này, tôi bèn đem máy hình ra chụp quang cảnh tại sân tòa án. Vừa chụp được mấy ảnh, lập tức một anh bảo vệ đến chận tôi lại:

- Này, anh không được quay phim ở đây!

- Ồ xin lỗi, tôi đâu có quay phim, tôi chỉ chụp hình thôi. Tôi trả lời rồi chụp tiếp.

Một mục sư đưa máy ảnh nhờ tôi chụp dùm, tôi sẵn sàng. Thấy tôi chụp tiếp, một anh bảo vệ khác đến ngăn lại:

- Anh không được chụp hình!

- Đâu có ai cấm chụp hình ở đây! Tôi cãi lại.

Mọi khi tôi vẫn thấy người ta chụp hình ở ngoài này mà, có ai cấm đâu?

- Riêng ngày hôm nay, không ai được phép chụp hình cả. Anh bảo vệ nói. Nếu anh tiếp tục chụp hình, tôi sẽ tịch thu máy của anh.

- Sao lại kỳ vậy? Tôi bẻ lại. Tòa án nói xử công khai mà bây giờ lại xử kín. Đã xử kín lại còn không cho phép ai chụp hình cả ở bên ngoài này nữa là làm sao? Bưng bít vừa vừa phải phải thôi chứ!

Tôi vẫn cứ chụp, có điều là không dám lộ liễu như trước nữa. Bị tịch thu máy thì làm sao có hình ảnh để viết bài tường thuật? để mọi người biết diễn biến sự việc ra sao một cách có bằng chứng?

Thì ra tòa án đang làm điều sai trái, đang xử án bất công, nên rất sợ sự thật, muốn bưng bít sự thật được chừng nào hay chừng nấy! Nếu tòa án chủ trương hành động theo kiểu “đường đường chính chính”, “quang minh chính đại”, thì sợ gì ai mà phải lén lút, sợ gì ai mà phải cấm chụp hình!? Nếu xử án đúng theo công tâm, đúng theo pháp luật, thì cần gì phải xử kín, cần gì phải hạn chế tối đa số người tham dự? Nếu thật lòng muốn xử công bằng, cần gì tòa án phải vi phạm pháp luật và làm điều khuất tất nhiều lần trong vụ này, chẳng hạn như:

- Theo điều 242 luật tố tụng hình sự thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm. Đằng này luật sư Đài chỉ nhận được giấy xác nhận bào chữa vào ngày 4/4/2005, nghĩa là chỉ còn 1 tuần để xem hồ sơ và gặp các thân chủ của mình trước ngày xử.

- Riêng mục sư Quang, truyền đạo Thạch chỉ được báo về phiên tòa phúc thẩm xử họ ngay buổi sáng hôm họ phải ra tòa.

- Theo luật-pháp của CHXHCNVN, phiên tòa phúc thẩm phải được diễn ra trong vòng 90 ngày kể từ ngày tòa sơ thẩm chuyển hồ sơ lên tòa phúc thẩm. Đằng này từ tòa sơ thẩm (12-11-2004) đến tòa phúc thẩm (12-4-2005) là 150 ngày, không biết tòa sơ thẩm chuyển hồ sơ lên tòa phúc thẩm ngày nào? !

Có cuộc xử án nào như thế mà được mọi người coi là công bằng không? Chỉ có sự công khai mới chứng tỏ được tính trong sáng và công bằng trong xử án mà thôi! Đằng này thì ai cũng thấy một sự bưng bít rất công khai. Với cách hành xử như vậy, nhà nước này có nên được gọi là “chính quyền” không? Nếu gọi là “tà quyền” thì có xứng hợp hơn không? Vì kẻ gian tà bao giờ cũng sợ dư luận, sợ công khai, thích dấu diếm, bưng bít đủ thứ!

Ngoài các tín đồ và mục sư, truyền đạo Mennonite ra, tôi còn thấy có rất nhiều mục sư thuộc Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam cũng đến tham dự (xem hình 6). Họ cũng như mục sư Nguyễn Hồng Quang, là những mục sư hành đạo tại tư gia, không có nhà thờ, nên khá nhiều vị cũng bị chính quyền khó dễ, bắt bớ. Tôi có tìm hiểu về những giáo phái này. Họ chủ trương nhóm họp, thờ phượng Chúa tại tư gia, theo kiểu Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô, tức Giáo Hội khoảng 3 thế kỷ đầu. Họ muốn bắt chước Chúa Giêsu và các tông đồ: các Ngài thời ấy đâu có nhà thờ nhà nguyện gì, thế mà đạo Chúa vẫn phát triển rất mạnh, không chỉ về số lượng mà còn về phẩm chất nữa. Họ muốn xây dựng những nhà thờ tâm linh bên trong tâm hồn các tín hữu hơn là xây dựng những nhà thờ vật chất bên ngoài. Nhưng ở Việt Nam, hình thức sống đạo, hành đạo và truyền đạo theo kiểu “về nguồn” này không được luật pháp chấp nhận, vì nhà nước rất khó quản lý và nắm đầu.
hình 6

hình 7
Để biểu lộ sự hiệp thông sâu xa và cụ thể hơn với mục sư Quang và truyền đạo Thạch đang bị xử án bất công và kín đáo trong tòa án, một số tín đồ Mennonite đã âm thầm lặng lẽ và rất trật tự đến ngay trước hàng rào chắn trước lối vào tòa nhà chính để ngồi đấy cầu nguyện cho hai người đang gặp khó khăn (xem hình 8). Số khác ngồi tại chỗ hiệp thông cầu nguyện (xem hình 9 và 10).

(hình 8)
hình 9

hình 10

Khoảng 10g00, phiên tòa chấm dứt. Mọi người bên ngoài chờ đợi bà Ms Quang ra cho biết kết quả (xem hình 11 và 12). Và kết quả là: tòa án - do Thẩm phán Nguyễn Xuân Phát chủ tọa Hội Đồng Xét Xử - đã tuyên bố y án như phiên tòa sơ thẩm đối với Mục sư Nguyễn Hồng Quang (3 năm tù) và Truyền đạo Phạm Ngọc Thạch (2 năm tù).

hình 11

hình 12

Để kết luận, tôi xin dùng lời của Luật sư Nguyễn Văn Đài, người biện hộ cho Mục sư Nguyễn Hồng Quang và nhà truyền đạo Phạm Ngọc Thạch tại phiên toà xử phúc thẩm hôm 12/4/05, đã cho đài Á Châu Tự Do biết: “Trước phiên toà phúc thẩm, khi tranh luận với đại diện Viện kiểm soát thì tôi đã chứng minh tất cả những cáo buộc của Viện kiểm soát đối với ông Quang là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Theo điều 257 Bộ luật hình sự thì quy định hành vi "dùng vũ lực" hoặc "đe doạ dùng vũ lực" thì cả 2 hành vi đó hôm nay trước toà, các nhân chứng, cả ông Quang lẫn ông Thạch, đều thừa nhận không có hành vi "dùng vũ lực" hoặc "đe doạ dùng vũ lực". Cũng như phía Hội đồng xét xử cũng nói cả 2 người không có hành vi đó”. Theo ông, “bị cáo Quang và Thạch không hề vi phạm một điều khoản nào của bộ luật hình sự”.

Kết tội ông Nguyễn Hồng Quang và ông Phạm Ngọc Thạch mà "không có sự việc phạm tội", không có "hành vi không cấu thành tội phạm" như thế thì công lý không được thi hành, luật pháp không nghiêm minh, và làm thiệt hại đến uy tín của Toà án với nhân dân trong nước cũng như với cộng đồng Quốc tế” (trích bài biện hộ của Ls Đài trước tòa án).

Nhưng bất chấp những chứng cớ và những lý lẽ hợp lý của luật sư Đài, tòa án vẫn kết tội hai nạn nhân của pháp luật là chống người thi hành công vụ. Vì thế, Ls Đài cho biết là ông rất thất vọng vì bản án phúc thẩm mà toà án đã tuyên cho Mục sư Nguyễn Hồng Quang cũng như ông truyền đạo Phạm Ngọc Thạch.

Tôi không hề lấy làm lạ lẫm gì về kết quả phiên tòa phúc thẩm này là y án phiên tòa sơ thẩm. Nếu có sự giảm nhẹ hay tha bổng thì mới là điều lạ. Vì cho dù hai bị can này theo lý có hoàn toàn vô tội đi chăng nữa, thì tòa án cũng bị bắt buộc phải kết án là có tội. Tội đích thực của họ chính là dám lên tiếng tranh đấu cho tự do và dân chủ, dám tố cáo chính quyền là vi phạm nhân quyền cho dù bằng phương cách ôn hòa, bất bạo động. Đó là những tội mà chế độ này khó có thể dung tha!


hình 13

Khoảng 10g30, mọi người ra về với một tâm trạng buồn bã và không mấy hài lòng. Trong lúc đó, các cảnh sát cơ động đang dẹp bỏ hàng rào để trả lại cho tòa án vẻ bình thường hằng ngày của nó (xem hình 13).

NGUYỄN CHÍNH KẾT



________________________________________________________________________